Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Nhân vật lịch sử: Thiệu Ung, một nhà tư tưởng – nhà vũ trụ học lỗi lạc

Chia sẻ bài viết này
Shao Yong, the great philosopher and cosmologist. (Jane Ku)
Thiệu Ung, một nhà tư tưởng – nhà vũ trụ học lỗi lạc (Jane Ku)
Thiệu Ung (1011-1077 SCN) là một triết gia, một thi nhân, một nhà vũ trụ học thời Bắc Tống. Ở tuổi thanh xuân, ông là người thông minh đĩnh ngộ và quyết chí tìm tòi nắm bắt được nguyên lý diễn hóa của vũ trụ.
Mặc dù hiện nay do cuộc Cách mạng Văn hóa nên tên tuổi Thiệu Ung không được đông đảo người dân Trung Quốc biết đến, tuy nhiên ngài là một trong những học giả uyên bác nhất trong hệ thống Nho học Trung Hoa. Một số lời châm ngôn của ngài hiện vẫn được sử dụng phổ biến, như câu “nhất niên chi kế tại vu xuân, nhất nhật chi kế tại vu thần, nhất sinh chi kế tại vu cần” (lập kế hoạch cho một năm, khởi đầu từ mùa xuân; lập kế hoạch cho một ngày, khởi đầu từ sáng sớm; lập kế hoạch cho một đời, khởi đầu từ sự chuyên cần)

Sáng tạo nên một trường phái tư tưởng mới

Là một trong “năm nhà Lý học thời Bắc Tống”, Thiệu Ung cùng Chu Đôn Di, Trương Tái, Trình Hạo, Trình Di đã khai sáng nên Tống Minh Lý học (còn gọi là Lý học), là một nhánh phát triển của Nho học Trung Hoa.
Trong năm người, ngài Thiệu Ung có lẽ là nhân vật huyền bí nhất. Những nghiên cứu và đóng góp của ngài cho Lý học rất độc đáo và khác biệt so với những học giả khác, do ngài có xuất thân từ Đạo gia, lại tu tập và nghiên cứu về những khả năng và hiện tượng siêu nhiên.
Công trình tiêu biểu nhất của ngài là “Hoàng cực kinh thế thư”, có hàm nghĩa là “Sách về những nguyên lý tối cao trong thế giới vật chất”.
Trong tác phẩm này, ngài minh họa những chân lý trong cuộc sống dưới góc độ Thái Cực, Đạo, âm và dương, Thiên và Địa, lý trí và tình cảm, thần và người, v.v., để giải thích về nguồn gốc và sự phát triển của vũ trụ, bao gồm cả xã hội nhân loại.
Đó chính là nền tảng của Tống Minh Lý học. Từ triều nhà Tống đến cuối triều nhà Thanh, các học giả đã hoàn chỉnh Lý học dựa trên thành tựu của ngài Thiệu Ung và bốn học giả trên.

Cống hiến trọn đời cho khoa học và điều huyền bí

Khi bước vào tuổi trung tuần, ngài xa lánh hồng trần, sống ẩn dật để nghiên cứu, viết sách và dạy học.
Ngài có kiến thức sâu rộng đối với các loại điển tịch kinh thi, nhưng lại khiêm nhường và từ tốn với các học giả khác. Mỗi khi đi du ngoạn, ngài đều được quan viên cùng các hiền sỹ ở các địa phương tranh nhau đón tiếp. Nhà vua nhiều lần triệu mời ngài ra làm quan nhưng ngài đều nhã nhặn khước từ.
Dựa theo nguyên lý Bát Quát trong Chu Dịch và tư tưởng Đạo gia, ngài Thiệu Ung đã tạo nên hệ thống học thuyết riêng về nguồn gốc vũ trụ.
Ngài tin rằng vạn vật đều có số mệnh và mọi thứ đều có thể được lĩnh hội bằng cách chia chúng ra làm các phần tương ứng với các con số.
Theo Britannica Encyclopedia, “Ý tưởng toán học của ngài Thiệu Ung cũng ảnh hưởng đến triết gia thế kỷ thứ 18 ở Châu Âu, Gottfried Wilhelm Leibniz, khi phát triển hệ thống nhị phân—tức là chỉ dựa vào 2 chữ số”.
Ngài cũng được thừa nhận là một trong những học giả xuất sắc nhất về khả năng tiên tri và nhìn thấu quá khứ. Tương truyền rằng ngài tiên đoán vô cùng chính xác, như trong câu chuyện dưới đây về khả năng siêu phàm của ngài.
Một sớm mùa xuân, ngài Thiệu Ung dựng sạp toán mệnh dưới chân cầu. Tình cờ có một lão nông đi qua và muốn biết về số mệnh của mình. Ngài Thiệu Ung yêu cầu ông lão bốc một xăm giấy đã viết sẵn ký tự Trung Quốc. Người nông dân chọn một xăm và đưa cho ngài Thiệu Ung. Đó là chữ “筷” (chiếc đũa). Ngài Thiệu Ung nói với lão nông dân “chúc mừng ông, hôm nay ông sẽ có một bữa trưa ngon miệng. Ông cứ về nhà và đợi nhé.”
Ông lão về nhà thì thấy có người cháu trai đang đợi cửa. Người cháu thưa: “Dạ, hôm nay là lễ mừng thọ 60 tuổi của cha cháu, cha muốn mời bác đến nhà dự tiệc ạ”. Ông lão ngạc nhiên đi thay xiêm y và vui vẻ đi dự tiệc.
Chiều hôm ấy cũng có một người khác đến xem toán mệnh. Anh ta cũng bốc được chữ “筷”. Nhưng lần này ngài Thiệu lại nói: “Điềm dữ, hôm nay anh sẽ gặp nạn và bị tống giam”. Người này nghĩ ngay rằng làm gì có chuyện anh sẽ bị bắt giam nếu anh ấy cứ ở trong nhà. Thế nên anh về nhà rồi leo lên giường đi ngủ.
Đột nhiên, anh ta bị thức giấc vì có một người phụ nữ đang hét toáng lên rằng con lợn nhà anh đang phá vườn rau nhà cô. Trong phút chốc giận dữ, anh đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô ta, khiến cô bị thương, ngã xuống, rồi đột ngột qua đời. Ngay sau đó, anh ta bị bắt và tống vào ngục.
Cuối chiều, khi ngài Thiệu Ung đã chuẩn bị gói ghém đồ đạc ra về, một người cưỡi ngựa từ phương nam đến và đề nghị ông ở lại. “Ông lão, tôi nghe danh ông thần cơ diệu toán, nên tôi muốn ông toán mệnh giúp”. Một lần nữa, người này lại bốc được chữ “筷”. Ngài Thiệu cho anh ta biết rằng đây không phải điềm lành và anh sẽ bị ướt sũng cuối ngày hôm ấy.
Tuy nhiên, hôm ấy trời nắng ráo và quang đãng, anh chàng chẳng thèm để ý đến lời cảnh báo và thúc ngựa bỏ về. Vừa mới bước vào cửa, anh đã bị ướt sũng nước. Vợ anh không biết chồng mình đang vào nhà, đã hắt thau nước bẩn vào người anh.

Dự đoán tương lai của Trung Quốc

Ngài Thiệu Ung còn là một nhà thơ. Một trong những kiệt tác của ngài là mười bài “Mai Hoa Thi”, được nhiều người cho rằng đã dự đoán chính xác những sự kiện quan trọng trong lịch sử Trung Quốc.
Một số học giả đã liên hệ những bài thơ của ngài với sự đổi thay triều đại xảy ra sau khi ngài mất. Người ta cho rằng bài thơ thứ mười trong “Mai Hoa Thi” dự báo về Trung Quốc ngày nay, trong đó đề cập đến sự lên ngôi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền và kết cục sụp đổ của ĐCSTQ, cùng những dự đoán khác.
Mặc dù chưa bao giờ làm quan hay làm sư, những tác phẩm về văn chương và vũ trụ học của ngài Thiệu Ung đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng tinh thần trong xã hội cổ đại Trung Quốc.
Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy chia sẻ nó với bạn bè

Bao Chửng: biểu tượng của Công lý và Nghiêm minh

Chia sẻ bài viết này
Justice Bao, the symbol of Justice and fairness. (SM Yang)
Bao Thanh Thiên, biểu tượng của công lý và nghiêm minh (SM Yang)
Bao Chửng (999-1062) là một vị quan xử án nổi tiếng vào triều đại Bắc Tống. Trong thời gian tại vị ngài đã kịch liệt bài trừ nạn tham nhũng, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, trừng trị từ tham quan, hoàng tộc lạm dụng quyền bính cho đến cả gian thương.
Với tính tình bộc trực, vị tha và phán xét nghiêm minh, người dân khắp nơi kính trọng gọi ngài là Bao Thanh Thiên (ngài Bao Trời Xanh).

Xét xử thông qua Điều tra

Các quan chức xử án thông thường chỉ biết tra tấn, ép nghi phạm nhận tội, khiến nhiều người dân vô tội bị kết án oan nhưng ngài Bao Chửng thì khác hẳn. Là một vị quan công bằng và thông minh, ngài giải quyết các vụ án liên quan đến cả dân thường và hoàng tộc đều theo phương pháp điều tra kỹ lưỡng, dựa trên kỹ năng quan sát sắc bén, phép loại suy, trí thông minh và sự kiên nhẫn.
Nổi tiếng là một vị quan xử án thông thái, có thể làm sáng tỏ mọi vụ án, ngài Bao Chửng đã trở thành nhà phá án huyền thoại đầu tiên, và có lẽ là nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Truyền thuyết về Bao đại nhân và các vụ án của ngài đã được lưu truyền hàng ngàn năm qua, qua các loại hình văn hóa phổ biến như kể chuyện, tiểu thuyết, kịch sân khấu, chương trình TV và điện ảnh.
Những câu chuyện về Bao Chửng và các vụ án của ngài đã hình thành nên thể loại văn học cổ điển Trung Hoa gọi là “Công Án” – một dạng tuyển tập truyện trinh thám theo hình thức tiểu thuyết.
Sự ảnh hưởng trường cửu của ngài Bao Chửng và Công Án thậm chí có thể được bắt gặp trong truyện trinh thám hiện đại của Trung Quốc trong thế kỷ 21, pha trộn với văn phong tiểu thuyết trinh thám phương Tây như “Sherlock Holmes”.
Nổi tiếng nhất và phổ biến nhất là “Hoắc Tang tham án tập” của tác gia Trình Tiểu Thanh, được xuất bản đầu những năm 1900 tại Thượng Hải.
Là một nhân vật nổi tiếng thường xuất hiện trong nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, cho đến nay, ngài Bao Chửng vẫn thường được khắc họa với hình ảnh khuôn mặt đen nghiêm nghị, có một cái bớt hình trăng lưỡi liềm sáng trên trán, bên cạnh là các thân tín tinh nhuệ võ thuật đi theo hầu cận.

Chữ ‘Hiếu’ làm đầu

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, ngài siêng năng học tập ngay từ khi còn nhỏ. Ngài đỗ đạt ở tuổi 29 và nhanh chóng được triều đình bổ nhiệm làm quan xử án.
Tuy nhiên, lúc ấy cha mẹ ngài đều đã già yếu nên ngài mong được quay về để giữ đạo làm con. Ngài xin khoan nhậm chức, trở về nhà chăm sóc cha mẹ gần mười năm cho đến khi đấng sinh thành đều tạ thế.
Sau đó, ngài Bao Chửng trở lại triều đình và nhận một chức quan địa phương. Với tính bộc trực và nghiêm minh, ngài nhanh chóng được thăng tiến và trở thành quan xử án tại phủ Khai Phong – kinh đô của nhà Tống, nơi rất khó quản lý vì có nhiều gia đình quý tộc và quyền thế sinh sống.
Tuy nhiên chỉ trong vòng một năm, thông qua hàng loạt các cải cách, ngài đã thiết lập lại kỷ cương cho nơi đây. Chẳng hạn như thông thường nguyên cáo phải chuẩn bị cáo trạng và trình lên công đường thông qua trạng sư, do đó những gia đình quyền quý sẽ hối lộ các trạng sư để làm thuyên giảm hoặc ngăn chặn một vụ kiện. Ngài Bao Chửng cho phép người dân trình báo miệng mà không cần cáo trạng. Bằng cách này, những người ít học có thể tránh được sự gian trá của các trạng sư khi lập cáo trạng.
Phương pháp mới đã cải thiện đáng kể trật tự kỷ cương tại chốn kinh kỳ. Nhờ vậy, bất kỳ vụ án nghiêm trọng nào, bất kể ai đến trình báo, đều được Bao đại nhân giải quyết một cách công bằng và nghiêm minh. Vị quan tòa cứng rắn này còn được gọi là “Thiết diện phán quan”.

Mang đến công lý cho tất cả mọi người

Một lần, phủ Khai Phong bị ngập. Qua điều tra, ngài Bao Chửng biết rằng nguyên nhân là do những gia đình quyền quý xây dựng bừa bãi các khu vườn, khu vui chơi trên sông, làm ngăn dòng chảy.
Ngài ra lệnh phải tháo dỡ chúng trong thời gian hạn định. Một trong những kẻ vi phạm đã phớt lờ mệnh lệnh và khi bị tra hỏi, người này còn đưa ra chứng cứ chứng minh anh ta là chủ sở hữu của mảnh đất ấy.
Ngài Bao Chửng kiểm tra kỹ lưỡng và phát hiện được chứng cứ là giả mạo. Bất chấp sự phản đối từ phía gia đình quyền thế kia, ngài ra lệnh dỡ bỏ các khu vườn ngay lập tức, và bẩm báo vụ việc lên Hoàng Thượng. Ngay sau đó, lũ rút đi.
Ngài đã áp dụng kỷ cương, đại công vô tư đối với tất cả. Có lần một trong những người cậu của ngài phạm pháp và bị dân kiện. Ngài Bao Chửng đã triệu người cậu xem thường kỷ cương phép nước ấy đến công đường và phạt đánh 100 gậy.
Ngài đối đãi rất nghiêm khắc với người trong gia đình, và dù đức cao vọng trọng, ngài vẫn sống một cuộc đời giản dị. Dưới sự ảnh hưởng của cha, các con của ngài đều rất cần kiệm, ăn mặc giản dị, chỉ trừ những dịp hội hè hay đến thăm bè bạn.
Khi về già, ngài đã đưa ra một quy định trong gia đình: “Con của ta, khi con phục vụ triều đình, nếu con phạm pháp hay trở nên hư hỏng, con sẽ không được trở về quê nhà và cũng không được chôn cất tại phần mộ của dòng họ. Ta sẽ không nhìn nhận bất kỳ ai không nghe theo quy định này”.
Sau khi ngài Bao Chửng qua đời, một vài người con trai của ngài đỗ đạt và kế tục sự nghiệp chốn quan trường của cha. Tất cả họ đều học theo đạo đức của ngài Bao Chửng và được người đời kính trọng bởi sự liêm khiết.
Với sự cống hiến không ngừng nghỉ, nghiêm trị không khoan nhượng để giữ gìn phép nước, ngài Bao Chửng chính là biểu tượng văn hóa cho công lý tại Đông Phương.
Nếu bạn thấy bài viết hay, hãy chia sẻ nó với bạn bè