Một số dòng điện thoại được nhà sản xuất trang bị sẵn socket gắn ăng-ten ngoài, giúp người dùng có thể tăng khả năng bắt sóng của điện thoại trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên, thật khó để tìm được loại phụ kiện này trên thị trường. Nhưng không phải là không có cách. Bạn có thể tự chế ăng-ten cho điện thoại với vật liệu cần thiết chỉ là một sợi dây đồng loại cứng, hoặc đơn giản chỉ là một chiếc kim kẹp giấy, vật dụng thường thấy tại bất kỳ văn phòng, công sở nào.
Để đảm bảo tính mỹ thuật, tất cả điện thoại ngày nay đều sản xuất ăng-ten ngầm.
Tuy thế, bạn có thể tự chế ăng-ten cho điện thoại với vật liệu cần thiết chỉ là một sợi dây đồng loại cứng, hoặc đơn giản chỉ là một chiếc kim kẹp giấy, vật dụng thường thấy tại bất kỳ văn phòng, công sở nào.
Vật dụng cần thiết để “chế” ăng-ten.
Để gắn được ăng-ten vào socket, điều đầu tiên là bạn cần xác định socket gắn ăng-ten. Socket nay rất dễ nhận biết bởi hình dáng đặc trưng của nó. Thường socket này nằm ở mặt lưng của điện thoại có thể bị che bởi một nắp cao su hay nắp pin. Cá biệt, vài mẫu điện thoại dù vẫn có socket này nhưng bị che khuất bởi vỏ máy, chỉ khi bóc tách hoàn toàn bộ vỏ mới thấy được.
Socket ăng-ten điện thoại
Nếu gặp tình trạng sóng mạng hơi yếu, khiến cuộc gọi không rõ, thường hay ngắt đoạn, bạn có thể sử dụng cách đơn giản nhất là dùng kim kẹp giấy. Thực hiện khá đơn giản, mở kim kẹp giấy ra, dùng kềm nhỏ kẹp và bẻ góc 90 độ phần cuối đoạn kim kẹp giấy, tạo thành chữ L với chiều dài cạnh đáy L tương ứng với khoảng cách từ cổng ăng-ten đến vỏ ngoài điện thoại.
Trên điện thoại, dùng vật dụng nhỏ tháo nắp cao su che cổng ăng-ten ngoài. Cắm phần cạnh đã được bẻ cong của kim kẹp giấy vào giữa cổng ăng-ten trên điện thoại. Dùng băng dính mỏng để cố định kim kẹp giấy trên thân máy. Lúc này, kim kẹp giấy sẽ có tác dụng như một chiếc ăng-ten phụ trợ, có khả năng bắt sóng tốt hơn. Lưu ý, kim kẹp giấy có độ dài càng lớn thì khả năng bắt sóng của chiếc ăng-ten “chế” này càng tốt.
Giải pháp trên chỉ có hiệu quả nhất định đối với tình trạng sóng yếu trong khu vực kín. Nếu gặp tình trạng mất sóng hoàn toàn, bạn có thể “chế” một chiếc ăng-ten khác khoa học hơn với một đoạn dây đồng loại cứng, có đường kính bằng với đường kính cổng ăng-ten trên điện thoại.
Trước tiên, cắt một đoạn dây đồng dài khoảng 20 cm. Dùng một chiếc đũa, hoặc thân bút để làm khuôn, xoắn đoạn giữa dây đồng 5-6 vòng sát nhau.
Tách đoạn dây đồng đã xoắn khỏi khuôn, cắt ngắn đoạn dây hai bên, cách phần dây đã xoắn khoảng 5 cm. Dùng tay kéo nhẹ để giãn đều khoảng cách giữa các vòng xoắn, khoảng 2 mm là vừa.
Tại đoạn cuối phần dây đồng, bạn vẫn tiến hành bẻ góc chữ L như thực hiện với đoạn kim kẹp giấy ở trên. Sau đó cũng kết nối đoạn dây đồng đã được “chế” này vào cổng ăng-ten trên điện thoại và cố định chiếc ăng-ten “chế” này bằng băng dính. Giờ, bạn hãy khởi động lại điện thoại để máy khởi tạo lại quá trình nhận sóng mạng. Chắc chắn bạn sẽ nhận ra khác biệt.
Khá hay khi cách “chế” ăng-ten từ đoạn dây đồng này cũng có hiệu quả đối với các loại modem phát sóng Wi-Fi, hoặc với USB 3G (bạn chỉ cần xác định vị trí ăng-ten của các thiết bị đó rồi “chế” ăng-ten cho nó). Trong khi đó biện pháp dùng kim kẹp giấy sẽ bớt hiệu quả hơn. Khác biệt nằm ở chính hình dáng của chiếc ăng-ten rời. Với chiếc kim kẹp giấy, khi được kết nối vào điện thoại, nó trở thành chiếc ăng-ten rời có độ dài lớn hơn ăng-ten ngầm có sẵn bên trong điện thoại, nên bắt sóng hiệu quả hơn một chút. Còn với đoạn dây đồng được xoắn nhiều vòng, ngoài độ dài lớn hơn, các vòng xoắn tạo nên hiện tượng cộng hưởng theo hiệu ứng Tesla, giúp khuếch đại sóng mạng mà chiếc ăng-ten “chế” này nhận được. Các thử nghiệm cho thấy phương pháp này rất hiệu quả với trường hợp điện thoại hoàn toàn không thể nhận được sóng mạng tại khu vực kín như trong nhà, trong công sở.
Đối với loại điện thoại có ăng-ten, không sử dụng ăng-ten ngầm, bạn cũng có thể ứng dụng hiệu ứng Tesla để nâng sóng khá đơn giản. Dùng một cuộn dây đồng quấn chặt xung quang ăng-ten, một khoanh dây cũng cách nhau khoảng 2mm. Sau đó, dùng băng dính để cố định đoạn dây được xoắn quanh ăng-ten này. Lúc này, bạn đã mô phỏng thành công một chiếc tháp bắt sóng di động mini ngay trên chiếc điện thoại của mình.
Theo eChip