Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Kỷ Niệm Đường 19 của chiến sỹ Sư đoàn 3 Sao vàng anh hùng (P.1)

KỶ NIỆM ĐƯỜNG 19


DƯƠNG VĂN MINH

TRƯỚC ĐÂY, khi gia đình gặp khó khăn, nếu vợ con tôi đã đôi lần trách cứ dù rất mơ hồ, tôi thường giải thích, dù sao tôi vẫn còn hạnh phúc hơn hàng vạn người khác. Bởi trải qua cuộc chiến tranh khốc liệt dài đằng đẵng, tôi vẫn còn nguyên vẹn trở về, rồi có vợ, có con, tạo dựng được cơ ngơi, tuy khiêm tốn nhưng cũng tạm gọi là ổn định. Dần dà vợ tôi cũng hiểu và chia sẻ cùng tôi. Không thỏa mãn với cuộc sống khiêm tốn hiện tại, nhưng tôi bằng lòng với công việc mình đã làm. Tôi thường tự nhủ: Cái mà ta giữ được cho lòng mình tự hào, giữ được chất "Người" ngoài tình cảm gia đình, chính là tình đồng đội. Đó là tình cảm cao cả và thiêng liêng nhất. Và những kỷ niệm vui buồn của một thời chinh chiến thường trở lại trong tôi, nhất là khi trái nắng trở trời.

Đường 19 tháng 4 năm 1972.

Trong khi sư đoàn (thiếu trung đoàn 12) nổ súng cùng các lực lượng địa phương giải phóng ba huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn (bắc Bình Định), thì trung đoàn 12 (thiếu một tiểu đoàn) đang được lệnh đóng chốt cắt đường 19, đoạn từ Bình Định đi An Khê, nhằm khống chế dài ngày sự cơ động của địch từ đồng bằng ven biển lên Tây Nguyên. Và ngược lại không cho các lực lượng của chúng từ các tỉnh Tây nguyên xuống đồng bằng ứng cứu.

Đoạn đường trung đoàn phải chốt giữ dài mười lăm kilômét, đoạn giữa quận lỵ Phú Phong (Bình Định) và căn cứ An Khê (Gia Lai). Khác hẳn với các chiến dịch trước đây, vùng hoạt động của trung đoàn hầu như là một vành đai trắng, không làng mạc, không dân cư, chỉ còn rất ít cán bộ địa phương và đồng bào dân tộc ẩn sâu trong rừng rậm.

Cụm chốt chính của trung đoàn là hai điểm cao 638, 384 và khu vực cống Hang Dơi nằm trên mặt đường 19. Ba điểm nói trên tạo thành một bức tường thép chắn ngang đường 19. Đại đội 62, tiểu đoàn 6 chúng tôi được giao nhiệm vụ giữ điểm cao 384.

Không hiểu bị lộ hay có sẵn trong kế hoạch của địch, mà đêm mồng 9 lên chốt thì chiều mùng 10 địch bắt đầu đánh phá. Mở đầu các cuộc oanh tạc là pháo tầm xa ngoài hạm tàu (pháo biển), sau đến pháo trên đất liền và máy bay. Có lúc chúng phối hợp đánh dồn dập, lúc lần lượt thay nhau "giã gạo". Anh em trên chốt chỉ còn biết lấy tay bịt nòng súng, ôm súng vào lòng và chui vào những căn hầm đang đào dở. Ngớt bom, pháo anh em lại động viên nhau tiếp tục đào công sự. Cán bộ chẳng cần nhiều lời, chúng tôi cũng biết lúc này cần phải làm gì, nghĩa là ráng sức làm thật tốt cái "áo giáp" dưới lòng đất.

Sáng ngày 11. Qua một buổi chiều và một đêm bị bắn phá, trên đỉnh chốt và cả khu vực rộng hàng vạn mét vuông không còn một ngọn cỏ nguyên vẹn. Đất từ màu vàng chuyển sang màu đen. Chỗ nào cũng phả lên mùi khét đắng của thuốc súng. Lần đầu tiên trong đời, cánh lính mới chúng tôi được biết thế nào là "pháo bầy", "pháo chụp", là "bom chùm"... Và cùng lần đầu tiên trong đời được chứng kiến những cựu binh từng trải đã gan dạ và mưu trí thế nào. Chính tư thế vững vàng, bình tĩnh của các anh đã cỗ vũ chúng tôi. Tôi luôn nhận được những lời động viên chân tình, pha chút hài hước: "Cứ bình tĩnh, đâu khắc có đó", hoặc "Việc nó, nó bắn, việc mình, mình làm. Nó bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết",.v.v.. Các anh còn kể cho chúng tôi nghe những mẫu chuyện "tiếu lâm". Đầu óc chúng tôi đang rất căng thẳng nhưng cũng phải bật cười. Những tiếng cười hiếm hoi, ngắn ngủi nhưng cũng làm dịu đi phần nào sự mệt mỏi.

Qua ngày đầu tiên dội bom pháo, trung đội tôi đã hao hụt đi hai người. Bình y tá và Hiển. Ai đã từng trải qua những trận đánh giữ chốt dai dẳng, độc lập, không có lực lượng chi viện trực tiếp, không có hỏa lực khống chế hỏa lực địch từ xa... mới thông cảm được công việc khó khăn, ác liệt của chúng tôi trong suốt mười ngày đêm ấy. Mười ngày đêm trên chốt là khoảng thời gian không có ngày, không có đêm, không có giờ giấc. Đêm đến, anh nuôi phải cõng cơm bươn qua làn đạn pháo mới lên được chốt. Nhiều lần mang được cơm lên nhưng không có nước uống. Các can, bi đông đựng nước đã bị đạn pháo xăm thùng dọc đường. Một vài anh nuôi quân cũng bị thương vong ngay trên đường mang cơm cho chúng tôi. Nghĩa là có rất nhiều lý do để hạn chế ăn uống. Vì vậy, cơm thì có nhưng chẳng ai ăn hết nửa nắm. Mỗi lần ăn, chốt trưởng thường động viện chúng tôi: "Muốn đánh được thì phải ăn, có ăn mới đánh được". Mọi người cũng biết rất rõ, chiến dịch còn dài, không có sức khỏe không trụ được trên chốt.

Ngày này qua ngày khác, nắng, mưa, bom, pháo bộ binh địch, khát nước, buồn ngủ, mệt mỏi v.v... đã làm chúng tôi yếu dần. Nhưng tuyệt nhiên không ai báo cáo xin lui về phía sau. Đôi lúc anh Soạn, đại đội trưởng và anh Liễu, trung đội trưởng nói vui "không anh nào được chết, chết là vi phạm kỷ luật", rồi tất cả nhìn nhau cười xòa.

Đêm 9 tháng 4 năm 1972, trung đội 1 lên chốt đào công sự. Ngoài đại đội trưởng Đồng Văn Soạn, trực tiếp chỉ huy, trung đội gồm: Một trung đội trưởng, hai trung đội phó, một y tá, ba tiểu đội trưởng và bốn chiến sĩ. Tất cả chỉ có vậy, 12 người, kể cả đại đội trưởng. Vũ khí trên chốt có một khẩu B40, một khẩu B41, một trung liên, còn lại toàn tiểu liên và lựu đạn, thủ pháo.

Ác liệt cứ tăng dần lên. Tăng dần về cường độ và quy mô tấn công của địch. Ngày đầu, chúng tổ chức xung phong lên chốt từ một đến hai lần, sau đó tăng lên ba đến bốn lần, có ngày chúng tôi phải chống đỡ liên tục suốt từ sáng đến chiều tối. Địch muốn tổ chức đánh liên miên, dai dẳng hòng gây căng thẳng cho anh em chúng tôi mệt mỏi, không chịu nổi phải bỏ chốt. Nhưng mọi thủ đoạn của chúng đều thất bại. Mỗi lần tấn công lên chốt, là mỗi lần chúng phải kéo xác nhau trở lại với những tiếng hò hét, kêu al man dại.

Điểm cao 384 vẫn đứng vững. Chúng tôi, một tập thể nhỏ bé của trung đoàn 12 đã nổ súng đánh lui quân địch không biết bao nhiêu lần. Một hôm, những tên địch lực lưỡng không tổ chức tấn công như thường lệ mà với vẻ mặt sát khí đằng đằng, miệng gậm dao găm, tay cầm lựu đạn, bò, lết, chia nhỏ, lẻ bám dần lên đỉnh chốt. Nghe nói tiểu đoàn Nam Triều Tiên này mới đổi đến rất giỏi võ Karate, nên chúng muốn đánh theo kiểu đặc công với ta. Rốt cuộc, đội quân "hùng dũng" này cũng bị lựu đạn, B40 và những loạt súng xuyên táo của chúng tôi hất ngược trở xuống.

Nhó lại những trận đánh giáp lá cà ác liệt, những hy sinh vô cùng anh dũng của đồng đội trên điểm cao 384, tôi càng thấy lòng se lại vì nhớ, vì thương và vì bao nhiêu nỗi dằn vặt khác... Tôi không thể nhớ cũng không thể kể lại chính xác từng đợt tiến công của địch lên chốt bị bẻ gây như thế nào. Tuy chỉ có thể kể lại được một phần rất nhỏ, nhưng đối với tôi đó là những kỷ niệm thật sâu đậm.

Mỗi ngày địch xung phong lên chốt ba, bốn lần. Có ngày chúng hợp đồng với máy bay lên thẳng bắn rốc két và bắn cả đạn giấy ngay trên đầu, rồi đổ quân xuống bên cạnh chốt, hòng trên đánh xuống, dưới đánh lên hất chúng tôi khỏi cao điểm. Cũng có lần chúng dùng các loại súng máy từ điểm cao bên cạnh bắn quét mạnh cho bộ binh áp sát và xung phong lên. Với sự chỉ huy dày dạn của đại đội trưởng Đồng Văn Soạn và trung đội trưởng Nguyễn Tiến Liễu, chúng tôi lần lượt đánh lui quân địch. Hơn lúc nào hết, trung đội chúng tôi được kết thành một khối vững chắc. Tổ này bị uy hiếp, tổ kia chi viện ngay. Cán bộ chỉ cần ra hiệu là chiên sĩ đã biết mình phải làm gì rồi. Khẩu B40 trong tay Kiều Minh Toán đã gây khủng khiếp cho không ít địch.

Toán và một chiến sĩ nữa được bổ sung lên chốt vào ngày thứ bảy. Nhưng đến nửa đường, chiến sĩ kia quay trở lại. Một mình Kiều Minh Toán vác khẩu B41 lên chốt với chúng tôi. Chúng tôi ôm lấy Toán sung sướng. Vì ai cũng biết rằng trong tình trạng rất gay cấn này, có thêm một người, một cây hỏa lực trên chốt, giá trị biết nhường nào. Cùng ngày Toán lên chốt, trung đội hụt đi 2 người nữa. Đó là Nông Văn Thu và Nguyễn Văn Du. Nông Văn Thu người dân tộc Tày (Bắc Thái), có sức khỏe và nhanh như hổ trong rừng. Lúc bình thường, Thu nhận làm mọi việc nặng nhọc thay đồng đội. Khi nổ súng anh dũng cảm mưu trí lạ thường. Lựu đạn của anh vừa ném hướng này, anh đã lẫn sang bắn quét định ở hướng khác. Nhiều lần phát hiện được Thu, nhưng đại liên và lựu đạn địch không đuổi kịp anh. Anh có một đặc điểm mà cả đại đội ai cũng biết, hễ nổ súng anh hét to: "Giết chết chúng nó đi". Trước khi hy sinh anh nói với tôi: "Đánh nhau phải biết chết vớ". Tôi hiểu ngôn ngữ dân tộc anh có nghĩa: Biết chấp nhận hy sinh để tạo ra lòng dũng cảm. Còn Nguyễn Văn Du, cây xạ thủ trung liên của chốt. Anh phụ trách chặn địch ở một hướng quan trọng. Anh đã làm cho địch đổ nhào, đè lên nhau mà chạy không biết bao nhiêu lần. Nhiêu lúc nhìn anh bắn tôi vô cùng cảm phục. Người Du gày tọp đi, râu tóc bờm xờm dính bết bụi đất và thuốc súng, đôi mắt thâm quầng, trũng sâu vì mất ngủ... Nhưng tất cả mọi khó khăn đã không hề làm giảm độ chính xác đường đạn của anh. Trong lúc trung đội trưởng điều động tôi và Du sang chi viện cho tổ bên cạnh, Du đã trúng một quả lực đạn của địch. Anh hy sinh ngay trên miệng hầm, hai tay còn ôm ghì cây trung liên đã bị gãy nòng.

http://khucquanhanh.vn/diendan/archive/index.php/t-1.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét