Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

'Chụp ảnh người hùng của chiến tranh Việt Nam'

Catherine Karnow, phóng viên phương Tây duy nhất được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đồng ý cho phỏng vấn riêng và theo ông tới Điện Biên Phủ năm 1994, có những kỷ niệm đặc biệt về Tướng Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ phóng viên Catherine Karnow trong cuộc gặp gỡ năm 1994. Ảnh: Catherine Karnow.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nữ phóng viên Catherine Karnow trong cuộc gặp gỡ năm 1994. Ảnh: Catherine Karnow.
Karnow kể về lần gặp gỡ Tướng Giáp trên báo Huffington Post của Mỹ hồi năm ngoái, trong bài viết có tiêu đề "Chụp ảnh người hùng chiến tranh của Việt Nam". Sau đây là nội dung của bài viết.
"Tướng Giáp là người chỉ huy trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu vào tháng 5/1954, sự kiện giúp Việt Nam giành được độc lập từ tay của thực dân Pháp. Ông cũng là người tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ với thắng lợi hoàn toàn vào tháng 4/1975. Người Pháp gọi ông là "ngọn núi lửa phủ tuyết" vì mái đầu bạc và sự mạnh mẽ của ông.
Năm 1994, tôi là phóng viên phương Tây duy nhất được Tướng Giáp đồng ý cho theo ông đến Điện Biên. Tôi đã tới nhà của ông từ vài ngày trước đó, chụp ảnh và cùng dùng bữa tối với gia đình ông. 
Các phóng viên và nhiếp ảnh gia vốn đã tề tựu ở Hà Nội suốt nhiều ngày liền. Họ băn khoăn liệu Tướng Giáp có tới Điện Biên Phủ để kỷ niệm 40 năm chiến thắng lẫy lừng này hay không. Nhưng chỉ có tôi là người duy nhất được ông mời đi cùng, mà lại đi trước ngày kỷ niệm 7/5.
Nhưng hãy để tôi "lạc đề" một chút để giải thích về việc tôi đã có mối quan hệ riêng với nhân vật lịch sử này như thế nào. Cha tôi, Stanley Karnow, nhà báo kiêm sử gia về chiến tranh Việt Nam, đã phỏng vấn Tướng Giáp cho tờ New York Times vào năm 1990. Vài tháng sau, tôi tới Việt Nam và gặp Tướng Giáp để chụp hình ông cùng gia đình. Một mối quan hệ đã được xây dựng và kéo dài tới tận bây giờ.
tuonggiap-6072-1381052817.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được các phóng viên phương tây mệnh danh là "ngọn núi lửa phủ tuyết". Ảnh: Catherine Karnow
Ngày 1/5/1994, tôi khá lo lắng và hồi hộp trên chuyến bay từ Hà Nội tới Điện Biên Phủ. Lần này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thăm chiến trường và nghĩa trang liệt sĩ, ông còn quay lại căn cứ Mường Phăng lần đầu tiên sau 40 năm. Đó là nơi ông đã trú ẩn trong những tháng vạch ra chiến dịch, để rồi từ đây đưa ra chiến lược thiên tài tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chiến lược thiên tài đó là gì? Cách thức của Đại tướng về cơ bản là sử dụng sức người để kéo những khẩu pháo nặng lên những con đốc đứng rồi nã xuống các đồn bốt của Pháp ở dưới. Trận địa pháo này rất có uy lực. Người Pháp bị áp đảo đến nỗi sĩ quan pháo binh của họ đã tự sát trong chiến hào.
Lả đi vì đói khi chờ trực thăng của Đại tướng
Khi chiếc máy bay thương mại cỡ lớn hạ cánh, tôi bị một số người đưa đi vì họ không hiểu vai trò đặc biệt của tôi. Trong một phút chốc, tôi bị tách khỏi Tướng Giáp mà không biết có thể gặp lại như thế nào. Tôi cũng không rõ ông được bố trí nghỉ lại ở nơi đâu.
Bỏ lại hành lý ở một khách sạn nhỏ, tôi yêu cầu họ đưa tôi đến gặp Đại tướng. Nhưng chính họ cũng không biết nên đưa tôi tới đâu. Đột nhiên, tôi nhìn thấy một nhà khách lớn trên một đỉnh đồi. Trực giác mách bảo tôi rằng đó chính là nơi Tướng Giáp đang nghỉ. Vì vậy, tôi yêu cầu lái xe dừng lại.
Sau đó, tôi nhìn thấy người trợ lý của Đại tướng đang ngồi nghỉ ở hiên nhà. Chúng tôi đã biết nhau và ông ấy không ngạc nhiên khi thấy tôi. Sau đó, tôi được biết rằng chúng tôi sẽ đến thăm chiến trường năm xưa vào ngày hôm sau.
Tướng Giáp sẽ di chuyển bằng trực thăng, còn tôi đi bằng xe jeep. Tôi được thông báo là sẽ tới nơi vào đầu buổi chiều. Đại tướng cũng sẽ tới trong khoảng thời gian này.
Hàng trăm người dân đã tụ tập ở nơi là trận địa năm xưa để chờ Tướng Giáp đi trực thăng đến. Đoán rằng ông sẽ tới trong chốc lát nữa, tôi kiểm tra lại để chắc rằng máy ảnh đã lắp phim và tự kiếm một vị trí tốt để bấm máy. Nhiều phút trôi qua. Thế rồi một giờ và một giờ nữa qua đi. Tôi không có gì mang theo để ăn, mà chỉ có một chai soda cam để uống.
Khi đó, trời rất nóng và nắng gắt. Nếu tôi chạy ra chỗ rừng cây để trốn ánh nắng mặt trời, tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội bấm máy khi Đại tướng đến. Ngớ ngẩn hơn là tôi lại không mang đủ phim, nên tôi thậm chí không thể giết thời gian nhiều bằng cách chụp ảnh những người dân bản xứ. Điều đó thật tệ đối với tôi, vì khi đó họ trông rất thú vị. Nhiều người trong số họ là người Thái Đen, một dân tộc thiểu số ở vùng cao. Nhiều trẻ em còn mặc đồng phục, quàng khăn đỏ và cầm những biểu ngữ chào mừng.
Tôi bắt đầu cảm thấy lả đi vì đói và kiệt sức.
Mọi người bắt đầu chạy về phía trực thăng khi nó đang hạ cánh. Ảnh: Catherine Karnow.
Mọi người bắt đầu chạy về phía trực thăng khi nó đang hạ cánh. Ảnh: Catherine Karnow.
Cuối cùng, tôi nghe thấy tiếng động trên bầu trời và nhìn thấy chiếc trực thăng đang tiến lại gần. Người dân chạy về phía trước trực thăng sau khi nó đáp xuống. Đại tướng bước ra và vẫy tay chào đám đông. Chúng tôi bắt đầu đi bộ lên núi để thăm nơi trú ẩn bí mật trong rừng.
Chúng tôi bước trên những tấm ván gỗ hẹp trên các con suối và trèo qua nhiều thân cây đổ. Đã 83 tuổi, Tướng Giáp vẫn thể hiện ông có sức khỏe rất tốt.
Khi chúng tôi tới nơi mà Đại tướng từng sống suốt nhiều tháng liền để chỉ huy trận đánh cuối cùng, người dân chào ông với sự tôn kính và niềm vui lớn lao. Ông đã không gặp lại một vài người trong số họ suốt 40 năm.
Chúng tôi bước vào căn lán nhỏ, vốn chính là nơi mà Tướng Giáp đã vạch ra chiến lược cho trận Điện Biên Phủ. Một tấm bản đồ, mô phỏng lại chính bản đồ mà ông và các chỉ huy khác đã sử dụng 40 năm trước, được treo trên tường. Đại tướng ôn lại những kỷ niệm về những ngày ông ở lán này. Tướng Giáp nói: "Điều duy nhất tôi cảm thấy tiếc là những người chỉ huy đã cùng có mặt với tôi khi đó nay đã không còn nữa và không thể có mặt ở đây hôm nay".
Với tôi, việc ở trong căn lán nhỏ giữa núi rừng miền bắc của Việt Nam và chứng kiến một huyền thoại sống kể về những khoảnh khắc riêng trong lịch sử quả là một điều trọng đại".
Nguyễn Tâm lược dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét