Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

Cài 'khóa' cho smartphone


  1. Sợ tốn pin hay ngại máy chạy chậm, nhiều người dùng smartphone bỏ qua các thao tác bảo mật quan trọng.

    Việc kết nối nhiều tài khoản và sao lưu nhiều thông tin quan trọng khiến những chiếc smartphone hay máy tính bảng trở thành đích nhắm của hacker. Bên cạnh đó là hiểm họa trực tiếp là nạn cướp giật, nếu không đề phòng, thông tin trong điện thoại của người dùng sẽ dễ dàng rơi vào tay kẻ xấu.
    Không còn ở mức độ cảnh báo
    Hiện nay, nhiều người sử dụng smartphone như một thiết bị lưu trữ quan trọng. Theo đó bao gồm những thông tin bí mật về số tài khoản, mật khẩu, hình ảnh, video cá nhân… Đặc biệt, smartphone đang dần trở thành thiết bị có chức năng thanh toán, chuyển tiền từ xa. Thế nhưng hiện nay nhiều người dùng điện thoại vẫn ngại cài các phần mềm về bảo mật, thậm chí là việc đặt mật khẩu ở màn hình chờ. Nhiều người cảm thấy phiền phức khi phải sử dụng thêm thao tác như bấm số, hay phải vẽ mô hình khi mở khóa màn hình. Thậm chí người dùng không cài các phần mềm chống virus mà nguyên nhân chính chỉ là sợ tốn pin.
    [IMG]

    Việc cài các khóa màn hình trên smartphone và tablet dù là rắc rối nhưng hết sức cần thiết.
    Thế nhưng ngược với sự thờ ơ của người dùng các hiểm họa về virus và hacker lại đang bắt đầu phát triển mạnh. Các phần mềm quen thuộc như IOS, Android xuất hiện nhiều lỗ hổng bảo mật dễ dàng bị khai thác. Đơn cử như với phần mềm IOS với các sản phẩm như “hot” như iPhone, iPad cũng đang đứng trước nhiều nguy cơ. Mới đây, hãng SourceFire đã công bố kết quả nghiên cứu bảo mật mới của họ, theo đó iPhone đã có 210 lỗ hổng bị phát hiện, chiếm tới 81% trong tổng số những lỗ hổng của những mẫu điện thoại tên tuổi được khảo sát.
    Hay các thiết bị dùng hệ điều hành Android, gần đây cũng xuất hiện nhiều hình thức tấn công bằng virus. Đơn cử như hacker chèn vào các phần mềm giả dạng, họ làm các phần mềm nổi tiếng sau đó chèn mã độc vào. Mới đây, bộ phận Phản ứng bảo mật Symantec công bố một phân tích về mã độc mới nhắm tới ăn cắp thông tin cá nhân của người dùng Android. Phần mềm mã độc có tên là “Android.Exprespam” dù mới xuất hiện đã thu hút hơn 3.000 lượt khách xem trong vòng một tuần từ ngày 13 đến 20-1, gây ra nguy cơ đánh cắp khoảng 75.000-450.000 loại thông tin cá nhân khác nhau.
    Cần tập thói quen sử dụng mới
    Trong một chia sẻ gần đây, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc bộ phận R&D BKIS, cho biết thực sự nhiều người dùng vẫn xem điện thoại di động là thiết bị thời trang để sử dụng, đa phần vẫn chưa quan tâm nhiều đến các vấn đề cài phần mềm bảo mật. Điều này dễ dàng tạo điều kiện cho kẻ gian lấy trộm thông tin và sử dụng vào mục đích xấu.
    Theo các chuyên gia bảo mật, để bảo vệ thông tin trên smartphone, người dùng nên sử dụng các phần mềm bảo mật cho dù máy có bị hao pin, tốc độ xử lý bị chậm lại. Các phần mềm này ngoài chức năng chống virus, còn có các tính năng như khóa thiết bị từ xa, xóa dữ liệu khi bị mất cắp hay thất lạc. Đặc biệt là hạn chế tải các phần mềm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
    Anh Nguyễn Minh Tâm (quận Gò Vấp), một người xài điện thoại lâu năm, cho biết với anh, chiếc điện thoại có nhiều thông tin quan trọng, đặc biệt là danh bạ. Ngay từ chiếc điện thoại Nokia N70 trước đây, anh đã sử dụng thao tác khóa mật khẩu và hiện nay chiếc điện thoại HTC One anh cũng sử dụng thao tác khóa vẽ mô hình và cài phần mềm virus. Anh Tâm cho biết: “Do phải sử dụng liên tục và ngắt quãng nên các thao tác về bảo mật ít nhiều làm chậm việc sử dụng điện thoại. Thế nhưng việc này đảm bảo thiết bị không bị xâm nhập. Thậm chí dù điện thoại có bị cướp giật thì kẻ gian cũng sẽ rất khó xâm nhập vào thiết bị”.
    Còn theo anh Trần Lâm Thông, quản trị diễn đàn MobileWorld.vn, thì ngoại trừ thao tác khóa màn hình thông thường anh còn cài thêm một phần mềm màn hình khóa vào thiết bị. Anh cho biết người dùng sử dụng thao tác khóa phần lớn là dân công nghệ, riêng với người sử dụng thông thường thì ít người sử dụng vì tâm lý họ không quan tâm đến bảo mật.
    Sẽ có những chuẩn bảo mật mới
    Để đơn giản hơn cho người dùng và giúp thiết bị bảo mật hơn, các hãng sản xuất điện thoại hướng đến các chuẩn bảo mật là sử dụng máy quét dấu vân tay. Năm ngoái, Apple đã mua lại Công ty Authentic Inc chuyên về bảo mật, làm dấy lên rất nhiều tin đồn về việc thế hệ iPhone, iPad tiếp theo sẽ tích hợp công nghệ quét dấu vân tay. Trước đó, Samsung Galaxy, Nexus cũng đã có chức năng nhận diện khuôn mặt dù vẫn chưa hoàn chỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét