Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2013

Mỹ xoay trục, Nga đang lật cánh sang châu Á-TBD

(Cách đánh)- Đã qua rồi thời nước Nga “ngủ đông”, bây giờ, “khi Putin muốn, châu Âu sẽ chết cóng” thì việc phát huy “địa lợi, nhân hòa” đã và đang có được để “lật cánh” sang châu Á-Thái Bình Dương, thể hiện vị thế một cường quốc đã từng mất đi trước đây không phải là ý tưởng viễn vông của Liên bang Nga.


Có một điều lý thú là nếu như Mỹ hùng hổ “xoay trục” sang châu Á-TBD thì Nga cũng “lật cánh” sang châu Á-TBD.

Về mục đích kinh tế, cả Nga và Mỹ đều có sự giải thích như nhau và hoàn toàn hợp với sự phát triển khách quan của khu vực. Như Nga chẳng hạn, thương mại với châu Á của Nga chỉ hơn 16 tỷ USD trong nội khối APEC.

Mặc dù 2/3 lãnh thổ Nga nằm ở châu Á, song chưa đầy 1/4 kim ngạch thương mại của nước này đến từ giao dịch với khu vực so với 50% đến từ châu Âu. Đặc biệt vùng Viễn Đông, vùng lãnh thổ này của Nga đang ngày càng bị phụ thuộc vào ngành công nghiệp đang phát triển của Trung Quốc, không quan tâm đầu tư, phát triển sẽ có nguy cơ mất kiểm soát.

Hơn nữa, tương lai kinh tế thế giới là ở châu Á-TBD thì sự chuyển hướng của Nga, hay Mỹ là đương nhiên.

Về mục đích quân sự, cả Nga và Mỹ không cùng từ ngữ trong sự giải thích của họ, nhưng với Mỹ thì hiện nay đã quá rõ ràng, là để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Còn Nga?.

Trong nhiều thời điểm, Nga gần như đã lãng quên phía Đông. Vùng Viễn Đông của Nga có diện tích bằng một nửa Trung Quốc mà dân số thì thưa thớt, chỉ bằng một nửa dân số Bắc Kinh.

 Vùng Viễn Đông lại có tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và tài nguyên sinh vật biển phong phú, tiềm năng khai thác, sử dụng rất lớn.

Có thể ví vùng Viễn Đông như một cô gái xinh đẹp, nhưng hơ hớ bên cạnh một anh hàng xóm đang lớn, với cơ bắp cuồn cuộn, với ánh mắt thèm thuồng đầy dục vọng là Trung Quốc mà không đề phòng, cảnh giác thì bị chiếm đoạt có ngày là chắc chắn.

Trước tình hình, diễn biến của một Trung Quốc đang trỗi dậy, hung hăng, khát khao năng lượng, tài nguyên. Trong “Chiến lược An ninh Quốc gia Liên bang Nga trước năm 2020”, Nga đã mở rộng phạm vi sử dụng vũ lực tới lĩnh vực tranh giành nguồn năng lượng.

Theo tinh thần đó, Nga tăng cường sức mạnh quân sự Viễn Đông và sẵn sàng cho việc sử dụng vũ lực bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng khi cần thiết.
Những hành động hết sức quyết liệt, mạnh tay đối với tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế biền của Nga là một thông điệp răn đe hết sức cứng rắn, đanh thép, trước “sự mở rộng quá đáng của các quốc gia láng giềng” như Thủ tướng Nga mới đây ám chỉ.

Nga thành lập Bộ phát triển Viễn Đông và bất chấp có sự tranh chấp Nga-Nhật về quần đảo Curil, Nhật vẫn là nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu vào Viễn Đông. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc rất khiến Nga phải cảnh giác, đề phòng.

Rốt cuộc, mục đích quân sự của Nga cũng là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Nga Dzerzhinsky đã nổ súng cảnh cáo và sau đó bắn vào con tàu treo cờ Trung Quốc.
Tàu tuần duyên Nga Dzerzhinsky đã nổ súng cảnh cáo và sau đó bắn vào con tàu treo cờ Trung Quốc hồi tháng 7/2012.
Một điều không thể phủ nhận là nước Nga dưới thời Putin đã không ngừng ổn định, phát triển, vị thế của một cường quốc quân sự, kinh tế, càng được cải thiện một cách vững chắc. Và, đương nhiên, tầm nhìn chiến lược toàn cầu nói chung và khu vực châu Á-TBD nói riêng của Kremli không thể ngắn và hẹp chỉ trong vùng Viễn Đông mà thôi.

Trên Biển Đông

Với trí chiến lược rất quan trọng ở khu vực châu Á-TBD, nếu Biển Đông bị một quốc gia nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế cả khu vực.

Vì thế, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết trên biển Đông với “đường lưỡi bò” phi lý, đương nhiên là các nước trong khu vực và ngay cả Nga, Mỹ dù không phải thuộc bên tranh chấp cũng không bao giờ chấp nhận.

Trung Quốc chiếm trọn biển Đông, Mỹ sẽ khó khăn khi “quản lý” các tàu ngầm tấn công chiến lược của Trung Quốc đe dọa an ninh vùng phía Tây nước Mỹ và khống chế tuyến đường hàng hải từ TBD sang  Ấn Độ Dương, thách thức sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây.

Với Nga, thì càng không, vì đây là nơi mà Nga đã và đang hiện diện bằng sự hợp tác đặc biệt với Việt Nam. Sự “đặc biệt” đó thể hiện ở 3 yếu tố:

Thứ nhất là, thống nhất với nhau về nguyên tắc.

Nga ủng hộ Việt Nam giải quyết tranh chấp trên biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Thứ hai là, nội dung và mục tiêu chiến lược của Nga-Việt trên biển Đông hoàn toàn thỏa mãn có lợi cho nhau, không có sự xung đột nào dù là nhỏ.

Thứ ba là sự hợp tác được xây dựng trên một nền tảng hữu nghi, truyền thống, thân thiện, tin cậy lẫn nhau giữa 2 dân tộc đã được thử thách qua bao biến cố thăng trầm. Vì vậy, đây là sự hợp tác vì nhau, là sự hợp tác để cùng phát triển mà không có tính chất vừa hợp tác vừa kiềm chế nhau.

Thời gian qua, Nga giúp Việt Nam xây dựng Hải quân để đủ sức đương đầu với các thách thức an ninh trên biển Đông.

Các loại phương tiện, vũ khí tiên tiến, hiện đại trong lực lượng phòng không, không quân, hải quân, phòng thủ biển…mua được từ đối tác Nga được coi như “át chủ bài” trong sức mạnh quân sự của Việt Nam, có sức răn đe mạnh.

Chẳng hạn, ngoài việc bán 6 tàu ngầm KILO, Nga còn giúp Việt Nam đào tạo thủy thủ, xây dựng căn cứ…Nhưng, chính mối quan hệ “đặc biệt” Việt-Nga đã biến 6 tàu ngầm KILO đóng cho Việt Nam tiên tiến hơn (đương nhiên), không những thế mà còn có sự khác biệt.

Sự khác biệt đó là gì? Tất nhiên đó là điều tuyệt mật. Nếu như nó giống nhau, giống như của Trung Quốc thì giới bình luận quân sự không cho rằng: “Hạm đội tàu ngầm của Việt Nam sẽ là một thế lực mới trên biển Đông, cuộc chơi sẽ thay đổi”, trong khi Trung Quốc có những hơn 60 tàu ngầm…

Hoặc 18 chiếc SU-30 giá rẻ đang được Nga cải tiến ở Belarut, nếu là của Việt Nam thì chắc chắn sẽ được cải tiến theo ý đồ chiến thuật mà Việt Nam đề xuất, bởi vì đây là kinh nghiệm từ chiến tranh, là nét độc đáo Việt Nam mà các chuyên gia vũ khí Nga tâm phục khẩu phục, không phải nghi ngờ.

Đó cũng chính là sự hợp tác giữa ý tưởng, thực tế và công nghệ của Việt-Nga.

Có thể nói, mối quan hệ “đặc biệt” với Nga, nhất là trong lĩnh vực quân sự, có vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Đương nhiên chỉ với Nga thôi thì chưa đủ, ngay với Nga, để bảo vệ chủ quyền vùng Viễn Đông, Nga phải mua 4 tàu đổ bộ Mistral của Pháp…điều đó cho thấy Việt Nam phải tăng cường xây dựng mối quan hệ kỹ thuật quân sự với nhiều quốc gia để bổ sung những thứ không có hoặc yếu kém từ Nga nhằm hoàn thiện chiến thuật, phù hợp với nghệ thật quân sự Việt Nam.

Chúng ta có thừa sức mạnh tinh thần để bảo vệ Tổ quốc, nhưng sức mạnh vật chất (trang bị vũ khí, kỹ thuật…cho quân đội) cũng rất quan trọng, không thể thiếu và nếu như có đủ những thứ cần thiết đó, Việt Nam sẽ có thừa khả năng đương đầu với mọi thách thức về an ninh, chủ quyền.

Việt Nam là một quốc gia có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trên Biển Đông. Chính vị trí địa lý đó đã khiến Việt Nam luôn nằm trong sự dòm ngó, lăm le xâm lược của các thế lực hùng mạnh.

Và, cũng chính vậy mà Việt Nam là một đất nước có truyền thống đánh giặc ngoại xâm, chưa từng run sợ trước bất cứ kẻ thù nào.

Vì vậy, Việt Nam và Liên bang Nga là sự lựa chọn của nhau, của lý trí và tình cảm. Ý chí, bản lĩnh Việt Nam với sức mạnh Nga và sức mạnh Nga với ý chí, bản lĩnh Việt Nam đã, đang và sẽ là một đối tượng tác chiến chiến lược đáng gờm trên khu vực châu Á-TBD cho bất cứ ai.
Trung Quốc chuộc ngư dân

  • Lê Ngọc Thống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét