Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

VN hạ thủy thành công 2 tàu hộ vệ tên lửa Molniya

(Quốc phòng) - Việt Nam đã hạ thủy thành công tàu hộ vệ tên lửa Molniya thuộc đề án 1241.8, tạo ra bước đột phá mới trong công nghệ đóng tàu quân sự nội địa.


Tàu hộ vệ tên lửa M1 được hạ thủy vào đầu tháng 3 tại nhà máy đóng tàu Ba Son.
Tàu hộ vệ tên lửa M1 được hạ thủy vào đầu tháng 3 tại nhà máy đóng tàu Ba Son.
Các phương tiện truyền thông Nga nói rằng, nhà máy đóng tàu Ba Son (TP.HCM) đã hạ thủy hai chiếc tàu tên lửa thuộc dự án 1241.8 (Molniya) được xây dựng cho Hải quân nhân dân Việt Nam vào năm 2006 theo thỏa thuận với Nga.

Theo báo Nga, chiếc tàu đầu tiên (trên kiến trúc thượng tầng có ghi ký hiệu M1) đã được hạ thủy vào ngày 13/3/2013, và chiếc thứ hai (ký hiệu M2) hạ thủy vào ngày 2/4/2013. Cả hai con tàu đều đã hoàn thành và có mức độ sẵn sàng cao, nhiều khả năng chúng sẽ được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam trong năm nay.

Trang mạng Livejournal của Nga cho biết, việc nhà máy Ba Son hạ thủy thành công tàu tên lửa cao tốc M1, M2 mở ra bước đột phá lớn trong việc tiếp cận công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại của thế giới.

Ngoài việc từng bước làm chủ công nghệ đóng tàu quân sự hiện đại đảm bảo nguồn cung vũ khí cho quân đội, việc hạ thủy còn tiến đến việc đưa công nghiệp đóng tàu quân sự Việt Nam trở thành ngành mũi nhọn của đất nước.

Tàu tên lửa cao tốc M1, M2 thuộc đề án 1241.8 là đề án phát triển các tàu chiến tốc độ cao, hỏa lực mạnh phục vụ cho các hoạt động tác chiến, tuần tra, bảo vệ bờ biển ở các vùng nước nông, vùng ven biển. Tàu có chiều dài 51,6m, rộng 10m, mớn nước 2,56 mét, tải trọng đầy tải 550 tấn.

Tàu được trang bị hệ thống điện tử hiện đại bao gồm: radar tìm kiếm mục tiêu MR 352 Positiv-E với phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 150 km, radar điều khiển hỏa lực MR-123, radar điều khiển hỏa lực Garpun-Bal-E cùng hệ thống chiến tranh điện tử toàn diện.

Về vũ khí, tàu tên lửa cao tốc M1, M2 được trang bị pháo hạm AK-176M 76,2mm tầm bắn 15 km, 2 pháo bắn siêu nhanh AK-630M 30mm với tốc độ băn lên đến 5.000 phát/phút. Đặc biệt, tàu được trang bị tới 16 tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 với tầm bắn 130 km.

Theo một số nguồn tin, các tàu thuộc đề án 1241.8 được đóng tại Việt Nam sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa chống hạm Kh-35UE với tầm bắn lên đến 220 km.

Tàu được trang bị hệ thống động lực CODOG (kết hợp động cơ diesel-tuabin khí) với tổng công suất 30.000 mã lực. Hệ thống động lực này giúp tàu đạt tốc độ tối đa lên đến 42 hải lý/giờ (75,6 km/h).

Tàu có phạm vi hoạt động 1.650 hải lý với tốc độ 14 hải lý/giờ. Thời gian hoạt động liên tục trên biển 10 ngày, thủy thủ đoàn 50 người.

Hợp đồng xây dựng cho Việt Nam các tàu tên lửa dự án 1241.8 đã được Việt Nam và Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport ký kết trong năm 2006. Hợp đồng bao gồm việc cung cấp cho Việt Nam hai tàu tên lửa dự án 1241.8, và xây dựng tại Việt Nam sáu tàu như vậy với sự hỗ trợ của Nga. Tổng giá trị của hợp đồng lên tới 1 tỷ USD.

Theo hợp đồng này, nhà máy đóng tàu Vympel cùng với Cục thiết kế Almaz sẽ hỗ trợ Việt Nam đóng Molnya dự án 1241.8 theo giấy phép của Nga. Hai chiếc tàu tên lửa thuộc dự án 1241.8 đã được hoàn thành và bàn giao cho Hải quân nhân dân Việt Nam trong năm 2007 (hai tàu mang số hiệu HQ-375 và HQ-376).
Tàu hộ vệ tên lửa M2 hạ thủy vào đầu tháng 4 vừa qua.
Tàu hộ vệ tên lửa M2 hạ thủy vào đầu tháng 4 vừa qua.

Hai tàu M1, M2 mới được hạ thủy đang được lắp đặt các thiết bị khác.
Hai tàu M1, M2 mới được hạ thủy đang được lắp đặt các thiết bị khác.

Tàu đã được lắp đặt radar, vũ khí nhưng chưa được lắp tên lửa, việc hạ thủy thành công tàu tên lửa M1, M2 là bước đột phá quan trọng của công nghiệp đóng tàu Việt Nam.
Tàu đã được lắp đặt radar, vũ khí nhưng chưa được lắp tên lửa, việc hạ thủy thành công tàu tên lửa M1, M2 là bước đột phá quan trọng của công nghiệp đóng tàu Việt Nam.

Uy lực tàu tên lửa đầu tiên của Việt Nam

  • PV (Tổng hợp theo Soha, Infonet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét