Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Nga rầm rộ tập trận 'nắn gân' đối thủ nào?

theo Tiền Phong | 23/07/2013 09:45

Nga đã đẩy các siêu kỳ thủ chính trị khác như Washington, Tokyo, Bắc Kinh vào thể phòng thủ bị động, vừa phải đối phó với những thế cờ khó, vừa phải tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của Nga...

Rầm rộ tập trận
Nửa đầu tháng 7.2013, trên biển Nhật Bản tình hình trở lên vô cùng căng thẳng. Nguyên nhân của sự kiện này là cuộc diễn tập “ Hiệp lực trên biển – 2013” của Hải quân Nga và Trung Quốc, diễn ra dưới sự quan sát vô cùng cẩn trọng của Mỹ và Nhật Bản, khi hai nước này cũng đang tiến hành các hoạt động diễn tập lực lượng không quân trên khoảng cách vài trăm km.
 
Cuộc tập trận chung Nga – Trung tiến hành vào ngày 8 – 10.7 tại Vịnh Peter Great bên bờ biển Vladivostoc là một cuộc tập trận lớn nhất mà Trung Quốc được tham gia với các cường quốc quân sự nước ngoài. Trong cuộc tập trận này, cả hai nước đã thể hiện mối quan hệ song phương, trong một góc độ nào đó, được coi là định hướng nhằm ngăn chặn tiến trình trở lại châu Á của Mỹ.
Dưới khái niệm “trọng tâm chiến lược châu Á – Thái Bình Dương”, hơn 60% lực lượng hải quân Mỹ và lực lượng không quân chiến lược – chiến dịch được điều động sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã xác định đối tượng tác chiến rất rõ ràng khiến Trung Quốc vô cùng lo ngại.
Trong cuộc diễn tập “Hiệp lực trên biển – 2013” có sự tham gia của 11 chiến hạm nổi và một tàu ngầm của Nga, trong đó có kỳ hạm tên lửa "Varyag" của hạm đội Thái Bình Dương, 7 chiến hạm nổi của Trung Quốc, được đóng sau năm 2000, hải đoàn của Trung Quốc bao gồm 7 chiến hạm, trong đó có Liên đoàn chiến hạm hải quân PLA bao gồm 7 chiến hạm thuộc quyền chỉ huy của tư lệnh phó Hạm đội Biển Bắc Hải quân Trung Quốc Chuẩn đô đốc Yang Tszunfeya. Các khu trục hạm tham gia bao gồm "Thẩm Dương", "Thạch Gia Trang", "Vũ Hán", "Lan Châu" tàu khu trục hạng nhẹ mang tên lửa "Yên Đài", "Diêm" và tàu hậu cần kỹ thuật "Hundzhu." Chuẩn đô đốc Yang Tszunfeya tuyên bố đây là “lực lượng hải quân mạnh nhất tham gia trong lịch sử tiến hành các cuộc diễn tập trên biển”.
Hải quân Nga-Trung chuẩn bị cho cuộc tập trận
Hải quân Nga-Trung chuẩn bị cho cuộc tập trận "Hiệp lực trên biển 2013" ở khu vực Viễn Đông.
Cuộc diễn tập của Hải quân hai nước trên thực tế là định hướng chống lại các đòn tấn công từ hướng biển của lực lượng hải quân các thế lực thù địch, chứ có rất ít các nội dung mang tính chống hải tặc hoặc khủng bố trên biển, như những gì đã được phát ngôn viên của lực lượng hạm đội Thái Bình Dương công khai với các phóng viên. Các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc hùng hồn tuyên bố: “Trên các chiến hạm của Trung Quốc có tới 160 tên lửa phòng không, thừa đủ để đối phó với các máy bay từ các hàng không mẫu hạm Mỹ”.
Máy bay cường kích đánh chặn Su – 24 được sử dụng như quân xanh, thực hiện những đòn tấn công vào hạm đội, các chiến hạm Trung Quốc và Nga tiến hành những hoạt động chống ngầm chống lại quân xanh là tàu ngầm lớp Kilo, được coi là tàu ngầm có độ ồn thấp nhất trên thế giới. Nga và Trung Quốc cũng lên kế hoạch thực hiện các đợt diễn tập hải quân trên đất liền và trên không, được tiến hành vào khoảng từ 27.7 đến 15.8.2013 trong vùng núi Urals khu vực Chelyabinsk với định hướng là chống lực lượng khủng bố.
Cùng trong cùng những ngày đó, 8-12.07 Mỹ và Nhật Bản tiến hành những hành động đáp trả bằng các cuộc diễn tập chung của lực lượng không quân hai nước quanh vùng đảo Hokkaido. Các hoạt động diễn tập là một thông báo cho Trung Quốc và Nga hiểu một vấn đề, quyền lực thống trị vùng nước khu vực Thái Bình Dương vẫn thuộc Hoa Kỳ và không ai khác. Trong cuộc diễn tập không quân kéo dài 24 giờ trong ngày, có sự tham gia của 8 F-15 và 8 F-16 từ mỗi nước. Các đại diện chính thức của Nhật Bản xác nhận, trong quá trình diễn tập đã theo dõi chặt chẽ các hoạt động của “ Hiệp lực trên biển – 2013” Nga Trung.
 
Đây chỉ là một mắt xích trong hàng loạt những hoạt động có mục đích răn đe, ngăn chặn của Mỹ. Không hoàn toàn quan tâm đến vấn đề Trung Quốc đang trở thành một đe dọa quân sự trong khu vực, bản thân Mỹ đang sử dụng sức mạnh quân sự của mình trong ý đồ chiến lược ngăn chặn sự tụt dốc của nền kinh tế, đồng thời tăng sức ép lên Trung Quốc. Trong tháng 4.2013, xoay quanh cuộc khủng hoảng hạt nhân của đồng minh Trung Quốc là Triều tiên, Washington đã đưa máy bay ném bom B-2 và B-52 đến trực chiến, những máy bay này có khả năng mang các đầu đạn hạn nhân.
Trong tháng trước, Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận chung hai tuần tại California, cuộc diễn tập mang tên “Chớp nhoáng trước bình minh” được định hướng chiến thuật là giải phóng một hòn đảo đã bị chiếm giữ. Yêu cầu hủy bỏ cuộc tập trận của Trung Quốc đã không được để ý. Trong lúc tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku đang diễn ra căng thẳng trên biển Hoa Đông, chính quyền Obama đã chính thức gửi một thông điệp cho Bắc Kinh biết nếu vì quần đảo đó mà xảy ra chiến tranh, Washington sẽ đứng về phía Nhật Bản chống lại Trung Quốc.
Dường như để đối phó với những đe dọa ngày càng tăng từ phía Mỹ, Trung Quốc đã thúc đẩy Nga đã tăng cường các mối quan hệ song phương. Trung Quốc đã nỗ lực kết hợp với Nga phát triển mạnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải, tổ chức mà Trung Quốc hy vọng sẽ kéo Nga vào cùng một phía để chống lại sự can thiệp của Mỹ vào khu vực Trung Á, bắt đầu từ thời điểm năm 2001 khi Mỹ và các đồng minh bắt đầu cuộc chiến chống lại Afghanistan. Những hoạt động quan hệ song phương càng thêm chặt chẽ từ khi Washington ủng hộ chính quyền Gruzia thực hiện chính sách chống Liên bang Nga, để dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực 5 ngày với sự thảm bại của Gruzia.

Tháng 3.2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với mục đích nhằm nhấn mạnh "ưu tiên hàng đầu” và “mối quan hệ đặc biệt” với chính quyền của tổng thống Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chọn Nga là điểm dừng chân đầu tiên trong đợt công du nước ngoài đầu tiên ở vị trí lãnh đạo cao nhất Trung Quốc. Ông Tập cũng là lãnh đạo cao cấp đầu tiên trên thế giới được mời vào Trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến các lực lượng vũ trang ở Moscow, cũng tại trung tâm chỉ huy chiến lược này, ông được xem mô phỏng trên máy tính về hệ thống đánh chặn tên lửa toàn cầu của Mỹ đã phá hoại sự cân bằng lực lượng hạt nhân thế giới thế nào.
Cùng với sự phát triển và mong muốn từ phía Trung Quốc, Bắc Kinh và Moscow đã tăng cường hợp tác kinh tế bằng các hợp đồng cung cấp nhiên nhiệu cho Trung Quốc trong 25 năm với tổng giá trị lên đến 270 tỷ USD. Lượng dầu cung cấp hàng năm là 46 triệu tấn – bằng 1/9 lượng dầu mà Nga khai thác được hàng năm. Nga được hưởng 70 tỷ USD trả trước. Điều kiện này được đặt ra do Trung Quốc đang cố gắng bằng mọi giá đảm bảo cho mình nguồn nhiên liệu do phải đối mặt với nguy cơ không hề che giấu của Mỹ là sẽ cắt con đường thương mại vận tải nhiên liệu trên biển Đông và biển Hoa Đông trong khi thực hiện ý đồ “xoay trục trọng tâm chiến lược” của tổng thống Mỹ Obama.
Trong nỗ lực lôi kéo nước Nga vào liên minh đối phó Mỹ, theo những nguồn tin không chính thức Trung Quốc đã cố gắng đạt được hợp đồng mua đến 100 máy bay chiến đấu phản lực hiện đại Su–35 với những yêu cầu khắt khe về vấn đề bản quyền, thế hệ 4++ của dòng Su 27 Flanker nổi tiếng, từ những khẳng định rằng thế hệ máy bay này có những ưu điểm vượt trội hơn F-35J của Nhật Bản và F-22 của Mỹ.
Cuộc diễn tập khổng lồ và thâm ý của Nga
Những nỗ lực và cố gắng của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2013, đặc biệt tính từ thời điểm ông Tập Cận Bình lên vị trí lãnh đạo cao nhất Trung Quốc dường như đã có kết quả, đặc biệt sau cuộc tập trận chung “Hiệp lực trên biển -2013” gây căng thẳng cho cả Mỹ và Nhật Bản. Nhưng tình hình nhanh chóng thay đổi đến kinh hoàng khi chỉ sau chưa đầy 12 giờ đồng hồ tính từ thời điểm lực lượng Hải quân Trung Quốc quay trở về căn cứ quân sự của mình.
Cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân khu phía Đông và quân khu Trung tâm Liên bang Nga bất ngờ được tiến hành với quy mô không thể dự kiến. Cùng một lúc, quân đội Nga tiến hành một cuộc diễn tập lớn chưa từng có trong một tình huống hoàn toàn bất ngờ với một lực lượng rất lớn. Câu nói của tổng thống Nga V.Putin: ”Cuộc diễn tập kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu lớn chưa từng có tính từ thời kỳ Xô viết” gợi cho cộng đồng quốc tế nhớ đến cuộc tập trận thực binh của quân đội Liên bang Xô viết diễn ra vào tháng 3/1979 với tổng quân số 20 sư đoàn binh chủng hợp thành và không quân.
Vừa kết thúc cuộc tập trận chung với Trung Quốc,Nga lập tức tổ chức tập trận với quy mô chưa từng có
Vừa kết thúc cuộc tập trận chung với Trung Quốc chưa đầy 12 giờ, Nga lập tức tổ chức tập trận với quy mô chưa từng có kể từ thời Xô Viết với nhiều thâm ý.
Quân số tham gia diễn tập lần này lên đến 200 nghìn quân nhân, 2.600 xe tăng, 900 máy bay và 80 chiến hạm. Cuộc kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày 13/07 diễn ra trong tình huống vô cùng khẩn cấp, trong vòng 12 tiếng đã huy động 160 nghìn quân nhân, 5.000 xe tăng xe thiết giáp, 130 máy bay chiến đấu các loại bao gồm cả không quân chiến lược, 70 chiến hạm của hạm đội Thái Bình Dương. Chưa tính đến con số các phương tiện giao thông như máy bay không quân vận tải, phương tiện vận tải đường sắt và phương tiện vận tải đường thủy. Cùng với lời tuyên bố của Cục trưởng cục hợp tác quân sự quốc tế Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Sergey Koshelev: “Nga không có bất cứ ràng buộc nào về việc phải thông báo các cuộc diễn tập kiểm tra sẵn sàng chiến đấu đối với nước ngoài, ngoại trừ đối với Trung Quốc theo hiệp ước Tổ chức hợp tác kinh tế Thượng Hải, các hoạt động này sẽ được thông báo trước, trong một số trường hợp sẽ được báo trước đến 30 ngày".
Đồng thời mọi hoạt động tác chiến diễn tập đều nằm ngoài khu vực biên giới Nga – Trung 100 km, nên không cần thiết phải thông báo. Nhưng đối với Nga, những vấn đề có thể gây lo lắng cho các nước láng giềng có ý nghĩa rất quan trọng. Chính vì vậy, trước ngày tiến hành tổng kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu quân khu phía Đông, thứ trưởng Bộ Quốc phòng ông Anatoly Antonov đã có cuộc họp với các tùy viên quân sự nước ngoài và thông báo về quy mô, mục đích, yêu cầu cuộc tổng kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của quân đội Nga. Trên thực tế đấu tranh đối ngoại chính trị quân sự, cuộc kiểm tra sẵn sàng chiến đấu cũng là một lời cảnh báo sớm rất cứng rắn với mọi ý đồ có thể xâm hại đến chủ quyền, an ninh lãnh thổ và những lợi ích của Nga trên đất liền vùng Viễn Đông cũng như vùng biển Thái Bình Dương.
Đồng thời sau cuộc diễn tập khổng lồ này, quân đội Nga tiến hành với quân đội Mỹ một cuộc diễn tập chung mang tên “Atlas Vision” dự kiến diễn ra tại thị trấn Auerbach, Đức từ ngày 18 tới 22.7 với mục đích chủ yếu là chống khủng bố.
Từ những sự kiện đã nêu, có thể thấy rất rõ. Trong tháng 7.2013 nóng bỏng của vùng biển Nhật Bản, cùng với rất nhiều sự kiện liên tiếp xảy ra có thể nhớ lại một trích đoạn trong bài viết của V. Putin trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga "Khả năng nắm bắt được ngọn gió Trung Quốc trong cánh buồm kinh tế của Liên bang Nga”. (Trích bài viết “Nước Nga và một thế giới đang thay đổi đăng trên báo Tin tức Moscow ngày 27/02/2012) cho thấy Nga đứng đầu là tổng thống V.Putin đã thực hiện một chính sách ngoại giao chính trị quân sự với một tầm cao nằm ngoài suy nghĩ của tất cả các siêu cường trên Thái Bình Dương, đồng thời cùng một thời điểm giành được vị thế chủ động và hiệu quả kinh tế thật sự trong một thế giới đang liên tục thay đổi với những biến động không dự đoán trước được.
Trên bàn cờ kinh tế chính trị và quân sự châu Á - Thái Bình Dương, cùng với những kỳ thủ siêu cường, bằng cuộc diễn tập Nga – Trung và cuộc diễn tập kiểm tra năng lực tác chiến của hai quân khu. Nước Nga đã đẩy các siêu kỳ thủ chính trị khác như Washington, Tokyo, Bắc Kinh vào thể phòng thủ bị động, vừa phải đối phó với những thế cờ tiếp theo của nhau, vừa phải tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển kinh tế của Nga đồng thời hy vọng vào một tương lai không rõ ràng, nước Nga có hình thành một liên minh nào đó hay không?
Tàu tuần dương khổng lồ lớp Kirov trọng tải 28.000 tấn của Nga vừa tham gia tập trận.
Trước những tham vọng “Giấc mơ Trung Quốc” trên thực tế nước Nga đã đặt Bắc Kinh vào vị thế của ngọn gió đẩy cánh buồn kinh tế nước Nga và ngăn chặn mọi mục đích lôi kéo hoặc gây áp lực. Với những hiệu quả kinh tế khổng lồ đạt được trong các thỏa thuận trên cả lĩnh vực kinh tế lẫn quân sự, Trung Quốc dưới một góc độ nào đó đã phụ thuộc vào nền kinh tế năng lượng của nước Nga trong ít nhất 2 thập kỷ sắp tới.
Đồng thời, Trung Quốc cũng phải đặc biệt quan tâm đến nền công nghệ quốc phòng của Nga do còn yếu kém, đặc biệt là chế tạo động cơ máy bay và phòng không. Nga chính là nước cung cấp tàu ngầm lớp Kilo và tiêm kích Su-30MK cho một số nước Đông Nam Á. Dự kiến mua tiêm kích tàng hình F-35 của Nhật Bản với công cuộc đầu tư nâng cao sức mạnh quân sự của Philippines cũng đưa Trung Quốc vào thế khó khăn, buộc phải phụ thuộc.
Với sự tham gia các chiến hạm chủ lực của hạm đội Thái Bình Dương và 4 máy bay mang tên lửa chiến lược Tu – 95MS tuần tiễu trên vùng nước quốc tế của biển Nhật Bản. Washington và Tokyo cũng hiểu được lời cảnh báo từ phía Moscow và chắc chắn trong tương lai gần sẽ có những bước xích lại gần hơn với Nga, đặc biệt là Nhật Bản.
Trong sự đối đầu ngày càng tăng với Trung Quốc và duy trì sức mạnh của liên minh quân sự Mỹ, Nhật Bản sẽ có những bước tiến mới trong quá trình hợp tác với Nga về phát triển kinh tế vùng Viễn Đông, tham gia các dự án với Nga, những vấn đề liên quan đến 4 đảo thuộc quần đảo Kuril cũng cần có một thời điểm thuận lợi trong một không gian phát triển chung, đôi bên cùng có lợi ích kinh tế và quan hệ đối ngoại chính trị.
Nước Mỹ trong khát vọng phục hồi kinh tế và vị trí thống trị Thái Bình Dương, với những quan hệ liên minh quân sự với nhiều nước trên biển Đông và biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải. Trước những diễn biến và sự cứng rắn của Nga, cũng sẽ phải có những bước đi nhượng bộ với Moscow trong nhiều vấn đề liên quan đến tình hình an ninh chính trị trên thế giới, trong đó có khu vực Trung Đông và nhiều khu vực có ảnh hưởng của nước Nga, đặc biệt trên biển Bắc và Địa Trung hải.
Với mục đích kiềm chế Trung Quốc, Mỹ cần có sự ủng hộ hoặc im lặng của nước Nga trong một loạt các hoạt động nhằm thực hiện chính sách “trở về châu Á” của mình. Liên minh Á - Âu, những vấn đề của nước Nga mà các chính trị gia Mỹ hay chỉ trích, các ý kiến cứng rắn của Nga về vấn đề Trung Đông sẽ được bỏ qua nhằm vào việc giải quyết những sự kiện gai góc mà Mỹ đang phải đối phó. Mỹ buộc phải coi Nga như một đối tác ngang tầm trong các mối quan hệ đối ngoại quân sự - chính trị và một quan hệ kinh tế song phương ổn định.
Có thể nhận thấy, những chính sách đối ngoại của Nga dưới quyền của Tổng thống V.Putin, như những gì ông đã vạch ra trong bài viết “Nước Nga và một thế giới đang thay đổi” đã được thực hiện khá chính xác với những hiệu quả kinh tế - chính trị và đặc biệt là hiệu quả quân sự cả về mặt đối nội và đối ngoại. Tháng 7.2013 đánh dấu một thắng lợi rất lớn trong chính sách đối ngoại chính trị của Nga, khẳng định một cách chắc chắn sự trở lại và phát triển mạnh mẽ của “chú gấu Nga” trong khu vực Thái Bình Dương luôn nổi sóng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét