Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Vụ lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng: ACB thiệt hại hơn 700 tỉ đồng

Kết thúc điều tra vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần 4.000 tỉ đồng của Huỳnh Thị Huyền Như, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 17 bị can về 5 tội danh.
 >>  Cú sốc bầu Kiên "đánh sập niềm tin nhà đầu tư"
 >>  "Bầu" Kiên bị bắt: Câu chuyện điển hình về sở hữu chéo và lợi ích cục bộ

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2007 bị can Huỳnh Thị Huyền Như - khi đó là cán bộ tín dụng Vietinbank chi nhánh TP.HCM - vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và nhiều cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Trong quá trình kinh doanh, do cần vốn nên Như còn vay nóng lãi suất cao của hàng chục cá nhân.
Sau khi vay nợ nhiều với lãi suất “khủng”, kinh doanh lại bị thua lỗ, trong năm 2010 các chủ nợ liên tục đòi tiền Huỳnh Thị Huyền Như. Trước tình hình này, Như lợi dụng việc thông thạo nghiệp vụ ngân hàng, lợi dụng bản thân khi đó là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có quyền ký duyệt lệnh chuyển tiền từ ngân hàng đi các đơn vị để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra xác định tổng số tiền bị Như chiếm đoạt là gần 4.000 tỉ đồng.
Liên quan đến vụ án, cơ quan điều tra xác định từ tháng 5-2010 đến tháng 11-2011, Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) đã chỉ đạo thường trực HĐQT của ACB ra chủ trương để ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định.
Cụ thể, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9-2011, ACB đã ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỉ đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP.HCM lãi suất trong hợp đồng 14%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Cơ quan điều tra xác định hành vi này đã vi phạm điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước quy định về trần lãi suất. Toàn bộ số tiền gửi này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Ngoài ACB, cơ quan điều tra cũng xác định Huỳnh Thị Huyền Như vay tiền và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ba ngân hàng lớn.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP MSB, hội đồng tín dụng của ngân hàng đã ký quyết định cấp hạn mức giao dịch cho Vietinbank 5.000 tỉ đồng và 50 triệu USD, thời hạn 12 tháng, lãi suất theo tình hình biến động của thị trường từng thời điểm.
Theo đó, MSB đã ký 73 hợp đồng ủy thác đầu tư với ba công ty Hưng Yên, Thịnh Phát, Phúc Vinh với tổng số tiền hơn 2.552 tỉ đồng. Sau đó, ba công ty này ký 72 hợp đồng gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với tổng số tiền trên 2.500 tỉ đồng.
Đến tháng 9-2011, trước khi khởi tố vụ án, ba công ty đã vay tiền của một đơn vị khác để trả lại cho MSB toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.
Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB), thông qua sự sắp đặt của Lê Thị Thanh Phương (nguyên trưởng phòng nguồn vốn TPB) và Huỳnh Thị Huyền Như, TPB đã ký chín hợp đồng mua chứng khoán, môi giới chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư với Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty quản lý quỹ Lộc Việt trị giá 1.860 tỉ đồng. Sau đó, hai công ty này ký hợp đồng với Vietinbank Nhà Bè, Vietinbank TP.HCM để gửi toàn bộ số tiền này với lãi suất từ 13-14,8%/năm và bị Như làm giả hợp đồng, chiếm đoạt 550 tỉ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Nam Việt đã giải ngân vào tài khoản 14 cá nhân là nhân viên của ngân hàng này với số tiền hơn 1.500 tỉ đồng. Sau đó 14 cá nhân này làm thủ tục gửi tiền có kỳ hạn vào Vietinbank Nhà Bè với lãi suất từ 16,5-22,5%/năm và bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng.
Tiếp tục điều tra vụ án liên quan đến bầu Kiên
Liên quan đến vụ ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt, cơ quan điều tra xác định một số bị can nguyên là lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Bầu Kiên - Ảnh: Quang Minh
Bầu Kiên - Ảnh: Quang Minh
Theo cơ quan điều tra, từ tháng 5-2010 đến tháng 11-2011, ACB ủy thác cho nhân viên gửi tổng cộng hơn 36.322 tỉ đồng với lãi suất 11,2-27%/năm và hơn 71 triệu USD với lãi suất 3-6%/năm vào 29 ngân hàng trên cả nước. Tổng cộng ACB đã thu về hơn 1.639 tỉ đồng và trên 1,3 triệu USD tiền lãi.
Trong số này có việc gửi tiền vào 22/29 ngân hàng với lãi suất trong hợp đồng từ 11,2-14%/năm, lãi chênh lệch ngoài hợp đồng từ 0,4-5%/năm. Hành vi này vi phạm Luật các tổ chức tín dụng, thông tư 02 và quyết định 16 của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất bằng đồng Việt Nam. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định số tiền chênh lệch ngoài hợp đồng là hơn 247 tỉ đồng.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố sáu bị can gồm ông Nguyễn Đức Kiên, ông Trần Xuân Giá - nguyên chủ tịch HĐQT ACB; các ông Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - nguyên phó chủ tịch HĐQT và ông Lý Xuân Hải - nguyên tổng giám đốc ACB - về hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đánh giá của cơ quan điều tra, hành vi của sáu bị can này gây hậu quả đặc biệt lớn, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính phủ, thu lợi bất chính cho ACB và thiệt hại cho 22 ngân hàng khác, đồng thời trực tiếp gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỉ đồng do bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra cho rằng hành vi của Nguyễn Đức Kiên và các bị can còn lại đều có liên quan đến vụ kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH đầu tư tài chính Á Châu, Công ty cổ phần đầu tư thương mại B&B và ACB. Do đó, cơ quan điều tra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi của sáu bị can này để nhập vào vụ án “Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép...”. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra.
Theo Minh Quang
Tuổi Trẻ
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-lua-dao-gan-4000-ti-dong-acb-thiet-hai-hon-700-ti-dong-674245.htm


Chân dung người đàn bà chiếm đoạt 4.911 tỉ đồng

Lợi dụng chức vụ Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt 4.911 tỉ đồng.

Ngày 26-3, nguồn tin cho biết Viện KSND Tối cao vừa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án liên quan đến trùm lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, trú tại Q.4, TPHCM), nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), chi nhánh TPHCM.

 Chân dung người đàn bà chiếm đoạt 4.911 tỉ đồng
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như đã lừa đảo, chiếm đoạt 4.911 tỉ đồng

Viện KSND Tối cao yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra bổ sung, làm rõ hành vi phạm tội của từng bị can phục vụ công tác tố tụng.
Theo kết luận điều tra trước đó, Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cho vay lãi nặng; vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Hà Nội và TPHCM.


Theo đó từ đầu năm 2007, khi là cán bộ tín dụng VietinBank Chi nhánh TPHCM, bà Như đã vay hơn 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam và An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, bà Như không có khả năng thanh toán.
Để có tiền trả nợ, từ tháng 3-2010 đến 9-2011, lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank, bà Như đã làm giả 8 con dấu Chi nhánh Nhà Bè của ngân hàng này và 7 công ty khác, đồng thời làm giả tài liệu của VietinBank cùng nhiều đơn vị, cá nhân khác để lừa đảo, chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng, 3 cá nhân tổng cộng hơn 4.911 tỉ đồng.  Tại cơ quan điều tra, bà Như khai trong số tiền chiếm đoạt được, bà chỉ trả nợ được 925 tỉ đồng.
Liên quan đến vụ việc này, cơ quan điều tra đã khởi tố 6 người gồm ông Nguyễn Đức Kiên ("bầu" Kiên), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu (ACB); ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ  và Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB, do có hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ tháng 5-2010 đến 11-2011, ACB ủy thác cho 19 nhân viên gửi tổng cộng gần 719 tỉ đồng vào VietinBank (Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TPHCM) song bị bà Như chiếm đoạt.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn xác định hành vi của 6 bị can nói trên liên quan đến vụ án Nguyễn Đức Kiên kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại các Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu, Công ty CP Đầu tư Thương mại B&B và Ngân hàng ACB nên đã tách ra để điều tra tiếp.

Cũng trong ngày 26/3, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao tại Đà Nẵng đã mở phiên phúc thẩm tại TAND tỉnh Gia Lai, xét xử và tuyên phạt bị báo Lê Thị Bích Hạnh (SN 1968, trú tổ 4, phường Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai) 10 năm tù giam về tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản”. 
Theo cáo trạng, từ năm 2005-2007, bà Hạnh đã nhiều lần vay tiền bà Phạm Thị Ngọc Xuân (SN 1971, trú đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM) với lãi suất 1,5%-3%/tháng. Hạnh đã dùng số tiền vay này cho các đối tượng khác tại TP.Pleiku vay với lãi suất 4%-6%/tháng để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, sau một thời gian bà Hạnh tuyên bố không có khả năng trả nợ, nên bà Xuân đã làm đơn tố cáo bà Hạnh. 
Ở phiên sơ thẩm đầu tiên, TAND tỉnh Gia Lai đã tuyên Hạnh vô tội. Phiên sơ thẩm lần 2 TAND tỉnh này đã tuyên phạt Hạnh 20 năm tù giam về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Mức án này đã làm Hạnh tỉnh ngộ và trả cho bà Xuân 17 tỷ đồng nhằm được giảm án.
Tại phiên tòa phúc thẩm này Hạnh đã cúi đầu nhận tội và đã khắc phục hậu quả nên đã được giảm 10 năm tù so với phiên sơ thẩm.
PV tổng hợp

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như: Khởi tố thêm cán bộ của Vietinbank

Đến nay, đã có gần 15 người bị khởi tố liên quan đến vụ bà Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo. Cơ quan điều tra vừa khởi tố thêm một số cán bộ Vietinbank. thuộc chi nhánh Nhà Bè.
Theo Thanh Niên, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và thi hành lệnh khám xét đối với 3 bị can nguyên là cán bộ Phòng Giao dịch Võ Văn Tần, Ngân hàng Công thương Việt Nam - Chi nhánh Nhà Bè, TP.HCM về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Các bị can là bà Lương Thị Việt Yên (SN 1973, trú tại quận 3, nguyên trưởng phòng Giao dịch), Hồ Hải Sỹ (SN 1983, trú tại quận Bình Tân, nguyên phó phòng Giao dịch) và Lê Thị Ngọc Lợi (SN 1987, trú tại quận 3, nguyên giao dịch viên). 
Các bị can này đã vi phạm quy định trong việc lập hồ sơ, phê duyệt hồ sơ mở tài khoản và quy chế mở, sử dụng tài khoản tại ngân hàng thương mại, đã để Huỳnh Thị Huyền Như ký giả chữ ký của 2 chủ tài khoản trên các lệnh chi, chuyển 50 tỷ đồng từ tài khoản của họ đến tài khoản khác rồi chiếm đoạt sử dụng. 
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và thi hành lệnh khám xét đối với bà Trần Thị Tố Quyên (SN 1980, trú tại quận 3, là nhân viên một công ty do bà Như lập ra) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bà Quyên đã có hành vi giúp sức cho bà Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng.
Trước đó, cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 cán bộ ngân hàng về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, 4 cá nhân về hành vi cho vay lãi nặng và 1 giám đốc Công ty CP vận tải dầu khí Thái Bình Dương về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn.... 
Số tiền lừa đảo chiếm đoạt trong vụ án lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
TV-BT


Lừa đảo, chiếm đoạt tiền gửi trong ngân hàng của Huỳnh Thị Huyền Như

16/01/2013 -- 9:22 SA(GMT+7)
Từ năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên là Trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh (Vietinbank chi nhánh TP.HCM), thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty Chứng khoán Phương Đông, đã vay tiền với lãi suất cao của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh để kinh doanh chứng khoán và bất động sản.
Đến  năm 2010, Huỳnh Thị Huyền Như mất khả năng thanh toán với số tiền rất lớn nên đã sử dụng thủ đoạn lừa đảo để huy động vốn vay của các Ngân hàng, các đơn vị để thanh toán cho các khoản nợ này. Thủ đoạn phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn như sau:
Lừa  đảo,  huy  động  tiền  gửi  của  Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB)
Khoảng tháng 5/2011, lãnh đạo Ngân hàng MSB chủ trương cấp vốn tín dụng, ủy thác cho một số đơn vị: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) đầu tư Phúc Vinh (Công ty Phúc Vinh); Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát) và Công ty cổ phần  Thương  mại  &  Đầu  tư  Hưng  Yên (Công ty Hưng Yên), gửi vào Vietinbank để lấy lãi suất cao, Huỳnh Thị Huyền Như, với sự giúp sức của Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, đã lập 72 hợp đồng giả về tiền gửi có kỳ hạn, mang danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (bằng cách ký giả chữ ký của Hà Anh Tuấn - Giám đốc hoặc của Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc; dùng con dấu giả Vietinbank chi nhánh Nhà Bè đóng vào hợp đồng) để nhận tiền gửi từ 3 công ty tổng số tiền là 2.501 tỷ đồng, lãi suất từ 18%-23% năm (cao hơn lãi suất trần quy định từ 4-9% năm).
Huỳnh Thị Huyền Như
Sau khi 3 công ty chuyển tiền vào tài khoản (do Như mở) tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập các lệnh chi giả (về nội dung, chữ ký, con dấu) của các chủ tài khoản này (3 công ty). Lợi dụng quyền được phép ký chuyển tới 50 tỷ đồng, Như chuyển tiền vào tài khoản một số cá nhân và doanh nghiệp, là: Công ty Phụng Thủy (hơn 722 tỷ đồng); Công ty Dung Vân (gần 385 tỷ đồng); Công ty Hoàng Khải (hơn 240 tỷ đồng)… Tính đến thời điểm khởi tố vụ án, Huỳnh Thị Huyền Như đã thanh toán nợ cá nhân cho 3 Công ty 903 tỷ đồng; chiếm đoạt 1.598 tỷ đồng (của các công ty: Công ty Phúc Vinh gần 609 tỷ đồng; Công ty Thịnh Phát gần 789 tỷ đồng; Công ty Hưng Yên hơn 200 tỷ đồng).
Lừa đảo, huy động tiền gửi của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB)
Cũng với thủ đoạn huy động tiền gửi cao hơn lãi suất quy định, Huỳnh Thị Huyền Như lập 20 hợp đồng tiền gửi, trình lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký nhận gửi 1.190 tỷ đồng của Công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS); 10 hợp đồng tiền gửi trình lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký nhận gửi 470 tỷ đồng của Công ty An Lộc. Đây là các Hợp đồng thật với mức lãi suất theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước; phần lãi suất chênh lệch được Như thỏa thuận trả ngoài. Ngoài ra, Như đã làm giả chữ ký của ông Hà Anh Tuấn và con dấu Vietinbank chi nhánh Nhà Bè lập 04 hợp đồng tiền gửi mang tên Vietinbank chi nhánh Nhà Bè số tiền 100 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đức Minh Quang và 100 tỷ đồng tiền gửi của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc, với lãi suất 18% năm.
Trong số tiền ORS gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như đã chuyển trả nợ cho Công ty Thịnh Phát 150 tỷ đồng bằng cách không chuyển số tiền này vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn (theo Hợp đồng tiền gửi đã được ký kết) mà làm 04 Lệnh chi điện tử để chuyển vào tài khoản Công ty Thịnh Phát. Đồng thời, Như thay trang giữa hợp đồng, rút thời hạn tiền gửi từ 3-6 tháng xuống còn 1 tháng để tất toán trước hạn đối với số tiền là 230 tỷ đồng và khi số tiền này được chuyển lại tài khoản không kỳ hạn của ORS tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như đã làm các Lệnh chi điện tử chuyển trả nợ cho Công ty Phúc Vinh 130 tỷ đồng; trả nợ cho Công ty cổ phần Đức Minh Quang 100 tỷ đồng. Như vậy, trong số tiền ORS gửi, Như đã chiếm đoạt tổng cộng 380 tỷ đồng.
Đối với số tiền 470 tỷ đồng mà Công ty An Lộc gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM, Như đã dùng thủ đoạn làm giả Lệnh chuyển tiền (giả chữ ký của ông Nguyễn Hữu Chương và dấu của Công ty An Lộc) để chuyển 50 tỷ đồng trả nợ cho Công ty Thịnh Phát và chuyển 120 tỷ đồng trả nợ cho Công ty Phúc Vinh số tiền Như đã lừa đảo chiếm đoạt trước đó. Cùng với số tiền 380 tỷ đồng đã chiếm đoạt được của ORS; tổng số tiền Như đã chiếm đoạt của TPB là 550 tỷ đồng.
Lừa đảo, huy động tiền gửi của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
Lợi dụng chủ trương của Lãnh đạo Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiền tại các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất cao và Ngân hàng ACB đang cần tiền để thanh toán các khoản nợ, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập 32 hợp đồng tiền gửi với tổng số tiền là 668,908 tỷ đồng của 17 cá nhân tại Ngân hàng ACB để lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký nhận (các cá nhân này gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM bằng hợp đồng tiền gửi, không lấy thẻ tiết kiệm). Lợi dụng việc làm không đúng quy trình nghiệp vụ; do nể nang của một số cán bộ, nhân viên dưới quyền, Như giả chữ ký của người vay, người bảo lãnh để thế chấp vay 254,6 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ; 202,44 tỷ đồng tại Phòng  giao  dịch  Đinh  Tiên  Hoàng  (tổng cộng 457,04 tỷ đồng), chuyển vào tài khoản của 28 cá nhân để chiếm đoạt. Còn 194,858 tỷ đồng, Như đã tất toán trước hạn chuyển tiền về tài khoản thanh toán của các cá nhân Ngân hàng ACB; sau đó làm Lệnh chi, giả chữ ký của chủ tài khoản chuyển cho một số công ty và cá nhân để chiếm đoạt.
Với sự giúp sức của Võ Anh Tuấn, Như đã làm 02 hợp đồng mang danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và đóng dấu Vietinbank chi nhánh Nhà Bè trên hợp đồng) để nhận gửi 50 tỷ đồng do Ngân hàng ACB ủy thác. Như đã làm Lệnh chi, giả chữ ký của một số cá nhân, chuyển số tiền cho các cá nhân và công ty theo chỉ đạo của Như để chiếm đoạt.
Lừa đảo, huy động tiền gửi của Ngân hàng Nam Việt (NaViBank)
Lợi dụng chủ trương cho nhân viên vay tiền gửi tại Vietinbank lấy lãi suất chênh lệch trả thêm từ 2% đến 8,5% năm, thanh toán bằng tiền mặt ngay sau khi ký hợp đồng, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 47 hợp đồng tiền gửi bằng cách ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và đóng dấu giả Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để nhận toàn bộ số tiền 1.543 triệu đồng của 14 cá nhân. Sau khi tất toán xong cả gốc và lãi (số tiền gốc 1.043 triệu đồng) còn 500 tỷ đồng, Như đã chuyển gửi tiếp tại Vietinbank chi nhánh TP.HCM bằng 18 hợp đồng tiền gửi do Lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM ký. Như làm các Lệnh chi giả (giả chữ ký chủ tài khoản) để chuyển tiền đến tài khoản của một số cá nhân, tổ chức để chiếm  đoạt.
Đến thời điểm khởi tố vụ án, Như đã tất toán được 12 hợp đồng; còn 200 tỷ trên 6 hợp đồng tiền gửi của 4 cá nhân đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt.
Lừa đảo, chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Quốc tế chi nhánh TP.HCM (VIB HCM)
Từ ngày 05/07/2011 đến ngày 08/9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập giả 12 hợp đồng tiền gửi tại Vietinbank chi nhánh Nhà Bè mang tên 12 đối tượng là những người giúp việc cho Như với số tiền là 292,2 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Như, 12 đối tượng nêu trên mang các hợp đồng giả đến VIB HCM để thế chấp vay 180 tỷ đồng. Với sự giúp đỡ của Huỳnh Hữu Danh là cán bộ tín dụng của VIB HCM, số tiền này đã được chuyển đến các tài khoản theo sự chỉ đạo của Như và Như đã chiếm đoạt toàn bộ.
Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp
Lấy danh nghĩa cán bộ của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè để huy động tiền gửi trả lãi cao hơn lãi suất huy động tiền gửi được Ngân hàng Nhà nước quy định, Huỳnh Thị Huyền Như đã lập giả các hợp đồng tiền gửi của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè (giả chữ ký, con dấu), ký nhận tiền gửi của 4 công ty: Công ty TNHH ZenPlaza TP.HCM (số tiền 45 tỷ đồng; trả lãi suất 32% năm); Công ty Chứng khoán Saigonbank Bergaya (số tiền 220 tỷ đồng; trả lãi suất 32,8% năm); Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (125 tỷ đồng, trả lãi suất 36% năm); Công ty Cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương (số tiền 80 tỷ đồng, lãi suất 18% năm). Tuy vậy, Huỳnh Thị Huyền Như đã không thực hiện đúng cam kết (chuyển số tiền trên vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè), mà yêu cầu các công ty chuyển tiền vào tài khoản của cá nhân theo yêu cầu của Như. Bằng thủ đoạn này, Như đã chiếm đoạt toàn bộ số tiền là 470 tỷ đồng.
Ngày 28/9/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt quyết định khởi tố 26 bị can trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn phạm tội; ngày 07/10/2012 bắt tạm giam Huỳnh Thị Huyền Như (thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông) để điều tra làm rõ về các hành vi: vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động tín dụng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; cho vay nặng lãi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bước đầu Cơ quan điều tra đã chứng minh Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn, lấy danh nghĩa huy động vốn cho Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và Nhà Bè, chiếm đoạt 4.600 tỷ đồng (của 5 Ngân hàng TMCP và 4 công ty). Đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, là bài học đắt giá trong quan hệ giao dịch dân sự, kinh doanh thương mại và trong đời sống xã hội.
Tạ Văn Hồ
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét