Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Sấm Ký Việt Nam


Người xưa rất trân trọng việc bói toán bốc phệ: đặt ra cả chức quan Thái Bốc chuyên về lý số chiêm tinh giải điềm ... Thời thượng cổ bên Tầu, nhà vua có việc gì nghi ngờ lớn thì trước tự suy xét, sau hỏi khanh sĩ, thứ nhân, không giải được thì "mưu cập bốc phệ" tức hỏi tới quỷ thần để biết cát hung. Cả hai loại quan cố vấn cho triều đình là Chúc quan, coi việc chiêm tinh lý số, và Sử quan, coi việc ghi chép ôn cố tri tân. Sử lo việc người với người, Chúc lo việc người với Trời. Truyền thống này còn tồn tại ở vài nước quân chủ như Bhuttan, Tây Tạng ... gần đây.
Bốc phệ đặt trên Dịch lý âm dương ngũ hành: lý này áp dụng cho vạn vật, người là tiểu vũ trụ tương quan đồng nhất thể với đại vũ trụ trăng sao gió khí ... tương quan này lại dựa trên chiêm nghiệm của Sử : có sao chổi thì có binh biến, có động đất thì ắt có nguyên thủ từ trần ... điềm trời, thế đất, mạch sông ... chính là chiều kích mở rộng của con người sinh tử trong vũ trụ. Quan điểm này nhìn vạn vật toàn diện và hợp với vũ trụ quan khoa học hiện đại.
Muốn bốc phệ thì phải có phương pháp. Phương pháp ấy là lý số: "Cực số tri lai, chi vị chiêm" (dùng số tính đến cùng là bói ). Mỗi nền văn minh đều có khoa lý số riêng, Do Thái có khoa Kabbalah, Ấn Độ có khoa Chiêm tinh Vệ Đà (Jyotish), Trung đông có khoa Chiêm tinh Chaldée là nguồn chiêm tinh lý số Tây phương hiện thời. Bốc phệ tiên tri nhiều khi phải kín đáo, "thiên cơ bất khả lậu" vì lời tiên tri có thể ảnh hưởng rộng lớn, thuận hay nghịch với vua quan, phe phái quần hùng. Thế nên nhà bốc phệ phải nói lời xa gần, dùng mật ngôn ẩn ngữ để người khác suy đoán ra. Đấy là lý do phải dùng Sấm để tiên tri, Sấm ký (ghi lời Sấm), Sấm vĩ (bàn lời Sấm), vừa có tác dụng bảo mật, vừa có tác dụng bảo tồn lời tiên đoán, khó bóp méo thay đổi. Lời Sấm lại dễ truyền khẩu, bia miệng vẫn trơ trơ nghìn năm hơn giấy bản và bia đá ! Trong Lịch sử Việt Nam, có ba bậc Tiên tri siêu quần là Vạn Hạnh, Trạng Trình và Liễu Hạnh Thánh Mẫu. Cả ba vị đều để lại những lời Sấm và tiên tri liên quan tới tương lai vận nước. Chương này lược giải những lời tiên tri đó.
Sư VẠN HẠNH với SẤM VỸ và TỔNG TRÌ TAM MA ĐỊA
Nhà sư dựng nước của ba triều Đinh, Lê, Lý, là người đầu tiên để lại những lời Sấm tiên tri biến cố lịch sử dân tộc, những lời sấm này có trước Sấm Trạng Trình khoảng 500 năm.
Sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, không rõ sinh năm nào, nhưng mất vào năm 1018 dưới Triều vua Lý Thái Tổ. Về sau vua Lý Nhân Tông 1072 - 1127 truy tặng một bài kệ thâu tóm thân thế tư tưởng Vạn Hạnh như sau :
Vạn Hạnh dung tam tế
Chân phù cổ sấm ky
Hương quan danh Cổ Pháp
Trụ tích trấn vương kỳ
Tạm dịch :
Vạn Hạnh thông ba cõi
Chính hợp lời sấm xưa
Quê hương tên Cổ Pháp
Chống gậy giữ kinh kỳ
Sư Vạn Hạnh chẳng những dung thông ba cõi quá khứ, hiện tại, tương lai, ung hợp Phật, Khổng, Lão, lại còn dung hóa pháp môn Tổng Trì Tam Ma Địa thành lời Sấm, như một khế cơ huyền vi vào việc trị nước an dân vào buổi đầu của thời đại độc lập quốc gia.
Thuở nhỏ Sư tu ở chùa Lục Tổ, thuộc dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, tinh thông Tam Tạng, Bách Luận, Bát Nhã, Hoa Nghiêm ... chú trọng về Mật Tông "bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền" giản dị, gọn, nhẹ, rất hợp với tâm tính của khối dân xứ nóng Đông Nam Á. Sư lại chuyên về khoa Tổng Trì Tam Muội, nói ra lời nào là thành lời tiên tri được người đời tin tưởng. Nguyên Kinh Tổng Trì được chính Tỳ Ni Đa Lưu Chi dịch tại chùa Pháp Vân vào khoảng 580-594. Nhà sư Đa Lưu Chi từ Thiên Trúc sang Trung Hoa rồi sang Việt Nam tu 14 năm là sư tổ thiền phái Mật tông tại đất Việt với nhiều thế hệ thiền tăng xuất sắc như sư Pháp Hiền (thế hệ II), Định Không (thế hệ VIII), La Quý An (thế hệ X), Vạn Hạnh và Đạo Hạnh (thế hệ XII), Minh Không thế hệ XIII) ...
Sau giai đoạn Đại thừa Bát Nhã, tới Đại thừa Duy thức là những cao điểm phát triển của của đạo Bụt nghiêng về trí huệ cao siêu, tới giai đoạn Đại thừa Mật giáo là chặng đường lan tỏa, sâu vào tàng thức cộng thể, rộng vào siêu lực ẩn tàng trong tâm thức, mênh mông bao bọc các tín ngưỡng thần linh khắp cõi mà không chấp vọng. Vì thế từ thế kỷ thứ IV tới thứ VIII Mật giáo đã phát triển nhanh chóng vững vàng thành Kim Cang Thừa lan ra khắp Viễn Đông, từ Tây Tạng sang Trung Hoa, Việt Nam ...
Tổng Trì tiếng Phạn là Đà La Ni, có nghĩa là duy trì thiện pháp và ngăn ngừa ác pháp phát sinh. Một trong bốn loại Đà la ni (pháp, nghĩa, chú, nhẫn) là thần chú, một cánh cửa mở ra từ thiền siêu thức, một gạch nối từ tâm thức bay lên cõi phi – phi - tưởng, với những mật ngữ như ngôn ngữ giao cảm giữa những loài khác nhau trên những quốc độ khác nhau của tam thiên đại thiên thế giới.
Thần chú của Mật tông với hiệu lực linh nghiệm đã là thần lực gia hộ Triều Đinh, Lê và Lý. Cả trăm trụ bia đá vùng Hoa Lư còn ghi khắc kệ và chú từ thế kỷ thứ X, các cột kinh này lấy chú "Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni" làm chủ yếu như "muôn nghìn ánh sáng làm chúng sinh kinh động mà giác ngộ", người niệm chú này sẽ được tăng tuổi thọ và được chư thần Bồ tát phù hộ.
Ngay từ thế kỷ thứ VIII các nhà sư Mật tông Ấn đã sang Trung Hoa và đã dùng Mật ngôn thần chú phù trợ Triều vua Đường. Trong những thế kỷ sau, IX, X, XI ... trung tâm Luy Lâu vùng Kinh Bắc đã là nơi qua lại gập gỡ của các danh tăng Ấn, Hoa, Chiêm Thành ... lại thêm các nhà sư Việt sang Ấn du học như Sùng Phạm (thế hệ XI Tỳ Ni Đa Lưu Chi) du học chín năm, sau về chùa Pháp Vân truyền dậy đệ tử là Đạo Hạnh. Đạo Hạnh rất giỏi pháp thuật thần thông, đã từng tụng đủ 1 vạn 8 ngàn lần Đại Bi Tâm Đà La Ni, dùng gậy quăng xuống dòng nước chẩy xiết, gậy dựng đầu lội ngược, nhờ đó diệt được tà sư Đại Điên là kẻ đã giết cha mình, sau dốc chí tu tập, pháp lực càng cao, có thể điều phục muông thú, cầu mưa cầu gió, niệm chú trị bệnh. Đệ tử của Đạo Hạnh là Minh Không cũng có phép thổi một niêu cơm cho cả thuyền quân ăn không hết, có phép "rút không gian" chốc lát đưa thuyền từ xa tới kinh thành chữa bệnh cho vua Lý Thần Tôn (1136) đang bị chứng hóa ra hổ, lông lá đầy người, kêu gào ghê rợn ...
Vạn Hạnh cùng thế hệ tu học với Đạo Hạnh, hẳn không lạ gì những pháp thuật thần thông ấy. Cùng với sư huynh Pháp Thuận, hai vị quốc sư này đã dùng sấm vĩ, độn số, phò trợ vua Lê Đại Hành (980 - 1005) trong việc trị quốc. Chính sư Pháp Thuận đã giả làm người lái đò đối đáp thi văn với sứ thần nhà Tống là Lý Giác. Khi sư Pháp Thuận mất (991) thì vua Lê Đại Hành chỉ còn Vạn Hạnh để tham vấn việc nước. Ngay từ năm 980 sư Vạn Hạnh đã đoán trước "nội trong ba bảy ngày quân Tống sẽ rút lui", quả nhiên vua Lê dụng mưu ly gián, quân Tống phải rút vì nội biến. Tự đấy vua Lê Đại Hành rất kính trọng Sư và khi nhà vua muốn đánh Chiêm Thành để cứu sứ giả (Từ Mục) ta về cũng tới hỏi Sư trước, Sư nói trận này đánh tất thành công không phải do dự. Quả nhiên việc bình Chiêm thành công lừng lẫy, vua Chiêm là Parame bị chém tại trận.
Sau khi bậc anh quân thăng hà, Ngọa Triều Lê Long Đĩnh tàn bạo bệnh hoạn, Sư Vạn Hạnh đã vì nước vận động đưa người hiền Lý Công Uẩn lên ngôi. Thuở thiếu thời Lý Công Uẩn tới học ở chùa Lục Tổ và gập Sư Vạn Hạnh tại đây, Sư thấy họ Lý tướng mạo phi phàm đã lấy làm lạ biết là bậc chân nhân thiên tử. Sư dùng nhiều phương pháp như viết chữ "thiên tử" trên lưng một con chó trắng ở làng Cổ Pháp rồi truyền rộng lời đoán rằng chó tượng trưng năm Tuất, bậc thiên tử sinh vào năm Tuất (Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất 974) và xuất hiện vào năm Tuất (Canh Tuất 1010) sẽ mang lại thanh bình thịnh trị.
BÀI SẤM CÂY GẠO
Khi cây gạo (do thiền sư La Quý An trồng ở chùa Minh Châu năm 936 để trấn giữ ) bị sét đánh tróc vỏ, một bài sấm hiện ra và được ghi vào chính sử như sau :
1 - Thụ căn yểu yểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
2 - Đông a nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
3 - Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Dịch nghĩa :
1 - Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Cây hòa đao rụng
Mười tám hạt thành
Sư Vạn Hạnh tự đoán rằng: Căn là gốc tức là vua, diễu đồng âm với yểu, là vua chết non. Mộc biểu là ngọn cây tức bầy tôi, thanh thanh là xanh, đồng âm với thịnh, như vậy là một quần thần sẽ phát lên. Hòa đao mộc, ba chữ hợp lại thành chữ Lê, vậy là Lê rơi rụng. Thập bát tử, ba chữ hợp lại là chữ Lý, như vậy là họ Lý tất thành.
2 - Cành Đông vào đất
Cây khác lại sinh
Cung Đông trời mọc
Cung Tây ẩn tinh
Đông A kết lại thành chữ Trần, nhập địa là vào đất của nhà Lý. Dị mộc tái sinh tức nhà Lê khác lại sinh. Câu này tiên đoán sau họ Lý đến họ Trần, rồi nhà Hậụ Lê (Lê Lợi). Chấn cung (Đông) xuất nhật là thiên tử xuất ở phương Đông, phương Tây lại có một ngôi sao còn ẩn dạng. Có sách bàn là nhà Mạc xuất ở phương Đông (Hải Dương) vì chữ Mạc chứa chữ Đông, Tây sơn ẩn ở phương Tây.
Trong Đại Việt Sử Lược không thấy 2 câu Đông A nhập địa, dị mộc tái sinh, nhưng trong Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thời Sĩ) và nhiều tài liệu khác lại chép hai câu ấy. Có thể vào thời Lý không dám chép lời tiên đoán sau Lý họ Trần sẽ vào, và đời Trần lại không dám chép câu sấm họ Lê khác tái sinh thay thế họ Trần ! Cung Đông có thể chỉ nhà Mạc xuất từ miền Đông, nhưng Đoài cung là phương Tây sao ẩn mà đoán là nhà Tây sơn thì gượng ép vì vào thế kỷ X - XI vùng Tây sơn còn thuộc Chiêm Thành ! Phải đoán là một vị sao còn ẩn ở phương Tây tức vùng Sơn Tây núi Tản sông Đà, sau này Trạng Trình cũng nhìn thấy một Ngưu tinh cư chính cung, xuất ở Khảm phương và hướng Tây (Đoài phương thực có chân nhân ... ), như vậy không còn nghi ngờ gì nữa. Hai câu này và hai câu cuối tác giả Việt Sử Tiêu Án cũng cho là "có ý huyền diệu gì khác, không chịu nói lộ hết ra". Đã là lời Sấm thì làm sao nói rõ ràng như văn suôi được !
3 - Khoảng sáu bẩy năm thiên hạ thái bình Phần nhiều các sử liệu giải là sáu bảy năm sau khi Lý Công Uẩn lên ngôi (1010), khoảng 1016 - 1017, thiên hạ sẽ thái bình. Giải như vậy mất ý nghĩa rộng lớn của một bài Sấm mà Ngô Thời Sĩ (nhà Nho này vốn không ưa Sấm ký, cho là mê hoặc làm hại) cũng phải viết là "Sét đánh vào cây thành bài Sấm chỉ có 40 chữ mà đủ hết cả hưng vong của các đời trong thời gian hơn ngàn năm". nếu đã đủ hết hưng vong ngàn năm thì hai câu cuối phải hiểu dính liền với câu Đoài cung ẩn tinh, và lục thất niên gian có thể phù hợp với câu Sấm Trạng Trình: "tới chiều lục thất xuất thánh nhân". Nếu giải lục thất là chữ Nguyễn thì rất gượng ép và không hợp vì lục thất niên gian rõ ràng muốn nói lên mốc thời gian. Nhưng nếu bài Sấm thâu tóm lịch sử ngàn năm tại sao không nói đến triều Nguyễn ? Có lẽ Nguyễn cũng như Trịnh chỉ là hai nghiệp Chúa thuộc nhà Hậu Lê, cho dù sau này Nguyễn Gia Long có lên ngôi cũng không đủ ứng hợp với một vận hội tinh đẩu riêng biệt chăng ?
Cứ xem bài Sấm ngắn gọn hàm chứa cả ngàn năm lịch sử này cũng đủ thấy Vạn Hạnh là một nhà tiên tri của dân tộc, có tầm nhìn không phải "ngũ bách niên" mà là "thiên niên". Sư có thể nhìn cuộc thịnh suy từ đời Đinh (968-980) cho tới hiện đại hơn nghìn năm. Căn cứ trên Việt Sử Lược khi Vạn Hạnh nói bài Sấm ấy với Lý Công Uẩn thì Sư đã ngoài 70 tuổi: "Gần đây tôi thấy bài Sấm lạ, biết nhà Lê đương xuống mà nhà Lý đương lên ... nay tuổi của tôi đã hơn 70, chỉ sợ không kịp thấy sự thịnh trị ... " (ĐVSL 113). Năm ấy là năm 1009, mãi tới năm 1018 Sư mới hóa, vậy Sư thọ khoảng 90 tuổi. Vì tấm lòng đối với họ Lý và Đạo pháp chân thành như vậy nên truyền thuyết cho rằng Sư đã tìm đất kết long mạch tái phát cho nhà Lý hưng khởi một ngàn năm sau - vào thời gian hiện đại 2000 ? - để "Lý đi rồi Lý lại về" là điều có thể tin được. Hơn nữa với thiên nhãn nhìn cả ngàn năm, lại đủ tài phong thủy sấm vĩ, độn số, chắc hẳn Sư không thể không thấy cuộc thịnh suy và đã tìm ra đại địa Bảo sơn Bảo giang rồi cho xây trụ tháp trấn giữ long mạch. Năm trăm năm sau Trạng Trình cũng nhìn thấy đại địa ấy và viết Sấm tiên đoán.
Thật ra, trước Vạn Hạnh 200 năm, Sư Định Không cũng đã nhìn phong thủy làng Cổ Pháp và tin tưởng là một bậc chân nhân họ Lý sẽ xuất hiện, Sư viết như sau :
Địa trình pháp khí
Phẩm chất tinh đồng
Trì Phật pháp chi hưng long
Lập huơng danh chi Cổ Pháp
Pháp khí xuất hiện
Thập khẩu đồng chung
Lý hưng vương, tam phẩm thành công
Dịch nghĩa :
Đất dâng pháp khí
Phẩm chất tinh đồng
Đưa Phật pháp đến thời rồng lên
Làng Cổ Pháp đặt lấy tên
Pháp khí xuất hiện
Mười miệng chuông đồng
Họ Lý hưng vương, tam phẩm thành công.
(Khi Sư dựng nền chùa làng Đình Bảng, đào được 10 chiếc khánh và một chiếc lư hương, mang ra sông rửa, một chiếc khánh chìm xuống nước. Sư bàn: mười chiếc khánh là thập khẩu hợp lại là chữ Cổ, một chiếc chìm đi là thủy khứ, hợp lại là chữ Pháp, vậy đặt tên linh địa này là Cổ Pháp).
Khi Vạn Hạnh nói bài Sấm tiên đoán vận hưng long của nhà Lý với Lý Công Uẩn, Lý Công Uẩn sợ tiết lộ nên cho người dấu Sư Vạn Hạnh vào núi Tiêu Sơn. Ngày Lý Công Uẩn lên ngôi Sư Vạn Hạnh đang ở chùa Lục Tổ đã nói trước "khoảng một ngàn ngày nữa, Công Uẩn sẽ được cả thiên hạ", rồi Sư lại viết một bài kệ treo bên đường đi rằng :
Cỏ Lê chìm biển Bắc
Hạt Lý nẩy phương Nam
Bốn phương binh đao hết
Khắp nước hưởng bình an
Mọi người vào Hoa Lư thăm dò thì đúng như vậy, ai nấy đều lấy làm lạ về tài tiên tri của Sư (thời xưa từ Cổ Pháp tới Hoa Lư tuy cách xa có 100 cây số nhưng đường đi khó khăn chắc phải mất hàng ngày).
Trong bài sấm khác, Sư cũng đoán trong ba tháng nữa Lý Công Uẩn sẽ lên ngôi :
Cái tam nguyệt chi nội
Thân vệ đăng trụ xã tắc
Lạc trà ấn quốc tự ...
(trong vòng ba tháng Thân Vệ lên làm chủ xã tắc cây đa in chữ quốc ... )
Ngoài ra các lời Sấm khác cũng có thể do chính Sư viết như "Bát phương hội Nữ thường xuất quân" (Sao Nữ hiện tám phương trời thì vua xuất), hoặc "Chính Bắc Phù Cầm dương bạch hổ, an lạc nam nữ thường vô khổ.." (hướng Bắc đất Phù Cầm bạch hổ đứng, trai gái an lạc hết khổ tai).
Trải qua ba triều Đinh, Lê, Lý, Sư Vạn Hạnh đã cống hiến trọn đời cho dân tộc và Đạo pháp hành nghiệm. Ngay cả việc rời đô từ đất Hoa Lư chật hẹp, vận số ngắn ngủi ra Thăng Long với thế đất rồng quấn hổ phục, ở giữa Đông Tây Nam Bắc, muôn vật rất thịnh và phồn vinh, Sư là nhà chiến lược đặt trường kế non sông. Chính Sư đã viết ra những lời Sấm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà 500 năm sau Trạng Trình đã dùng làm khởi điểm cho tập Sấm ký. Vừa là thầy dậy dỗ Lý Công Uẩn từ nhỏ, vừa làm quốc sư cho vị vua sáng nghiệp nhà Lý, Sư Vạn Hạnh đã tận dụng kiến văn và trí huệ tới mức siêu đẳng, nghĩa là vận động lịch sử bằng cách đi vào đáy sâu tàng thức quần chúng, từ đó dấy lên lòng tin vào hồng vận hưng long của triều đại, khi quần chúng đã tin, nhân tâm đã định, tức là đạt 80 - 90% thành công.
Năm 1018 Sư già không bệnh mà hóa, trước khi hóa Sư chỉ dậy cho đệ tử: "Các con nên trụ ở đâu ? thầy không trụ ở nơi có thể trụ mà cũng không trụ ở nơi không thể trụ", đây là triết lý hành nghiệm không nương tựa vào đâu ngoài mình mà phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, rồi Sư đọc bài kệ :
Thân như điện, ảnh, hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Tạm dịch :
Thân như chớp nhoáng, có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu tàn khô
Theo vận thịnh suy đừng lo sợ
Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phô
Câu "nhậm vận thịnh suy vô bố úy" kết tinh tinh thần Tam giáo, sống theo vận trời, nhìn thịnh suy như chu kỳ thiên nhiên tất yếu mà không lo sợ, an nhiên tự tại hành nghiệm. Đấy chính là khởi điểm của 500 năm quân chủ nhân quốc (X - XIV) bằng chủ đạo Nhập thế tích cực trong tinh thần xuất thế cao thượng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét