Thứ Hai, 14 tháng 7, 2014

Những tầu ngầm đắt nhất thế giới

1. Siêu du thuyền tàu ngầm Migaloo: 2,3 tỷ USD Mang cả chức năng là tàu ngầm và du thuyền, Migaloo có boong tàu rộng lớn với sân đỗ trực thăng riêng, bể bơi, quán bar, khu vực tắm nắng và ngắm cảnh. Khi chìm trong nước, tất cả nội thất sẽ được đặt trong những kho rộng bên dưới ván sàn lát đá granite và hồ bơi sẽ được nâng lên cao bằng với sàn tàu. Boong trước hoàn toàn dành riêng cho chủ tàu với một phòng ngủ lung linh ánh sáng. Mức giá 2,3 tỷ USD được cho là cắt cổ, và chỉ giới siêu giàu mới có thể sở hữu siêu phẩm này.
 tn1
2. Tàu ngầm Phoenix 1000: 80 triệu USD Dài 65m, Phoenix1000 có thể lặn xuống độ sâu hơn 300m, đi xuyên qua đại dương kể cả thời tiết xấu như biển động. Nó được trang bị phòng ngủ sang trọng, hầm rượu vang… và phải mất 3,5 năm để hoàn thành.
tn2
3. Seattle 1000: 25 triệu USD Seattle 1000 do công ty Submarine Inc., Mỹ sản xuất với giá 25 triệu USD, dài 36 m, rộng 6,5 m. Trên tàu có 5 phòng ngủ riêng biệt ở 2 khoang tàu, 5 phòng tắm, hai nhà bếp, một phòng tập thể thao, hầm rượu và một trạm quan sát.
tn3
4. Tàu ngầm của tỷ phú Paul Allen: 12 triệu USD Siêu tàu ngầm của nhà đồng sáng lập Microsoft có sức chứa 10 người. Đây là sản phẩm hoàn hảo phục vụ những chuyến khám phá đại dương cùng gia đình.
tn4
5. Siêu tàu ngầm kiêm thuyền cao tốc Hyper-Sub: 9,5 triệu USD Hyper-Sub có khả năng di chuyển trên mặt nước với tốc độ 35 hải lý/giờ và dưới nước là 5 hải lý/giờ. Mức độ ngập sâu của thiết bị này là gần 200m.
tn5
6. Proteus: 8 triệu USD Tàu ngầm kiêm du thuyền mini Proteus được sáng tạo bởi nhà thiết kế nổi tiếng thế giới Herbe Jaubert. Sức chứa của con tàu này là 8 người.
tn6
7. Nomad1000: 6,5 triệu USD Tàu ngầm du lịch Nomad1000 có sức chứa từ 24 – 36 hành khách. Ngoài những phòng ngủ sang trọng, Nomad1000 còn được trang bị nhà bếp, quán bar phục vụ du khách giải trí.
tn7
Phong Lâm
Theo Therichest, zing

Sự kiện Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn được bầu chọn là những danh tướng vĩ đại nhất thế giới

Sự thật việc Võ Nguyên Giáp, Trần Hưng Đạo được bầu chọn là danh tướng kiệt xuất thế giới

(PetroTimes) - Vào khoảng đầu thập niên 90, tạp chí Kiến thức ngày nay đã đưa tin: Hai vị tướng nước ta là Hưng Đạo Vương Trần  Quốc Tuấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã vinh dự được bầu chọn là hai trong mười vị tướng soái kiệt xuất thế giới. Bản tin làm nức lòng mọi người từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ trong nước đến nước ngoài.
Nhưng rồi qua một thời gian, có người đặt lại vấn đề: Nguồn tin xuất phát từ đâu? Việc lựa chọn nhằm mục đích gì? Người viết chỉ đưa tin mà không nói rõ và không đưa ra những tư liệu cụ thể. Cho đến nay chưa có ai giải đáp được những vấn đề nêu trên. Gần đây, trên đài Truyền hình trong mục KCT lại có khán thính giả đặt câu hỏi về vấn đề này và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chưa có tài liệu để trả lời. Người ta cho rằng có lẽ vì “quá tự hào” dân tộc nên người viết đã tung ra một bản tin như vậy chăng? Có người còn gọi đó là “tin hành lang”.
Mục từ Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo trong TNEB (The New Encyclopedia Britannia)
Mới đây, gia đình NSƯT Minh Hiến đã tìm được một di cảo của ông viết khoảng năm 1990 về việc này. Xin giới thiệu cùng bạn đọc để biết thêm về tấm lòng của NSƯT Minh Hiến đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1985 tôi cùng Đoàn Nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn tại Liên Xô (cũ) tại nhà hát Bônsôi Têat trong chương trình “Ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Xô”, một người bạn gái Nga mà tôi quen trong thời kỳ sang thực tập ở Liên Xô trước đây tên là Lêpêsinxkaia đã lên tặng một bó hoa rất đẹp và nói: “Mừng ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Xô thành công rực rỡ, mừng tin mới báo chí vừa đăng: Hai dân tộc chúng ta đã có những vị tướng soái kiệt xuất thế giới”. Tôi ngỡ ngàng không hiểu hết ý nhưng không tiện hỏi vì đang đứng giữa sân khấu chào khán giả.
Trong một cuộc trà đàm, Giáo sư TSKH Khái Vinh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, người đã từng bảo vệ luận án Phó tiến sĩ rồi Tiến sĩ ở Đức đã nói: “Tôi cũng đã được đọc tin này trên báo Đức trong thời gian đó”.
Những năm gần đây, nhân tham gia trong Hội đồng biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều tư liệu của Bách khoa toàn thư các nước: Pháp, Ý, Hoa Kỳ đặc biệt là Encyclopedia Britannia (Bách khoa toàn thư Anh Quốc) tôi đã thu thập được một số tài liệu, xin trình bày để bạn đọc tham khảo.
Encyclopedia Britannia (EB) là một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới gồm 30 volumes (tập), trong khi Encyclopedico Italiano của Ý có 15 volumes, Grand dictionaire universel de Piere Larousmé của Pháp có 15 volumes + 2 volumes bổ sung, EB cũng là Bách khoa toàn thư xuất bản trọn bộ sớm nhất: 1768 -1771 (The Encyclopedia America của Hoa Kỳ 1829).
Trang bìa
EB không chỉ do những nhân vật nổi tiếng của Viện Hàn lâm London và Edinburg (Thủ đô của Scotland) biên soạn mà còn do các học giả tên tuổi ở các trường Đại học Chicago của Hoa Kỳ, Toronto của Canada, Tokyo của Nhật Bản và Đại học Quốc gia Úc tham gia biên soạn và hiệu đính, do đó rất có uy tín trên thế giới, đã được xuất bản ở London và cả ở Chicago, Auckland, Geneva, Milano, Paris, Roma, Seoul, Sydney, Tokyo, Toronto.
Đến năm 1973 EB được tái bản lần thứ 14. Trong lần tái bản này, tuy đã được biên soạn rất công phu nhưng vẫn còn có một số vấn đề cần khắc phục trong đó có vấn đề danh nhân quân sự. Cũng trong bản in lần thứ 14 này, nếu tra cứu mục từ Napoléon thì thấy viết quá kỹ luỡng ở volume XVI ( ký hiệu tại thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh: Z 238), từ trang 2 đến trang 10 gồm 1.400 dòng, 14.000 từ với 2 bức ảnh lớn chụp lại 2 bức tranh ở Bảo tàng Versailles và Bảo tàng Malmaison; trong lúc đó ở mục từ Kutuzov, tên vị thống soái tài năng Nga, người đã bẻ gãy mộng bá chủ thế giới của người hùng nước Pháp Napoléon lại chỉ vẻn vẹn chưa đầy 50 dòng, không có ảnh (volume XIII, trang 519).
Kết quả bình chọn 10 danh tướng
Như vậy là việc biên soạn chưa hoàn thiện, thiếu cân đối. Vì vậy hội đồng biên soạn EB đã bổ sung những khuyết nhược điểm để tái bản lần thứ 15 và lấy tên là The new Encyclopedia Britannica (TNEB) (Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc). TNBE ra đời năm 1983 có thêm những vị tướng soái kiệt xuất trước đây chưa hề có, trong đó có Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.
Thiết nghĩ danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông (trong TNEB chỉ nêu có 2 lần), một đạo quân xâm lược hung hãn nhất của thời đại với đội kỵ binh hùng hậu có tài phi ngựa mã khoái (như tên bay) và tài bắn cung xuất quỷ nhập thần đã từng khuất phục Đại Trung Hoa và giày xéo trên khắp lục địa châu Âu, châu Á. Trần Hưng Đạo xứng đáng là một vị tướng kiệt xuất của thế giới. Mục từ Trần Hưng Đạo được in ở volumes X, trang 88, có 38 dòng, 270 từ (ký hiệu TVKHTH thành phố: Z 256) .
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vá Bộ Chính trị, đã chỉ huy quân và dân Việt Nam đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ hùng mạnh Pháp, Mỹ, đập tan chiến tranh xâm lược của thực dân cũ và mới, làm bùng lên phong traò giải phóng dân tộc khắp thế giới; đã làm cho 7 vị tướng Pháp: Leclere, Valluy, Blaizot, Carpentier, De Lattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre và 4 vị tướng Mỹ: Harkin, Westmorland, Abraham, Owen phải thất bại, cuốn cờ về nước. Tướng Giáp xứng đáng là vị tướng xuất sắc có một vị trí trong lịch sử thế giới”, như ký giả nổi tiếng người Mỹ D.S.Marshall viết (International Military and Defense Encyclopedia, 1993. volume 3. NXB Brasseys Mỹ).
Di cảo của NSƯT Minh Hiến
Mục từ Võ Nguyên Giáp được in ở volume X, trang 493 -494 có 70 dòng, 490 từ (ký hiệu tại TVKHTH thành phố: Z 256).
- Điều đáng chú ý, riêng khi viết về 2 vị tướng Việt Nam TNEB đã nhấn mạnh đến tính nhân dân trong các chiến công oanh liệt chống ngoại xâ.
- Trần Hưng Đạo đã được “sự ủng hộ của toàn thể các tầng lớp nhân dân” (support of all classes)
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những chiến tích lừng lẫy, có tác động lớn vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia, đã đươc chọn vào danh sách những vị tướng soái kiệt xuất thế giới in trong TNEB, một bách khoa toàn thư rất có uy tín, đã và đang được xuất bản ở 11 trung tâm văn hóa lớn của thế giới là niềm tự hào của dân tộc ta, niềm vinh quang cho Tổ quốc Việt Nam.
Xin dịch hai mục từ Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo trong TNEB dưới đây để bạn đọc tham khảo
Là con của nhà nho có nhiệt tâm chống thực dân Pháp trở thành một thanh niên đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam Ông theo học ở trường Cao đẳng (TNEB nhầm đúng ra là Quốc học Huế) mà trước đó Hồ Chí Minh - lãnh tụ Cộng sản đã học. Cho tới năm 1926, ông tham gia Tân Việt Cách Mạng Đảng. Đảng cách mạng của thanh niên Việt Nam. Năm 1930, tích cực tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, ông bị mật thám Pháp bắt và kết án tù 3 năm, nhưng đã được trả tự do chỉ sau vài tháng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông tiếp tục theo học trường Albert Sarraut ở Hà Nội và được nhận học vị cử nhân luật. Tiếp đó, ông dạy sử tại trường Thăng Long, nơi đây ông truyền bá cho nhiều giáo sư và học sinh quan điểm chính trị của mình. Năm 1938 ông kết hôn với Minh Thái và cùng nhau hoạt động trong Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến năm 1939 Đảng bị cấm, ông chạy sang Trung Quốc còn vợ ông cùng với người chị bị cảnh sát Pháp bắt. Người chị vợ ông bị tử hình, còn vợ ông bị kết tù chung thân, sau giảm xuống 15 năm, nhưng bà đã chết trong ngục sau 3 năm bị giam cầm .
Năm 1941, liên kết với Chu Văn Tấn, một lãnh tụ du kích nguời Thổ (một dân tộc thiểu số ở Bắc Việt Nam), Võ Nguyên Giáp hy vọng xây dựng một đội quân chống Pháp và ủng hộ những mục tiêu chính trị của Việt Minh, chính phủ Việt Nam độc lập của Hồ Chí Minh. Cùng với Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp tiến quân về Hà Nội và đến tháng 9 Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam với Võ Nguyên Giáp ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ và Tổng chỉ huy quân đội…
Ông nổi lên như một nhà chiến lược và chiến thuật quân sự mang lại chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954 đưa đến sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân.
Khi đất nước bị chia cắt vào tháng 7, ông trở thành Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang ở Bắc Việt Nam. Ông đã lãnh đạo các lực lượng quân sự của Bắc Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, đuổi quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam năm 1975. Năm 1976, hai miền nước Việt Nam thống nhất, ông lại là phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng. Ông còn là ủy viên chính thức Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, là tác giả sách “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân”, một tác phẩm viết về chiến tranh du kích trên cơ sở kinh nghiệm bản thân ông.
* Trần Hưng Đạo, họ tên là Trần Quốc Tuấn, được phong là Hưng Đạo Vương (năm 1300), một gương mặt gần như huyền thoại của lịch sử Việt Nam, nhà chiến lược quân sự xuất sắc đã đánh thắng quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, và là người anh hùng dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam ngày nay.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn
Vương triều Đại Việt bị quân Mông Cổ tiến công lần thứ nhất năm 1253. Khi Thành Cát Tư Hãn đòi tiến quân qua đồng bằng sông Hồng để đánh chiếm nước Trung Hoa từ hướng Nam, trong lời Hịch tướng sĩ đầy xúc động, tướng quân Trần Hưng Đạo đã kêu gọi quân đội đánh đuổi xâm lược vì sự thống nhất của Tổ quốc, ông ban bố cuốn Binh thư yếu lược, một cẩm nang về nghệ thuật quân sự. Trong lời tựa, ông phác ra tư tuởng Nho giáo về tinh thần trung quân, ái quốc và nghĩa vụ hy sinh chiến đấu thiêng liêng gần như là một bổn phận tín ngưỡng.
Sau một số trận thắng không quyết định, Hưng Đạo dụ hạm đội của quân Mông vào cửa sông Bạch Đằng năm 1288. Các chiến thuyền của Thành Cát Tư Hãn đã bị những cọc bịt sắt của quân nhà Trần cắm dưới mặt nước xé toạc và nhấn chìm, phỏng theo cách đánh của Ngô Quyền, một nhà quân sự lỗi lạc trước đó, năm 939.
Theo một số nguồn tư liệu, chiến dịch của Trần Hưng Đạo giành được thắng lợi là nhờ có sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Ông đã có công lớn trong việc truyền bá tư tưởng yêu nước trong nhân dân Việt Nam. Chính vì thế mà ông trở thành biểu tượng của Phong trào kháng chiến ở thế kỷ XX, bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp.
(Dịch theo bản tiếng Anh trong TNEB Volume X, tái bản lần thứ 15)
Để kết thúc bài viết này, riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài việc khẳng định tên ông được ghi trong Tân Bách khoa toàn thư Anh, là một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới, để bổ sung một số ý kiến trên, xin trích lời đánh giá vào cuối thế kỷ XX của nhà sử học quân sự Mỹ có tên tuổi Cecil B Currey, người đã viết ba tác phẩm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Tự hủy diệt (1981), Người Mỹ không thầm lặng (1988), Chiến thắng bằng mọi giá (1997), người đã tiếp xúc với các nhà quân sự Mỹ lừng danh từng là đối thủ của Tướng Giáp:
“Bề ngoài lạnh lùng của ông (Võ Nguyên Giáp) che đậy một khí chất dữ dội khiến người Pháp mô tả ông là một ngọn núi lửa phủ tuyết.
Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà còn là một trong những vị tướng tài năng nhất về chiến tranh nhân dân và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại.
… Nếu Clausewits - chiến lược gia quân sự bậc thầy của nước Phổ - sống lại chắc hẳn phải kính cẩn cúi chào vị tướng này” (Sách: Chiến thắng bằng mọi giá. Chương 23: Đánh giá Cecil B Currey, NXB Brasseys Mỹ năm 1997.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Hiến
Từ khi còn sinh thời, NSƯT Minh Hiến (Nguyễn Phước Bửu Hiến 1930-2004), nguyên giám đốc nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, đã rất quan tâm đến những đánh giá đóng góp cùng như vị thế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặc biệt những ý kiến xung quanh việc “có hay không việc Võ Nguyên Giáp được có tên trong Tân Bách khoa thư của Anh quốc” là một trong những danh tướng kiệt xuất trên thế giới. Thậm chí có nguồn tin là hai vị tướng nước ta là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp đã được bầu chọn là hai trong mười vị tướng soái kiệt xuất thế giới đã không được quan tâm vì nhạy cảm.
Cho đến nay, dù đã muộn, sau đúng mười năm tác giả bài báo đã ra đi và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất, trên các phương tiện truyền thông cũng rất nhiều lần nhắc đến những đánh giá của các tướng soái, nhà sử học, nhà nghiên cứu về Đại tướng; thay mặt tác giả - là chồng tôi, tôi xin gửi đến bạn đọc những dòng, những trang tâm huyết của tác giả về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để có thêm những tư liệu chứng cứ về sự đánh giá của thế giới về Đại tướng. Xin coi như một nén nhang thắp cùng tưởng nhớ đến Người anh hùng của dân tộc.
Nhà giáo Dương Bích Hồng

Khẩu chiến giữ Nga và Phương Tây


Những phát ngôn “bất hủ” trong trận chiến Nga - phương Tây

(Petrotimes) - Cùng với sức nóng của cuộc khủng hoảng Ukraine, cả giới ngoại giao, phân tích và truyền thông Nga - phương Tây đều có những phát ngôn có thể gọi là “kinh điển”, khá xa rời các chuẩn mực ngoại giao thông thường.
Đông đảo người dân theo dõi thông điệp gửi Quốc hội ngày 18/3 về tình hình Crimea của Tổng thống Putin qua truyền hình trực tiếp
“Trong vấn đề Crimea không có chỗ cho những cơn thần kinh”
Thông điệp gửi Quốc hội ngày 18/3 của Tổng thống Nga Vladimir Putin - câu trả lời của Nga cho cơn kích động của phương Tây nhân sự kiện bán đảo Crimea tham gia thành phần Liên bang Nga, cũng như vấn đề Crimea sẽ hội nhập vào nền kinh tế Nga như thế nào đã khiến truyền thông Nga nức lòng.
"Bài diễn văn Kremlin của ông Putin đã đặt dấu chấm cho cấu trúc thế giới hiện đại", báo Vedomosti nhận xét.
Tờ báo cũng trích dẫn ý kiến của nhà khoa học chính trị Dmitry Badovsky: Nhà lãnh đạo Nga đã “đề nghị cộng đồng quốc tế hãy bằng việc làm chứ không phải dùng lời nói chấm dứt giai đoạn đơn cực pha trộn chứng điếc cố hữu và những tham vọng của phương Tây, chấm dứt cơn cuồng loạn phát sinh vào thời điểm sụp đổ của Liên Xô do sự kết thúc không dứt khoát và thiếu sót của Chiến tranh Lạnh”.
Tờ Expert online thậm chí còn mỉa mai: “phương Tây vẫn còn có khả năng ngăn chặn cơn kích động thần kinh và thừa nhận rằng Nga đã, đang và sẽ có những quan tâm lợi ích quốc gia cần được tính đến. Vẫn còn cơ hội thỏa thuận với Moskva “và không sa vào cảnh tự tử trong cuộc xung đột với Nga vì không gian hậu Xô Viết”.
Bức ảnh chụp Đại sứ Mỹ tại LHQ Power tiến tới gần người đồng cấp Nga Churkin với điệu bộ sừng sổ, gay gắt trong khi đại diện Nga vẫn rất nhã nhặn. Không rõ ông Churkin đã nói gì nhưng theo bình phẩm của cư dân mạng, Đại sứ Nga đã nói: "Đồng chí Power, xin vui lòng không bắn nước bọt!"
“Đại sứ Mỹ tại LHQ đã tự hạ thấp mình đến cấp độ của một tờ báo rẻ tiền”
Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 19/3, về cuộc khủng hoảng Ukraine, sau khi Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin bắt đầu cuộc họp của mình bằng cách ca ngợi hiệp ước Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa ký, tuyên bố Crimea chính thức thuộc về Nga, một loạt Đại sứ của các nước phương Tây đã phản pháo.
Đại sứ Anh tại LHQ Mark Lyall Grant độp lại: “Đại diện thường trực của Nga đã nói quá trình này là phù hợp với luật pháp quốc tế , không có sự can thiệp bên ngoài và thông qua một tiến trình dân chủ. Thật khó để biết được trong ba khẳng định trên, đâu là lời nói dối lớn nhất.”
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power gay gắt mỉa mai: “Nga được biết đến bởi nền văn học vĩ đại và những gì các bạn vừa nghe từ Đại sứ Nga cho thấy ông ta có trí tưởng tượng còn hơn cả Tolstoy hay Chekhov”.
Bà Power thậm chí còn đi xa hơn khi so sánh việc Nga quyết định sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga giống với hành động ăn trộm: “Một tên trộm có thể ăn cắp tài sản nhưng hành động này không làm nên quyền sở hữu tài sản của hắn”.
Đại diện Mỹ tuyên bố: Nga có vẻ như đã vẽ lại đường biên giới của mình nhưng sẽ không thể bịa đặt sự thật".
Đáp lại, Đại sứ Nga Churkin đã nhã nhặn nhắc nhở đại diện Mỹ về những gì ông gọi là nhận xét “quá mức”: “Bà Power đã bắt đầu với một tham chiếu đến Tolstoy và Chekhov nhưng sau đó lại kết thúc bằng cách hạ thấp mình đến cấp độ của một tờ báo rẻ tiền”.
Đại diện Nga cũng khẳng định: “Không thể chấp nhận được khi nghe những lời lăng mạ đến đất nước của chúng tôi”. Ông nói thêm: “Nếu các đoàn đại biểu Mỹ hy vọng vào sự hợp tác của chúng tôi về các vấn đề khác trong Hội đồng Bảo an thì bà Power phải hiểu điều này một cách rõ ràng”.
Linh Linh (tổng hợp)

Chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản

Nhật sẽ bảo vệ châu Á trước Trung Quốc?

(PetroTimes) - Từ nay quân đội Nhật Bản được phép hành động quân sự để bảo vệ đồng minh và các nước bạn nào bị tấn công, dù chiến trường diễn ra ở nước ngoài, không nhất thiết phải là chiến tranh trên lãnh thổ, lãnh hải nước Nhật.
Năng lượng Mới số 338
Vì sao Nhật thay đổi học thuyết quân sự?
Ngày 1/7, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền “tự vệ tập thể”, tức là sửa Điều 9 bản Hiến pháp 1947 cấm Nhật Bản tham gia chiến dịch quân sự bên ngoài lãnh thổ. Sau quyết định của hành pháp, dự thảo sẽ đưa sang Quốc hội để biến thành luật. Theo đánh giá, với liên minh Tự do Dân chủ là đảng Komeito chiếm đa số tại Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ không gặp khó khăn trong kế hoạch sửa đổi học thuyết quân sự.
Nghị quyết mới của nội các Nhật Bản nói rõ, Tokyo có thể sử dụng quân đội ở mức tối thiểu cần thiết trong các trường hợp khi một nước có mối quan hệ chặt chẽ với Nhật bị tấn công và phải đáp ứng 3 điều kiện cần và đủ bao gồm: có mối đe dọa thực sự với sự tồn tại của Nhà nước Nhật Bản, có mối nguy hiểm rõ ràng tới quyền sống, tự do, theo đuổi hạnh phúc của người dân Nhật và khi không còn một giải pháp thay thế nào khác.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Thủ tướng Abe nói: “Hòa bình không phải là điều mà người ta mang lại cho mình mà chính là điều mà chúng ta phải tự tìm lấy” và nhấn mạnh rằng, sự chuyển hướng này là cần thiết để bảo vệ mạng sống của dân Nhật trong một môi trường an ninh đang ngày càng bị đe dọa trầm trọng. Ông Abe thêm rằng, tàu chiến Nhật cần phải có để bảo vệ tàu chiến Mỹ đang che chở cho nước Nhật.
Thủ tướng Nhật Shinjo Abe tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 1/7
Đây là một động thái đã được dự đoán từ lâu do những thách thức về an ninh trong khu vực thời kỳ mới mà Nhật Bản đang phải đương đầu. Quá trình bắt đầu từ hơn 20 năm trước, khi Nhật Bản đặt ra mục tiêu nâng cao vị thế quốc tế và trên hết, nâng cao vai trò chính trị của mình trong các tổ chức quốc tế, trong Liên Hiệp Quốc, trở thành không chỉ là một cường quốc kinh tế, mà còn có quyền lực chính trị lớn. 22 năm trước, một đạo luật về các tổ chức gìn giữ hòa bình được thông qua, cho phép các lực lượng vũ trang Nhật Bản tham gia nhiệm vụ quốc tế của Liên Hiệp Quốc. Không phải là ngẫu nhiên mà nghị quyết cho phép sử dụng lực lượng quân đội ở nước ngoài được thông qua ở thời điểm này. Hành động này phản ánh tính chất đặc thù của thời điểm hiện tại, khi Nhật Bản đang đối mặt với những thách thức và mối đe dọa an ninh. Điều đó có liên quan với các yếu tố quân sự - chính trị trong sự trỗi dậy của Trung Quốc và các tình tiết gia tăng căng thẳng trong tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Người ta có thể thấy chính Trung Quốc đã tiếp tay cho Thủ tướng Nhật thành công trong việc vận động diễn giải hiến pháp Nhật theo cách mới. Việc Trung Quốc gây hấn và có những hành động khiêu khích với Nhật đã khiến hầu hết dân chúng Nhật, tuy vẫn còn bị ám ảnh với hai quả bom nguyên tử, đều ý thức được rằng: Nếu Nhật không có biện pháp ngay từ bây giờ thì khi chiến tranh xảy ra Trung Quốc sẽ nắm phần chủ động trên mọi mặt.
Ngoài ra, sự sửa đổi học thuyết quân sự của Nhật lần này cũng một phần bắt nguồn từ Mỹ. Mặc dù Thủ tướng Abe vẫn ủng hộ cho việc tăng cường liên minh Nhật - Mỹ, nhưng đồng thời Tokyo không hài lòng với lời hứa đơn thuần từ phía Washington. Bởi, khi Bắc Kinh đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không trong vùng biển quốc tế ở biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), Washington rõ ràng không đứng về phía Nhật Bản, mà chỉ cố gắng giảm thiểu tình trạng này. Do đó, Nhật Bản muốn tự mình trở thành một đảm bảo nhất định cho sự ổn định trong khu vực và có thể dựa vào sức mạnh của chính mình.
Nhật Bản có thể làm được gì?
Mỹ, Philippines là hai nước đầu tiên lên tiếng ủng hộ việc Nhật Bản mở rộng vai trò của quân đội để bảo vệ đồng minh trong khu vực. Và không có gì khó hiểu khi Trung Quốc là nước phản đối gay gắt thay đổi này. Từ trước tới nay, Bắc Kinh vẫn luôn tin rằng Nhật không thể sửa đổi hiến pháp và Bắc Kinh muốn làm gì thì làm tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhưng Trung Quốc không ngờ Nhật thay đổi được sự diễn giải hiến pháp, nên nếu Tokyo muốn hợp tác với Philippines hay với các nước ASEAN khác như một đồng minh giống như Mỹ, việc đó sẽ không bị trở ngại như trước.
Tại đối thoại Shangri-La vừa qua, Thủ tướng Abe xác định là sẽ ủng hộ tối đa nỗ lực bảo vệ vùng biển và vùng trời của những nước ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Ông Abe cũng nói Nhật Bản sẽ nắm vai trò lớn hơn về an ninh quốc tế và nhấn mạnh với tất cả các nước dự hội nghị, trong đó có Trung Quốc, về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nhật nói như vậy ngụ ý chỉ trích chính sách độc đoán của Trung Quốc. Ngay khi Tokyo được áp dụng chính sách quốc phòng mở rộng gọi là “quyền tự vệ tập thể” như vậy, liệu Nhật có lập liên minh quân sự với Philippines hay các thành viên khác của ASEAN và có thể can thiệp quân sự đối đầu với Trung Quốc một khi Bắc Kinh xâm lấn các đồng minh này hay không?
Trước hết, từ lúc còn vận động để thay đổi cách diễn giải hiến pháp, Thủ tướng Nhật đã xác định chính sách quốc phòng mới không có nghĩa là Nhật Bản sẽ lập tức đưa quân ra chiến trường. Nhưng chính sách mới nói về quyền tự vệ tập thể, tức quyền phòng thủ chung với các nước ngoài, cho phép Nhật Bản hành động quân sự để giúp một nước có hiệp ước đồng minh quân sự với Nhật và đó chính là hành động mở rộng phạm vi quốc phòng với quyền tự vệ tập thể.
Quân đội phòng vệ Nhật Bản từ nay có thể được gửi đi tham chiến, bảo vệ đồng minh
Một số quan chức cao cấp của Nhật có đề cập đến triển vọng Nhật có thể sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể với các nước khác ngoài Mỹ, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Tuy nhiên, quân đội Nhật chỉ được phép thực hiện quyền tự vệ tập thể với một quốc gia đồng minh mà Nhật có hiệp ước liên minh quân sự. Philippines thì chắc chắn sẵn sàng ký kết với Nhật, nhưng với các nước ASEAN khác còn chưa thể biết được.
Người ta cũng không dự kiến Trung Quốc sẽ có hành động quân sự đối với Philippines hay nước khác ở Biển Đông. Mục đích của Trung Quốc rõ ràng là xâm lấn chiếm lãnh hải, nhưng chiến thuật là một chiến thuật mềm hơn là gây chiến. Họ cứ giả bộ thăm dò, nghiên cứu để đem các giàn khoan đi cắm trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của nước khác, kéo lê đi hết chỗ này đến chỗ kia, từ xa đến gần, rồi lại vừa đi vừa dặm quanh lãnh hải của người ta, như đang làm với 4 giàn khoan khác bên cạnh Hải Dương 981. Nhưng khi Trung Quốc không gây chiến bằng quân sự, Nhật hay Philippines cũng không có lý do gì để phản ứng bằng biện pháp quân sự.
Ở biển Hoa Đông thì Trung Quốc đe dọa bằng quân sự nặng nề hơn. Đây chính là điều quan tâm của Nhật khi mở rộng sự hiện diện quân sự và hoạt động quân sự ra các nước ngoài.
Trong khi đó thì Tokyo lại hòa hoãn với Bình Nhưỡng. Vậy chính sách quốc phòng “tự vệ tập thể” nhắm mục tiêu ở đâu, vào ai?
Thủ tướng Nhật từ trước đến trong và sau hội nghị Đối thoại Shangri-La đã nhấn mạnh nhiều lần vào tình hình tranh chấp ở Biển Đông với sự hiếu chiến và chính sách gây hấn của Trung Quốc. Nhật còn lập tức thỏa mãn yêu cầu của một số nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách cung cấp những tàu tuần duyên đủ sức đương đầu với lực lượng hải cảnh, hải giám của Bắc Kinh.
Theo giới quan sát, việc thay đổi học thuyết quân sự làm tăng khả năng mở rộng hợp tác quốc phòng an ninh của Nhật với các nước trong khu vực vì nó chỉ có lợi cho Nhật trong việc đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Từ nay quân đội Nhật Bản được phép hành động quân sự để bảo vệ đồng minh và các nước bạn nào bị tấn công, dù chiến trường diễn ra ở nước ngoài, không nhất thiết phải là chiến tranh trên lãnh thổ, lãnh hải nước Nhật.
Nhan Thạch

Pháo binh Việt Nam đánh hiểm


Pháo binh Việt Nam đánh hiểm

(PetroTimes) - Mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, 17h ngày 13/3/1954, pháo binh của QĐNDVN đã khai hỏa, bắn dữ dội trong suốt 1 giờ. Ngay 15 phút đầu, hoả lực pháo binh ta đã gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề. Liền sau đó pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt.
Niềm tin của sĩ quan pháo binh Pháp
Trung tá Charles Piroth là sĩ quan chỉ huy pháo binh nổi tiếng từ các chiến dịch trong chiến tranh thế giới thứ hai. Piroth đã để lại trên chiến trường Italy cánh tay phải. Viên chỉ huy pháo binh tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ này từng tinh thông lý thuyết xạ kích, trải qua kinh nghiệm tác chiến pháo binh.
Phản pháo là một nghệ thuật quân sự hình thành từ chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1918 và được hiện đại hoá trong cuộc chiến tranh 1940-1945. Cụ thể Piroth nói, với một khẩu 155mm chỉ cần ngắm bắn chính xác là có thể tiêu diệt cả một cụm pháo 105mm.
Khi Tổng tư lệnh, Tướng Navarre hỏi:
- Với cỗ pháo 155 mm, ông nghĩ có thể phản kích hiệu quả pháo Việt Minh?
Piroth bình thản trả lời:
- Thưa đại tướng, sẽ không để cho một khẩu pháo Việt nào bắn quá ba phút mà tôi không ngắm bắn và tiêu diệt nó. Chỉ cần bốn khẩu 155 mm đã bố trí sẵn tại các vị trí Pháp có thể dễ dàng phản pháo lại.
Piroth tin hỏa lực phản pháo của ông ta có hiệu quả còn vì bố trí các đài quan sát tốt và khi cần có tới 6 máy bay trinh thám đang chờ trên đường băng.
Mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, pháo binh của QĐNDVN đã khai hỏa, bắn dữ dội trong suốt 1 giờ. Ngay 15 phút đầu, hoả lực pháo binh ta đã gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề. Liền sau đó pháo binh Pháp cũng bắn trả mãnh liệt.
Pháo binh nổ súng vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ vào chiều 13/3/1954. Ảnh: T.L
Tại Điện Biên Phủ, Piroth đã sớm có 25 khẩu đại bác 105 mm, 4 khẩu 155mm, 24 khẩu cối 120mm+81mm cùng gần trăm ngàn viên đạn pháo các loại... 10 xe tăng tại đây cũng gắn 10 pháo lớn. Các hầm pháo để ngỏ cao tới ngang vai. Khu trung tâm tập đoàn cứ điểm chỉ rộng khoảng 2,5 km vuông đã có tới 12 khẩu 105mm, 4 khẩu 155mm, 24 khẩu cối 120 và 81mm và một số dự trữ đạn dược đồ sộ (tương đương từ 6 đến 9 cơ số đạn trước trận đánh, hơn 10 vạn viên). Hỏa lực như vậy là quá mạnh.
Các tài liệu cho thấy, sau trận Him Lam, đến ngày 15/3, quân Pháp tại các trận địa đã bắn trả lại hơn 10.000 quả đạn nhưng không gây được chút tổn thương nào cho các khẩu pháo của đối thủ. Cho dù Béatrice (Him Lam) cách phân khu trung tâm chưa đầy 3000 mét.
Sĩ quan Pháp Jean Pouget viết trong hồi ký: “ Trung tá Piroth đã giành trọn một đêm (13/3) quan sát các trận địa hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào. Hai khẩu 105 ly bị quét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155 ly bị loại khỏi vòng chiến đấu …”
Piroth bắt đầu hốt hoảng khi đã giở hết cách mà vẫn không tài nào bắt được pháo của Việt Minh “câm họng”, không tài nào biết được các khẩu pháo ấy nằm ở đâu để bắn trả chính xác đến vậy.
Pháo Việt cấu trúc công sự trận địa tốt.
Về trang bị, phía QĐNDVN, pháo binh tại mặt trận Điện Biên Phủ có 1 trung đoàn lựu pháo 105mm gồm 2 tiểu đoàn với 24 khẩu; 1 trung đoàn sơn pháo+ súng cối gồm (5 tiểu đoàn và 10 đại đội) với 94 khẩu, cùng 12 dàn hỏa tiễn (cachiusa) H6 (6 nòng) tổng cộng 72 nòng. Súng cối của các đại đoàn bộ binh là 140 khẩu.
Trước đó có một sĩ quan gốc Đức trong đội quân Lê dương ở Điện Biên Phủ bị quân báo bắt, y khá tin tưởng vào khả năng tồn tại của cứ điểm Béatrice (Him Lam) và cho rằng QĐNDVN không có pháo hạng nặng để phá hủy hệ thống phòng ngự liên hoàn, kiên cố của Pháp và Béatrice được kiến trúc công sự để đối phó hiệu quả với ưa thích của người Việt thường tiến công vào buổi tối. Các binh sĩ trấn giữ Béatrice đã nhận được đầy đủ kính hồng ngoại để có thể nhìn trong đêm tối, súng phun lửa để phát quang bụi rậm, áo nịt chống đạn, súng phóng lựu đạn loại hiện đại nhất...
Đại tướng P.Henri Navarre (1898-1983), Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương 1953-1954 đã trả lời phỏng vấn báo Nouveau Candide ngày 17/10/1963. Navarre nói: Các mỏm núi đều cách xa trận địa 10km, quân Việt không thể đặt ụ pháo trên sườn núi cao hơn cứ điểm vì sẽ lộ vị trí và ngay sau khi đạn pháo đầu tiên bắn đi thì lập tức bị chặn họng bởi phản pháo của ta.
Như vậy, họ phải đặt ở phía đồi dốc thấp, điều này giảm đáng kể hiệu lực của pháo khi bắn ra. Hai phái đoàn của Mỹ gồm các sĩ quan đã chiến đấu ở Triều Tiên, đến đây tham khảo khả năng của pháo và súng phòng không của quân Việt. Họ cũng đồng ý nhận định như vậy.
Trên thực tế, cấu trúc công sự trận địa pháo của Việt Nam, rất tốt. Có thể nói đây là kết quả của việc "kéo pháo ra", để công binh chuẩn bị công sự kỹ càng hơn. Nóc hầm pháo ta được ghép bằng các thân cây gỗ có đường kính từ 20 cm trở lên, được đắp đất đá lên trên, đảm bảo chống được sức công phá của bom, pháo địch. Bên ngoài trận địa được ngụy trang kỹ lưỡng, không để lộ một dấu vết.
Việc "giấu pháo” tại Điện Biên Phủ được thực hiện trong các hầm dạng hàm ếch, khoét sâu trong núi, đào sau từng trận khẩu pháo. Dứt đợt bắn, pháo lập tức được kéo lùi lại để "ẩn" trong những hầm kín này, tránh phản pháo hoặc không kích từ máy bay. Một nhà báo Nga sau này nhận xét: "Tôi gần như chưa gặp cách bố trí pháo độc đáo như vậy trong bất kỳ trận đánh nào của chiến tranh hiện đại."
Bên cạnh đó, ta cũng nghi binh, cùng lúc pháo bắn, tại các trận địa giả, quân ta cho nổ bộc phá tạo ra các ánh chớp khiến quân địch lầm tưởng là chớp lửa đầu nòng của pháo.
Báo Pravda (Nga) sau này viết về trận mở màn chiến dịch: Trong vòng nửa giờ 40 khẩu pháo các loại cỡ từ 75 đến 120 ly đồng loạt nã đạn vào các khu đồi. Quân Pháp phản pháo nhưng không thành công. người Việt cấu trúc công sự khá tốt, giấu pháo trong các hầm kiên cố, sâu trong lòng núi.
Trình độ bắn pháo thiện xạ của QDNDVN làm cho đối phương phải bất ngờ. 18 đến 20 phát bắn đầu tiên trong chiến dịch đã nã trúng đích.
Cũng báo Nga, dẫn lời sĩ quan Pháp: Có cảm giác là cứ điểm Béatrice ( Him Lam) đã biến mất. Đạn pháo trút xuống như mưa, hoàn toàn chôn vùi các tuyến công sự, hầm hào, súng đạn...Việt Nam lấy đâu ra từng đấy pháo để tạo ra sức mạnh của địa ngục như vậy.
Bố trí đội hình hiểm hóc
Có thể khẳng định, pháo binh ta đánh hiệu quả còn do bố trí đội hình pháo binh hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc, hình thành thế vây hãm quân địch trong suốt chiến dịch.
Các trận địa tuy phân tán, khoảng cách giữa các đại đội khoảng từ 3 đến 5km, nhưng vẫn tập trung được hỏa lực cho hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu ở mức cao.
Tuy pháo đặt phân tán nhưng pháo binh ta lại đo đạc các phần tử bắn rất cẩn thận cho từng khẩu để đảm bảo mỗi khi khai hỏa vào một mục tiêu, dù các khẩu pháo đặt ở vị trí khác nhau đều có thể cùng bắn trúng mục tiêu đó. Lối đánh này được nêu thành phương châm “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.
Đơn cử trung đoàn pháo lựu 105mm bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây Bắc Bản Kéo, đã tạo thành một vòng cung hơn 30km; quá trình tổ chức, bố trí trận địa ta đã kiên quyết khắc phục khó khăn, vượt mọi trở ngại, kéo những khẩu trọng pháo nặng hàng tấn lên bố trí trên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm. Các đơn vị súng cối bố trí tập trung ở hướng Đông và Đông Bắc Điện Biên Phủ, cự ly bắn của súng cối từ 600 đến 800m.
Các tài liệu của chỉ huy pháo binh Việt Nam sau này đánh giá, trận địa sơn pháo thọc sâu bố trí trên Đồi E, cự ly bắn từ 300 đến 500m tạo nên thế rất hiểm đối với địch, mặc dù chúng tập trung mọi cố gắng nhưng không thể diệt được trận địa pháo lợi hại này của quân ta. Sự xuất hiện của hỏa lực pháo binh ta từ các dãy núi cao xung quanh tập đoàn cứ điểm là đòn bất ngờ nhất đối với địch. Đó cũng thể hiện nét sáng tạo, độc đáo trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nói theo thuật ngữ nghệ thuật chiến dịch, thì việc bố trí trận địa pháo binh phân tán, hiểm hóc, vững chắc đã tạo ra một thế trận vững mạnh và ổn định, sử dụng pháo binh theo yêu cầu chiến dịch để pháo binh chi viện hiệu quả cho các đại đoàn bộ binh.
Tập trung hỏa lực bắn hiệu quả
Có thể khẳng định, pháo binh ta bắn hiệu quả còn vì các sĩ quan chỉ huy bắn pháo đã sử dụng pháo binh tập trung hỏa lực mạnh, mật độ đạn lớn, thời gian ngắn, vì vậy mà đã nhanh chóng sát thương lớn quân địch bộc lộ ngoài công sự.
Cũng theo cách nói của nghệ thuật quân sự, pháo binh ta đã tạo ưu thế tuyệt đối về binh hỏa lực trên từng không gian, thời gian nhất định, bảo đảm chắc thắng cho từng trận chiến đấu, từng đợt chiến dịch, do đó, bảo đảm chắc thắng cho toàn chiến dịch.
Nhờ đánh chắc từng bước ta có điều kiện tập trung pháo binh để kiềm chế hỏa lực pháo binh và binh lực cơ động của địch để tiêu diệt từng trung tâm đề kháng trong một đợt tiến công.
Trong chiến dịch này, pháo binh ta tạo được thế trận hiểm hóc, liên hoàn, sử dụng lực lượng phù hợp nên trong từng trận, đã tập trung ưu thế hơn địch từ 3 đến 5 lần để chi viện đắc lực cho bộ binh chiến đấu, tập trung được hoả lực vào phần lớn các mục tiêu trong những trận đánh then chốt quyết định ở khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm, bảo đảm bắn được hầu hết các mục tiêu ở cự ly bắn có lợi nhất.
Mở màn chiến dịch, ngày 13 tháng 3 năm 1954, Pháo binh của ta đã khai hỏa, gây cho quân Pháp tổn thất nặng nề. Đến khi pháo binh chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch trong công sự kiên cố, vững chắc, pháo binh ta đều có hỏa lực chuẩn bị và hỏa lực chi viện phát triển tiến công.
Để chi viện cho bộ binh vây lấn, chúng ta đã bố trí hỏa lực pháo binh trên nhiều hướng, sơn pháo và cối 82mm đi cùng trực tiếp chi viện khi vây lấn . Khi thời cơ đến dùng thêm lựu pháo trực tiếp bắn phá hoại. Với lối đánh này vừa chế áp, tiêu diệt được địch, vừa bảo đảm an toàn cho quân ta.
Những trận sau này, ta sử dụng 12 dàn hỏa tiễn H6 của Tiểu đoàn 224 được lệnh bắn vào các mục tiêu đã định ở khu trung tâm Mường Thanh. Lần đầu tiên xuất trận, H6 đã phát huy uy lực với tiếng gió rít ầm ầm và chuỗi đạn bắn dồn dập, liên tục dường như không dứt vào các mục tiêu khiến quân địch vô cùng sợ hãi và hoảng loạn. Các trận địa pháo địch câm bặt. Nếu có khẩu pháo địch nào còn ngoan cố bắn ra, H6 lại dập vào đó một vài loạt hỏa tiễn, buộc chúng phải câm họng. Từ 19h30 phút ngày 6/5 đến 0h30 ngày 7/5/1954, tiểu đoàn này đã tiến hành bắn 3 đợt với tổng cộng 618 viên đạn vào các mục tiêu đã được xác định, góp phần nhanh chóng làm cho quân địch suy sụp về tinh thần, tê liệt ý chí chiến đấu.
Đoạn kết
Lại nói đêm sau 13/3/1954, tại một cứ điểm người ta bất ngờ thấy thi hài của viên trung tá chỉ huy pháo binh Piroth trên một chiếc giường nhỏ trong hầm. Rõ ràng viên chỉ huy pháo binh đã dùng răng kéo chốt lựu đạn, ôm chặt nó vào người và thả chốt ra. Như vậy, sau hai đêm đầu tiên không thực hiện được lời hứa bịt miệng các họng pháo của Việt Minh, Piroth đã tự sát.
Còn chiến sĩ pháo binh Việt Nam, phải kể đến khẩu đội trưởng Phùng Văn Khầu. Ngày đầu làm quen với khẩu pháo thật khó khăn. Không biết chữ, không biết sử dụng máy ngắm, anh chỉ còn cách ngắm bắn qua nòng bằng mắt thường. Trong một trận bắn pháo, có 22 quả đạn pháo thì khẩu đội của anh bắn 21 quả trúng mục tiêu quân Pháp.
Trước trận địa đồi E, đồng đội của anh lần lượt hi sinh. 9 người còn 3, rồi 3 người còn 1. Chỉ còn lại một mình, anh quyết tâm làm thay công việc của 8 người. Anh đánh vật thao tác với khẩu pháo gần nửa tấn. Ý chí chiến đấu của anh tập trung vào nòng pháo. Lần thứ nhất, khoảng cách 150m, ông bắn trượt. Lần thứ hai, được chỉnh lại, quả pháo "chui tọt vào lỗ châu mai". Những quả sau đó "đã bắn là trúng". Trận đánh ấy, Phùng Văn Khầu một mình xoay trở với khẩu pháo 75ly. Anh đã tiêu diệt được 5 khẩu pháo 105ly của Trung tá Piroth, cùng 6 khẩu đại liên, 4 lô cốt, 1 kho đạn của địch.
May cho trung tá pháo binh Piroth đã không biết chuyện này ở lòng chảo Điện Biên Phủ.
Thật tiếc, khuôn khổ bài viết chưa cho phép nói về những hy sinh gian khổ của chiến sĩ pháo binh Điện Biên Phủ, từ khi huấn luyện, tháo pháo mang vác nặng, kéo pháo vào, kéo pháo ra, củng cố công sự, cơ động đánh địch, xứng đáng lời ngợi khen “chân đồng vai sắt”.
Pháo binh Việt Nam tự hào vì đã có những đóng góp rất quan trọng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Pháo binh ta tuy nhỏ nhưng đã có một tác dụng lớn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Trần Danh Bảng

Người duy nhất đề nghị Tổng Tư Lệnh xem lại kế hoạch đánh nhanh

Người duy nhất đề nghị Tổng Tư lệnh xem lại kế hoạch đánh nhanh

(PetroTimes) - Hôm dự lễ mừng đại thọ cụ bà Phạm Thị Trinh, em gái tướng Phạm Kiệt, 100 tuổi đời, 83 năm tuổi Đảng, tôi được xem một tư liệu lịch sử, một kỷ vật vô cùng quý báu của gia đình: Đó là bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ngày 19/1/1995 gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Trung tướng Phạm Hồng Cư
Trong thư, Đại tướng tham gia ý kiến vào buổi sinh hoạt sử học tưởng niệm Trung tướng Phạm Kiệt.
Sau đây là đoạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đến vai trò của Trung tướng Phạm Kiệt tại Mặt trận Điện Biên Phủ: “Đặc biệt, tại Mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía đông bắc. Anh đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu bằng điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Phạm Kiệt (bên trái) trên vùng biển Quảng Ninh năm 1973
Đoạn thư trên đây cung cấp một căn cứ để tìm hiểu thêm về “Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Thế hệ chúng tôi, những cựu chiến binh Điện Biên Phủ nay đều đã là những lính già đầu bạc, ai ai cũng nhất trí với ý kiến của Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 nói trong dịp Kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó, thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, tướng Vương Thừa Vũ thì nói: “Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” thì cuộc kháng chiến có thể lùi lại mươi năm!”.
Quyết định khó khăn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một câu chuyện không bao giờ cũ về Điện Biên Phủ. Từ khi phổ biến nhiệm vụ chiến đấu theo kế hoạch đánh nhanh (14/1/1954) cho đến ngày N (trước là ngày 25 sau hoãn 24 tiếng nên là 26/1/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải trải qua 11 ngày đêm trăn trở, vừa theo dõi tình hình địch, vừa suy nghĩ thay đổi phương châm từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Suy nghĩ lung đến mức đầu đau nhức, bác sĩ phải buộc trên trán Đại tướng một nắm ngải cứu.
Đến sáng ngày N (26/1/1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận.
Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuật lại không khí căng thẳng của cuộc họp Đảng ủy Mặt trận: Đảng ủy vẫn giữ ý kiến đánh nhanh. Đại tướng phải nói lại chỉ thị của Bác Hồ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”. Cuối cùng, Đảng ủy mới đi đến nhất trí là trận đánh có thể thất bại nếu không thay đổi phương châm tác chiến, đồng ý rút quân ra, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo phương châm mới “Đánh chắc, tiến chắc”.
Đây là một bài học mẫu mực về vận dụng nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trong hoàn cảnh chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát huy cao độ trách nhiệm cá nhân, đồng thời tôn trọng sự lãnh đạo tập thể của cấp ủy Đảng.
Về Trung tướng Phạm Kiệt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong thư: “Lúc bấy giờ toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 đêm 3 ngày. Sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt trận gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”.
Tôi càng thấy rõ anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.
Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi xin trích giới thiệu bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về Trung tướng Phạm Kiệt để tưởng nhớ đến người duy nhất lúc đó đề nghị Đại tướng xem xét lại kế hoạch đánh nhanh, qua đó đã góp phần xứng đáng vào Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
P.H.C