Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Dương Khiết Trì tái mặt ở Hà Nội

Dương Khiết Trì tái mặt ở HN và chuyện Mỹ thay đổi thái độ với TQ

My Lan - theo Trí Thức Trẻ | 07/07/2014 08:41

(Soha.vn) - Chỉ trong vài câu ngắn gọn, bà Clinton đã thay đổi nhận thức của Trung Quốc về cái mà họ vẫn tưởng là sự “yếu kém và thụt lùi” của Washington.

Dương Khiết Trì đã bật dậy, bỏ ra khỏi phòng họp
Trong cuốn hồi ký “Sự lựa chọn khó khăn” mới xuất bản của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, có một đoạn rất ấn tượng, mô tả về cuộc đối đầu giữa bà với Dương Khiết Trì (lúc đó là Ngoại trưởng Trung Quốc) trong hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội tháng 7/2010. Sự cứng rắn của bà Clinton đã khiến ông Dương "tái mặt" vì giận.
"Nhìn chằm chằm vào tôi, ông ấy gạt đi những xung đột ở Biển Đông và cảnh cáo sự can thiệp của bên ngoài", bà Clinton viết.
Trên thực tế, những gì đã diễn ra khi đó còn hơn cả một cơn giận hay sự bẽ bàng của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc. Theo phân tích trên báo Mỹ Forbes, cuộc đối đầu Hillary Clinton - Dương Khiết Trì ở Hà Nội đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng của Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc và vấn đề Biển Đông.
Bà Hillary Clinton ký tặng hồi ký Sự lựa chọn khó khăn
Bà Hillary Clinton ký tặng hồi ký "Sự lựa chọn khó khăn"
Năm ấy, ở Hà Nội, Hillary Clinton đã tuyên bố rằng giải pháp hoà bình cho tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông cũng chính là vì "lợi ích quốc gia" của Mỹ. Bà nói: "Mỹ ủng hộ tiến trình hợp tác ngoại giao của tất cả các quốc gia có liên quan nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ mà không cần cưỡng ép. Chúng tôi phản đối các bên liên quan đe doạ hoặc sử dụng vũ lực".
Quan điểm cứng rắn của bà Clinton đã góp phần khích lệ các quốc gia ASEAN, còn Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì thì giận tới mức mất bình tĩnh. Theo một vài nguồn tin từ truyền thông, ông Dương đột ngột bật dậy và rời cuộc họp. Một giờ sau đó, ông ta quay lại và phát biểu liền trong 30 phút.
Dương Khiết Trì lớn tiếng tuyên bố rằng: “Trung Quốc là nước lớn và các quốc gia khác là nước nhỏ - đó là thực tế". Ông này cũng chỉ trích những bình luận của bà Clinton là "một sự công kích Trung Quốc".
Theo Forbes, Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở hầu hết Biển Đông, tuyên bố có chủ quyền đối với thềm lục địa của Philippines, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Những tuyên bố này đều không có căn cứ, thậm chí là lố bịch. Đó có lẽ là lý do vì sao Trung Quốc phải sử dụng tới vũ lực để chiếm đảo của những quốc gia khác.
Trung Quốc đã bị Hillary Clinton “quật ngã” bằng vài câu nói
Sự bùng nổ của ông Dương là bất thường tại một hội nghị ASEAN và bất thường với cả chính ông ta - một người được đánh giá là khá ôn hoà. Tuy nhiên, nó không bất thường với chính phủ Trung Quốc.
Năm 2002, Bắc Kinh đã chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn khi ký vào một bộ quy tắc đa quốc gia. Đây là ngón đòn hiểm của Trung Quốc trong việc giành quyền kiểm soát, thông qua việc ngăn chặn các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với mình liên kết với nhau. Bắc Kinh đã khôn khéo duy trì một chính sách chỉ tham gia đàm phán song phương và vì vậy, có thể tận dụng tối đa sức ảnh hưởng của nó.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã buộc phải thay đổi chiến thuật sau khi vấp phải sự phản đối của các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Tháng 3/2010, giới chức Trung Quốc lần đầu lớn tiếng nói rằng Biển Đông là một trong những “lợi ích cốt lõi” của nước này và rằng họ sẽ không cho phép bất cứ một sự can thiệp nào của Mỹ ở đó.
Theo Forbes, không có gì lạ khi Trung Quốc cảm thấy bị "đánh úp" ở Hà Nội, bởi trước đó, Washington dường như không chú ý hay can thiệp vào những động thái hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.
Mỹ đã phản ứng rất chiếu lệ khi Trung Quốc ngang ngược ép công ty dầu khí Mỹ ExxonMobil rút khỏi thỏa thuận hợp tác thăm dò với Việt Nam với luận điệu dối trá rằng dự án này xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Mỹ hầu như cũng đã không làm gì để ngăn hải quân Trung Quốc quấy nhiễu tàu chiến Nhật Bản, hay ngăn tàu ngầm Trung Quốc xâm phạm vùng biển Nhật Bản.
Mỹ đã hầu như không làm gì để ngăn tàu ngầm Trung Quốc xâm phạm vùng biển Nhật Bản (Ảnh minh họa)
Mỹ đã hầu như không làm gì để ngăn tàu ngầm Trung Quốc xâm phạm vùng biển Nhật Bản (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, trước đó, Washington vẫn muốn Bắc Kinh đảm nhiệm một vai trò mang tính xây dựng khi là một cường quốc.
Thế nhưng, Bắc Kinh lại diễn giải sự hy vọng và kiên nhẫn đó của Mỹ như một bằng chứng cho thấy Washington yếu kém và thụt lùi. Và nước Mỹ đã phải đặt mình vào thế đối đầu với Trung Quốc. Chỉ trong vài câu nói ngắn gọn, bà Clinton đã thay đổi nhận thức đó, cả ở trong và ngoài Trung Quốc.
Bà Clinton đã chuyển hướng không chỉ chính sách của Mỹ về Trung Quốc, mà còn chính sách của các quốc gia khác về Trung Quốc. Sự lấn lướt, vốn không gặp bất cứ trở ngại nào của Trung Quốc nhằm giành vị thế thống trị toàn cầu, đã vấp phải sự kháng cự.
Quãng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội năm ấy, được đánh giá là một trong những thời khắc ấn tượng nhất trong cuộc đời làm ngoại giao của bà Clinton, đã thay đổi về cơ bản cục diện khu vực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét