Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2017

Sấm Trạng Trình Suy Luận


Một ngày thu năm Nhâm Dần (1542) đang tựa án đọc sách, chợt thấy mây ngũ sắc hiện ra, Trạng liền gieo quẻ bói xem thời vận nước nhà, lúc ấy đời vua thịnh trị nhất triều Mạc là Mạc Đăng Doanh mới mất, Trạng bốc được quẻ Càn, động hào Sơ cửu, liền đoán :
Liên Mậu, Kỷ, Canh, Tân
Can qua sinh sác biến
Nghĩa là loạn liên tiếp vào năm Mậu Thân, Kỷ Dậu, Canh Tuất, Tân Hợi (1548 – 1549 – 1550 - 1551), rồi cụ lại giảng tiếp cho học trò là Trương Thời Cử rằng :
Bốc đắc Càn thuần quái
Sơ cửu thoái tiềm long
Ngã bát thế chi hậu
Binh qua khởi trùng trùng
Ngưu tinh tụ Bảo giang
Đại nhân cư chính trung
Dịch nghĩa :
Bói được quẻ thuần Càn
Hào sơ cửu rồng lui ẩn
Tám đời sau ta
Binh biến khởi trùng trùng
Sao Ngưu tụ Sông Quí
Đại nhân ở chính giữa
(Có bản chép câu 5 là: Tinh tụ Bảo giang thượng nghĩa là Sao tụ trên Sông Quí ).
Bài này chính là chìa khóa để mở mật ngữ và ẩn nghĩa trong toàn bộ Sấm Trạng Trình, một bài Sấm không ai phủ nhận được giá trị chân xác may mắn được truyền lại, trong khi tập Sấm đã bị tam sao thất bản, thêu dệt thêm bớt qua 500 năm.
Bói được quẻ Càn (Trời), thấy rồng lui ẩn, hồng vận chân chúa chưa xuất hiện, tám đời sau, khoảng 1735 khi Tiến sĩ Vũ Khâm Lân tới thăm hậu duệ đời thứ 7 và thứ 8 của Trạng Trình tại chính nền nhà xưa, đúng là thời loạn liên tiếp giữa các phe Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn ... Cho tới triều Nguyễn Gia Long cũng chỉ được hơn 60 năm lại bị Thực dân xâm lăng, mà trong 60 năm đó, loạn lạc vẫn liên miên tại miền Bắc bộ (riêng hai đời Minh Mệnh, Thiệu Trị 1820 - 1847 đã có tới 250 vụ loạn), cho tới thập niên 1980 mới tạm gọi là yên ổn. Phải đợi tới khi sao Ngưu, chủ tinh của bậc đại nhân xuất hiện trên Bảo giang thì đất nước mới lại phục hưng, đại hồng vận non sông mới rực rỡ.
Bài Sấm trên cho thấy Trạng Trình đã dùng tới Dịch lý và phải cộng thêm với Chiêm tinh (Thái Ất, Thái Huyền ?) mới tính ra được thời "sao tụ" trên Bảo giang và "tám đời sau binh qua", mà một quẻ Dịch thường không "động" cho một quãng thời gian dài cả 500 năm như vậy.
Thái Ất, Thái Huyền hay là Chiêm Tinh Tuyết Sơn Hy Mã ?
Trạng Trình đã viết Sấm, không nghi ngờ gì nữa, nhưng viết Sấm bằng nguồn gốc lý số nào, đấy còn là một nghi vấn. Lý số học Đông phương phần lớn dựa trên Kinh Dịch, từ Âm Dương Ngũ Hành, tới Bát quái, 64 quẻ ... theo đó mà luận, từ Nho, Y, Lý, Số, cho tới làm lịch ... đều không ra ngoài Dịch lý. Muốn kỹ càng chi tiết hơn, với các công thức áp dụng cho tiện việc tính toán (ví lý số là một môn Toán học Thiên văn), phải dùng thêm các sách luận giải về Kinh Dịch, trong đó Thái Ất Thần Kinh là một.
Nguyên Thái Ất Thần Kinh còn gọi là Thái Ất Kim Tiền là một tập sách có từ đời Đường (thế kỷ VI - VIII có thể là sách Thái Ất Kim Kính Thức Kinh của Vương Hy Minh) rất cao siêu nên được gọi là Kinh, mà Kinh này cũng lại bắt nguồn từ sách Thái Ất từ đời Chiến Quốc (481 - 249 trước Dương lịch). Thái Ất là tên một vì sao lớn, có chu kỳ 40 năm một vòng, đi qua đâu thì giáng an lành mưa thuận gió hòa, có người cho là thuộc bộ Càn tức là sao Bắc thần hay Bắc đẩu, cũng có thể là sao Thái Tuế theo khoa Tử Vi. Một học giả đời Minh là Viên Đàm lại cho rằng sách Thái Ất Thần Kinh chính là sách Thái Huyền của Dương Hùng đời Hán (năm 53 tr.DL). Dương Hùng tuy dựa theo Kinh Dịch mà viết ra Thái Huyền, nhưng ông chi tiết hóa và công thức hóa thành một bộ sách áp dụng vào lý số nên sau này các nhà thuật số đều lấy đó làm cứ điểm.
Dịch thì lấy Âm Dương làm gốc, Huyền thì lấy một, hai, ba, làm gốc cho mọi biến hóa trong trời đất: "Huyền có hai đạo, một là lấy 3 mà sinh, lấy 3 mà khởi là Phương, Châu, Bộ, Gia ; lấy 3 mà sinh là chia khí Dương ra làm 3, chồng lên 3 lần, đến chín Doanh là cùng cực ... " (Nho Giáo - Trần Trọng Kim). Mỗi Gia lại biến ra 3 Thủ, mỗi Thủ lại có 9 Tán. Dịch thì có 6 hào hợp thành 384 hào, Huyền thì có 9 Tán, hợp lại làm 729 Tán (Phương 3 x Châu 3 x Bộ 3 x Gia 3 x Tán 9 = 729). Như thế Thủ tương đương với Quẻ, Tán tương đương với Hào của Dịch. Áp dụng vào lịch pháp thì lấy hai Tán làm một ngày, một Tán ngày, một Tán đêm, cộng vào thành 364 ngày rưỡi (729: 2 = 364.5), nên phải thêm 2 Tán Cơ và Doanh vào cho thành 365 ngày 1/4.”
Xem thế sách Thái Huyền là của đạo gia, dựa trên Đạo Đức Kinh, nhất sinh nhị, nhị sinh tam mà diễn luận. Sau Dịch, đến Huyền, tới thế kỷ XI đời Tống, lại thêm Thần của Thiệu Ung (1011 - 1017) với sách Hoàng Cực Kinh Thế, luận cả về Dịch lẫn Huyền. Thần giống như Đạo, là Thiên lý, là Tính, dẫu biến dịch thế nào cũng vẫn không tiêu hoại (tương tự như Phật tính), nên phải Phục tính để đạt tới Thần, Thần lan khắp vạn vật, mọi sinh linh đều có trong bản chất.
Thiệu Ung chia cuộc biến hóa của vũ trụ ra làm Nguyên, Hội, Vận, Thế. Mỗi Nguyên là 129600 năm, gồm 12 Hội. Mỗi Hội có 10800 năm, gồm 30 Vận. Mỗi Vận có 360 năm, gồm 12 Thế. Mỗi Thế là 30 năm (một Thế hệ). Cuộc Thịnh, Suy, Tiêu, Trưởng cứ thế tuần hoàn, mỗi Hội ở một quẻ Tý, Sửu ... Trời sinh ở Hội Tý, Đất thành ở Hội Sửu (Trâu cày ruộng), Người sinh ở Hội Dần (mạnh mẽ như hổ) ... Đời Nghiêu Thuấn là cuối hội Tỵ (dương trưởng âm tiêu) nên cực thịnh, sang hội Ngọ, dương tiêu âm trưởng không còn cực thịnh nữa, là hội thế gian hiện tại, ta đang ở cuối hội Ngọ.
Xem thế Thiệu Ung nối kết Dịch với Đạo, với Phật lúc đó đạo Phật đã rất thịnh ở bên Tầu và toán pháp hóa để tạo thành khoa lý số, cùng với Chu Đôn Di và nhất là Trần Đoàn (số Tử Vi). Trạng Trình, có bà mẹ rất giỏi về lý số, có thầy trao truyền sách Thái Ất, tất phải tinh thông Dịch, Huyền và Thần. Đây là ba môn căn bản lý số mà từ đời Lý, Trần, các nhà sư Mật tông như Định Không, Vạn Hạnh có thể đã xử dụng để làm Sấm. Những sách này không phải bí truyền mà vì cao siêu quá nên ít nho sinh chịu nghiên cứu, chỉ có một số ít đầu óc thông minh, có năng khiếu thiên văn toán số, mới lĩnh hội được. Cũng như bên Tây phương thế kỷ XVI - XVII những sách về thiên văn vật lý của Kepler, Corpernic, Newton ... rất ít người đọc và rất ít người nắm vững.
Vấn đề ở đây là ngay những sách Thái Huyền, Hoàng Cực, Tử Vi ... đời Hán, đời Đường, đời Tống ... đã chịu ảnh hưởng tới đâu của Mật tông Phật giáo Tây Tạng và huyền học Vệ Đà Ấn Độ do con đường Tơ Lụa (Silk Road) và đường biển phía Nam mang sang ? Nhìn bố cục lá số Tử Vi của Trung Hoa giống như in lá số chiêm tinh của Nam Ấn Độ, xem cách tiên tri của các nhà sư đời Đinh, Lê, Lý ... không những thấy dấu vết của Dịch lý mà còn thấy dùng phương thức khác để đoán Tên người, đoán Nơi chốn, đoán Tinh đẩu hội tụ vào một điểm chuẩn xác trong thời gian và không gian ... những tính toán chuẩn xác này vốn là ưu điểm của khoa chiêm tinh Ấn và khoa chiêm tinh Tây phương (xem phần Sấm Vạn Hạnh).
Có thể suy diễn là Trạng Trình và các môn đệ tinh thông lý số của ông như Trương Thời Cử, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ... đã dùng các tài liệu của Tầu và không thể không nghiên cứu các Sấm ký lưu truyền trong nhà chùa. Ta thấy Trạng Trình rất thông đạo Phật, hay cùng các nhà sư già đi thăm các nơi danh thắng nhất là vùng Yên Tử trung tâm Thiền phái đời Trần, lại thêm có gạch nối rõ ràng giữa Sấm Vạn Hạnh và Sấm Trạng Trình về điểm Thánh Xuất với "Lý đi rồi Lý lại về", và Trạng Bùng quê quán Sơn Tây hẳn không thể không quan tâm tới "núi Tản sông Đà" là những địa danh được nhắc tới nhiều lần trong tập Sấm.
Sấm Trạng Trình như một sứ điệp lịch sử Sấm Trạng Trình đầu tiên chắc được giữ kín đáo trong một nhóm môn đệ thân cận như Phùng Khắc Khoan, Trương Thời Cử, Nguyễn Dữ ..., với số môn đệ đào tạo trong hơn 50 năm, lên tới 3000 người, thơ văn sấm ký của ông thầy hẳn đã được sao chép hoặc ít ra cũng được truyền khẩu, chưa kể cả vua, quan và quần chúng đều đã biết rất nhiều về tài tiên tri của Trạng. Tập Sấmđã đi vào mọi giới và mọi nơi, kể cả vào Thuận Quảng với nhóm di dân mang theo cẩm nang "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" và có thể có cả người của Trạng Trình gửi theo lớp viễn chinh ấy. Có thể đặt giả thuyết là Trạng Trình chỉ bốc quẻ, giảng truyền cho môn đệ chứ không viết xuống thành tập. Bài Sấm giảng cho Trương Thời Cử kể trên là một thí dụ điển hình.
Sau đó các cao đồ mới sao chép lại thành tập, đặt ra thành lời thơ năm, sáu chữ ... rồi lưu truyền. Tập Sấm Văn và Chu Dịch Quốc Âm Ca Quyết của Phùng Khắc Khoan cần phải được tìm kiếm và nghiên cứu (nếu còn lưu truyền), hai thầy trò rất tương đắc đến độ có thuyết cho là hai anh em cùng mẹ khác cha mặc dầu Phùng Khắc Khoan kém Trạng Trình tới 37 tuổi ! Có chuyện kể rằng Trịnh Kiểm cho người ra tận Hải Dương vấn kế "Phục Lê diệt Mạc", Cụ không trả lời chỉ sai người nhà vứt chiếc chiếu ra sân. Sứ giả về Thanh Hóa kể lại, triều thần không ai hiểu ý, chỉ có Phùng Khắc Khoan là hiểu ngay ý thầy: phải đánh mau như cuốn chiếu (Tịch quyển trường khu, theo binh pháp).
Tám đời sau, Vũ Khâm Lân viết tựa cho Gia phả họ Nguyễn Bỉnh không thấy nhắc tới tập Sấm Ký. Lý do là Sấm ký, lý số, vốn bị các nhà Nho cho là "ngoại thư", hơn nữa nhắc tới một ông Trạng quân sư của nhà Mạc, bị nhà Lê gạt tên ra khỏi văn miếu, không phải là dễ dàng ở thế kỷ XVIII dưới thời Lê - Trịnh, vì thế Vũ Khâm Lân mới phải nhắc khéo là Trạng Trình tuy sinh trên đất Mạc nhưng cũng đã góp công đào tạo rất nhiều nhân tài phục vụ cho nhà Lê như Trạng Bủng, Lương Hữu Khánh ... Nhưng không phải vì thế mà Sấm Trạng bị thất truyền, mấy ngàn môn đệ đã reo rắc lời thầy khắp nơi, nó được kính cẩn gìn giữ trên "ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ", trong tâm não của giới nho lâm, được phát triển và bàn bạc thêm theo đúng ý Mạc Triều Trạng Nguyên Tể Tướng, một ngôi sao Bắc đẩu mà lịch sử Việt Nam tới nay cũng chỉ có một.
Điều chắc chắn là Sấm Trạng Trình đã có ảnh hưởng sâu rộng trong giới tranh bá đồ vương ngay từ thời thế kỷ XVII. Năm 1671, có đảng Bạch Sỉ được thành lập để phò Lê diệt Trịnh, tên Bạch Sỉ lấy từ Sấm Trạng Trình, chỉ danh bậc đại nhân sẽ xuất hiện. Đời Gia Long, đầu thế kỷ XIX, Lê Duy Hoán khởi nghĩa ở Thanh Hóa, làm lá cờ thêu chữ "Phá Điền", lấy từ câu "Phá điền Thiên tử giáng trần" của Sấm Trạng Trình, Lê Duy Hoán tuổi Thân, phá điền chiết tự có thể thành chữ Thân 申! Thời đầu thế kỷ XX, có nhóm thần Tản Viên ở miền Bắc Việt !
Cho nên lời Sấm còn truyền tới ngày nay là lời Sấm truyền khẩu hoặc sao chép từ giới sĩ tử học trò Trạng Trình, tới thế kỷ 18 - 19 có nhà nho viết xuống thành tập, thành bài không nhất định, rồi lại dùng thơ lục bát để diễn ý, bên cạnh những câu "chính truyền", còn có các câu sấm "diễn nghĩa", rồi tất nhiên xen những câu giả mạo với dụng ý tuyên truyền nhất là vào thế kỷ XX hiện tại. Đọc Sấm Trạng Trình Sấm cũng như Kinh, đòi hỏi người đọc một vài tiêu chuẩn tâm thức giúp cho việc lĩnh hội. Người viết Sấm như Trạng Trình khi bốc quẻ đã phải hết sức tập trung và thành tâm thì quẻ mới ứng, chưa kể kỹ thuật tính toán suy diễn đòi hỏi rất nhiều tâm huyết.
Người viết Sấm thuộc loại Thánh nhân, người đọc Sấm cũng cần tĩnh tâm để đốt lửa soi gan kim cổ. Phá chấp kiến, vượt ngã mạn, trực chỉ nhân tâm mà kiến cái "Huyền" của lịch sử. Sấm Trạng Trình luận giải về Lịch sử dân tộc 500 năm sau tức là vào hiện đại. Nhìn dân tộc như một khối sinh động trôi trong thời gian, thịnh suy theo chu kỳ tinh đẩu thiên địa nhân nhất thể, Trạng Trình không phải chỉ đoán sự mà còn để cái tâm vào cuộc thăng trầm của dân tộc mà ông suốt đời thao thức, tận tụy. Thế nên hậu thế đọc Sấm chẳng những để tìm hiểu cái sự biến mà còn cảm thông cái sự tâm, thì mới quán chiếu nổi phần nào nỗi lòng nặng chĩu của tiền nhân truyền lại. Trong tâm nguyện đó, chúng tôi luận giải lời Sấm sau đây, với chiếc chìa khóa do cố bốc sư Ba La (1870 ? - 1973) khẩu truyền để khai mở những ẩn ngữ và mật ý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét