Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Những lời khuyên “kinh điển” của George Soros về đầu tư

George Soros là nhà đầu cơ thành công nhất trên thế giới và được biết đến nhiều qua tên gọi “người phá sập ngân hàng Anh”.

Những lời khuyên “kinh điển” của George Soros về đầu tư
Nổi tiếng với nhiều thương vụ khổng lồ trên thị trường tiền tệ, nhưng ông lại rất kín tiếng trong công việc và đời sống. Ông không hay đưa ra lời khuyên về đầu tư, nhưng nếu có thì chúng đều rất sâu sắc và giá trị.
1. Đầu tư trước, tìm hiểu sau
George Soros thường nói với đồng nghiệp trong quỹ Quantum của mình rằng: “Hãy cứ đầu tư trước, tìm hiểu sau”. Cố gắng đọc ý nghĩ của thị trường là một phần trong công việc đầu tư chứng khoán của ông.
Qúa trình đầu tư của Soros thường bắt đầu bằng việc phác thảo một giả thuyết. Là một sinh viên theo học ngành chính trị và kinh tế học khi còn trẻ, ông thường cho ra những dòng ý tưởng mới mang dáng vẻ của một “triết gia” trên thị trường.
Vì thế, phương pháp của ông là lập ra một giả thuyết, tiến từng bước ngắn và thận trọng để kiểm chứng giả thuyết đã đưa ra xem thử ý tưởng này đúng hay sai. Khi đã biết chắc giả thuyết của mình là có cơ sở, ông lắng nghe thị trường để tính toán xem nên làm gì tiếp theo.
Nếu thử nghiệm của ông khẳng định là vụ đầu tư này sẽ đem lại lợi nhuận, thì ngay lập tức ông quyết định sẽ mua nhiều hơn. Còn nếu thử nghiệm bị thua lỗ, nghĩa là diễn biến của thị trường không như ông suy đoán, Soros có thể sẽ chỉnh sửa hoặc là cho ra một giả thuyết mới.
2. Đúng hay sai đều không quan trọng
Một cộng sự tài giỏi trong quỹ Quantum của Soros, Stanley Druckenmiller có lần thực hiện một vụ giao dịch cho công ty bằng việc bán non đồng đô la Mỹ để mua đồng mác Đức. Vụ việc đang có lãi, Soros đột nhiên hỏi: “Số tiền đầu tư của anh lớn đến mức nào?”
“1 tỷ đô la” Druckenmiller trả lời. “Anh gọi đó là bỏ vốn đầu tư à?” Soros nhắc nhở.
“Việc đúng hay sai đều không quan trọng. Quan trọng là số tiền kiếm được khi đúng và số tiền mất đi khi sai.” Soros nói với cộng sự của mình. Qua đó, một khi bạn tin chắc khả năng thành công của một thương vụ, bạn phải tấn công quyết liệt cho dù phải đi vay một khoản lớn.
3. Tôi có thể sai lầm
Khi hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, Soros vẫn luôn ý thức rằng mình có thể sai lầm và rằng quan điểm của ông chưa chắc đã đúng. Vì thế mà ông luôn khắt khe với quá trình tư duy và giả thuyết về thị trường của mình. Chính điều đó đã mang đến cho ông sự nhanh nhẹn và linh hoạt về mặt trí tuệ.
Là một nhà đầu tư nổi danh với sự khôn ngoan và mặt trí tuệ tinh thông, Soros không cảm thấy khó khăn khi phải thừa nhận sai lầm. Ông luôn tin rằng việc dũng cảm nhận ra sai lầm là điều cấn thiết, nếu bạn muốn trung thực với chính mình.
Đối với một số người, việc mắc sai lầm là điều gì đó rất đáng xấu hổ. Còn Soros thì khác. Nhận ra sai lầm là điều đáng tự hào. Một khi đã nhận ra sự thiếu hoàn hảo ấy là đặc điểm tự nhiên của con người, thì chúng ta sẽ thấy việc mắc sai lầm chẳng có gì phải xấu hổ cả. Chính việc không chịu sữa chữa sai sót mới đáng xấu hổ.
4. Những người đầu cơ nên lẳng lặng mà làm
Vốn là người kín đáo, Soros muốn thông tin về hoạt động của quỹ Quantum càng ít xuất hiện trên công chúng càng ít càng tốt. Luôn giữ kín các ý tưởng đầu tư của mình là một trong những bí quyết đầu cơ của Soros.
Tờ Institutional Investor diễn tả về Soros như sau: “Có nét bí ẩn như một chuyên gia ảo thuật, một người cô độc không bao giờ để lộ hành tung, thậm chí còn giữ khoản cách với cả người cộng tác của mình.”
Đội ngũ nhân viên của Qũy Quantum được Soros nghiêm cấm tiết lộ với công chúng bất kỳ thông tin gì nếu chưa được ông cho phép. Bởi vì, ông không muốn nhiều người biết được kế hoạch và dự định đầu cơ của mình trong tương lai.
Nếu phát hiện ra những gì mình làm, các nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào thị trường, kéo theo việc giá cả sẽ thay đổi và có thể làm tình hình sẽ diễn biến bất lợi. Đây sẽ là một kết cục tồi tệ. Vì thế, đối với một nhà giao dịch những vụ mua bán lớn như Soros, tác hại của việc phổ biến thông tin về kế hoạch đầu cơ của mình sẽ rất nặng nề.
5. Trong trường hợp nào, tôi cũng sẽ không cần tới bằng cấp
Được mọi người đánh giá là một trong những nhà đầu tư thành công nhất thế giới và là bậc thầy trong lĩnh vực đầu tư, thế nhưng Soros lại chưa có bất kỳ một chứng chỉ nào về chứng khoán. Loại bằng cấp mà bất kỳ nhân viên nào của các công ty ở Wall Street cũng đều bắt buộc phải có.
Thật ra, Soros cũng có tham gia thi để lấy chứng chỉ này, nhưng ông đã trượt. Một lần tại công ty có tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ dành cho nhà phân tích chứng khoán, một loại chứng chỉ chuyên môn.
Sau một thời gian cố tình né tránh, Soros đã phải đăng ký dự thi và ông đã không làm được bài ở bất kỳ đề tài nào. Lúc đó, ông bảo người trợ lý của mình rằng anh ta phải tham dự kỳ thi và phải thi đậu.
“Theo tôi hiểu thì sau hay bảy năm nữa, chứng chỉ này sẽ không còn được xem là quan trọng và đến lúc đó, hoặc là tôi sẽ tiến bộ hơn nhiều đến mức không cần nó nữa, hoặc là tôi sẽ trở thành một kẻ thất bại. Tức là trong trường hợp nào thì tôi cũng sẽ không cần đến nó nữa.” Soros nói.

50 bài học quản trị từ Jobs, Gates, Buffett và Branson

Steve Jobs, Bill Gates, Warren Buffett, Richard Branson - 4 bộ óc vĩ đại, 4 quan điểm và phong cách lãnh đạo khác nhau. Họ học hỏi lẫn nhau và truyền cảm hứng cho nhau.

50 bài học quản trị từ Jobs, Gates, Buffett và Branson
Dưới đây là 50 câu nói của những người nổi tiếng thành công này, tuy ngắn nhưng đủ để chúng ta rút ra được nhiều bài học quản trị bản thân:
Steve Jobs
 
1. Sáng tạo là nói không với hàng ngàn thứ.
2. Trong rất nhiều trường hợp, người khác không biết họ muốn gì cho đến khi bạn cho họ thấy điều họ muốn.
3. Chất lượng quan trọng hơn số lượng. Như trong bóng chày, một cú đánh mạnh ăn điểm trực tiếp (home run) vẫn hơn là hai lần chạy được về chốt gôn.
4. Một nửa sự khác biệt giữa nhà kinh doanh thành công và không thành công là sự bền gan vững chí.
5. Công việc sẽ chiếm một phần lớn trong cuộc đời bạn, và cách duy nhất để hoàn toàn hài lòng với cuộc sống là làm công việc bạn tin là quan trọng.
6. Sáng tạo là điểm phân biệt nhà lãnh đạo và người đi theo.
7. Những điều tôi yêu thích nhất trên đời đều không tiêu tốn một đồng nào. Nguồn lực quý báu nhất chúng ta có rõ ràng là thời gian.
8. Thiết kế không chỉ là hình thức và cảm nhận. Thiết kế chính là cách vận hành.
9. Tôi là người duy nhất tôi biết đã mất 250 triệu đô trong một năm… Trải nghiệm đó giúp tôi rèn giũa nhân cách.
10. Một trong các câu thần chú của tôi: Sự chú tâm và sự đơn giản.
11. Thời gian của bạn có hạn, đừng phí phạm khi cố gắng sống cuộc đời của người khác.
Bill Gates
 
12. Thành công là người thầy tồi, nó làm cho những người thông minh tin là họ không thể thất bại.
13. Ăn mừng thành công không phải là xấu nhưng quan trọng hơn cả là chú ý đến những bài học rút ra từ thất bại.
14. Ai trong chúng ta cũng cần có người đưa ra phản biện để giúp chúng ta tiến bộ.
15. Những vị khách hàng không hài lòng sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều nhất.
16. Con người luôn luôn sợ thay đổi.
17. Hầu hết mọi người đều đánh giá quá cao những việc có thể làm trong một năm và đánh giá thấp những việc có thể làm trong mười năm.
18. Đừng so sánh bản thân với bất kỳ ai trên đời. Vì như vậy là xúc phạm chính mình.
19. Nếu không làm ra được sản phẩm tốt, ít nhất cũng làm ra sản phẩm trông có vẻ tốt.
20. Thành công của chúng ta ngay từ ban đầu đã luôn dựa vào sự hợp tác.
21. Để gặt hái được thành công lớn, đôi khi bạn phải chấp nhận rủi ro cao.
22. "Tôi không biết" đã biến thành "Tôi chưa biết".
Warren Buffett
 
23. Chúng ta được bóng râm che mát hôm nay là nhờ ai đó nhiều năm trước đã trồng cây.
24. Quy tắc số 1: Đừng bao giờ để mất tiền. Quy tắc số 2: Đừng bao giờ quên Quy tắc số 1.
25. Mất 20 năm để gây dựng danh tiếng và 5 phút để hủy hoại danh tiếng đó.
26. Ta không cảm nhận được sợi xích của thói quen khi nó còn rất nhẹ cho đến khi nó quá nặng để có thể dứt bỏ.
27. Giá tiền là thứ bạn trả, giá trị là điều bạn nhận được.
28. Trưng cầu dư luận xã hội không thể thay thế cho tư duy.
29. Cách duy nhất để được yêu thương là trở thành con người đáng yêu.
30. Tiên đoán giông bão không có tác dụng gì cả. Quan trọng là phải xây thuyền lớn phòng khi ngập lụt.
31. Khi phát hiện ra mình đang ở trong hố thì điều quan trọng nhất là hãy dừng ngay việc đào hố.
32. Có những việc phải cần thời gian. Bạn không thể sinh một em bé trong một tháng bằng cách khiến chín phụ nữ mang bầu.
33. Chỉ khi thủy triều xuống thì chúng ta mới biết ai không mặc đồ bơi.
Richard Branson
 
34. Chúng ta đâu có học đi nhờ làm theo quy tắc, mà là bằng cách cứ đi và ngã đấy thôi.
35. Công việc kinh doanh chỉ đơn giản là một ý tưởng giúp cuộc sống của người khác dễ dàng hơn.
36. Tôi nhìn nhận cuộc đời là một quá trình học tập lâu dài.
37. Công việc kinh doanh cần phải hấp dẫn, phải vui, và phải khiến bạn thực hành bản năng sáng tạo.
38. Cơ hội kinh doanh giống như những chuyến xe buýt. Hết chuyến này sẽ có chuyến khác.
39. Tôi tin vào chủ nghĩa độc tài từ tâm, chỉ cần tôi là nhà độc tài.
40. Cách tốt nhất để học bất kỳ điều gì là cứ bắt tay vào làm thôi.
41. Đừng tư duy theo hướng "làm cách nào tiết kiệm chi phí nhất" hay "làm cách nào nhanh nhất"..., hãy nghĩ "làm cách nào tốt nhất".
42. Hãy sử dụng cảm xúc trong công việc. Bản năng và xúc cảm sẽ giúp bạn thành công.
43. Tinh thần khởi nghiệp là biến những điều bạn thích làm thành tiền, để bạn được làm công việc đó nhiều hơn và gặt hái thành công.
44. Đôi lúc bạn cũng phải biết nghi ngờ những nhà lãnh đạo.
45. Lắng nghe. Chọn những điều tốt nhất. Bỏ những thứ còn lại.
46. Thời điểm tốt nhất để tham gia vào một công việc kinh doanh mới là khi những người khác đang gặp khó khăn trong điều hành công việc đó.
47. Nếu bạn biết tìm ra điều tốt đẹp nhất trong con người nhân viên, họ sẽ tỏa sáng.
48. Tôi không tách bạch công việc ra công việc và chơi ra chơi. Cả hai đều là cuộc sống.
49. Thái độ sống của tôi là tận hưởng từng phút giây mỗi ngày.
50. Đừng xấu hổ vì thất bại. Hãy học từ thất bại và bắt đầu lại.

Phong cách quản trị lập dị của Shigenobu Nagamori


Dưới sự lãnh đạo của Nagamori, doanh số bán của Nidec đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1998.


Phong cách quản trị lập dị của Shigenobu Nagamori
Tham vọng quan trọng hơn cả trí thông minh trong thế giới của Shigenobu Nagamori. Là Tổng Giám đốc nhà sản xuất mô-tơ Nhật Nidec, Nagamori nổi tiếng bởi phong cáchquản trị rất lập dị.
Các ứng viên được Công ty xem xét tuyển dụng phải tranh đua với nhau trong các cuộc thi… ăn và la hét. Ai mới được tuyển dụng vào làm ở trụ sở đặt tại Kyoto phải… chùi rửa nhà vệ sinh.
“Những người có động cơ thúc đẩy có thể làm bất kỳ việc gì nếu họ làm việc cật lực”, Nagamori nói trong cuốn tự truyện theo phong cách truyện tranh có tựa đề The Man Hotter Than The Sun (tạm dịch Người đàn ông nóng hơn cả mặt trời).
Theo Nagamori, yếu tố thành công không nằm ở tài năng mà ở niềm đam mê, lòng nhiệt thành, sự gan lì, kiên trì, quyết theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Các nhân viên đều đi theo tôn chỉ này của ông, theo Ken Kusunoki, Giáo sư về chiến lược kinh doanh tại Đại học Hitotsubashi của Tokyo. Họ được khuyến khích, được thúc đẩy để làm việc một cách say mê, với lòng kiên trì như những gì Nagamori yêu cầu ở họ. “Đó là lý do ông có thể khiến cho những công ty mà ông điều hành trở nên sinh lời”, Kusunoki nói.
Những công ty đó bao gồm hơn 41 doanh nghiệp mà Nidec đã thâu tóm kể từ khi được thành lập vào năm 1973. Nhiều công ty trong số này lâm vào tình cảnh khó khăn, thậm chí mấp mé bờ vực phá sản. Nhưng không lâu sau, các công ty đã sinh lời trở lại.
Chẳng hạn, vào năm 2003, khi Nidec mua lại Sankyo Seiki Manufacturing, một nhà sản xuất robot công nghiệp, công ty này đã thua lỗ 280 triệu USD, năm tồi tệ thứ 3 liên tiếp. 12 tháng sau khi thương vụ thâu tóm hoàn tất, Sankyo Seiki đã lãi 178 triệu USD. “Những con người đã làm thua lỗ hàng tỉ yen thì cũng chính những con người đó - cụ thể là những nhà quản lý, những công nhân đó - đã học được cách làm sao để kiếm ra tiền”, Nagamori nói.
Phần lớn các thương vụ thâu tóm sau năm 2001 đã giúp bành trướng phạm vi hoạt động của Nidec ra khỏi lãnh thổ nước Nhật. Tập đoàn này hiện đang là nhà sản xuất mô-tơ chính xác lớn nhất thế giới, cung cấp hơn 80% mô-tơ trong ổ cứng. Trong những năm gần đây, Nidec đã bắt đầu sản xuất mô-tơ cho dụng cụ, máy móc thiết bị nhà xưởng, ôtô. Mức vốn hóa thị trường của Nidec đang vào khoảng 23 tỉ USD và số cổ phần của Nagamori hiện trị giá 2 tỉ USD, đưa ông trở thành người giàu thứ 10 nước Nhật.
Nidec tuyển dụng khoảng 128.000 nhân viên trên toàn cầu. Các nhà điều hành doanh nghiệp như nhà sáng lập Masayoshi Son của Tập đoàn Softbank đều tìm đến Nagamori để được tư vấn về các thương vụ thâu tóm và cách quản trị. Nagamori đã gặp gỡ cả những nhà lãnh đạo cấp quốc gia như Thủ tướng Narenda Modi của Ấn Độ, nơi ông gần đây đã xây dựng một nhà máy và có thêm 4 nhà máy nữa đang được triển khai.
Các nhà điều hành trong cuộc khảo sát được Nikkei BP, một ấn phẩm kinh doanh có tiếng tăm ở Nhật, thực hiện vào mùa thu vừa qua đã bầu chọn Nagamori là vị CEO xuất sắc nhất của nước Nhật.
Vị CEO xuất sắc nhất nước Nhật này là một người đi lên từ hai bàn tay trắng. Bắt đầu chỉ với 3 nhân viên, ông đã làm ra các mô-tơ nhỏ trong một túp lều kế bên ngôi nhà nông trại của mẹ ông tại Kyoto.
Các công ty Nhật, vì nghi ngờ về năng lực sản xuất của công ty mới thành lập này, nên đã từ chối đặt mua mô-tơ của ông. Vì thế, Nagamori đã đi sang Mỹ và đã ký được hợp đồng với hãng 3M để sản xuất loại mô-tơ nhỏ hơn cho máy ghi âm. “Nhờ đó, tiếng tăm của Nidec Corporation bắt đầu vang xa cả trong nước lẫn ngoài nước”, cuốn tự truyện viết.
“Trong những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tuyển dụng những nhân viên bị loại từ các công ty khác. Không ai chịu làm cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã đào tạo họ giỏi lên và họ đã thực sự rất xuất sắc”, ông nhớ lại. Nagamori cho biết các nhân viên tốt nghiệp từ các trường quản trị kinh doanh hàng đầu như Harvard và MIT đều “bất lực” khi đụng đến chuyện làm ra lợi nhuận.
Vì thế, ông đã thành lập một trường quản trị kinh doanh “trong nhà” dành cho nhân viên của mình. Công thức của ông trong việc vực dậy các công ty không sinh lời là bán nhiều sản phẩm hơn và cắt giảm chi phí. Một tấm áp phích được treo trong các văn phòng của Nidec ghi khẩu hiệu: “Làm ngay, làm hoài và làm cho đến khi nào hoàn thành mới thôi”.
Những vụ thâu tóm lớn đã hoàn tất của Nidec
Những vụ thâu tóm lớn đã hoàn tất của Nidec
Vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, Nidec đã mua lại các công ty Nhật đang trên bờ vực phá sản và mua lại những đơn vị bỏ đi của Toshiba và Hitachi. Khi người tiêu dùng chuyển sang dùng máy tính bảng và điện thoại thông minh, thị trường dành cho mô-tơ ổ cứng đã bắt đầu đi xuống. Vì thế, Nagamori đã lao vào cơn sốt thâu tóm khác. Nidec đã thâu tóm 14 công ty kể từ năm 2000. Một trong những thương vụ đầu tiên của ông là mua lại bộ phận mô-tơ của nhà sản xuất thiết bị Mỹ Emerson Electric.
“Phần lớn mọi người không nghĩ rằng ông sẽ có thể xông pha và tìm một động cơ tăng trưởng mới như vậy”, Scott Foster, chuyên gia phân tích tại Advanced Research tại Tokyo, nhận xét. Doanh số bán của Nidec đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 1998, vượt qua con số 1.000 tỉ yen, tương đương khoảng 8,4 tỉ USD tính đến tháng 3/2015.
Mục tiêu kế tiếp của Nagamori là 10.000 tỉ yen vào năm 2030. Nếu đạt được con số này, Nidec sẽ được xếp vào hàng ngũ 6 công ty lớn nhất nước Nhật, lớn hơn cả Sony và Hitachi hiện nay. Nagamori, năm nay 70 tuổi, đã cam kết sẽ đi tới cùng cho đến khi Nidec đạt được mục tiêu đó.
Cách quản trị của Nagamori đã giúp nhiều công ty khởi sắc trở lại, nhưng không phải nhân viên nào cũng xem đó là điều kỳ diệu. Setsuo Matsui, về hưu vào năm 2010 sau 42 năm làm việc tại một nhà máy Sankyo ở Nagano, cho biết sau khi Nidec mua lại Công ty, Nagamori đã yêu cầu các công nhân phải đi làm sớm mỗi ngày để dọn dẹp sạch sẽ nhà máy và các chuyến đi nghỉ mát đều không khuyến khích.
Matsui vẫn còn nhớ ngày Chủ Nhật không nhận tiền công mà ông trải qua trong một buổi tập huấn về hành vi ứng xử nơi công sở. Nagamori đã yêu cầu tất cả mọi người phải học cách cúi chào cho đúng. “Tôi không cảm thấy thoái mái khi yêu cầu phải thanh toán tiền làm quá giờ hoặc xin nghỉ làm một khoảng thời gian nào đó. Chẳng có ai làm vậy cả”, Matsui nói.
Sau khi thâu tóm một nhà sản xuất máy bơm nước Đức đóng cửa vào tháng 2, Nagamori đã đi sang Merbelsrod, Đức để viếng thăm các nhà máy và văn phòng ở đó. Ông nhìn quanh xem có bụi bẩn hay tường có cần phải sơn lại, bất kỳ cái gì cần phải dọn cho sạch sẽ.
“Có nhiều thứ cần phải cải thiện. Nó làm tôi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ khi chứng kiến điều đó. Tôi luôn phiền lòng nếu không thấy được gì cần phải thay đổi, cải thiện”, ông nói.

Chiến trận online ở Trung Quốc: "Mèo" Alibaba vs "chó" JD

JD.com là đối thủ truyền kiếp của Alibaba trên mặt trận thương mại điện tử ở Trung Quốc.

Chiến trận online ở Trung Quốc: "Mèo" Alibaba vs "chó" JD
Tập đoàn Alibaba vốn "xưng hùng" thị trường thương mại điện tử Trung Quốc bấy lâu nay, nhưng gần đây phải luôn đề cao cảnh giác trước những cái tên mới cùng ngành. Trong đó, JD.com là đối thủ lâu đời mang lại nhiều mối đe dọa nhất. Có lẽ phải dùng từ "ghét nhau như chó với mèo" để miêu tả cuộc cạnh tranh giữa hai tập đoàn này, khi mà hài hước thay, linh vật của trang mua sắm Tmall Alibaba là mèo, còn JD.com là hình chú cún.
Toàn cảnh "chiến trận online" ở Trung Quốc
Khác với Alibaba, JD.com mua hàng từ các nhà cung cấp rồi bán trực tiếp cho khách hàng. JD.com còn duy trì thị trường cho các hãng bán hàng và trả hoa hồng cho JD.com.
Còn Alibaba, thực chất công ty này không bán sản phẩm mà là kết nối người bán với người mua, kiếm tiền qua quảng cáo và các dịch vụ khác cung cấp cho hàng triệu cá nhân sử dụng thị trường.
80% doanh số bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc thu về tay Alibaba. Vị thế này được bảo đảm nhờ có trang Taobao sôi động với ngót nghét 8 triệu người bán, trong đó có rất nhiều cá nhân. Ngang vai với Taobao, JD.com có Paipai, quy mô nhỏ hơn và chưa thấy tiết lộ số lượng người bán chính xác.
Nhưng theo số liệu của iResearch, trong phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của thị trường bán lẻ trực tuyến, bao gồm các doanh nghiệp bán hàng online và sàn thương mại điện tử lớn như Tmall, Alibaba chỉ chiếm 58,6% trong quý đầu năm 2015, không khác mấy so với năm ngoái, trong khi JD.com đã bật nhảy từ 19,2% lên 22,8%.
Tuy tổng lượng giao dịch năm ngoái của Alibaba là 411 tỷ USD, lớn hơn nhiều so với năm đối thủ lớn cộng lại, nhưng công ty vẫn phải thừa nhận rằng sức ép cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt hơn, nhất là khi có các đối thủ ở thị trường ngách như nhà bán mỹ phẩm trực tuyến Jumei International, nhà bán lẻ thời trang giá rẻ Vipshop hay như Yihaodian - cửa hàng tạp hóa online bị Wal-Mart mua lại trong tháng 7 vừa rồi.
 
Alibaba "chèo kéo" khách sộp như thế nào?
Nhờ duy trì doanh số ấn tượng cho các sản phẩm quần áo thông dụng của hãng Uniqlo trên trang web mua sắm, Alibaba đã thể hiện vị trí đứng đầu trong mảng bán lẻ trực tuyến toàn cầu với lượng giao dịch lên tới 441 tỉ USD trong năm ngoái. Còn mấy tháng gần đây, Alibaba cũng như nhiều trang mua sắm online khác đang cố "dỗ dành" các thương hiệu lớn ký hợp đồng độc quyền bằng các gói khuyến mại lớn, cũng như không quên đả kích nhau trên truyền thông.
Cuối tháng Tư vừa qua, Jack Ma đã gửi lời giới thiệu đến riêng ngài Tadashi Yanai, lãnh đạo Fast Retailing, công ty mẹ của Uniqlo và cũng là nhà sản xuất quần áo lớn nhất châu Á. Trước đó, Fast Retailing mới bắt đầu bán sản phẩm của Uniqlo trên JD.com, doanh số cũng rất đáng nể. Nhưng Jack Ma nói với ngài Yanai rằng nếu Uniqlo tiếp tục "trung thành" với Alibaba, công ty sẽ tạo điều kiện cho Uniqlo tăng lưu lượng truy cập và doanh số.
Thế là tới tháng 7, Uniqlo liền rút chân khỏi JD.com thật, với lý do "không phù hợp với chiến lược". Phía JD đồ rằng sự ra đi này không chỉ đơn thuần do hiệu quả kinh doanh thôi đâu, vì lượng cầu rõ ràng rất mạnh. Nhưng Uniqlo chỉ đáp lại bằng... im lặng.
Chỉ trong vài tháng vừa qua, Alibaba đã xúc tiến ký hợp đồng với hơn 160 nhãn hiệu nhằm thúc đẩy giao dịch lên 30 tỷ NDT, trong đó có ít nhất 20 nhãn hiệu như nhà sản xuất trang phục ngoài trời Timberland và chuỗi cửa hàng đồ thể thao Decathlon, dự định bán hàng độc quyền trên Tmall.
Haoyu Shen, CEO của JD Mall - đối thủ ngang hàng của Tmall cho biết: "Chúng tôi rất quan ngại về các hợp đồng này. Tôi không nghĩ Alibaba làm vậy chỉ vì mục đích lợi ích thương hiệu cho riêng mình đâu."
Đầu năm nay, Alibaba thuyết phục hãng thể thao Fjallraven của Thụy Điển bán hàng độc quyền trên Tmall, đổi lại là lời hứa tăng lưu lượng truy cập cho cửa hàng. Trước đó, Jjallraven đã tham gia JD.com và các trang web khác. "Chúng tôi có điều kiện tốt", bao gồm mức nổi bật trên trang, giá quảng cáo chiết khấu, Lin Mingwen, tổng giám đốc của Fenix Outdoor tại Trung Quốc, công ty mẹ của Fjallraven. Ông Lin kỳ vọng doanh số bán online của Fjallraven tăng gấp năm lần so với năm ngoái.
Trước khi thỏa thuận, Fjallraven đã phải định giá thấp hơn trên Tmall so với các trang khác để tham gia cuộc khuyến mãi lớn của Alibaba. Giờ Fjallraven bán độc quyền trên Tmall và định giá linh hoạt hơn.
Tmall của Alibaba đang là quán quân của thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Nhưng á quân JD.com đang đuổi theo sát sao và thu hẹp khoảng cách.
JD.com đáp trả bằng gì?
Năm trước, Jack Ma nói "rồi JD.com sẽ rơi vào thảm kịch" để rồi phải xin lỗi vì phát ngôn này. Jeff Zhang, chủ tịch thị trường bán lẻ của Alibaba thì nói rằng "Alibaba làm gì, JD sẽ làm theo ngay tức khắc", ông này ám chỉ tới các sáng kiến của Alibaba như tiến vào thị trường nông thôn, nước ngoài, điện toán đám mây và thanh toán qua mạng.
Đáp lại, một văn phòng thuộc trụ sở tại Bắc Kinh của JD được trang trí với các biểu ngữ màu đỏ với khẩu hiệu: "Chiến đấu, chiến đấu, chiến đấu đến cùng, quyết giành hạng nhất!"
JD từng thoát khỏi án phạt vì bán hàng giả, hàng nhái trên các trang mua sắm online. Đây là vấn đề khiến Alibaba và các công ty khác phải đau đầu. Vì thế, JD khẳng định rằng mình có thể đảm bảo hàng hóa được rao bán là thật, một phần vì công ty kiểm soát kho hàng riêng.
Tháng 7 vừa qua Richard Loi, nhà sáng lập của JD phát biểu: "JD là trang mua sắm trực tuyến Trung Quốc dành cho những ai coi trọng chất lượng và tính chân thực", có thể coi là một lời "đá xoáy" đáp trả dành cho Alibaba.
Một nhãn hiệu cao cấp của Ý đã chọn JD.com làm nơi mở cửa hàng chứ không phải Tmall bởi JD có hứa bằng văn bản là cấm tiệt mọi sản phẩm giả mạo, chợ đen của họ khỏi trang web. JD.com nói mình luôn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu dù có được có tên trong danh sách trên website hay không.