Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013


Cẩn trọng ăn nhộng tằm

Nhộng tằm là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin A, B1, B2, PP, C… và các chất khoáng như can-xi, phốt-pho… giúp trẻ em lớn nhanh, chống còi xương hay trị bệnh rối loạn cương, táo bón ở người lớn tuổi.
 
Tuy tốt cho sức khỏe và bổ dưỡng nhưng rất ít người biết rằng ăn nhộng tằm cũng có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Đặc biệt là trong trường hợp người dùng không biết cách chế biến và bảo quản hợp lý.
Dễ gây ngộ độc
Nhộng tằm là món ăn ưa thích của nhiều người, nhất là trẻ nhỏ. Nhiều bà mẹ cho biết trẻ rất thích ăn nhộng tằm rang, vì chúng vừa giòn, vừa béo; còn khi cho nhộng tằm vào cháo thì trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn. Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM), nhộng tằm là thực phẩm rất bổ dưỡng, chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, trong nhộng tằm có chứa nhiều protein (đạm), không thể bảo quản được lâu, dễ bị ôi thiu. Một khi nhộng tằm không được bảo quản tốt, chất đạm sẽ bị phân hủy không còn giá trị dinh dưỡng nữa, mà trở thành chất độc gây hại cho cơ thể.
Vì không biết điều này, cô H. T. B (55 tuổi, Q. 8, TP. HCM) đã mua nhộng tằm bày bán ngoài chợ về làm gỏi cho cả nhà ăn. Chỉ khoảng vài giờ sau khi ăn, cả nhà cô bị đau bụng, buồn nôn, phải vào bệnh viện cấp cứu. Khi bác sĩ cho biết cả nhà bị ngộ độc thực phẩm, cô mới nghĩ đến tác hại của món gỏi nhộng tằm đã chế biến lúc sáng, đến chiều lại mang ra ăn tiếp.
Lưu ý khi mua và chế biến
Để nhộng tằm không gây ngộ độc như trường hợp của cô B., khi mua, người dùng cần lưu ý là phải mua nhộng còn tươi, không để lâu và có nguồn gốc rõ ràng. Nhộng tằm còn tươi thường có màu vàng ươm, thịt trắng ngà, các đốt trên thân không bị rời ra, còn nhộng tằm để lâu thường chuyển màu sang vàng nhạt, thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không dính chắc vào nhau.
Ngoài ra, bà nội trợ cũng không nên chọn loại nhộng tằm có kích thước quá to, vì rất có thể chúng đã bị tẩm các chất hóa học để trông căng tròn, bắt mắt người mua. Nhộng đã mua về tốt nhất nên chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản trong nhiệt độ từ 0 - 50C. Những người có cơ địa hay dị ứng không nên ăn nhộng tằm vì trong chúng cũng chứa một số histamin dễ gây mẩn ngứa. Ngoài ra, dù bổ nhưng người dùng không nên ăn quá nhiều, chỉ ăn nhộng tằm một cách phù hợp, khoảng 2-3 bữa/tháng là đủ.


Với nhộng tằm còn tươi, bà nội trợ có thể chế biến chúng thành nhiều món ăn ngon như: làm gỏi, lăn bột chiên giòn, nấu cháo, xào với hành tây… Ngoài ra nhộng tằm cũng có thể làm thuốc trị một số bệnh như: viêm họng cấp, đen sạm da mặt, đau đầu…
BS. Đào Thị Yến Thủy - Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét