Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Trận chiến khu vực đường 19, Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng với sư đoàn Mãnh hổ, Nam Hàn (P.5)

Sau những trận đầu tiên, thua đau, địch như con thiêu thân, tung hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác; có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ đã mở nhiều đợt tấn công vào cống Hang Dơi. Từ ngày 10 đến 17-4 cuộc chiến đấu tại cống Hang Dơi đã diễn ra vô cùng ác liệt, địch tập trung lực lượng tấn công dồn dập vào cống Hang Dơi. Giữa bốn bề khói lửa mịt mù, chốt Hang Dơi vẫn giữ vững. Từ cán bộ đến chiến sĩ, từ lực lượng chiến đấu đến lực lượng phục vụ đều tiêu diệt được địch, lập công xuất sắc; kiên cường giữ chốt. Chiến sĩ liên lạc Nguyễn Phương Nam với 2 loạt đạn tiểu liên diệt 2 tên lính Nam Triều Tiên ngay trước cửa cống 3 mét; Tiểu đội trưởng Hà Sỹ Hạ, một xạ thủ súng B41, trong nhiều trận đánh phục kích giao thông trước đây, vì trình độ “thiện xạ”, được giao nhiệm vụ “chuyên trách”, đánh chặn đầu, đã bắn cháy nhiều xe vận tải quân sự của địch. Dù mục tiêu ở cự ly xa 500 - 1.000 mét Hạ đều bắn trúng. Lần này, tại cống Hang Dơi, Hạ đã bắn liên tiếp 9 quả đạn B41 diệt nhiều hỏa điểm và xe tăng, xe thiết giáp của địch; Chiến sĩ thông tin Nguyễn Kiên Cường, ngoài nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, Cường đã cùng đồng đội đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch và bắt sống được một tù binh Đại Hàn khi chúng đột nhập vào cống Hang Dơi. Tổ chiến đấu của trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải bắn cháy 3 xe thiết giáp, bẻ gẫy hoàn toàn một mũi tấn công của địch... và còn rất nhiều, rất nhiều gương chiến đấu dũng cảm, từ đại đội trưởng Nguyễn Việt Trì, chính trị viên Hoàng Sinh Tùng đến các chiến sĩ; lợi dụng ưu thế về địa hình có lực lượng tiêu diệt địch trước công sự, có lực lượng cơ động đánh tạt sườn... làm cho đội hình địch bị rối loạn. Kể cả những trận đánh giáp lá cà, địch vẫn bị áp đảo bởi tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời của cán bộ chiến sĩ ta. 

Cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt, xác giặc chết ngổn ngang dọc đường đèo. Lực lượng chi viện cho chúng cũng đang bị ta kìm giữ ở khắp nới. Các trận địa pháo bị ta chế áp. Tin vui chiến thắng của quân ta từ mặt trận Tây Nguyên, mặt trận Quảng Trị, Đông Nam Bộ và nhiều nơi khác bay về càng động viên khích lệ bộ đội, nâng cao khí thế quyết tâm diệt giặc lập công, đánh bại mọi cuộc phản kích giải tỏa của địch, giữ vững trận địa. Đặc biệt, tin sư đoàn hoạt động ở Bắc tỉnh Bình Định tiêu diệt gọn chiến đoàn đặc nhiệm số 40 ở Hòn Bồ, (19-4) giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân làm nức lòng cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 12. 

Huyện ủy Gia Lai, huyện ủy Bình Khê, tỉnh Bình Định, huy động mọi lực lượng, phục vụ trung đoàn 12 chiến đấu. Bất chấp bom, pháo và bộ binh địch phản kích, cản đường, từng đoàn dân công, các đội xung kích phục vụ hoả tuyến,... mang lương thực, thực phẩm đến tận trung đoàn. Những gùi sắn, chuối, rau...của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai, cũng được gửi đến cho chiến sĩ. Đó là sự cổ vũ, nguồn động viên to lớn của nhân dân đối với cả trung đoàn 12. 

Đêm 20-4-1972, mười ngày sau khi mở chiến dịch, trung đoàn 12 nhận được điện của khu ủy và quân khu ủy khu 5 gửi xuống: “Nhiệt liệt khen ngợi cán bộ, chiến sỹ trung đoàn 12, đã chiến đấu rất dũng cảm. Địch ở Tây Nguyên đang khốn đốn. Chúng sẽ còn cố sức giải toả đường số 19. Cuộc chiến đấu sẽ quyết liệt dữ dội hơn. Các đồng chí hãy nêu cao quyết tâm, công sự phải vững chắc hơn, đánh địch phải linh hoạt hơn, để làm chủ mặt đường triệt để hơn...”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, trực tiếp điện thẳng cho trung đoàn bộ binh 12, khen ngợi: “Các đồng chí đã đứng vững như bàn thạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giai đoạn đầu cắt đường số 19, phối hợp với chiến trường chung...”. 

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên tư lệnh mặt trận B3 lúc đó cũng gửi điện: “Cảm ơn chiến sỹ trung đoàn bộ binh 12 đã anh dũng cắt đường số 19, phối hợp với chiến trường chung...”. 

Đối với binh lính Nam Triều Tiên, từ khi sang chiến trường Việt Nam “đánh thuê”, đây là lần đầu tiên, lực lượng của Sư đoàn “Mãnh Hổ” - Đại Hàn đóng chốt nơi đây đã bị tổn thất nặng nề. Lực lượng còn lại ở trên các chốt không dám bung ra khỏi công sự, vũ khí, đạn dược, lương thực bị tiêu hao, không được tiếp tế, bổ sung. Lính chết không lấy được xác, lính bị thương không chuyển đi được. Đường bộ bị cắt, đường không bị khống chế. Tình cảnh vô cùng bi đát đối với binh lính Nam Triều Tiên. Ở chính quốc, Tổng thống Pắc Chung Hy bị chỉ trích gay gắt, nhân dân Hàn Quốc phản đối quyết liệt. Bọn địch ở Tây Nguyên rất khốn đốn, vì không được tiếp tế. Tại đèo An Khê, địch tập trung mọi cố gắng giải tỏa; ta kiên quyết cắt đứt tiếp tế của địch. Vì vậy cuộc chiến đấu ngày càng ác liệt. 

Tại cống Hang Dơi, và chân đèo, thuộc phần đất tỉnh Bình Định nơi có một bộ phận đại đội 63 chốt giữ, một toán lính Đại Hàn 5 - 6 tên, trong đó có một tên mang máy ảnh, từ dưới chân đèo đột nhập vào cống này. Khi chúng vừa vào bên trong, lực lượng ta tiêu diệt được mấy tên và bắt sống 2 tên. Anh em đưa chúng vào trong cống để đưa về tuyến sau, trước mắt khai thác chúng để phục vụ cho chiến đấu ở đây, sau đó mới bàn giao cho sư đoàn. Nhưng một tên cương quyết không chịu đi. Anh em trói, cho lên cáng khiêng, nó lăn xuống đất đập đầu tự tử. Tên còn lại đưa được về phía sau. Cơ quan địch vận đem máy ghi âm và cho phiên dịch tiếng Hàn Quốc xuống, giải thích chính sách của mặt trận, vận động nó kêu gọi lính đầu hàng, phản chiến. Tiểu đoàn đã cho ghi âm, phát trên loa phóng thanh, trên các chốt dọc đường 19. Tên tù binh này, sau đó được ta phóng thích. 

Trung đoàn nhận định, thế nào địch cũng tập trung mọi khả năng, giải toả bằng được đường số 19. Trước hết chúng sẽ đánh chiếm Cây Rui, uy hiếp cống Hang Dơi đang bị đại đội 63 chiếm giữ. 

Trung đoàn trưởng trung đoàn 12 quyết định, rút bớt một số chốt phụ để tăng cường lực lượng bảo vệ Cây Rui. “Còn Cây Rui thì cống Hang Dơi còn đứng được, còn cắt được đường”. Trận địa hỏa lực di chuyển vào gần Cây Rui để chi viện có hiệu quả hơn cho lực lượng giữ chốt. 

Từ ngày 23 đến tối ngày 24-4, tài núi Cây Rui đã diễn ra những trận chiến đấu vô cùng ác liệt giữa lực lượng còn lại của đại đội bộ binh 61 với lính Đại Hàn. 

Trước tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ đại đội 61, trận địa ta vẫn đứng vững. Song, đại đội bộ binh 61, chiều 24-4 chỉ còn lại 5 đồng chí, dưới sự chỉ huy của chính trị viên đại đội Ninh Văn Xá; cũng là lúc lực lượng cơ động của tiểu đoàn lên tiếp sức. Tại cống Hang Dơi, đại đội 63 và công binh, sau những đợt phản kích ác liệt của địch, đại đội trưởng Nguyễn Việt Trì, chính trị viên Hoàng Sinh Tùng lần lượt bị hy sinh; Trung đội trưởng Nhâm Xuân Tải lên thay thế... Trung đội trưởng hy sinh, chiến sĩ lên thay thế… và cuộc chiến đấu tại chốt Hang Dơi vẫn tiếp tục. 

Đêm hôm ấy, sau 14 ngày chiến đấu ác liệt, đường 19 hoàn toàn bị cắt đứt tại đèo An Khê, trung đoàn bộ binh 12 được lệnh chấm dứt đợt 1, chuẩn bị cho đợt 2, với cách đánh sở trường của mình “phục kích vận động”, tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch trên đường 19, tiếp tục biến đoạn đường này thành lò thiêu cháy mọi cơ sở vật chất hậu cần tiếp tế lên Tây Nguyên của chúng. Ngày 25-6 tại phía Tây đèo An Khê dưới sự chỉ huy của trung đoàn trưởng Nguyễn Duy Thương và chính ủy Lê Huẩn đã diễn ra trận đánh phục kích vận động phá hủy đoàn xe vận tải 35 chiếc, có 10 xe tăng, xe bọc thép, diệt và bắt 318 tên, bắn rơi 3 máy bay, ghi thêm chiến công mới trong lịch sử truyền thống của trung đoàn bộ binh 121.

Trong trận này, tiểu đoàn 6 là lực lượng chủ công, cùng với các trận địa hỏa lực của trung đoàn, bố trí phía nam đường 19, từ suối Vối đến chân núi Cây Rui (phía đông thị trấn An Khê). Tiểu đoàn 5 là lực lượng đối diện, bố trí phía bắc đường 19.

Trong một trận phục kích vận động khác cũng trên đường số 19, trung đoàn bộ binh 12 đã tiêu diệt và phá hủy 54 xe quân sự của địch vận chuyển tiếp tế lên Tây Nguyên, trên đoạn đường từ xã Bình Nghi lên Đồn Phó2.

Cuộc chiến đấu diễn ra trong suốt thời gian 18 ngày đêm trên đường 19, đèo An Khê của trung đoàn bộ binh 12, sư đoàn Sao Vàng thật oanh liệt. Trung đoàn bộ binh 12, thiếu tiểu đoàn 4 đã phải chiến đấu với sư đoàn “Mãnh Hổ” thiện chiến, trang bị đầy đủ, trực tiếp là trung đoàn 24 và nhiều tiểu đoàn bảo an, có máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ. Cán bộ chiến sĩ trung đoàn 12 đã thể hiện ý chí sắt đá, lòng dũng cảm vô song, khí phách anh hùng, người trước ngã xuống, người sau tiến lên, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, quyết không rời trận địa.

Thắng lợi của trung đoàn bộ binh 12 trên đường 19, trong chiến dịch Xuân 1972, một lúc đã hoàn thành được hai nhiệm vụ: Cắt đứt hoàn toàn sự tiếp tế của địch từ vùng đồng bằng lên Tây Nguyên, trong một thời gian khá dài; làm cho lực lượng của chúng trên chiến trường cao nguyên vô cùng khốn đốn; đồng thời ta đã kìm chân sư đoàn “Mãnh Hổ” và một bộ phận quân đội Sài Gòn tại đây tạo điều kiện cho sư đoàn 3 giành thắng lợi lớn ở chiến trường bắc Bình Định, giải phóng nhiều vùng quan trọng. Sư đoàn “Mãnh Hổ” bị thiệt hại nặng trên đường 19, đã phải nằm tại chỗ, “án binh, bất động” cho đến ngày cuốn cờ về nước.

Trước khi triệt thoái khỏi chiến trường Việt Nam, tại đỉnh đèo An khê, chúng đã dựng bia để gọi là tưởng niệm những tên lính đã chết tại đây. Trên tấm bia mang dòng chữ “Nơi đây quân đội Nam Hàn đã đánh những trận đẫm máu với trung đoàn 12 Bắc Việt để bảo vệ lãnh thổ chính thể Việt Nam Cộng hòa”.

Gần đây đầu năm 2004, trước khi qua đời, thiếu tướng Lê Huẩn, nguyên chính ủy trung đoàn 12, trong những năm 1971-1972, kể lại rằng: Có một đoàn làm phim viết sử của Hàn Quốc sang Việt Nam tìm hiểu những trận đánh trên đường 19 đầu năm 1972, họ cũng gọi là “các trận đánh ở Cây Rui” và nói rằng: Trong lịch sử quân đội Hàn Quốc có ghi “Đây là trận đánh đẫm máu nhất của lính Nam Hàn ở Việt Nam, trung đoàn 24 của sư đoàn Mãnh Hổ có 1150 binh sĩ chết, bị thương, bị bắt...”. Tấm bia do quân đội Đại Hàn dựng lên ở đỉnh đèo An Khê, sau chiến thắng mùa xuân năm 1975, đã bị ai đó đập phá. Tuy nhiên, sự tích anh hùng của trung đoàn 12, đánh cắt giao thông trên đường 19 trong chiến dịch xuân năm 1972 đã đi vào lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 3 Sao Vàng, của quân dân tỉnh Bình Định và Quân khu 5.

Trong những ngày cả nước ta tổ chức kỷ niệm lần thứ 30, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, một tổ làm phim của đài truyền hình KBS Hàn Quốc, được sở ngoại vụ TP.HCM giới thiệu đến gặp tôi và một số đồng chí đã trải qua những năm chiến đấu với binh lính Hàn Quốc tại đường số 19 - Quân khu 5, xin được cung cấp một số tình hình về sư đoàn “Mãnh Hổ”. Họ cho biết thời tổng thống Pắc Chung Hy đã lừa dối nhân dân Hàn Quốc, bưng bít sự thật về quân đội của họ tham chiến ở Việt Nam. Họ phải đi tìm sự thật. Song, dù có nói lên điều gì đi chăng nữa, họ cũng không thể hiểu một cách đầy đủ về sự thất bại thảm hại của sư đoàn mang tên “Mãnh Hổ”, một trong những đơn vị được cho là thiện chiến nhất của đội quân đồng minh với Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cũng đã nói với họ rằng: “Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những đau thương, mất mát do quân đội các nước gây ra cho đất nước này. Cảm ơn nhân dân Hàn Quốc - những người yêu chuộng hoà bình, đã đấu tranh phản đối nhà cầm quyền dưới thời Pak Chung Hy làm tổng thống, đã đem quân sang chiến trường Việt Nam, tiếp tay cho Mỹ. Ngày nay, Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tư vào Việt Nam lớn nhất. Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang trên đà phát triển tích cực. Mong rằng lịch sử quân đội Hàn Quốc không lập lại ở Việt Nam một lần nữa!...”.

Đối với thế hệ chúng ta, thiết nghĩ, nên xây dựng tại đỉnh đèo An Khê một công trình lịch sử - văn hóa, chí ít cũng là một tượng đài liệt sĩ, ghi danh những cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh tại đây, để các thế hệ mai sau được biết đến những chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng Tây Nguyên dẫn đến chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 1975.


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=12011.40;wap2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét