Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

"Cây nỏ thần" bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới        

NangluongVietnam - 



Sự xuất hiện một Lữ đoàn tàu ngầm của Hải quân Việt Nam không khiến chúng ta vọng tưởng quá mức coi nó như là một “cây nỏ thần” trên Biển Đông. Chỉ đơn giản, nó - Lữ đoàn tàu ngầm, là một tín hiệu về khả năng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới…

LÊ NGỌC THỐNG
Cùng với sự xuất hiện lực lượng Không quân hải quân, lực lượng tàu ngầm Hải quân Việt Nam đã tạo ra một trong các cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển về tổ chức, biên chế lực lượng của Quân đội Việt Nam.
Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, chỉ có gậy tre, chông tre để chống lại sắt thép của quân thù, mới biết thế hệ cha anh đã đánh giặc khó khăn, gian khổ như thế nào. Chợt nghĩ, không rõ cảm xúc của dân tộc Việt ra sao khi lần đầu tiên, xuất hiện pháo cao xạ, lực lượng pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên xuất hiện những con én bạc trên bầu trời…
Có lẽ chắc cũng như chúng ta bây giờ khi chứng kiến từng giờ những bước đi “tiến thẳng lên hiện đại” của Hải quân và quân đội Việt Nam.
 Tàu ngầm Kilo 636 phóng tên lửa chống hạm 3M54 Club-S từ ống phóng ngư lôi phía mũi tàu
Tàu ngầm Kilo 636 phóng tên lửa chống hạm 3M54 Club-S từ ống phóng ngư lôi phía mũi tàu
Thay đổi lớn của tổ chức lực lượng Hải quân Việt Nam
Thành lập một quân đoàn không mấy khó khăn. Khi tướng có, quân có thì vũ khí trang bị cho quân đoàn dù có tiên tiến mấy cũng dễ dàng huấn luyện thành thạo. Thành lập một lữ đoàn tàu mặt nước phức tạp hơn một chút, bằng nỗ lực và ý chí quyết tâm vẫn có thể nhanh chóng có được trong thời gian ngắn…vì dù ít nhiều chúng ta cũng có cơ sở ban đầu.
Nhưng thành lập một lữ đoàn tàu ngầm, thậm chí muốn có một chiếc tàu ngầm đưa vào trực chiến thì không hề đơn giản chút nào. Một lữ đoàn tàu ngầm hay một chiếc tàu ngầm chỉ là phần nổi của một tảng băng mà phần chìm của nó gồm hậu cần, kỹ thuật, tham mưu chỉ huy…
Do đó, Hải quân Việt Nam buộc phải xây dựng từ con số “0”: Cơ sở vật chất kỹ thuật và cách đánh (của riêng tàu ngầm, của tàu ngầm hợp đồng với các lực lượng)…
Chẳng hạn, Việt Nam phải xây dựng hệ thông thông tin liên lạc với tàu ngầm; xây dựng trung tâm huấn luyện, đào tạo lính tàu ngầm; xây dựng công tác chỉ huy tham mưu, tác chiến ngầm; xây dựng các căn cứ cho tàu ngầm…
Đây là những khối công việc đồ sộ mà không thể giải quyết được bằng ý chí, không phải hoàn thành ngày một ngày hai mà phải tính bằng năm, tiêu tốn rất nhiều công sức, tiền của, mới đưa tàu ngầm vào trực chiến. Không hoàn thành tốt sự chuẩn bị này thì có tàu ngầm cũng như không.
Đó là lý do vì sao Việt Nam đến bây giờ mới xuất hiện lực lượng tàu ngầm và khi nó đã xuất hiện thì có nghĩa rằng, tàu ngầm Việt Nam đã có đủ điều kiện để trực chiến trên Biển Đông cùng các lực lượng khác.
Lúc này, không gian tác chiến của Hải quân Việt Nam thay vì chỉ trên không, trên mặt biển thì nay được mở rộng xuống trong lòng biển. Do đó một loạt vấn đề như tư tưởng tác chiến, nghệ thuật tác chiến, hợp đồng các lực lượng… phải được xây dựng theo cách Việt Nam.
Có thể nói việc xuất hiện một lực lượng vũ trang mới, đặc biệt, hiện đại như lực lượng tàu ngầm giống như một sự thay đổi về chất trong lực lượng vũ trang Việt Nam. Tư duy về tác chiến nói chung và hải chiến nói riêng của Bộ thống soái Việt Nam trong việc “tự vệ chính đáng” đã thay đổi.
Tàu ngầm trong tay Việt Nam: Cái khó ló cái khôn
Sẽ là hơi vội khi bàn đến chuyện tàu ngầm Việt Nam sẽ tác chiến ra sao, mức độ nguy hiểm mà nó gây ra cho địch như thế nào… Nói cách khác cho dễ hiểu là hãy làm sao thật nhanh chóng ngồi lên một chiếc mô tô 2 bánh mà không bị đổ kềnh trước khi muốn trở thành “tay lái lụa”.
Phải công nhận rằng, Việt Nam chưa sản xuất chế tạo ra được những loại vũ khí tiên tiến hiện đại, nhưng khai thác, sử dụng nó khi có trong tay thì “không thua kém ai” về tốc độ làm chủ và tính sáng tạo khi sử dụng. Đây là điều mà đồng bào ta rất tự tin và có quyền tin chắc về “tân đội ngũ tàu ngầm” Việt Nam.
Kinh nghiệm chiến đấu của tác chiến ngầm, trên thế giới ngoại trừ Nga, Mỹ, Nhật Bản có được từ chiến tranh thế giới lần 2 ra, trên khu vực Châu Á-TBD này ai cũng như ai.
Kinh nghiệm về sử dụng tàu ngầm của Việt Nam là con số “0”, vì vậy, yêu cầu đầu tiên là Việt Nam phải sử dụng thành thạo tàu ngầm trước khi nói tới vấn đề sử dụng sáng tạo.
Chính vậy mà huấn luyện tàu ngầm là khâu đầu tiên rất quan trọng quyết định thành bại “ai thắng ai” trên khu vực Biển Đông của cuộc chiến tàu ngầm nếu như không nói là mang tính quyết định đến vai trò, nhiệm vụ của Lữ đoàn ngầm Việt Nam.
“Thao trường đổ càng nhiều mồ hôi thì chiến trường càng bớt đổ máu” là quy luật của công tác chuẩn bị cho chiến tranh.
Huấn luyện nghiệp vụ, sử dụng thành thạo tàu ngầm kết hợp với huấn luyện chiến thuật đơn tàu, hợp đồng tác chiến các lực lượng… là một khối công việc gian lao vất vả mà hoàn thành tốt, ngoài tố chất, trí tuệ, truyền thống người lính thì cần phải có thời gian.
Sự xuất hiện Trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại căn cứ Cam Ranh hiện đại nhất thế giới, kết hợp với gửi lính đi đào tạo nguồn tại Nga, Ấn Độ và cả Nhật Bản…
Việt Nam thực sự khôn ngoan, không những đi tắt, đón đầu, tranh thủ thời gian ngắn đuổi kịp khả năng làm chủ tàu ngầm phi hạt nhân của các quốc gia có tàu ngầm trước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… mà còn chuẩn bị đủ lực lượng lính ngầm hùng hậu, sẵn sàng thay thế và phát triển khi cần thiết (không phải chỉ có tàu ngầm KILO của Nga là duy nhất trong lực lượng tàu ngầm), vừa đảm bảo “gối quân” và “gối thời gian” cho lực lượng tàu ngầm.
Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam không de dọa an ninh chủ quyền của quốc gia nào, tuy nhiên nó chỉ giỏi, chỉ hết sức nguy hiểm, khi dựa vào địa lợi để bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.
Đến năm 2016, Việt Nam có đủ 6 tàu ngầm biên chế cho Lữ đoàn tàu ngầm đầu tiên và nếu như có tiền mua thêm vài chiếc khác nữa của Nga hay Nhật Bản… thì việc làm sao để khai thác, sử dụng nó lại không thành vấn đề.
Đến năm 2016, tình thế Biển Đông sẽ khác bây giờ, hy vọng lúc đó, cùng với tàu ngầm Việt Nam, Biển Đông sẽ trở nên trật tự và lề lối hơn.
Tuy nhiên, sự xuất hiện một Lữ đoàn tàu ngầm của Hải quân Việt Nam không khiến chúng ta vọng tưởng quá mức coi nó như là một “cây nỏ thần” trên Biển Đông. Chỉ đơn giản, nó – Lữ đoàn tàu ngầm, là một tín hiệu về khả năng bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, một dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, giá đắt cho những ai có ý đồ xâm hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông của Việt Nam.
Lữ đoàn tàu ngầm Việt Nam không de dọa an ninh chủ quyền của quốc gia nào, tuy nhiên nó chỉ giỏi, chỉ hết sức nguy hiểm, khi dựa vào địa lợi để bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.
Lê Ngọc Thống (ĐVO)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét