Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Kỳ Niệm Đường 19 của chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng (P.2)

Thời gian trên chốt kéo dài đằng đẵng. Sáng thì mong trưa, trưa thì mong chiều, chiều lại mong cho chóng tối. Mỗi ngày trôi qua, chốt chúng tôi lại vắng một, hai người. Lực lượng chi viện của trung đoàn cũng không còn, vì còn phải rải quân tăng cường cho nhiều điểm chốt khác trên chiều dài mười lăm ki-lô-mét.

Ngày thứ tám, đại đội trưởng có lệnh về họp ở tiểu đoàn. Anh Liễu, trung đội trưởng, tổ trưởng tổ đảng trực tiếp chỉ huy. Với danh nghĩa trung đội nhưng thực tế chỉ còn bốn người.

Quân số giảm, sức khỏe giảm, hầm hố bị bom, pháo đánh sập gần hết. Trong khi đó khối lượng công việc trên chốt không hề bớt đi. Trước đây, mỗi hướng có hai, ba người thay nay chỉ còn một người đảm nhiệm. Trước đây đánh lui một đợt tiến công của địch đơn giản bao nhiêu thì lúc này khó khăn, phức tạp bấy nhiêu. Chỉ còn một thứ vũ khí lợi hại khiến chúng tôi giữ vững được trân địa đó là "tinh thần". Chính sự hy sinh của đồng đội trước mắt hoặc ngay trên bàn tay mình đã tăng thêm sức mạnh cho chúng tôi. Mỗi lần vuốt mắt cho một người, tôi lại khóc và tự hứa: Nhất định tôi sẽ chiến đấu xứng đáng để trả thù cho các anh.

Đường 19 vẫn bị trung đoàn chúng tôi khống chế, nhưng một số đoạn địch đã qua lại được. Tuy vậy, nếu địch muốn thông thoát hoàn toàn con đường, nhất thiết phải nhổ bật tất cả các chốt điểm của ta ở phía nam đường, trong đó có trận địa chúng tôi. Vào những lúc yên ắng giữa hai đợt tiến công của địch, chúng tôi nhìn xuống đường 19, nhìn sang chốt cây rui. Bên ấy tiếng súng vẫn còn vang rền không ngớt. Xác xe, xác máy bay lên thẳng cháy trụi vẫn còn nằm chỏng trơ, rải rác trên mặt đường. Chính điều đó đã cổ vũ chúng tôi. Chốt bạn vẫn còn, chúng tôi không đơn đọc.

Đúng như nhận định của cấp trên: Bị cắt đường 19, địch sẽ phản ứng điên cuồng như con ác thú bị siết mạnh vào yết hầu. Chúng quyết tâm khai thông đường càng nhanh càng tốt. Còn chúng tôi thì được lệnh giữ chốt bằng mọi giá.

Điểm cao 384 chỉ còn lại bốn người: Liễu, trung đội trưởng, tổ trưởng tổ Đảng,; Toán xạ thủ B41; Thực, chiến sĩ và tôi. Thời gian biểu của chúng tôi là: Địch lên đánh; bom, pháo oanh tạc, vào hầm ngủ. Một người thức cảnh giới cho 3 người ngủ. Anh Liễu thường nói với chúng tôi: "Chắng may trúng đạn thì thôi, còn sống đứa nào phải đánh đến cùng, đánh cho bọn chó đẻ khiếp vía". Với riêng tôi, anh nhận xét: "Cậu đánh khá, không kém cánh lính cũ". Tôi mừng, vì mới trải qua có một tuần lễ mà bản lĩnh chiến đấu của mình đã được anh đánh giá như vậy. Tôi còn nhớ rất rõ trong buổi họp cuối cùng của bốn anh em, anh Liễu nói giọng chắc nịch: Bốn anh em chúng mình đều có chung một mái nhà, đó là điểm cao 384, bằng bất kỳ giá nào cũng phải giữ nó". Anh hạ thấp giọng hơn, như anh dặn dò các em: "Dù hôm nay hay ngày mai, ngày kia anh em mình phải hy sinh, cũng chẳng có gì phải ân hận. Đây là ranh giới giữa vàng và thau..." Lời anh lúc đó sao mạnh mẽ đến thế. Cho tới tận bây giờ, hơn hai mươi năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại, lòng tôi vẫn trào lên niềm cảm phục và nhớ thương anh da diết.

Ngày 18 tháng 4 năm 1972. Sau khi thăm dò, trinh sát bằng cả trên không và trên mặt đất, ba giờ chiều địch tổ chức một đợt tấn công mới, với quy mô lớn hơn và tính chất cũng quyết liệt cũng cao hơn mọi lần. Lúc này Đoàn Văn Thực đã bị thương, trận địa còn bat tay súng. Ba người phải chống chọi với hàng trăm tên địch có đầy đủ hỏa lực chi viện, quả là công việc vô cùng nặng nề với chúng tôi. Địch chia từng tốp xung phong lên chốt theo kiểu sâu đo. Không kịp lắp đạn vào băng, tôi phải khoác trên mình ba khẩu súng. Lúc ấy không hiểu sao lại khỏe như vậy. Nhìn sang bên cạnh, anh Liễu và Toán cũng đang trong tư thế như tôi: Anh nào cũng khệ nệ ba, bốn khẩu súng vừa khoác vai, vừa cầm tay. Ngoài ra còn có những dây lựu đạn treo trên cổ, thắt ngang hông như ngựa thồ. Trận đánh không có thời gian ngừng lại. Bắn hết bằng đạn này, tôi trở đầu bắn sang băng đạn thứ hai. Hết đạn, quẳng súng xuống chân, lấy khẩu súng khác tiếp tục bắn. Tôi học tập các anh cũ, bắn quét mạnh làm cho định nhảy xuống hố bom, rồi chồm lên ném lựu đạn vào đó. Cách này rất hiệu quả nhưng quân địch lại quá đông, lại thay nhau cuốn lên ở cả ba hướng, làm cho chốt có nguy cơ bị mất. Giữa lúc ấy anh Liễu ra hiệu phản xung phong. Tôi hiểu ý anh, tuy chỉ có ba người nhưng nếu biết vận dụng cách đánh, sử dụng vũ khí hiệu quả thì ít cũng thành nhiều, sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội, địch không thể biết chính xác được lực lượng của ta.

Chờ cho một toán địch đến gần, anh Liễu bỗng đứng phắt dậy bắn quét mạnh vào chúng. Tôi và Toán ở hai bên cũng đồng loạt làm như anh. Quân địch bị đánh bất ngờ, vội lăn xuống hố pháo, hố bom, miệng kêu rú thảm thiết. Đúng với ý định của mình, Toán dùng B41 chúc nòng bắn xuống nơi địch đang nằm. Tôi và anh Liễu ném từng quả lựu đạn bồi thêm. Bụi đất, khói đạn, mũ sắt, mảnh quần áo từ các hố bom bay lên tơi tả. Nhưng cũng thời điểm ấy, một khẩu đại liên dưới yên ngựa bắn quét trả lại chúng tôi vô cùng dữ dội. Anh Liễu trúng đạn gục xuống. Tôi và Kiều Minh Toán phải lùi lại công sự.

Đợt tấn công của địch bị đẩy lùi. Chốt hụt đi một người nữa. Tôi và Toán nhìn nhau im lặng... nhưng đều có chung một ý nghĩ: Hãy yên tâm người còn, chốt còn.

Trời chưa tối hẳn, tôi bắn súng làm hiệu báo tin chốt vẫn còn, nhưng phải cấp cứu ngay. Nhận được tín hiệu, đại đội trưởng Soạn không kịp đợi trời tối, đang ở tổ thông tin dưới chân đồi, đã vượt qua tầm đạn địch lên chốt ngay. Nhưng chỉ mười lăm phút sau, anh đã hy sinh trong một đợt tấn công của địch lên chốt. Vậy là trên điểm cao 384 vẫn chỉ còn hai người. Tôi và Kiều Minh Toán. Không khí nặng nề, căng thẳng đến tột độ. Toán bặm môi, vằn mắt nhìn tôi và chỉ về phía địch thét: "Phải giết chết bọn chó kia đi". Lúc này không thể nói gì với Toán để anh hiểu lòng tôi. Vì bắn quá nhiều B41, Toán đã bị điếc. Thông thường một xạ thủ B41 chỉ bắn ba quả liên tục đã bị ù tai. Đằng này Toán đã bắn hàng chục quả. Toán vỗ vai tôi: "Bình tĩnh nhá, tao còn, mày còn. Bọn chó đẻ không dễ dàng làm được gì đâu". Tôi chỉ biết gật đầu và mỉm cười, nắm chặt tay anh.

Mặt trời sắp lặn, dải núi hùng vĩ phía nam đường 19 hừng lên một màu vàng dịu. Gió biển từng đợt thổi lên, tạm thời xua đi nối mệt nhọc, căng thẳng trong suốt một ngày nổ súng. Tôi bỗng mơ ước có một đêm hay một ngày trận địa yên tĩnh để cho lá phổi chứa đầy khói đạn được thở không khí trong lành. Nhưng sự mất mát trời cho ấy thật ngắn ngủi. Địch tiếp tục tấn công. Lúc này Thực tuy bị thương khá nặng, nhưng không chịu nằm trong hầm đã bò ra cầm súng và lựu đạn xin chặn địch ở một hướng.

Trời chạng vạng tối, quân địch vẫn tiêp tục bò lên. Hàng chục tên bị chúng tôi bắn tỉa, lăn xuống dốc. Nhưng chúng tôi cũng đã quá mệt mỏi. Nhiều lúc đầu óc chếnh choáng, tay chân rã rời muốn quỵ xuống. Bên cạnh tôi, Toán bắn B41 hết quả này đến quả khác. Máu tươi rỉ ra hai bên lỗ tai, nhỏ xuống vai nhưng Toán không để ý. Có lẽ lúc này anh đã bị điếc hoàn toàn. Anh liên tiếp ra lệnh cho tôi: "Minh, bóc liều phóng cho tao", "Minh, đưa đạn đây! nhanh lên". "Minh...". Bắn xong quả đạn ấy Toán nhận trọn một quả lựu đạn của địch vừa tung lên. Anh hy sinh. Còn mình tôi, sau khi bắn hết băng đạn cuối cùng, người bỗng thấy lâng lâng. Tôi thiếp đi lúc nào không biết.

Khi tôi tỉnh lại thì trời đã tối hắn. Toàn khu vực cao điểm và khu thung lũng dưới đường 19 trở thành một màu đen thẫm. Quân địch đã tràn lên chốt. Điểm cao 384, mái nhà thân yêu của trung đội đã rơi vào tay địch. Đau đơn, uất ức, nhưng tôi biết làm gì khi chỉ còn một mình, dở thương, dở lành, súng đạn không còn, chung quanh là quân địch? Lợi dụng vào những xác chết, tôi bò xuống tổ thông tin. Xuống đến đây tôi mới biết trước đó trung đoàn đã điện xuống cho chúng tôi rút lui. Vậy là chỉ có một mình tôi rời khỏi trận địa. Tám đồng đội của tôi đã vĩnh viễn nằm lại trên điểm cao 384 bên cạnh đường 19.

Từ đó, tôi đã mang nặng lòng căm thù quân thù và tình yêu thương đồng đội vào các chiến dịch ở Gia Lai, Bình Định và nhều nơi khác trên chiến trường miền Nam. Tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được thưởng nhiều huân chương nhưng vẫn luôn cảm thấy chưa trả được mối thù cho các anh trong trung đội. Tôi như thấy mình còn mang nợ các anh, một món nợ không thể tính bằng vật chất.

Qua bài viết này, tôi có một ước muốn, nếu có điều kiện, sư đoàn với địa phương hãy dựng trên điểm cao 384 một bia kỷ niệm ghi tên tuổi tám liệt sĩ vào đó. Như vậy, thế hệ mai sau vẫn còn thấy sự hy sinh anh dũng của các anh. Các anh không cô đơn, lạnh lẽo. Các anh được sống mãi trong lòng đất nước.

Cho đến hôm nay, được sống hạnh phúc bên vợ, con, bè bạn, tôi vẫn không sao nguôi được kỷ niệm về đồng đội, về chiến tranh, về điểm cao 384. Và có lẽ những kỷ niệm ấy sẽ còn nguyên vẹn trong tôi không phải mười năm, hai chục năm.. mà nó còn theo tôi mãi mãi...


Hà Bắc, tháng 11 năm 1993

DƯƠNG VĂN MINH

http://khucquanhanh.vn/diendan/archive/index.php/t-1.html

Kỷ Niệm Đường 19 của chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao vàng anh hùng (P.1)

KỶ NIỆM ĐƯỜNG 19


DƯƠNG VĂN MINH

TRƯỚC ĐÂY, khi gia đình gặp khó khăn, nếu vợ con tôi đã đôi lần trách cứ dù rất mơ hồ, tôi thường giải thích, dù sao tôi vẫn còn hạnh phúc hơn hàng vạn người khác. Bởi trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt dài đằng đẵng, tôi vẫn còn nguyên vẹn trở về, rồi có vợ, có con, tạo dựng được cơ ngơi, tuy khiêm tốn nhưng cũng tạm gọi là ổn định. Dần dà vợ tôi cũng hiểu và chia sẻ cùng tôi. Không thỏa mãn với cuộc sống khiêm tốn hiện tại, nhưng tôi bằng lòng với công việc mình đã làm. Tôi thường tự nhủ: Cái mà ta giữ được cho lòng mình tự hào, giữ được chất "Người" ngoài tình cảm gia đình, chính là tình đồng đội. Đó là tình cảm cao cả và thiêng liêng nhất. Và những kỷ niệm vui buồn của một thời chinh chiến thường trở lại trong tôi, nhất là khi trái nắng trở trời.

Đường 19 tháng 4 năm 1972.

Trong khi sư đoàn (thiếu trung đoàn 12) nổ súng cùng các lực lượng địa phương giải phóng ba huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn (bắc Bình Định), thì trung đoàn 12 (thiếu một tiểu đoàn) đang được lệnh đóng chốt cắt đường 19, đoạn từ Bình Định đi An Khê, nhằm khống chế dài ngày sự cơ động của địch từ đồng bằng ven biển lên Tây Nguyên. Và ngược lại không cho các lực lượng của chúng từ các tỉnh Tây nguyên xuống đồng bằng ứng cứu.

Đoạn đường trung đoàn phải chốt giữ dài mười lăm kilômét, đoạn giữa quận lỵ Phú Phong (Bình Định) và căn cứ An Khê (Gia Lai). Khác hẳn với các chiến dịch trước đây, vùng hoạt động của trung đoàn hầu như là một vành đai trắng, không làng mạc, không dân cư, chỉ còn rất ít cán bộ địa phương và đồng bào dân tộc ẩn sâu trong rừng rậm.

Cụm chốt chính của trung đoàn là hai điểm cao 638, 384 và khu vực cống Hang Dơi nằm trên mặt đường 19. Ba điểm nói trên tạo thành một bức tường thép chắn ngang đường 19. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ điểm cao 384.

Không hiểu bị lộ hay có sẵn trong kế hoạch của địch, mà đêm mồng 9 lên chốt thì chiều mùng 10 địch bắt đầu đánh phá. Mở đầu các cuộc oanh tạc là pháo tầm xa ngoài hạm tàu (pháo biển), sau đến pháo trên đất liền và máy bay. Có lúc chúng phối hợp đánh dồn dập, lúc lần lượt thay nhau "giã gạo". Anh em trên chốt chỉ còn biết lấy tay bịt nòng súng, ôm súng vào lòng và chui vào những căn hầm đang đào dở. Ngớt bom, pháo anh em lại động viên nhau tiếp tục đào công sự. Cán bộ chẳng cần nhiều lời, chúng tôi cũng biết lúc này cần phải làm gì, nghĩa là ráng sức làm thật tốt cái "áo giáp" dưới lòng đất.

Sáng ngày 11. Qua một buổi chiều và một đêm bị bắn phá, trên đỉnh chốt và cả khu vực rộng hàng vạn mét vuông không còn một ngọn cỏ nguyên vẹn. Đất từ màu vàng chuyển sang màu đen. Chỗ nào cũng phả lên mùi khét đắng của thuốc súng. Lần đầu tiên trong đời, cánh lính mới chúng tôi được biết thế nào là "pháo bầy", "pháo chụp", là "bom chùm"... Và cùng lần đầu tiên trong đời được chứng kiến những cựu binh từng trải đã gan dạ và mưu trí thế nào. Chính tư thế vững vàng, bình tĩnh của các anh đã cỗ vũ chúng tôi. Tôi luôn nhận được những lời động viên chân tình, pha chút hài hước: "Cứ bình tĩnh, đâu khắc có đó", hoặc "Việc nó, nó bắn, việc mình, mình làm. Nó bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết",.v.v.. Các anh còn kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện "tiếu lâm". Đầu óc chúng tôi đang rất căng thẳng nhưng cũng phải bật cười. Những tiếng cười hiếm hoi, ngắn ngủi nhưng cũng làm dịu đi phần nào sự mệt mỏi.

Qua ngày đầu tiên dội bom pháo, trung đội tôi đã hao hụt đi hai người. Bình y tá và Hiển. Ai đã từng trải qua những trận đánh giữ chốt dai dẳng, độc lập, không có lực lượng chi viện trực tiếp, không có hỏa lực khống chế hỏa lực địch từ xa... mới thông cảm được công việc khó khăn, ác liệt của chúng tôi trong suốt mười ngày đêm ấy. Mười ngày đêm trên chốt là khoảng thời gian không có ngày, không có đêm, không có giờ giấc. Đêm đến, anh nuôi phải cõng cơm bươn qua làn đạn pháo mới lên được chốt. Nhiều lần mang được cơm lên nhưng không có nước uống. Các can, bi đông đựng nước đã bị đạn pháo xăm thùng dọc đường. Một vài anh nuôi quân cũng bị thương vong ngay trên đường mang cơm cho chúng tôi. Nghĩa là có rất nhiều lý do để hạn chế ăn uống. Vì vậy, cơm thì có nhưng chẳng ai ăn hết nửa nắm. Mỗi lần ăn, chốt trưởng thường động viện chúng tôi: "Muốn đánh được thì phải ăn, có ăn mới đánh được". Mọi người cũng biết rất rõ, chiến dịch còn dài, không có sức khỏe không trụ được trên chốt.

Ngày này qua ngày khác, nắng, mưa, bom, pháo bộ binh địch, khát nước, buồn ngủ, mệt mỏi v.v... đã làm chúng tôi yếu dần. Nhưng tuyệt nhiên không ai báo cáo xin lui về phía sau. Đôi lúc anh Soạn, đại đội trưởng và anh Liễu, trung đội trưởng nói vui "không anh nào được chết, chết là vi phạm kỷ luật", rồi tất cả nhìn nhau cười xòa.

Đêm 9 tháng 4 năm 1972, trung đội 1 lên chốt đào công sự. Ngoài đại đội trưởng Đồng Văn Soạn, trực tiếp chỉ huy, trung đội gồm: Một trung đội trưởng, hai trung đội phó, một y tá, ba tiểu đội trưởng và bốn chiến sĩ. Tất cả chỉ có vậy, 12 người, kể cả đại đội trưởng. Vũ khí trên chốt có một khẩu B40, một khẩu B41, một trung liên, còn lại toàn tiểu liên và lựu đạn, thủ pháo.

Ác liệt cứ tăng dần lên. Tăng dần về cường độ và quy mô tấn công của địch. Ngày đầu, chúng tổ chức xung phong lên chốt từ một đến hai lần, sau đó tăng lên ba đến bốn lần, có ngày chúng tôi phải chống đỡ liên tục suốt từ sáng đến chiều tối. Địch muốn tổ chức đánh liên miên, dai dẳng hòng gây căng thẳng cho anh em chúng tôi mệt mỏi, không chịu nổi phải bỏ chốt. Nhưng mọi thủ đoạn của chúng đều thất bại. Mỗi lần tấn công lên chốt, là mỗi lần chúng phải kéo xác nhau trở lại với những tiếng hò hét, kêu al man dại.

Điểm cao 384 vẫn đứng vững. Chúng tôi, một tập thể nhỏ bé của trung đoàn 12 đã nổ súng đánh lui quân địch không biết bao nhiêu lần. Một hôm, những tên địch lực lưỡng không tổ chức tấn công như thường lệ mà với vẻ mặt sát khí đằng đằng, miệng gậm dao găm, tay cầm lựu đạn, bò, lết, chia nhỏ, lẻ bám dần lên đỉnh chốt. Nghe nói tiểu đoàn Nam Triều Tiên này mới đổi đến rất giỏi võ Karate, nên chúng muốn đánh theo kiểu đặc công với ta. Rốt cuộc, đội quân "hùng dũng" này cũng bị lựu đạn, B40 và những loạt súng xuyên táo của chúng tôi hất ngược trở xuống.

Nhó lại những trận đánh giáp lá cà ác liệt, những hy sinh vô cùng anh dũng của đồng đội trên điểm cao 384, tôi càng thấy lòng se lại vì nhớ, vì thương và vì bao nhiêu nỗi dằn vặt khác... Tôi không thể nhớ cũng không thể kể lại chính xác từng đợt tiến công của địch lên chốt bị bẻ gây như thế nào. Tuy chỉ có thể kể lại được một phần rất nhỏ, nhưng đối với tôi đó là những kỷ niệm thật sâu đậm.

Mỗi ngày địch xung phong lên chốt ba, bốn lần. Có ngày chúng hợp đồng với máy bay lên thẳng bắn rốc két và bắn cả đạn giấy ngay trên đầu, rồi đổ quân xuống bên cạnh chốt, hòng trên đánh xuống, dưới đánh lên hất chúng tôi khỏi cao điểm. Cũng có lần chúng dùng các loại súng máy từ điểm cao bên cạnh bắn quét mạnh cho bộ binh áp sát và xung phong lên. Với sự chỉ huy dày dạn của đại đội trưởng Đồng Văn Soạn và trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu, chúng tôi lần lượt đánh lui quân địch. Hơn lúc nào hết, trung đội chúng tôi được kết thành một khối vững chắc. Tổ này bị uy hiếp, tổ kia chi viện ngay. Cán bộ chỉ cần ra hiệu là chiên sĩ đã biết mình phải làm gì rồi. Khẩu B40 trong tay Kiều Minh Toán đã gây khủng khiếp cho không ít địch.

Toán và một chiến sĩ nữa được bổ sung lên chốt vào ngày thứ bảy. Nhưng đến nửa đường, chiến sĩ kia quay trở lại. Một mình Kiều Minh Toán vác khẩu B41 lên chốt với chúng tôi. Chúng tôi ôm lấy Toán sung sướng. Vì ai cũng biết rằng trong tình trạng rất gay cấn này, có thêm một người, một cây hỏa lực trên chốt, giá trị biết nhường nào. Cùng ngày Toán lên chốt, trung đội hụt đi 2 người nữa. Đó là Nông Văn Thu và Nguyễn Văn Du. Nông Văn Thu người dân tộc Tày (Bắc Thái), có sức khỏe và nhanh như hổ trong rừng. Lúc bình thường, Thu nhận làm mọi việc nặng nhọc thay đồng đội. Khi nổ súng anh dũng cảm mưu trí lạ thường. Lựu đạn của anh vừa ném hướng này, anh đã lẫn sang bắn quét định ở hướng khác. Nhiều lần phát hiện được Thu, nhưng đại liên và lựu đạn địch không đuổi kịp anh. Anh có một đặc điểm mà cả đại đội ai cũng biết, hễ nổ súng anh hét to: "Giết chết chúng nó đi". Trước khi hy sinh anh nói với tôi: "Đánh nhau phải biết chết vớ". Tôi hiểu ngôn ngữ dân tộc anh có nghĩa: Biết chấp nhận hy sinh để tạo ra lòng dũng cảm. Còn Nguyễn Văn Du, cây xạ thủ trung liên của chốt. Anh phụ trách chặn địch ở một hướng quan trọng. Anh đã làm cho địch đổ nhào, đè lên nhau mà chạy không biết bao nhiêu lần. Nhiêu lúc nhìn anh bắn tôi vô cùng cảm phục. Người Du gày tọp đi, râu tóc bờm xờm dính bết bụi đất và thuốc súng, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì mất ngủ... Nhưng tất cả mọi khó khăn đã không hề làm giảm độ chính xác đường đạn của anh. Trong lúc trung đội trưởng điều động tôi và Du sang chi viện cho tổ bên cạnh, Du đã trúng một quả lực đạn của địch. Anh hy sinh ngay trên miệng hầm, hai tay còn ôm ghì cây trung liên đã bị gãy nòng.

http://khucquanhanh.vn/diendan/archive/index.php/t-1.html

Sư đoàn 3 Sao Vàng, quân chủ lực Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên Sư đoàn 3, Quân khu 5 thời đánh Mỹ đã chọn ngày lễ mừng Quốc khánh nước ta làm ngày truyền thống thành lập đơn vị và lấy tên Đoàn Sao Vàng. Đó là nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cuộc chiến tranh lớn đã bắt đầu, khi mà quân Mỹ nhảy vào miền Nam gây nên một cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20 ở Việt Nam. Tình hình đòi hỏi ta phải có lực lượng lớn mạnh để đánh thắng kẻ thù...
Đoàn Sao Vàng được thành lập vào ngày 2-9-1965. Tôi ở Trung đoàn 2 được rút lên sư đoàn làm trợ lý tuyên huấn. Sư đoàn chủ trương mở chiến dịch mùa đông ở trung Bình Định trong một địa bàn kéo dài hơn 50km từ bắc Bồng Sơn vào nam Phù Cát, diệt quân ngụy là chính. Không ngờ Đoàn Sao Vàng đã đụng độ với quân Mỹ sớm đến thế. Sư đoàn thành lập được 10 ngày thì Sư đoàn Không vận số 1 Mỹ mang tên "Sư đoàn Kỵ binh bay" đổ bộ lên Quy Nhơn và sau đó 7 ngày - ngày 18-9-1965 đã diễn ra trận giáp chiến với ta ở thung lũng Thuận Ninh.
Sư đoàn Kỵ binh bay theo đường 19 vận chuyển lên An Khê đóng quân. Còn Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 2 của ta đến trú quân ở thôn Thuận Ninh, xã Bình Tân, huyện Bình Khê ở phía đông đường 19 được 3 ngày, tập luyện trên những ngọn đồi anh em đặt tên là đồi "Thao trường", đồi "Đại liên" để chuẩn bị bước vào chiến dịch Đông.
Máy bay trinh sát điện tử của địch phát hiện có Việt cộng xâm nhập thung lũng Thuận Ninh. Kennard, viên tướng 2 sao chỉ huy Sư đoàn Kỵ binh bay rất lo ngại về cuộc vận chuyển. Tên trung tá, trưởng phòng tình báo báo cáo với Kennard ở Thuận Ninh chỉ có một lực lượng nhỏ, chỉ cần dăm trăm quân cũng đủ để cất vó. Kennard quyết định đánh đòn bất ngờ, áp đảo hoàn toàn đối phương, gây thanh thế ngay trong những ngày đầu Sư đoàn Kỵ binh bay đặt chân lên đất An Khê và Việt Nam. Tuy vậy, để đảm bảo chắc thắng, y cho tăng lực lượng lên gấp 4-5 lần. Trung tá Smith được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc hành quân với 2.000 lính dù, 60 trực thăng và khẳng định phải đánh thắng.
Trời còn mù sương đã có hai chiếc L19 bay đến lượn vòng. Đã có kinh nghiệm nên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Lương Văn Thư cho bộ đội giúp đỡ nhân dân xuống hết hầm trú ẩn và vào vị trí chiến đấu. Đúng như dự đoán, sau khi hai chiếc L19 bắn đạn khói chỉ điểm, hàng chục chiếc phản lực nối đuôi nhau bay tới trút bom xuống thung lũng Thuận Ninh. Tiếp đó, từng bầy trực thăng bay đến bắn rốc-két, liên thanh xuống các lùm cây, mô đất. Thung lũng Thuận Ninh chìm trong khói, lửa, đất bụi mù mịt. Đợt đầu, địch cho 45 trực thăng chở đầy lính tới đổ quân. Địch dàn hàng ngang và tiến vào làng. Khi chúng vào gần, chiến sĩ ta mới biết là lính Mỹ.
Đợi chúng vào đúng tầm, quân ta mới đồng loạt bất ngờ nổ súng. Lính Mỹ ngã rạp, chết hàng loạt. Số còn sống hốt hoảng tìm các mô đất ẩn nấp. Tiếng súng nổ vang khắp thung lũng. Không vào được làng, địch tiếp tục đổ quân đánh chiếm các ngọn đồi. Nhưng Tiểu đoàn trưởng Lương Văn Thư đã nhanh hơn địch một bước, kịp thời lệnh cho Đại đội trưởng Thục dẫn một cánh quân của Đại đội 1 chiếm đồi "Thao trường" và Đại đội phó Quang dẫn một trung đội của đại đội mình đánh chiếm đồi "Đại liên".
Chờ địch lên gần tới đỉnh đồi ta mới nổ súng đồng loạt, hô xung phong vang dậy, xông lên đánh giáp lá cà. Bị đánh phủ đầu, tan nát đội hình, địch co cụm chống cự và rải bom bi. Ta càng bám sát địch truy kích, dồn chúng vào rừng gai quýt dày đặc để tiêu diệt. Tên chỉ huy đại đội của chúng bị tiêu diệt tại chỗ. Chiến sĩ đại đội 1 ở đồi Thao trường tạm thời rút xuống mương nước tránh bom bi. Địch cho đổ quân đánh chiếm đồi Thao trường. Giữa lúc chúng đang lộn xộn, chính trị viên Nguyễn Bốn dẫn đại đội 1 rời mương nước đánh thốc tới. Tiểu đội trưởng Bông dùng trung liên quật ngã 10 tên địch. Chiến sĩ Phạm Hiền diệt 15 tên. Chiến sĩ Vũ Văn Để bắn 7 phát diệt 7 tên. Hai xạ thủ trung liên Tam và Bình bắn rơi tại chỗ 3 trực thăng. Xác giặc và trực thăng ngổn ngang trên đồi. Một trung đội địch hoảng sợ dồn vào đoạn hầm ở đỉnh đồi cố thủ. Tiểu đội trưởng Nguyễn Ba dẫn một mũi đánh vào sườn đoạn hầm. Địch ném lựu đạn ra tới tấp. Ta nhặt lựu đạn ném trả và xông vào tấn công quyết liệt. Cả trung đội Mỹ chết chồng lên nhau trong đoạn hầm.
Tiếng súng nổ vang khắp thung lũng Thuận Ninh suốt ngày hôm đó. Trước thất bại nặng nề, Kennard cho tăng viện 50 trực thăng đổ quân xuống Thuận Phong cách Thuận Ninh hơn 2km hòng kéo giãn đội hình của ta, giải vây cho Thuận Ninh.
Nhưng ta đang làm chủ chiến trường. Tiểu đoàn trưởng Thư cho bộ đội xuất kích nhỏ diệt địch. Đường dây điện thoại từ tiểu đoàn xuống đại đội bị đứt. Trên đường đi truyền đạt mệnh lệnh của tiểu đoàn, chiến sĩ Lê Thưa bắn rơi tại chỗ một máy bay.
Thiệt hại quá lớn, đến chiều, tên trung tá Smith chỉ huy cuộc hành quân đành báo cáo với Kennard là đã "hoàn tất cuộc tảo thanh" và xin lệnh rút. Ta cũng thu dọn chiến trường và di chuyển quân.
Suốt đêm hôm đó, địch dùng máy bay C130 thả đèn dù, bắn đại liên loạn xạ, yểm trợ trực thăng nhặt xác và đưa hơn 200 lính Mỹ bị tiêu diệt về phía sau. 14 máy bay bị bắn rơi tại chỗ, 40 chiếc khác bị trúng đạn. Tên trung tá, trưởng phòng tình báo bị cách chức. Tên Smith chỉ huy cuộc hành quân bị gọi về Sài Gòn khiển trách. Hắn đổ lỗi cho tình báo không phát hiện đúng nơi đổ quân, nên đã rơi vào tổ ong vò vẽ là nơi đóng quân của Việt cộng. Hắn cũng thú nhận: "Quân giải phóng và du kích đánh rất giỏi, tổ chức tốt, rất có kỹ thuật".
Ngay sau trận Thuận Ninh, Đoàn Sao Vàng bắt tay ngay vào chiến dịch Đông ở miền Trung tỉnh Bình Định trong một địa bàn kéo dài hơn 50km từ bắc Bồng Sơn đến nam huyện Phù Cát, tiêu diệt cùng một lúc hai đồn lính bảo an chốt giữ đèo Phù Cũ và cầu Phù Ly trong đêm 22 rạng ngày 23-9 là hai vị trí quan trọng trên đường số 1.
Bốn quận lỵ Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, Phù Mỹ bỗng chốc bị chia cắt, cô lập, khiến bọn chỉ huy quân khu 2 ngụy quân hốt hoảng thúc giục Sư đoàn 22 lính cộng hòa ứng cứu ngay trong ngày 23-9.
Ở đèo Phù Cũ, ta chặn đánh tan tác 2 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn xe M.113 đến phản kích giải vây, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 7 xe M113, buộc chúng phải rút lui về vị trí xuất phát.
Đặc biệt, sáng 28-9, bọn chỉ huy Quân khu 2 tung lực lượng dự bị của quân khu - Tiểu đoàn "Cọp đen" là đứa con cưng thiện chiến, khét tiếng gan lỳ và gian ác vào cuộc. Tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Cọp đen cho đánh chiếm ấp Diên Khánh làm bàn đạp để giải tỏa đèo Phù Cũ. Tiểu đoàn 6, trung đoàn 12 của ta được lệnh để ngỏ cửa cho địch vào ấp Diên Khánh, rồi từ ven đồi cấp tốc rùng rùng tràn xuống, vây chặt tứ phía, khiến máy bay địch không kịp bắn hỏa mù phân tuyến. Một mặt, ta cho một lực lượng mạnh đánh thẳng vào ấp, chia thành nhiều mũi chia cắt địch ra tiêu diệt, tiêu diệt tại chỗ tên tiểu đoàn trưởng. Suốt 6 tiếng đồng hồ chiến đấu vô cùng ngoan cường, đến 14 giờ, ta xóa sổ hoàn toàn Tiểu đoàn "Cọp đen" và một đại đội lính cộng hòa khác.
Suốt thời gian 4 ngày đó, ở cầu Phù Ly, tất cả các đợt phản kích của địch đều bị ta đánh bại, tiêu diệt 4 đại đội lính cộng hòa.
Ngày 1-10, địch rút bỏ hàng loạt vị trí dọc đường số 1 như căn cứ Đệ Đức, đồi Thánh Giá, Tân Ốc, Bình Dương, Chóp Vung, Núi Nùng, Chợ Gồm… Nội bộ bọn chỉ huy tỉnh Bình Định và vùng chiến thuật 2 mâu thuẫn, tranh cãi nhau gay gắt. Con đường 1 bị chặt đứt từng khúc, không còn lực lượng quân ngụy để đủ sức giải tỏa. Con đường 19 bị uy hiếp. Kennard buộc phải cho Kỵ binh bay xuất kích ứng cứu quân ngụy. Hắn nghi phần lớn lực lượng Đoàn Sao Vàng đứng chân ở thung lũng Hội Sơn ở phía tây bắc huyện Phù Cát.
Kennard cho tổ chức một cuộc hành quân hỗn hợp Mỹ-ngụy quy mô lớn mang tên "Lưỡi lê sáng ngời", gồm 6000 lính Kỵ binh bay, 170 trực thăng chở quân, 10 tiểu đoàn lính ngụy, trong đó có 6 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị chiến lược của Sài Gòn đưa ra, để từ trên trời quân Mỹ chụp nơm xuống, từ mặt đất quân ngụy bủa lưới vây quanh, tiêu diệt Đoàn Sao Vàng.
Nhưng trớ trêu thay, chúng đã đánh vào vùng trống. Ngay trong ngày đầu, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 cùng bộ đội huyện, du kích xã, lúc ẩn lúc hiện đánh nhỏ lẻ, rút nhanh, bắn rơi một L19 và 4 trực thăng. 33 tên Mỹ chết vì mìn, bị bắn tỉa và đạn cối. Đặc biệt là cuộc hành quân ở suối La Tinh, đêm 12-10, một đại đội lính Kỵ binh bay bị Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2 tập kích tiêu diệt gọn.
Suốt 4 ngày hành quân không đánh được trận nào, biết đã bị hẫng, Kennard cho rút quân. Đài BBC bình luận: "Nước mắt quân đội Mỹ chảy từ suối La Tinh về tòa Bạch ốc". Còn phóng viên AFP đi theo trận này thừa nhận: "Cuộc hành quân ở suối La Tinh chứng tỏ du kích Việt cộng cơ động hơn nhiều so với lính Mỹ thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay do ông Bộ trưởng Quốc phòng McNamara lập ra".
Như vậy là trong vòng một tháng đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam, Sư đoàn Kỵ binh bay đã bị tiêu diệt 433 lính, 17 trực thăng bị bắn rơi, 63 chiếc khác bị trúng đạn, số lính bị thương không biết bao nhiêu…
Đoàn Sao Vàng đánh Mỹ thực sự vào mùa khô năm 1965-1966, bắt đầu từ cuối tháng 1-1966. Mùa khô thứ nhất này, số quân Mỹ và chư hầu Nam Triều Tiên ở miền Nam đã lên tới 20 vạn. Westmolen, tổng chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam quyết định phản công chiến lược, mở chiến dịch "5 mũi tên". Hai mũi tên ở đông bắc Sài Gòn và Củ Chi. 3 mũi tên ở Quân khu 5: Quảng Ngãi, Phú Yên, bắc Bình Định và Bình Định là mũi tên lớn nhất. Sư đoàn Sao Vàng sẽ đương đầu với 3 cuộc hành quân "Cái chày", "Cánh trắng", "Ngựa đen" của quân Mỹ.
Một đêm đầu tháng 2-1966, sắp đến Tết ta, tôi và mấy anh bạn thân đang nằm trên võng, sưởi ấm bên đám lửa cháy liu riu, bỗng Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương xuất hiện, gặp riêng tôi và hỏi: "Biết cậu đang làm tuyên huấn, nhưng nếu giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một trận chiến đấu pháo binh, có nhận không?". Tôi trả lời: "Anh đã tin tưởng, thì em sẵn sàng". Ông vui vẻ nói rõ: "Sư đoàn không vận số 1 của Mỹ sẽ xuất quân 2 lữ đoàn, giữ lại một lữ đoàn ở hậu cứ làm đội dự bị chiến dịch Anh Ba Đôn (Tức Tư lệnh Quân khu 5 Nguyễn Đôn) chỉ thị phải đánh địch ở phía trước và đánh cả vào hậu cứ của chúng. Thời gian gấp lắm rồi. Không thể khiêng cối 106mm lên kịp. Cậu sẽ chỉ huy một cụm súng cối 82mm pháo kích vào sân bay Tân Tạo nhé". Ông cẩn thận dặn thêm tôi: "Đi ngay sáng mai! Lên Bộ chỉ huy Quân sự Gia Lai, gặp anh Châu Khải Địch, Trưởng phòng Đặc công Quân khu, chỉ huy chung trận đánh sẽ hiểu rõ cụ thể nhiệm vụ".
Trận này, tôi được giao nhiệm vụ pháo kích bãi đỗ trực thăng, phối hợp với Tiểu đoàn Đặc công 407 do anh Tú, Tiểu đoàn trưởng chỉ huy đánh lính Kỵ binh bay (anh Tú sau này đã có thời gian làm chuyên gia ở Cu-ba và làm Phó tư lệnh Binh chủng Đặc công). Lần đầu tiên tôi được chỉ huy một cụm súng cối 8 khẩu và bắn những 320 viên đạn.
Ngày đầu tiên đi chuẩn bị chiến trường, chúng tôi gặp biệt kích địch rải truyền đơn dọc con suối. May mà kịp tránh, không bị lộ. Chúng tôi bám theo chúng trên đường trở về. Trên một ngọn đồi ở phía nam, chúng tôi quan sát rõ mồn một toàn cảnh hậu cứ của địch. Máy bay trực thăng đậu san sát như một đám chuồn chuồn lớn. Nhà dù đủ màu trắng, đỏ, vàng căng trên một vùng rộng bao la. Đèn điện như những ánh sao sáng rực khác nào một thị trấn nhỏ. Sở chỉ huy và quân lính ở sâu bên trong, cách hàng rào thứ nhất hơn 2km, ngoài tầm bắn pháo mang vác của ta.
Thâm nhập vào căn cứ địch là một việc vô cùng khó khăn. Nhưng thật may, trước tình hình tưởng chừng bế tắc, chúng tôi gặp được Nhon Chiu, một trung đội trưởng du kích là người địa phương, thuộc địa hình như lòng bàn tay. Sẵn lòng căm thù và rất dũng cảm, Nhon Chiu dẫn đặc công đi theo con suối cạn chạy dọc theo hẻm hai quả đồi là nơi địch sơ hở không bố trí quân.
Đặc công ta đã lên được đỉnh Hòn Cong và sờ được khẩu đại liên của địch. Đây là một niềm phấn khởi vô hạn. Vậy là, quân khu quyết định đánh!
Suốt tám đêm liền thức trắng, tôi huấn luyện anh em mới ở miền Bắc vào, thuần thục động tác bắn 3 tầm, 3 hướng trong ban đêm. Ban đêm rọi đèn pin kiểm tra, ban ngày thục luyện, động tác thao tác máy ngắm của pháo thủ nhuần nhuyễn đạt đến mức tối đa.
Một may mắn khác là ngày ấy theo thông lệ, Mặt trận Giải phóng tuyên bố thời gian ngừng bắn trong dịp Tết và thực hiện rất nghiêm chỉnh. Địch rất tin và thường say sưa ăn Tết, có phần lơ là cảnh giác. Vì vậy, ta quyết định chụp đầu đánh ngay, sau ngày hết hạn tuyên bố ngừng bắn, phối hợp với Đoàn Sao Vàng đang giao chiến với Sư đoàn Không vận số 1 ở bắc Bình Định.
Đêm hôm đó, đặc công tiềm nhập thuận lợi. Đến 22 giờ, tôi mới cho dàn trận. 8 khẩu cối đặt cách bờ rào thứ nhất của địch vài chục mét, mỗi khẩu cách nhau chừng mười, mười lăm mét trên một hàng ngang 80m. Đạn, ngòi nổ, liều thuốc đều đã chuẩn bị sẵn.
Qua 24 giờ vài phút, bỗng một ánh chớp lóe lên trên đỉnh Hòn Cong. Tôi hô to: "Bắn!". Tôi bàng hoàng trước những tiếng tum, tum của đạn thoát nòng liên hồi, những đường lửa không ngớt vạch cầu vồng trên bầu trời, những tiếng nổ ùng oàng không dứt của đạn rơi vào những đám cháy bùng lên trong bãi đỗ trực thăng. Tiếng súng, thủ pháo của đặc công nổ giòn vang dậy trên đỉnh Hòn Cong và trong tung thâm phòng ngự của địch.
Với mỗi khẩu cối đều bắn 3 tầm và 3 hướng sang trái, sang phải, 320 viên đạn cối của ta đã rải đều và chụp lên bãi đỗ trực thăng của địch. Chỉ trong 10 phút là bắn xong. Tôi lập tức cho rút quân. Cũng chừng mươi phút sau, các pháo cỡ lớn của địch cũng trút đạn dồn dập vào khu vực sau lưng trận địa pháo của tôi. Nhưng tôi không rút lui theo hướng đột nhập từ tiền duyên và lui quân dọc theo bờ rào đi về phía nam, nên đơn vị không một ai bị thương vong. Khác với những trận chiến đấu trước, sau trận này, bầu trời im ắng, thanh bình suốt cả ngày. Cho đến chiều gần tối mới thấy hai trực thăng bay lượn quan sát. Tôi bị một trận sốt rét "thập tử nhất sinh", tưởng không qua được, phải đưa vào bệnh xá, chỉ kịp điện về báo cáo sư đoàn: Sân bay có nhiều đám cháy bốc cao.
Về đơn vị đặc công, có mấy mẩu chuyện thật xúc động, suốt đời tôi không quên. Mũi đặc công đánh trên đỉnh Hòn Cong tiêu diệt hoàn toàn trung đội địch, phá hủy trung tâm thông tin chỉ huy bay, được lệnh trụ lại, đánh bồi địch một cú nữa, chúng càng khiếp đảm. Cả tổ nấp ở một hang đá nhỏ, không may bị trực thăng quan sát đổ quân chiếm lại bắn vu vơ, đều bị thương. Biết không sống được và không thể trở về, anh em đã chiến đấu anh dũng, tiêu diệt nhiều lính Mỹ và tất cả đều hy sinh.
Do đánh vào quá sâu trong tung thâm, bị lạc hướng, có anh em không ra kịp khi trời đã sáng. Một chiến sĩ ta bị thương nặng (tôi không nhớ tên) đã nấp kín dưới một hố nhỏ rậm rịt, địch không phát hiện được. Anh kể lại: Mũi trưởng Lý chiếm lĩnh một đỉnh đồi, gom hết vũ khí, lựu đạn thu được của địch, chuẩn bị chiến đấu. Một trung đội lính Mỹ lùng sục kéo lên. Đợi địch đến gần, Lý quét tiểu liên ngã gục nhiều tên. Lý di chuyển qua lại đánh trả quyết liệt, tiêu diệt những tổ lính Mỹ và anh đã trúng đạn hy sinh. Lính Mỹ tưởng ta có nhiều người, xông lên bắt sống, nhưng chỉ thấy có một mình trung đội trưởng Lý. Chúng nó lấy một tấm vải dù đỏ đắp lên mình anh. Và có những tên Mỹ bỗng dưng đứng nghiêm giơ tay chào. Có lẽ chỉ những chiến đấu viên trên chiến trường mới hiểu rõ và vô cùng cảm phục tinh thần dũng cảm của người lính.
Còn người chiến sĩ bị thương, đêm đó đã bò ra khỏi hàng rào của địch và suốt 5 đêm ngày liếm sương, ẩn nấp, nhắm hướng tây bò lết. Đến ngày thứ 5, anh kiệt sức, bất tỉnh, may mắn được đồng bào nhìn thấy khiêng vào bệnh xá và được cứu sống. Anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện của mũi trưởng Lý, khiến tôi rưng rưng nước mắt.
Hơn 20 ngày sau trận đánh sân bay Tân Tạo và hậu cứ Sư đoàn Kỵ binh bay, tôi mới về lại sở chỉ huy của sư đoàn. Một buổi trưa, có liên lạc cho gọi tôi sang gặp Tư lệnh Sư đoàn. Tôi hơi lo lắng không biết việc gì sẽ xảy ra. Không ngờ lại được Sư trưởng Giáp Văn Cương và Chính ủy Sư đoàn Đặng Hòa mời ăn cơm trưa. Sư đoàn trưởng Giáp Văn Cương biểu dương tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và cho biết theo tin cơ sở bên trong ta báo, thì đơn vị tôi đã bắn cháy và phá hủy 97 trực thăng, Tiểu đoàn Đặc công 407 diệt 500 lính Kỵ binh bay, làm tê liệt hoạt động của lữ đoàn dự bị ở hậu cứ của địch.
Tiếp đó, một niềm vui khác lại đến với tôi. Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba về thành tích trận đánh này.
Ở phía trước, Đoàn Sao Vàng giáp chiến với 2 vạn quân Mỹ và Nam Triều Tiên, 500 máy bay, hàng chục tiểu đoàn thiết giáp, pháo binh trong 3 cuộc hành quân "Cái chày" ở huyện Hoài Nhơn, "Cánh trắng" ở huyện An Lão, "Ngựa đen" ở huyện Hoài Ân, đã tiêu diệt 7.480 tên địch, trong đó có gần 4000 tên Mỹ, 330 lính Nam Triều Tiên, bắn rơi, phá hủy 187 máy bay, bắn cháy 29 xe quân sự, 6 khẩu pháo 105, 155mm. Nếu tính cả lực lượng địa phương, con số địch bị tiêu diệt lên tới ngót một vạn tên, 336 máy bay bị bắn rơi và phá hủy.
Bình luận về chiến thắng của quân dân bắc Bình Định ngày ấy, Báo Quân đội nhân dân viết: "Chiến thắng vang dội ở bắc Bình Định là trận chống càn lớn nhất, và cũng là trận tiêu diệt nhiều quân Mỹ nhất, bắn rơi nhiều máy bay nhất từ trước tới nay. Ta không chỉ đánh từng trận, từng đợt, từng đơn vị lẻ tẻ, rời rạc mà đã đánh theo chiến dịch quy mô toàn diện, liên tục, không chỉ đánh từng trung đoàn mà có trận đánh với quy mô sư đoàn… Ta không chỉ có đánh phía trước mà đánh cả phía sau hậu cứ an toàn của chúng…".
Như chúng ta đã biết, Sư đoàn Kỵ binh bay có hơn một vạn quân, 455 máy bay. Mỗi đại đội có 180 lính được trang bị tiểu liên cực nhanh AR 15 và súng cối cá nhân M79. Đây là đơn vị hiện đại bậc nhất, có sức cơ động nhanh nhất, có cả trực thăng cần cẩu để cẩu pháo 105mm bay trên bầu trời cùng hành quân với lính Kỵ binh bay. Kennard, viên tướng hai sao chỉ huy Sư đoàn Kỵ binh bay trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã từng tham gia quân đồng minh Anh-Mỹ đổ bộ lên bờ biển Noóc-măng-đi của Pháp (3-6-1944) và được phong quân hàm đại tá lúc 24 tuổi. Thế nhưng, trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất 1965-1966, với ba cuộc hành quân "Cái chày", "Cánh trắng", "Ngựa đen" thất bại, Kennard "đã để mất một phần ba quân số và 75% trực thăng được trang bị" nên đã bị cách chức.
Ngày xưa, ngựa quân Nguyên Mông đã từng tung hoành ở một số nước tận trời Âu nhưng đã quỵ gối ngã gục trên đất nước ta. Ngày nay, Kỵ binh bay của quân đội Mỹ cũng đã gãy cánh ở Việt Nam.
Chiến thắng của quân dân ta nói chung và Đoàn Sao Vàng nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã để lại cho chúng ta hôm nay và mai sau một bài học lớn vẫn giữ nguyên giá trị thời sự và ý nghĩa thực hiện của nó, đó là: Dám đánh, biết đánh và sẽ chiến thắng bất cứ kẻ thù nào.
Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN 

Xé Xác Rồng Xanh, Phanh Thây Mãnh Hổ, Diệt ác ôn Nam Hàn xâm lược

“XÉ XÁC RỒNG XANH, PHANH THÂY MÃNH HỔ” TRẢ THÙ CHO ĐỒNG BÀO QUẢNG NGÃI
(Nguồn bài và ảnh:
+ Cuốn “Chỉ một con đường” của Trung tướng Nguyễn Huy Chương, bản tóm tắt ở đây: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php…
+ Giáo trình huấn luyện đặc công và các Diễn đàn quân sự.)
Sau 2 tháng xây dựng cứ điểm phòng ngự và tung quân càn quét, bọn lữ đoàn Rồng Xanh (Nam Triều Tiên) liên tục tàn sát đồng bào ta ở Bình Sơn, Sơn Tịnh, xúc tát dân ở 3 huyện Đức Phổ, Ba Tơ, Nghĩa Hành vào khu tập trung, nối lại giao thông trên quốc lộ 1 từ thị xã Quảng Ngãi đi Thạch Trụ, xây dựng đường Vinh Hiển lên cao điểm 128 Đức Phổ; đường Tân Khánh đi Mộ Đức; đường Động Bằng đi Đá Dựng - Bình Sơn. Quân của lữ đoàn Rồng xanh (Nam Triều Tiên) mở đợt thảm sát nhân dân Quảng Ngãi. Ở Bình Thanh chúng giết 30 gia đình, ở Bình Đông chúng giết hàng chục gia đình, ở các xã Tịnh Minh, Tịnh Hiệp, Tịnh Sơn (Sơn Tịnh), Khánh Giang), Nghĩa Hành chúng đã giết hàng trăm đồng bào ta.
Trong 2 ngày 5 và 6 tháng 8 năm 1966, chúng cho pháo binh từ Bình Liên bắn cấp tập vào xã Bình Hòa, khi pháo ngưng bắn, hàng loạt máy bay trực thăng CH47chở bọn lính Nam Triều Tiên ồ ạt đổ quân chiếm các ngọn đồi quanh xã rồi chia nhiều mũi tấn công vào các thôn Nam Yên, An Phước, Lạc Son. Chúng đốt nhà giết trâu bò, hãm hiếp phụ nữ. Người nào chống đối chúng đâm lưỡi lê vào bụng moi gan, cắt đầu, ném xác vào lửa đỏ. Chúng lùa hết dân ra đồng, rồi dùng súng đại liên bắn xối xả vào bà con, tàn sát một lúc 400 người vô tội, gồm đàn bà, người già và trẻ con. Lửa cháy ngút trời, xác người phơi đầy đường đầy ngõ. Một quang cảnh tàn khốc do bọn lính Nam Triều Tiên gây ra bao tang tóc lên xã Bình Hòa. Tội ác của chúng thật trời không dung đất không tha. Vụ thảm sát dã man nay đã làm đồng bào cả nước xúc động cao độ.
Trong bức thư huyết lệ của Hội phụ nữ Bình Hòa gửi lực lượng vũ trang Quảng Ngãi, các chị đã viết: “Chúng tôi những người phụ nữ chân yếu tay mềm, khẩn thiết kêu gọi Quân giải phóng Quảng Ngãi hãy nổ súng vào đầu bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên để trả thù cho đồng bào ruột thịt của chúng ta bị chúng sát hại”.
Có nhà thơ đã thốt lên:
“Khăn tang điểm trắng trời chiều
Bao nhiêu đồi núi bấy nhiêu căm hờn”
Trong lời hiệu triệu gởi các lực lượng vũ trang giải phóng, Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Quảng Ngãi đã viết: “Các đồng chí trong lực lượng vũ trang và bán vũ trang cách mạng hãy trút hết căm hờn lên lưỡi lê đầu súng, tới tấp tấn công quân địch, tiêu diệt nhiều giặc Mĩ và bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên để trả thù cho đồng bào Bình Hòa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ (Quảng Ngãi) Thủ Bồ, La Thọ (Quảng Nam) và những nơi khác trên toàn miền Nam đã bị bọn chúng sát hại”.
Theo lời hiệu triệu của Đảng bộ và bức thư Hội phu nữ Bình Hòa, các lực lượng vũ trang giải phóng Quảng Ngãi đã thét vang lời thề: “Nợ máu, ta bắt chúng phải trả bằng máu, hãy xé xác Rồng Xanh, phanh thây Mãnh Hổ”. Lời thề ấy đã được các lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Ngãi khắc cốt ghi xương. Những buổi lễ khai tử “Rồng Xanh”, “Mãnh Hổ” nổ ra liên tục, khí thế như nước sôi lửa bỏng.
Bộ đội ta đã vào trận với vành khăn tang trắng quấn trên đầu để tưởng nhớ những đồng bào bị giặc sát hại. Các hoạt động "Khai tử Rồng Xanh " liên tục diễn ra.
Ngày 29/01/1967, tiểu đoàn 48 quân giải phóng Quảng Ngãi diệt 1 đại đội lính đánh thuê Nam Triều Tiên tại Phổ Tinh, Bình Phước diệt 120 tên, thu 2 súng cối 60mm, 2 đại liên, 5 trung liên. Đến ngày 01/02/1967, tiếp tục diệt 200 tên lính đánh thuê Nam Triều Tiên đi càn quét ở Tịnh Kì và Đồng Xuân thu 40 súng.
Ngày 15/02/1967, bộ đội chủ lực Quân khu 5 tập kích tiêu diệt bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên, đóng tại đồi tranh Quang Thạnh, diệt 420 tên. Đây là trận đánh mạnh, đánh trúng đầu bọn đánh thuê Nam Triều Tiên, tiêu diệt bọn chúng nhiều nhất trên chiến trường Quảng Ngãi. Cùng thời gian này tiểu đoàn 48 diệt tiếp 1 đại đội Nam Triều Tiên tại Mã Tổ.
Diễn biến trận đánh Quang Thạnh:
Tư lệnh miền đã cân nhắc rất kỹ các kế hoạch tấn công vào cứ điểm đồi tranh Quang Thạnh. Mục tiêu của ta đề ra là phối hợp các tiểu đoàn chiến đấu vận động bí mật tiếp cận mục tiêu theo hình thức đặc công. Đến nơi tạo 4 cửa mở ở bốn góc bằng cách gài bộc phá để phá đồng loạt các hàng rào dây kẽm gai sau đó đồng loạt xung phong tiến vào tiêu diệt quân địch trong cứ điểm bằng AK, lựu đạn và súng phun lửa kết hợp với DKZ và B-40 ở bên ngoài . Yếu tố bất ngờ đóng vai trò chủ đạo và trận đánh phải sẽ diễn ra vào khoảng 10 giờ tối và phải kết thúc trước càng nhanh càng tốt trước khi trời sáng để đề phòng quân địch ở các căn cứ khác kéo đến tiếp viện và hạn chế hoả lực của phi pháo bắn tiếp cứu.
Trận đánh bắt đầu đúng như kế hoạch, ta dùng 4 mũi tấn công bí mật tiếp cận từ các hướng, giữa các mũi tấn công luôn luôn đảm bảo liên lạc thông suốt với nhau và với ban chỉ huy trận đánh. Tuy nhiên do rải lộ tiêu không tốt mà một mũi tấn công bị lạc đường mất liên lạc và không đến vị trí tập kết được. Mặc dù chỉ còn ba mũi nhưng ta vẫn quyết định tấn công cứ điểm. Ta đã thành công trong việc bịt mắt bọn đi tuần và bọn gác bên ngoài. 3 mũi bí mật tiếp cận các cửa mở và đã đặt bộc phá xong, chỉ huy trận đánh ra lệnh đồng loạt phát hoả để mở các cửa.
Sau những tiếng nổ của bộc phá và DKZ, B-40 cùng lựu đạn. Quân ta nhất loạt xung phong đột phá qua các cửa mở dùng AK bắn xối xả vào các giao thông hào, các ụ phòng ngự có đặt trung liên, và các khu dã chiến cho lính ngủ nửa chìm nửa nổi. Bọn địch bị hoàn toàn bất ngờ , vòng ngoài nhanh chóng bị hoả lực của ta tiêu diệt. Số còn lại lùi vào bên trong vừa phản kích dữ dội vừa tìm cách tập trung lực lượng dựa vào các lô cốt phòng ngự. Nắm được ý đồ của địch, ta vừa tăng cường sức tiến công vừa bao vây chia cắt địch theo từng khu vực để tiêu diệt và gọi hàng.
Mặc dù sức tấn công của ta mạnh ở 3 mũi nhưng do thiếu một mũi tấn công thứ tư cho nên việc chia cắt cô lập địch thành các khu nhỏ để bao vây tiêu diệt triệt để trở nên khó khăn. Do bản chất lỳ lợm và ngoan cố, tụi Đại Hàn dựa vào các lô-cốt hầm ngầm điên cuồng chống cự bằng trung liên, nhất quyết không tên nào đầu hàng. Ta dùng súng phun lửa và lựu đạn tiêu diệt các ụ phòng ngự ngoan cố này.
Đến gần sáng, ta làm chủ phần lớn cứ điểm, căn cứ ngổn ngang xác địch. Do sơ hở mất cảnh giác, ta để một đại đội thuộc sư đoàn bộ binh Mãnh hổ từ bên ngoài đánh vào tiếp cứu cho bọn bên trong và chúng co cụm lại vào 2 lô-cốt kiên cố nhất ở trên cao và dùng hoả lực chống cự quyết liệt.
Lúc này phi pháo ở bên ngoài bắn vào dữ dội hơn .Do bên trong căn cứ lúc này chủ yếu là quân ta cho nên chỉ huy trận đánh ra lệnh giải quyết số thương binh tử sĩ và rút lui dần vì nếu kéo dài đến sáng sẽ không có lợi.
4 giờ sáng quân ta rút lui an toàn ra khỏi căn cứ đồi tranh Quang Thạnh.
Mặc dù không tiêu diệt được 100% quân số địch, không bắt được tù binh nhưng số mà ta tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu đủ để xoá sổ tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ của Lữ đoàn Rồng Xanh đóng tại căn cứ này. Trận này ta tiêu diệt tại chỗ 420 tên Đại Hàn ( chúng có khoảng 500 tên trong căn cứ).
Đây là một trận đánh lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đánh qụy Lữ đoàn thuỷ quân lục chiến Rồng Xanh, giáng một đòn chí tử vào đội quân đánh thuê tàn ác, củng cố tinh thần cho bộ đội khu Năm về khả năng đánh địch trong cứ điểm phòng ngự kiên cố. Âm vang của trận đánh lớn đến nỗi làm lính Hàn Quốc sống sót mất hết tinh thần.
Sau những đòn trừng trị của quân giải phóng Quảng Ngãi, bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên hoang mang, dao động, lo sợ, rối loạn tinh thần. Tại Bình Định, một toán 7 tên lính Nam Triều Tiên dùng lựu đạn tự sát tập thể, một số tự bắn vào chân để phản đối lệnh đi càn của chỉ huy và một số bỏ mũ, bỏ lon mang súng vào khu vực Thế Long, Thế Lợi tìm du kích xin đầu hàng. Một số thông qua dân nhắn bộ đội giải phóng đừng bắn chúng, đổi lại chúng sẽ chỉ đi càn lấy lệ.
Sau chiến thắng này bà con ta hả lòng hả dạ và yên tâm bám đất ủng hộ du kích kiên quyết không vào các ấp chiến lược do địch cưỡng chế."