Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.3)

Hồi còn ở nhà, lúc nhỏ, nghe những người thường hay đi rừng ở quê tôi nói rằng: chó sói bắt được cả trâu, bò để ăn thịt. Khi phát hiện con mồi như con bò hoặc con heo, chúng chạy vòng quanh con mồi, đái lên những cành cây lúp xúp rồi lùa con mồi tới đó. Nước đái của chúng sẽ quệt vào mắt con mồi, làm cho con mồi bị mù. Chó sói liền nhảy lên, cắn vào đít con mồi, moi ruột ra để ăn. Ngày ấy, miền núi vùng Hương Sơn quê tôi có rất nhiều chó sói, và cọp (hổ) thường vào làng bắt heo, bò kéo vào rừng ăn thịt. Ban đêm gia đình tôi thường phải ngủ trên chạn (trên gác) và đánh mõ xua đuổi. 

Bây giờ trước mắt tôi, bên kia bờ suối khoảng 20 mét, hai con chó sói đang quyết định sự sống của một con heo khoảng 50 kg. 

Tôi vẫy tay cho đồng chí Chuẩn ngồi xuống, giương khẩu súng AK lên ngắm vào con heo điểm xạ hai phát đạn. Hai con chó sói chạy biến vào rừng, để lại con heo đang giãy dụa. Tôi và Chuẩn kéo con heo xuống suối khoảng vài trăm mét, định bụng dừng lại xẻ thịt để luộc ăn và nghỉ qua đêm thì nghe có tiếng người và tiếng xoong nồi khua loảng xoảng dưới đó một đoạn. Tôi liền phái đồng chí Chuẩn xuống đó xem sao, thì phát hiện... bếp nuôi quân của Tiểu đoàn đang nấu cơm chiều. Thì ra từ sáng tới giờ, hai anh em tôi chưa ra khỏi khu vực đóng quân của đơn vị, đi loanh quanh thế nào mà cuối cùng lại về nơi xuất phát. Quả là đi theo góc phương vị trên địa hình rừng núi rậm rạp không dễ chút nào. Song, tôi vẫn chưa chịu bó tay, dặn đồng chí Chuẩn về nghỉ, ngày mai đi lại. 

Sáng hôm sau chúng tôi đi tiếp. Lần này có thêm 1 đồng chí liên lạc nữa, đồng chí Nông Văn Mạnh và đồng chí trợ lý tác huấn - Bốn anh em xuyên qua dãy rừng già. Đi được mấy trăm mét lại dừng để lấy góc phương vị chính xác rồi mới đi tiếp. Đến trưa, chúng tôi đang chuẩn bị vượt qua một con suối thì thấy phía bên kia, một con nai đang hốt hoảng từ trên bờ nhảy xuống và lội qua suối sang chỗ chúng tôi. Có thể con nai này cũng đang bị chó sói rượt đuổi. Đồng chí liên lạc quỳ xuống, giương súng lên. Con nai vừa lên bờ thì trúng 1 viên đạn gục xuống...

Bây giờ, mỗi lần nhớ lại, có lúc tôi vẫn còn ân hận và tự hỏi: “Vì sao lúc đó, mình không bắn con chó sói để cứu con heo và con nai tội nghiệp? Trong lúc hai con vật bị chó sói tấn công, mình lại đứng về phía chó sói để hạ sát con heo và con nai, khi chúng đang hốt hoảng trước cái chết gần kề?”. Nhưng rồi tự an ủi: “Hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa cho phép mình nghĩ đến việc bảo vệ động vật hoang dã. Điều cần thiết lúc đó là sự sống của người lính. Người lính thiếu thốn đến mức phải mò cua, bắt ốc, thiếu thực phẩm phải hái rau rừng bổ sung vào bữa ăn hàng ngày. Nhiều khi phải hy sinh mạng sống vì những chuyến hàng thực phẩm từ dưới đồng bằng lên căn cứ. Không thể oán trách việc bắn thú rừng lấy thịt!”. 

Kết quả lần đi này là chúng tôi đã xuyên đường xuống được cửa khẩu Bình Nghi. Tuy có kín đáo hơn nhưng con đường này không thể sử dụng được - vì qua nhiều ghềnh thác, núi non hiểm trở. Hôm sau, chúng tôi đi chọn địa điểm đặt kho tàng, để nếu sau này sử dụng thì đưa lực lượng xuống phát đường, làm kho, trạm. 

Chúng tôi, theo một con suối nhỏ vào chân núi thì đi đúng vào ổ phục kích của lính Đại Hàn. Tất cả các loại súng bắn dồn dập theo con suối. Đồng chí Nông Văn Mạnh đi trước bị thương vào bàn tay trái. Tất cả lợi dụng vào bờ suối lùi lại, xuyên đường vòng tránh trận địa phục kích của địch. Đồng chí Mạnh bị thương, được đưa về phía sau sang phía Bắc đường 19. Và cũng từ đó đến nay, từ năm 1971, tôi chưa có lần nào gặp lại đồng chí.

Những năm kháng chiến đấu trên đường 19, mỗi một viên đạn, mỗi hạt gạo ở đây đều nhuốm máu, mồ hôi, nước mắt của biết bao cán bộ, chiến sĩ. Mỗi một trận đánh phải tính toán chi li từng viên đạn, từng kg thuốc nổ. Trong điều kiện khó khăn về vũ khí, đạn dược, chúng tôi tổ chức một bộ phận gọi là “tổ kỹ thuật”. Tuy trong biên chế không có, đây là sự sáng tạo trong công tác tổ chức theo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tổ này có nhiệm vụ tìm kiếm “pháo lép”, “bom câm” đem về tháo ngòi nổ, cưa lấy thuốc để sử dụng trong nhiệm vụ đánh giao thông. Tổ này do đồng chí Mai Văn Minh phụ trách. Trong những năm ấy, “Tổ kỹ thuật” đã “khai thác” được hàng chục tấn thuốc nổ, đáp ứng được một phần quan trọng đối với nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất. Tuy rất nguy hiểm, nhưng mọi việc đều tốt đẹp. 

Nhiệm vụ của trung đoàn bộ binh 12 (thiếu tiểu đoàn 4) 1 trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 là cắt đứt giao thông tiếp tế của địch trên đường 19 từ đồng bằng miền Trung lên cao nguyên kìm giữ sư đoàn “Mãnh Hổ” - Nam Triều Tiên và một bộ phận quân chủ lực Sài Gòn, tạo thuận lợi cho mặt trận B3 ở Tây Nguyên và đồng thời cho sư đoàn hoàn thành nhiệm vụ tại chiến trường Bắc - Bình Định. 

Ý định tác chiến của trung đoàn bộ binh 12 như sau: 

Tập trung lực lượng, xây dựng cụm chốt cắt giao thông tại đèo An Khê, chủ yếu từ Cống Hang Dơi phía Đông đèo đến núi Cây Rui, đỉnh đèo có chiều dài từ 15 đến 20 km, với quyết tâm là đánh bại mọi cuộc phản kích giải tỏa của địch, cắt đứt mọi sự vận chuyển tiếp tế của chúng từ đồng bằng lên Tây Nguyên, trong thời gian quy định của cấp trên. 
_________________________________________
1. Trong chiến dịch Xuân-Hè 1972, Tiểu đoàn 4 hoạt động cùng với các lực lượng sư đoàn 3 ở vùng Hoài Ân - Phù Mỹ - Phù Cát.

http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.35;wap2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét