Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Cần hiểu đúng về chức năng R&D

Nguyễn Hữu Long 

Phóng to 

Thu nhỏ 

Add to Favorites 

In bài 

Gửi cho bạn bè
Minh họa: Khều.
(TBKTSG) - R&D (Research and Development), thường được dịch là “nghiên cứu và phát triển”, là cụm từ rất thường được dùng trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Nếu như cách đây vài năm, hoạt động nghiên cứu và phát triển vẫn còn rất xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ đã bắt đầu chú trọng đến hoạt động này. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều có một bộ phận (hoặc phòng) R&D. Bộ phận này có nhiệm vụ chính là nghiên cứu để phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và thực hiện chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Cũng chính vì sự “áp đặt” nhiệm vụ khá hạn hẹp này mà nhiều phòng R&D của doanh nghiệp Việt Nam chưa làm hết chức năng cần có của một đơn vị nghiên cứu và phát triển theo đúng nghĩa, dẫn đến khả năng phát triển của doanh nghiệp bị hạn chế, bó hẹp trong khuôn khổ sản phẩm thuần túy, cứng nhắc, gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực doanh nghiệp.
Trên thế giới, chức năng nghiên cứu và phát triển không chỉ giới hạn ở việc cho ra đời sản phẩm mới. Một bộ phận R&D chuyên nghiệp trong một tập đoàn đa quốc gia thường “bao sân” đồng thời nhiều chức năng dưới đây.
Nghiên cứu - phát triển sản phẩm (Product R&D)
Đây là chức năng nghiên cứu và phát triển thuần túy về mặt sản phẩm nhằm cho ra đời những sản phẩm có thiết kế, chất liệu, đặc tính, công dụng mới. Chẳng hạn, sản phẩm nước mắm làm từ cá hồi, bột nêm làm từ rong biển, trà thảo mộc đóng chai, cửa nhựa uPVC… Hoạt động nghiên cứu và phát triển này thường chú trọng nhiều đến công thức sản phẩm, thành phần cấu tạo, màu sắc, hương vị, chất liệu, kiểu dáng sản phẩm… Ngoài ra, nghiên cứu và phát triển sản phẩm còn bao gồm cả việc nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có.
Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ, chức năng này tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các dịch vụ mới với nội dung mới, đem lại lợi ích mới. Chẳng hạn như các tour du lịch đến những địa điểm mới, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp sử dụng chất liệu chiết xuất từ thiên nhiên, dịch vụ tắm bùn trong khu resort…
Nghiên cứu - phát triển bao bì (Packaging R&D)
Ngoài việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đối với một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các loại hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), bộ phận R&D còn có chức năng nghiên cứu, phát triển các loại chất liệu bao bì mới (khác với thiết kế kiểu dáng, màu sắc, trang trí, in ấn bao bì - thường do bộ phận marketing đảm nhiệm).
Chẳng hạn một công ty trong ngành nước giải khát tung ra các sản phẩm trà xanh đóng chai, được chiết rót ở nhiệt độ cao, buộc phải có một loại chai nhựa làm bằng chất liệu chịu nhiệt mà không bị biến dạng, không độc hại. Bộ phận R&D của công ty phải nghiên cứu để chọn một loại chất liệu phù hợp với chi phí hợp lý nhất cho sản phẩm mới này. Còn phần kiểu dáng sản phẩm, nhãn mác, việc trang trí gian hàng trưng bày đẹp, bắt mắt là do bộ phận tiếp thị đảm nhiệm. Đôi khi, việc nghiên cứu, phát triển bao bì còn nghiên cứu luôn cả các kiểu dáng đặc biệt của bao bì (ví dụ hộp sữa bằng giấy có hình bánh ú, hình chóp…), cũng như cách thức đóng gói bao bì tối ưu.
Việc nghiên cứu và phát triển bao bì đóng góp rất lớn vào thành công trong việc tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khi, chỉ cần thay đổi chất liệu bao bì, trong khi vẫn giữ nguyên thành phần, chất lượng, số lượng sản phẩm bên trong, mức tiêu thụ sản phẩm đã có thể tăng lên nhiều lần. Bao bì cho các sản phẩm mì ăn liền là một ví dụ. Khi chuyển từ bao bì giấy sang bao bì nhựa, các sản phẩm mì gói của doanh nghiệp Việt Nam, vốn được định vị là bình dân, đã có thể cạnh tranh ngang ngửa với các sản phẩm của nước ngoài, mặc dù chất lượng bên trong chưa thay đổi nhiều.
Nghiên cứu - phát triển công nghệ (Technology R&D)
Việc nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ sản xuất, chế biến tối ưu để cho ra đời sản phẩm (cả cũ lẫn mới) với chất lượng và giá thành tối ưu cũng là một trong những chức năng quan trọng của bộ phận nghiên cứu và phát triển. Ví dụ, công nghệ lên men tự nhiên khác với công nghệ thủy phân bằng a-xít trong sản xuất nước tương, công nghệ sản xuất bia tươi khác với bia “luộc”, công nghệ pha chế hương liệu trong ngành thức uống…
Nghiên cứu - phát triển công nghệ bao gồm cả hoạt động “tình báo công nghệ”, nghiên cứu bí quyết công nghệ của đối thủ để bắt chước hoặc phát triển công nghệ mới cho mình.
Nghiên cứu - phát triển quá trình (Process R&D)
Bản chất của chức năng này là nghiên cứu, tìm kiếm các quá trình sản xuất, chế biến, lắp ráp, vận hành, phối hợp… tối ưu, được thể hiện bằng các quy trình cụ thể mang tính ứng dụng cao, đem lại hiệu suất và hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. Điển hình cho hoạt động này là việc nghiên cứu để cải tiến, phát triển các quy trình sản xuất (đối với sản phẩm), quy trình phục vụ (đối với dịch vụ), quy trình vận hành (đối với máy móc)… Hoạt động này có thể được xem là hoạt động nghiên cứu - phát triển “phần mềm” của sản phẩm, khác với “phần cứng” là chất liệu, công thức, bao bì sản phẩm, công nghệ sản xuất, chế biến…
Công tác nghiên cứu, phát triển “phần mềm” này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua, trong khi hiệu quả mang lại có khi còn cao hơn cả “phần cứng”. Đặc biệt, đối với các loại hình dịch vụ, việc nghiên cứu, phát triển các quy trình phục vụ mang ý nghĩa hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định trong sự thành công hay thất bại của loại hình dịch vụ đó.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, bộ phận R&D không thể không chú trọng đến một quy trình thật khoa học, thật hợp lý cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thường được đặt cho một tên gọi rất rõ ràng là “quy trình nghiên cứu - phát triển”. Quy trình này quy định trình tự các bước thực hiện trong hoạt động nghiên cứu - phát triển, mô tả sự phối hợp giữa bộ phận R&D với các bộ phận khác trong doanh nghiệp như marketing, sản xuất, kiểm soát chất lượng, tài chính…; từ việc tiếp nhận yêu cầu, nghiên cứu, phân tích, sản xuất thử, đến sản xuất hàng loạt...
Như vậy, hoạt động nghiên cứu và phát triển cần được hiểu rộng ra, không giới hạn trong khuôn khổ thuần túy và cứng nhắc của sản phẩm hoặc dịch vụ. Với cách hiểu này, chức năng của một phòng R&D sẽ được mở rộng, tạo điều kiện cho việc mở rộng phạm vi nghiên cứu, phát triển để nhờ đó doanh nghiệp tận dụng được nguồn lực và tiết kiệm chi phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét