Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

Ai là bậc chuyên gia tìm kiếm Thiên Lý Mã?

(Kiến Thức) - Thiên Lý mã vốn là tên gọi của loại ngựa tốt và quý nhất trong các giống ngựa, nhưng rất ít người biết được nó.

Năm (770 – 500 TCN), thời Xuân thu chiến quốc, ở Trung Hoa có một người họ Tôn tên Dương là bậc thầy am hiểu về ngựa, qua vóc dáng, ngoại hình có thể tìm kiếm và biết được đâu là Thiên Lý mã - loài ngựa có sức khỏe dẻo dai, chạy xa vạn dặm, nhưng nhẹ như lông hồng, chân không in dấu, nên người đời nể phục gọi là Bá Nhạc.
Thiên Lý mã vốn là tên gọi của loại ngựa tốt và quý nhất trong các giống ngựa, nhưng rất ít người biết được nó. Song nhờ có Bá Nhạc mà Thiên Lý mã được phát hiện và trở nên nổi tiếng, quý hiếm trong dân chúng. Bá Nhạc sống vào đời nhà Chu thời Xuân thu, cùng thời với Hàn Xương Lê (thường gọi là Hàn – Dũ ). Hàn – Dũ là một trong những “Đường Tống bát đại gia”, đại thi hào đời Đường này đã đưa hình ảnh Bá Nhạc và Thiên Lý mã vào văn học qua những tác phẩm kinh điển của mình, từ đó hình ảnh Bá Nhạc trở nên nổi tiếng khắp Trung Hoa và được lưu danh muôn đời.
 Tranh minh họa. 
Bá Nhạc vốn là người say mê ngựa, vườn nhà rộng rãi nên ông cho xây dựng rất nhiều chuồng ngựa rồi đi tìm kiếm những chú ngựa ông cho là tốt về nuôi, có khi trong nhà đến vài chục con. Để chăm sóc chúng được tốt ông tìm hiểu đọc sách và đúc rút kinh nghiệm nên trở thành người am hiểu và đoán biết tướng ngựa rất giỏi. Chỉ thông qua ngoại hình, vóc dáng, đầu, đuôi…ông có thể biết được đặc tính của ngựa để chăm sóc cho phù hợp. Trong đó Thiên Lý mã là một loài ngựa quý, hiếm nhưng không phải ai cũng phân biệt được giữa hàng trăm nghìn con ngựa. Thời đó, duy chỉ có Bá Nhạc là tinh tường, am hiểu hơn cả nên chỉ cần thoạt nhìn ông sẽ nhận ra ngay.
Thiên Lý mã, cứ mỗi lần cho ăn phải cấp cho nó một thạch (3) thóc mới vừa đủ no. Song chủ ngựa vốn không biết mỗi lần nó cần ăn bao nhiêu, vẫn cứ theo tiêu chuẩn ngựa thường. Bởi thế, Thiên Lý mã dù có sức chạy xa nghìn dặm, mà chỉ vì ăn chẳng đủ no, sức không được sung, so với ngựa thường cũng chưa hơn được thì làm sao ngày ngày cứ bắt nó phải chạy suốt hàng ngàn dặm. Vì thế, chủ ngựa thường để hoài phí giống ngựa quý trong tay mà không hay biết, khi cho ăn không đủ no, làm không đúng cách nên Thiên Lý mã trở nên mờ nhạt trong đàn ngựa.
Theo sách “ Hàn Thi Ngoại Truyện “ tại chương 7 ghi lại chuyện như sau. Dịp đó, Chu Vương muốn tìm một con Thiên Lý mã để cưỡi, nghe tiếng Bá Nhạc trong dân gian đã lâu, cho người gọi đến nhờ tìm. Bá Nhạc đã không quản ngại đường xa, khó khăn lặn lội khắp nơi để tìm được con ngựa ưng ý cho Đế Vương. Ông mất nhiều thời gian và công sức nhưng vẫn không kiếm được con ngựa nào ưng ý dâng vua. Một hôm, Bá Nhạc đi gặp một con ngựa ký già bị người ta bắt kéo một xe muối lên núi Thái Hàng. Móng nó duỗi ra, đuôi cụp lại, thở phì phò đầu gối khuỵu lại, mồ hôi rỏ xuống đầm đìa. Giữa dốc nó thụt lùi, ráng đội càng xe lên nhưng không lên được nữa. Bá Nhạc trông thấy, xuống xe, ôm đầu nó mà khóc, cởi áo mà lau mồ hôi cho nó. Con ngựa như gặp được chủ nhân hiểu nó, nên cúi đầu xuống mà phì hơi, vươn cổ lên mà hí, tiếng hí động tới trời như tiếng kim tiếng thạch. Bá Nhạc thầm khẳng định rằng đây chính bảo mã ông cần tìm.
Sau đó, vội vàng bỏ tiền mua ngựa và đem về thành dâng Chu Vương. Khi nhìn thấy con ngựa Nhạc nguyên đem về, vua tỏ vẻ nghi ngờ vì bộ dạng gày gò, nhưng ông khẳng định nếu cho ăn đúng với tiêu chuẩn và chăm sóc cẩn thận nó chính là Bảo mã thiên lý đi xa nghìn dặm mà vua cần tìm. Chu Vương lập tức giao nó cho người trông coi ngựa trong triều, dặn kỹ lưỡng phải chăm sóc đúng như lời Bá Nhạc nói. Quả đúng như “Thần tài soi Mã” nhận định, con ngựa sau đó hồi sức rất nhanh và có thể cưỡi ngày ngàn dặm, phi nước đại mà chân không lưu dấu. Sau đó chính Bảo mã này theo Chu Vương ra trận lập nhiều chiến công vang dội nên Bá Nhạc được vua rất trọng vọng, dân gian rất ngưỡng mộ ông.
Bá Nhạc có một quyển sách gọi là Mã kinh (Những chuyện kinh điển về ngựa) vẫn còn lưu truyền trong đời. Có chuyện vui về quyển sách này đến giờ vẫn còn được người ta kể cho nhau nghe mỗi khi nhắc đến ông. Con trai Bá Nhạc khi đó còn nhỏ tuổi, nhưng cũng rất yêu loài ngựa và thích đọc sách của cha, nên cũng thuộc ít nhiều những điều cha đã đúc kết. Cậu bé tâm đắc nhất nhận xét “Một con ngựa tốt thật sự phải có trán nhô cao, mắt rất lớn, móng chân to và ngay ngắn”. Một hôm, cậu bé đi chơi bắt gặp một con cóc đang nhảy nên đuổi theo bắt mang về khoe ngay với cha là bắt được con ngựa hay và nói rằng chỉ có điều chân nó không được to mà thôi. Bá Nhạc không biết phải giải thích với con thế nào, đành nói rằng: “Con ngựa này cũng tốt đấy, nhưng nó hay nhảy quá, không ai cưỡi được nó đâu”.
Với tài đoán xét ngựa và uy tín của mình, nên mỗi khi ông dừng ở đâu xem ngựa thì ở đó dân tình kéo đến rất đông để xem và nghe ông nhận xét. Vì thế nên có người bán ngựa đã biết nhờ “thương hiệu” của ông để kinh doanh. Có chuyện anh chàng dắt ngựa ra chợ bán nhưng đã đứng 3 ngày mà không ai đến hỏi mua, bèn đến nhờ Bá Nhạc "Mời ngài đi một vòng đến chỗ ngựa tôi đứng. Lúc đến thì nhìn tôi, rồi đi qua, sau đó lại quay đầu ngó ngó tôi. Chắc chắn tôi sẽ tạ ơn ngài rất hậu". Rồi Bá Nhạc nhận lời đến. Ông đi đến bên con ngựa, lim dim con mắt nhìn một hồi, lúc đi qua, lại quay mình lại đưa tay vẽ từ trên xuống trên mình ngựa một hồi, rồi mới bỏ đi. Bá Nhạc vừa đi khỏi thì có rất nhiều khách chen nhau đến, vây quanh bên chủ nhân của con ngựa, coi ngựa hỏi giá. Lập tức, giá của con ngựa tăng cao gấp mười, bán vèo một cái xong ngay.
Ảnh minh họa.  
Khi Nhạc Nguyên đã già, vua Tần Mục Công lên ngôi cũng biết đến danh tiếng của ông bèn đến hỏi ông tiến cử người giỏi về ngựa như ông để giúp vua tìm ngựa chinh phạt chiến trường. Bá Nhạc nói: "Ngựa thường thì có thể quan sát hình dáng, gân cốt, nhưng ngựa Thiên Lý thì không có tiêu chuẩn nào, khó mà nắm vững được. Nó chạy nhanh như tên bay, không tung bụi, không thấy vết chân. Con cháu tôi đều là những người kém tài, có thể dạy chúng chọn ngựa tốt bình thường, chứ không thể dạy chúng chọn được ngựa Thiên Lý. Tôi có người bạn thân là tên Phương Cao, họ Cửu. Người này có tài xem tướng ngựa chẳng kém gì tôi, xin Tần đế cho mời ông ấy”. Vua Tần làm theo, cho gọi người họ Cửu và sai ông ta đi tìm Thiên Lý mã. Vài tháng lăn lộn khắp đất nước, Cửu Phương Cao trở về tâu rằng đã tìm thấy ở Sa Khâu. Tần vương hỏi con ngựa đó hình dáng ra sao, người họ Cửu chỉ đáp ngắn gọn rằng: “ Con ngựa cái lông vàng”.
Lập tức Mục Công cho người đến Sa Khâu mang ngựa về, nhưng đó lại là con ngựa đực, lông đen. Đế Mục lấy làm không hài lòng và tỏ ý thất vọng về người họ Cửu cũng như lời tiến cử của Bá Nhạc, cho gọi Nhạc đến và than rằng : "Dở quá, ông tiến cử người chọn ngựa mà màu sắc, đực cái cũng không phân biệt được, thì làm sao mà chọn được ngựa Thiên Lý?”. Bá Nhạc Nguyên nghe xong thì thở dài nói rằng : "Tài hiểu biết về ngựa của ông ấy cao siêu lắm. Giỏi hơn tôi gấp nghìn vạn lần! Cái mà ông ta quan sát là thực chất tinh thần: nắm cái bản chất, bỏ qua biểu hiện thô thiển nông cạn; quan sát nội dung mà bỏ qua hình thức, ông ta chỉ nhìn cái cần nhìn, không nhìn cái không cần nhìn, ông ta chỉ quan sát cái nên quan sát, mà bỏ đi cái không nên quan sát. Cách quan sát sự vật của Cửu Phương Cao có ý nghĩa to lớn hơn cách xem tướng ngựa bình thường”. Tần Mục Công thấy thế liền đem ngựa về, sai người chăm sóc, cho ăn đúng chế độ của ngựa Thiên Lý. Quả nhiên, chỉ sau một thời gian con ngựa này bộc lộ rõ đặc tính của một con Thiên Lý mã quý hiếm trong thiên hạ, chẳng khác nào bảo mã Bá Nhạc tìm được cho Chu Vương năm xưa. Từ đó, người ta cũng biết đến tài năng của Cửu Phương Cao. Nhiều nguồn dã sử phỏng đoán rằng, Phương Cao có biệt tài đoán ngựa còn giỏi hơn Bá Nhạc song Cửu không nổi tiếng như người bạn của mình, bởi có lẽ phần nào do tên tuổi Bá Nhạc cùng với Thiên Lý mã xuất hiện nhiều trong trang viết của Hàn Dũ nên được người đời nhắc nhớ hơn.
Ngày nay, người ta thường ví Bá Nhạc tìm Thiên Lý mã là mượn truyền thuyết về nhân vật này để nói về những người giỏi trong thiên hạ không ít, song tìm được những “Bá Nhạc” biết chiêu hiền đãi sĩ thì cũng cần những người tài.
Hải Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét