Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Chỉ cần Trung Quốc hành động dấn thêm một bước...

(Quốc phòng)- Nếu như giữa hòa bình và chiến tranh có một ranh giới tiếp giáp, thì có thể nói Trung Quốc đã đi hết ranh giới này. Chỉ cần Trung Quốc hành động dấn thêm một bước là xung đột có nguy cơ sẽ xảy ra ở Biển Đông.


Diễn biến gần đây cho thấy nguy cơ đó là không thể coi thường và do vậy phải cảnh giác cao độ.
Việc mời thầu quốc tế trong EEZ của Việt Nam chẳng hạn, sự ngang ngược được coi như “rao bán nhà hàng xóm”.
Tiếp theo, Trung Quốc hùng hổ tổ chức 30 tàu cá xuống Trường Sa.
Nguy hiểm càng gia tăng khi Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Rồi, ngày 21/7, phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Trung Quốc đã chính thức ăn cướp Hoàng Sa, Trường Sa Việt Nam trên văn bản hành chính.
Nếu như chỉ là thách thức, khiêu khích bình thường đúng nghĩa của 2 từ đó thì sự kiên nhẫn sẽ là đối trọng.
Nhưng thách thức, khiêu khích tới mức trắng trợn, ngang ngược, thì thực chất là hành động mà buộc đối phương không hành động không được.
Trụ sở cái gọi là
Trụ sở cái gọi là "thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc huyện đảo Hoàng Sa, thuộc quyền quản lý của thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.

Có thể đây chỉ là hành động của các nhóm lợi ích có thế lực lớn trong nội bộ Trung Quốc mà Bắc Kinh trục lợi, thông qua “đám âm binh” đó, Trung Quốc chơi bài ngửa, không thèm che đậy ý đồ, dọa dẫm gây sức ép.

Nhưng dù sao đây là hành động hết sức nguy hiểm bởi nạn binh đao có thể bắt đầu từ “đám âm binh” thiếu kiểm soát này.
Liệu một kịch bản như Scarborough xuất hiện: Hàng chục tàu cá và tàu Hải giám quây lại cản trở ở Trường Sa?
Phải chăng, Trung Quốc đã đem chiến tranh đến trước cửa nhà Việt Nam? Sự lựa chọn nào cho Việt Nam?
Đương nhiên, đã đến nước này nếu chọn Trung Quốc, “xin hòa hiếu” với Trung Quốc, nói thẳng toẹt ra là đầu hàng, thì…chắc chắn Việt Nam không bao giờ chọn cách này.
Ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc?
Rõ ràng từ xưa tới nay Việt Nam không quen ngả theo ai hết. Việt Nam quá hiểu cái giá của “ngả theo” ai đó là gì.
Trong công cuộc thống nhất đất nước, nếu như ngả theo Trung Quốc thì Việt Nam đã như Triều Tiên và Hàn Quốc bây giờ.
Độc lập, tự chủ, tranh thủ sự ủng hộ của bè bạn quốc tế và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới để bảo vệ Tổ quốc là nguyên tắc bất di bất dịch của chúng ta.
Ở thời điểm hiện nay, quan hệ với Mỹ như thế nào là một vấn đề mà dư luận rất quan tâm.
Điều chắc chắn là Việt Nam muốn là bạn thân thiết với Mỹ mà không tùy thuộc vào Trung Quốc.
Lâu nay, chính sách quốc phòng của Việt Nam chủ trương không liên minh với ai để chống nước thứ 3. Vì thế, Việt Nam không theo Mỹ để chống Trung Quốc và lại càng không ngây thơ ngả theo Trung Quốc để chống Mỹ.
Nhưng khi Trung Quốc liều lĩnh, tham lam cướp đảo, cướp biển của Việt Nam thì…Việt Nam sẽ “khắc cốt ghi tâm” bất kỳ ai giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam dù chỉ bằng lời nói.
Đó chính là sức mạnh thời đại, chính nghĩa mà Việt Nam đã từng được có trước đây và do vậy Việt Nam muốn là bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới kể cả Mỹ.
Có điều, có những chuyện không phải muốn là được.
Nếu như với Bắc Triều Tiên, điều kiện tiên quyết để thỏa thuận hòa bình là Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên phải ngừng ngay vô điều kiện việc chế tạo vũ khí hạt nhân thì với Việt Nam, Mỹ cũng hành xử như vậy về nhân quyền để bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Đây là sai lầm của Mỹ, bởi Việt Nam khác Triều Tiên, nhân quyền không gây nguy hiểm cho Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.
Mỹ là vậy, là nước cường quốc số 1 thế giới nên trịch thượng, không chịu “lắng nghe để thấu hiểu”, cho nên, “hàn gắn vết thương” giữa 2 nước Việt-Mỹ chậm là dễ hiểu.
Mỹ quan trọng lý do nhân quyền theo kiểu Mỹ, nhưng với Việt Nam lý do đó không quan trọng, vì Việt Nam cũng đang từng bước tiếp cận nền dân chủ mà trong bản Tuyên ngôn độc lập Việt Nam đã trân trọng ghi rõ.
Thả người này, người kia, thậm chí thả cả hàng nghìn loại người như ông tiến sỹ vớ vẩn nào đó cũng chẳng là gì với Việt Nam. Việt Nam không quan trọng chuyện đó. Việt Nam quan trọng là vấn đề lòng tin.
Mỹ chỉ có thể gây hại cho Việt Nam chứ không đời nào Việt Nam gây hại cho Mỹ. Mỹ bỏ cấm vận cho Việt Nam nhưng nếu Việt Nam chưa có dấu hiệu đáp ứng sự tử tế của Mỹ thì Mỹ có quyền nói được, làm được điều mình muốn.
Thế hệ 5X đã ít, từ thế hệ 6X trở đi ở Việt Nam, quá khứ với họ chỉ là lịch sử, chẳng ai căm thù Mỹ, vậy tại sao Mỹ không đưa tay ra, Mỹ là nước lớn, là số 1 thế giới, Mỹ sợ cái gì?.
Điều này chứng tỏ Mỹ và Việt Nam thiếu lòng tin nhau; Mỹ chưa hiểu Việt Nam, còn thù hận Việt Nam…trong khi lẽ ra phải ngược lại.
Trong chuyện này có lẽ ông Thượng nghị sĩ McCain là hiểu Việt Nam nhất, ông nói: “Chúng tôi mong đợi sự tiến bộ (nhân quyền) chứ không phải là sự thay đổi tức thì”.
Đúng vậy, cái gì cũng phải có thời gian. Thời gian sẽ làm cho 2 nền văn hóa tiếp cận nhau hơn, các hệ thống giá trị về đạo đức trở nên gần gũi hơn.
Việt Nam mong chờ ở Mỹ sự tử tế để khiến Việt Nam tin cậy.
Mỹ tử tế với Việt Nam, có lẽ đó là thứ vũ khí hiệu nghiệm nhất, hiệu quả thu được tuyệt vời nhất mà B52, tàu chiến hay cấm vận…không thể làm được.
Thực tế cho thấy, với Việt Nam, Pháp, Nhật (kẻ thù xưa) đã là bạn bè. Người Việt nhiều tình, nghĩa và độ lượng. Bây giờ Nhật đã giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh Hải quân.
Chắc chắn việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam là vấn đề thời gian vì đó còn là lợi ích của Mỹ, việc đó, tuy chưa phải là nhu cầu bức thiết của Việt Nam nhưng là biểu tượng cho sự gần gũi nhau hơn, dễ dàng lựa chọn, tiếp cận các bước đi tiếp cho tương lai gần.
Tuy nhiên, nếu ai đó cho rằng Việt Nam ngả theo Mỹ là Việt Nam yên bình, không sợ gì Trung Quốc là “mệnh lệnh của lương tri, thời đại…” thì đúng là quá ngây thơ, ấu trĩ và nhầm lớn.
Mỹ có quyền lợi của Mỹ. Nên Mỹ và Trung Quốc có thể mặc cả trên lưng Việt Nam (nỗi đau còn đó khi Mỹ bán đứng Hoàng Sa thân yêu của Việt Nam cho Trung Quốc) chứ không đời nào Mỹ đánh Trung Quốc cho Việt Nam.
Cho nên, Việt Nam phải tự mình làm lấy việc đó bằng sức mạnh tinh thần và vật chất. Việt Nam phải là một nhân tố quan trọng, có quyền “ra giá” cho sự mặc cả của họ nếu như có sự mặc cả.
Biết rằng “Khi 2 con voi làm tình thì cỏ dưới chân chúng sẽ bị giẫm nát”. Nhưng khi cỏ dưới chân 2 con voi đó có “tổ kiến lửa” thì chúng dại gì mà rủ nhau đến đó?
Và, đó chính là sự lựa chọn duy nhất đúng cho Việt Nam trong tình hình hiện nay.
Làm thế nào để có sức mạnh tinh thần? Làm thế nào để cả nước đồng lòng, đồng bào trong và ngoài nước kết tinh thần yêu nước thành một làn sóng nhấn chìm quân xâm lược?
Làm thế nào để có sức mạnh vật chất đủ sức răn đe giáng trả, bắt quân xâm lược phải trả một giá đắt không chịu đựng nổi nếu chúng liều lĩnh gây ra chiến tranh?
Câu trả lời sẽ tự bật ra từ lãnh đạo Việt Nam và từ mỗi một chúng ta.
Ảnh hiếm máy bay, tàu chiến, tên lửa Việt Nam sản xuất

  • Lê Ngọc Thống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét