Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Chuyên án 027Z và những sự hy sinh thầm lặng
Hoàng Quân

(ANTĐ) - 12 năm qua, có một tập hồ sơ dày được cất trang trọng trong chiếc tủ gỗ lưu tài liệu của Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Hai Bà Trưng. Từng ấy thời gian, “027Z”, bí số của tập tài liệu - chuyên án - ấy có thể nhiều người không biết, không nhớ; song chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng CAQ Hai Bà Trưng lập và phá chuyên án thì không ai có thể quên.
Chuyên án 027Z và những sự hy sinh thầm lặng
(ANTĐ) - 12 năm qua, có một tập hồ sơ dày được cất trang trọng trong chiếc tủ gỗ lưu tài liệu của Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Hai Bà Trưng. Từng ấy thời gian, “027Z”, bí số của tập tài liệu - chuyên án - ấy có thể nhiều người không biết, không nhớ; song chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các lực lượng CAQ Hai Bà Trưng lập và phá chuyên án thì không ai có thể quên.
Món hàng “chết người”
Đối tượng Hùng và cục xạ hiếm bị thu giữ

Những ngày trung tuần tháng 6-1995, trinh sát hình sự Trạm Cảnh sát bến xe phía Nam thu thập được nguồn tin hết sức quan trọng, có một đối tượng về khu vực bến xe chào bán… 1 cục xạ hiếm trọng lượng 4,6kg. Trinh sát được chỉ đạo nhanh chóng tiếp cận với nguồn “hàng”.
 Kẻ rao bán chất xạ hiếm là Lê Danh Đ (SN 1940), quê Yên Phong, Bắc Ninh. Khách hàng có nhu cầu được Đ cho xem tấm ảnh cục xạ hiếm có hình thang cân, một chiều 9,5cm, một chiều 11cm, hai cạnh bên là 7,2cm.
Ông Vũ Đăng Ninh- Chánh văn phòng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam
“Chất xạ hiếm thường gây  ung thư và những bệnh về máu”
Hiện tượng đồng loạt các chiến sỹ Công an bị suy giảm hồng cầu, ung thư, u... là điều không bình thường.
Có 3 yếu tố đồng bộ để đánh giá sự ảnh hưởng của chất xạ hiếm, là hoạt độ phóng xạ của nguồn phóng xạ mạnh hay yếu? khoảng cách từ nguồn đến người bị chiếu xa hay gần? và thời gian bị chiếu dài hay ngắn? Cần xác định chính xác 3 yếu tố này để có cơ chế điều trị tích cực.
Theo tôi được biết, có những nguồn phóng xạ mạnh có thể gây tử vong ngay lập tức, nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh, đến khi sức khoẻ giảm sẽ phát tác. Biểu hiện thường thấy do ảnh hưởng của chất xạ hiếm là gây ung thư và những bệnh về máu.
Tuy nhiên, Đ không phải là chủ nhân của món “hàng” này. Người đang giữ cục xạ hiếm là một đối tượng không nghề, nhà ở thành phố Thái Nguyên. Ngày 29-6-1995, Trưởng trạm CS bến xe phía Nam, đồng chí Đặng Xuân Bích, hiện là Phó trưởng Trung đoàn CSCĐ CATP Hà Nội đã làm báo cáo gửi BCH CAQ Hai Bà Trưng. Ngay sau đó, BCH CAQ đã cử đội Cảnh sát kinh tế vào cuộc cùng Trạm CS bến xe phía Nam. Chuyên án 027Z được xác lập.
2 trinh sát Lương Hoàng Dũng (hiện đang công tác ở Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CAQ Hai Bà Trưng) và Trần Trùng Dương (nay là Đội phó Đội Tham mưu Phòng CSTT - CATP Hà Nội) được tung vào cuộc. Trong vai dân buôn kim loại ở Đồng Mỏ, Lạng Sơn, trinh sát đã lên Thái Nguyên gặp được chủ “hàng”. Y là Nguyễn Anh Hùng  (SN 1936), nhà ở phường Phan Đình Phùng.
Sau khi thăm dò, Hùng đồng ý bán “hàng” với giá 25.000USD, nhưng sẽ về Hà Nội giao dịch. Khoảng 10h ngày 3-7-1995, tên Hùng cùng các đối tượng Nguyễn Hữu Tình, Hoàng Sỹ Ngọc dùng xe máy Simson vận chuyển một hộp kim loại về Hà Nội. Đến ngã tư Tô Hiến Thành - Mai Hắc Đế, chúng bị các trinh sát Lê Văn Hưng, Trần Quang Tuấn, Phạm Văn Hùng, Lương Hoàng Dũng bất ngờ khống chế, đưa về trụ sở CAQ Hai Bà Trưng. Bên trong hộp kim loại đựng một khối chì hình thang to gần bằng bàn tay, sau đó được cơ quan chức năng xác định là chất xạ hiếm với cường độ phóng xạ mạnh.
Và những điều không ghi trong chuyên án
Chuyên án 027Z kết thúc nhanh gọn, từ lúc nhận tin báo đến khi bắt được đối tượng, thu tang vật chỉ trong vòng 1 tuần. Song có một chi tiết không thể hiện trong hồ sơ chuyên án, đó là quá trình trinh sát, bắt giữ đối tượng và thu giữ cục xạ hiếm, không CBCS nào biết khối kim loại ấy đã bị rò rỉ.
Thời điểm giấu “hàng” ở nhà, trong một lần sơ sẩy, tên Hùng đã chém phạt mất một góc của lớp vỏ chì bên ngoài. “Sau này trong quá trình khám xét nơi ở của tên Hùng, chúng tôi được cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử thông báo, toàn bộ đồ đạc bằng kim loại trong nhà đối tượng đều nhiễm  xạ”, Thượng tá Lê Quý Dương, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ CATP, nguyên Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng thời điểm chuyên án 027Z được phá, kể lại. Trước đó, khối kim loại rò rỉ đã gần 40 tiếng đồng hồ “nằm” tại trụ sở đội Cảnh sát kinh tế CAQ Hai Bà Trưng.
 Khi chuyên gia của Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia được mời đến, máy đo phóng xạ vừa khởi động đã phát ngay tín hiệu cảnh báo... phòng làm việc của Đội Cảnh sát kinh tế nhiễm xạ. “Ban đầu chúng tôi không băn khoăn nhiều bởi nghĩ rằng chất xạ hiếm thường được bảo vệ bằng lớp vỏ kim loại, đảm bảo độ an toàn lớn.
 Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp xúc bình thường với khối kim loại dù không có phương tiện bảo hộ. Ngoài ra, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng khác mà chúng tôi ý thức được là, phải quyết tâm hoàn thành sớm chuyên án, đưa cục xạ hiếm về nơi an toàn để đảm bảo an toàn cho người dân.  Nhiệm vụ ấy khiến chúng tôi không còn thời gian để nghĩ ngợi”, đồng chí Lương Hoàng Dũng, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hai Bà Trưng tâm sự.
Nhiệm vụ hoàn thành, khối kim loại bọc chất xạ hiếm được chuyển đi. Mấy tháng sau, CATP Hà Nội tổ chức cho 40 CBCS CAQ Hai Bà Trưng đi kiểm tra, đánh giá sức khỏe. Kết quả kiểm tra lần đầu tiên ấy diễn ra bình thường và duy trì được 4,5 năm sau. Đều đặn sau đó từ năm 1996, những CBCS ấy được Bộ Công an tổ chức cho đi điều dưỡng - chữa bệnh mỗi năm một tháng.
 Song 12 năm qua, chất xạ hiếm ấy chưa chịu nằm yên. Nó âm ỉ gặm nhấm từng tế bào những CBCS Công an đã tiếp xúc với nó ngày nào. Từ năm 2006, kết quả kiểm tra sức khỏe 39 đồng chí tham gia chuyên án 027Z và những CBCS tiếp xúc với cục xạ hiếm (1 đồng chí đã mất) đã cho thấy dấu hiệu bất thường như suy giảm hồng cầu, mắc bệnh về tim mạch, đường hô hấp.
Thượng tá Lê Quý Dương kể, “Năm 2006 đi kiểm tra sức khỏe, tôi được bác sỹ thông báo tỷ lệ hồng cầu chỉ còn 1/2 so với mức bình thường. Ban đầu chẩn đoán tôi bị giun móc trong gan hoặc chảy máu dạ dày. Sau gần 2 tháng xét nghiệm nhiều nơi, đến khi vào Viện Huyết học truyền máu Trung ương tôi mới được xác định là bị suy tủy và ung thư máu. Hiện, tôi đang phải điều trị bằng chiếu xạ”. Ngoài Thượng tá Lê Quý Dương, các đồng chí Lê Quý Hùng cũng bị u não; đồng chí Doãn Văn Hoàn bị u phổi; trinh sát Lương Hoàng Dũng, người tiếp cận tên Hùng suốt quá trình bắt giữ, thu tang vật bị giảm mạnh tỷ lệ hồng cầu...
Trong câu chuyện với chúng tôi hôm nay, chuyên án 027Z được các chiến sỹ CAQ Hai Bà Trưng đề cập đến như mọi chuyên án đấu tranh với tội phạm mà các anh đã khám phá.
Không ai nhắc đến sự hy sinh thầm lặng, ý chí quyết tâm, dũng cảm ngăn chặn kẻ xấu phát tán loại chất “chết người” ra cộng đồng; đặc biệt là những tác động nguy hại của phóng xạ đến sức khỏe, tính mạng con người, để lại hậu quả lâu dài đối với những đồng chí tham gia vụ án và trực tiếp tiếp xúc với tang vật. 12 năm, “hậu” chuyên án 027Z, rất cần các cơ quan chức năng nghiên cứu, tạo điều kiện, chế độ quan tâm hơn nữa với 39 CBCS đang công tác, cũng như sớm bổ sung quy định về tiêu chuẩn Thương binh - bệnh binh - liệt sỹ đối với lực lượng công an trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống các loại tội phạm mới, đặc biệt là tội phạm buôn bán chất phóng xạ.
Hoàng Quân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét