Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Thế nào là mạng 4G

Thế nào là mạng 4G?

 Thế nào là mạng 4G?
Trong những năm gần đây, ngành công nghệ viễn thông đã chứng kiến những bước phát triển ngoạn ngục. Khi mà công nghệ mạng thông tin di động thế hệ thứ ba 3G chưa có đủ thời gian để khẳng định vị thế của mình trên toàn cầu, người ta đã bắt đầu nói về công nghệ 4G (Fourth Generation) từ một vài năm gần đây. Thế nhưng, nói một cách chính xác thì 4G là gì? Liệu đã có một định nghĩa thống nhất cho thế hệ mạng thông tin di động tương lai 4G hay chưa?
Ngược dòng thời gian…
Trong hơn hai thập kỷ qua, sự phát triển của mạng thông tin di động và Internet đã làm thay đổi lối sống của con người từ cách họ liên lạc với nhau đến cách họ làm việc, vui chơi và giải trí. Mạng thông tin di động thế hệ đầu tiên 1G ra đời vào thập niên 80. Đây là thế hệ mạng thông tin di động dùng tín hiệu tương tự (analog). Tuy thế hệ 1G chứa đựng nhiều khuyết điểm kỹ thuật, song nó đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử truyền thông.
Song, để chứng kiến sự bùng nổ của mạng thông tin di động rộng khắp thế giới thì người ta phải đợi đến thế hệ thứ hai 2G, ra đời từ đầu những năm 90. Mạng 2G có thể phân ra hai loại: mạng 2G dựa trên nền TDMA và mạng 2G dựa trên nền CDMA. Đánh dấu điểm mốc bắt đầu của mạng 2G là sự ra đời của mạng D-AMPS (hay IS-136) dùng TDMA phổ biến ở Mỹ. Tiếp theo là mạng CdmaOne (hay IS-95) dùng CDMA phổ biến ở châu Mỹ và một phần của châu Á, rồi mạng GSM dùng TDMA, ra đời đầu tiên ở Châu Âu và hiện được triển khai rộng khắp thế giới. Sự thành công của mạng 2G là do các dịch vụ và tiện ích mà nó mạng lại cho người dùng, tiêu biểu là chất lượng thoại và khả năng di động.
technology evolution Thế nào là mạng 4G?
Hình 1: Sơ đồ tóm lược quá trình phát triển của mạng thông tin di động tế bào
Tiếp nối thế hệ thứ 2, mạng thông tin di động thế hệ thứ ba 3G đã và đang được triển khai nhiều nơi trên thế giới. Sự cải tiến nổi bật nhất của mạng 3G so với mạng 2G là khả năng cung ứng truyền thông gói tốc độ cao nhằm triển khai các dịch vụ truyền thông đa phương tiện. Mạng 3G bao gồm mạng UMTS sử dụng kỹ thuật WCDMA, mạng CDMA2000 sử dụng kỹ thuật CDMA và mạng TD-SCDMA được phát triển bởi Trung Quốc. Gần đây công nghệ WiMAX cũng được thu nhận vào gia đình 3G bên cạnh các công nghệ nói trên. Tuy nhiên, câu chuyện về sự thành công của mạng 2G rất khó lặp lại với mạng 3G. Một trong những lý do chính là dịch vụ mà 3G mang lại chưa có một bước nhảy rõ rệt so với mạng 2G. Mãi gần đây người ta mới quan tâm tới việc tích hợp MBMS (Multimedia broadcast and multicast service) và IMS (IP multimedia subsystem) để cung ứng các dịch vụ đa phương tiện. Mạng 3G cũng như những cải tiến của nó đã , đang và sẽ tiếp tục được triển khai khắp thế giới. Người ta dự đoán 3G cũng sẽ có một thời gian sống tương tự như mạng 2G trước khi một công nghệ khác (4G) chiếm ưu thế trong khoảng 20 năm nữa.
Khái niệm 4G bắt nguồn từ đâu?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về 4G, có định nghĩa theo hướng công nghệ, có định nghĩa theo hướng dịch vụ. Đơn giản nhất, 4G là thế hệ tiếp theo của mạng thông tin di động không dây. 4G là một giải pháp để vượt lên những giới hạn và những điểm yếu của mạng 3G. Trên thực tế, vào giữa năm 2002, 4G là một khung nhận thức để thảo luận những yêu cầu của một mạng băng rộng tốc độ siêu cao trong tương lai, cho phép hội tụ với mạng hữu tuyến cố định. 4G còn là hiện thể của ý tưởng và hy vọng của những nhà nghiên cứu ở các trường đại học, các viện, các công ty như Motorola, Qualcomm, Nokia, Ericsson, Sun, HP, NTT DoCoMo và nhiều công ty viễn thông khác với mong muốn đáp ứng các dịch vụ đa phương tiện mà mạng 3G không thể đáp ứng được.
Theo dòng phát triển…
Ở Nhật, nhà cung cấp mạng NTT DoCoMo định nghĩa 4G bằng khái niệm đa phương tiện di động với khả năng kết nối mọi lúc, mọi nơi, khả năng di động toàn cầu và dịch vụ đặc thù cho từng khách hàng. NTT DoCoMo xem 4G như là một mở rộng của mạng thông tin di động tế bào 3G. Quan điểm này được xem như là một “quan điểm tuyến tính” trong đó mạng 4G sẽ có cấu trúc tế bào được cải tiến, để cung ứng tốc độ lên trên 100Mbit/giây. Với cách nhìn nhận này thì 4G sẽ chính là mạng 3G LTE (Long Term Evolution), UMB (Ultra-Mobile Broadband) hay WiMAX 802.16m.
Bên cạnh đó, mặc dù 4G là thế hệ tiếp theo của 3G nhưng trong tương lai nó không hẳn chỉ là một sự mở rộng của mạng tế bào. 4G hướng đến sự hội tụ của nhiều loại hình mạng đảm bảo cung cấp dịch vụ một cách liên tục, không ngắt quãng. Người dùng trong tương lai sẽ có khả năng kết nối với nhiều loại hình mạng truy nhập vô tuyến khác nhau. Tại một thời điểm, hệ thống sẽ chọn một mạng vô tuyến thích hợp nhất để truyền tải dịch vụ đến người dùng một cách tối ưu.  Quan điểm này được xem như là “quan điểm hội tụ”. Trong đó khái niệm “ABC-Always Best Connected” (luôn được kết nối tốt nhất) là đặc tính hàng đầu của mạng thông tin di động 4G. Định nghĩa này được nhiều công ty viễn thông lớn và nhiều nhà nghiên cứu, nhà tư vấn viễn thông chấp nhận nhất hiện nay.
Dù theo quan điểm nào, tất cả đều kỳ vọng rằng mạng thông tin di động thế hệ thứ tư 4G sẽ nổi lên vào khoảng 2010-2015 như là một mạng vô tuyến băng rộng tốc độ siêu cao.
Thiên về hướng “hội tụ”
Mạng 4G sẽ không phải là một công nghệ tiên tiến vượt bậc, đủ khả năng đáp ứng tất cả các loại hình dịch vụ cho tất cả các đối tượng người dùng. Mặc dù những công nghệ “đình đám” nổi lên gần đây như WiMAX 802.16m, WiBro, UMB, 3G LTE, DVB-H… đã đáp ứng được yêu cầu về tốc độ truyền lớn nhưng chúng chỉ được xem là những công nghệ tiền 4G (pre-4G).
4g convergence Thế nào là mạng 4G?
Hình 2: Sự hội tụ của nhiều công nghệ  tạo nên mạng 4G
Mạng 4G sẽ là một sự hội tụ của nhiều công nghệ mạng hiện có và đang phát triển như 2G, 3G, WiMAX, Wi-Fi, IEEE 802.20, IEEE 802.22, pre-4G, RFID, UWB, vệ tinh…để cung cấp một kết nối vô tuyến theo đúng nghĩa rộng khắp, mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào nhà cung cấp hay thiết bị di động của người dùng. trong tương lai, người dùng sẽ thực sự sống trong một môi trường “kết nối mạng” (connected), nơi mà họ có thể kết nối mạng bất cứ nơi đâu với tốc độ cao, giá thành thấp, dịch vụ chất lượng cao và mang tính đặc thù cho từng cá nhân.
Lấy người dùng làm trung tâm
Hiện tại khi chúng ta mua một kết nối di động, kết nối ấy gắn với một hợp đồng, với các ràng buộc của nhà cung cấp dịch vụ. Người dùng hầu như không có bất cứ sự lựa chọn nào khác ngoài dịch vụ mà nhà cung cấp cung ứng. Mỗi người ít nhất cũng có vài loại hợp đồng khác nhau để sử dụng các loại hình dịch vụ khác nhau: hợp đồng dùng điện thoại di động, hợp đồng dùng điện thoại cố định, hợp đồng dùng Internet, hợp đồng dùng GPS, hợp đồng dùng dịch vụ TV di động….Mọi liên lạc, kết nối của người dùng đều chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà cung cấp dịch vụ (nên còn gọi là “network-centric”).
Trên thực tế, người sử dụng dịch vụ chính là mục đích cuối cùng mà một sản phẩm hay một công nghệ muốn hướng tới. Do vậy, việc cung cấp một mạng chỉ với tốc độ dữ liệu cao liệu đã đủ đề đáp ứng nhu cầu của người dùng chưa, hay 4G cần phải đáp ứng các yêu cầu khác nữa? Nếu chúng ta nắm được những nhu cầu của người sử dụng mà các công nghệ mạng hiện tại chưa đáp ứng được, chúng ta đã cầm trong tay chìa khóa cho sự thành công của 4G! Hãy cùng nhau xem xét một vài tình huống.
Tình huống 1: Trước khi bạn đi ra khỏi nhà để đến nơi làm việc, bạn cần biết những thông tin như giờ tàu/buýt, tình trạng kẹt xe trên đường, cũng như dự báo thời gian cần thiết để đi đến chỗ làm việc. Nếu bạn chọn một phương tiện đi lại, các thông tin về thời gian, thời điểm chuyển đổi phương tiện tiếp theo..sẽ được cập nhật liên tục với thời gian thực. Trong lúc ngồi trên phương tiện công cộng, bạn có thể đọc e-mail, nghe rađio, xem TV, kết nối với intranet của công ty để chuẩn bị tài liệu cho buối họp….
Tình huống 2: Có thể bạn sẽ rất thích nhận được những thông tin shopping, hàng giảm giá, thông tin vui chơi giải trí hấp dẫn khi bạn ngồi ở nhà hay đang trong xe buýt. Tuy nhiên bạn sẽ không thích nhận những thông tin này khi đang trong một cuộc họp. Cũng có bạn lại rất ghét những thông tin kiểu thế này. Do đó, dịch vụ trong tương lai phải tùy theo sở thích, thói quen của từng người dùng. Cũng tương tự ví dụ khi bạn đi du lịch sang một thành phố hay nước nào đó, bạn sẽ rất hài lòng khi nhận được những thông tin hướng dẫn như bản đồ, những địa danh cần tham quan, các món ngon nên thưởng thức… Mỗi khi đến trước một địa điểm tham quan bạn sẽ nhận được thông tin cụ thể về lịch sử, đặc điểm nơi bạn đang tham quan. Và sẽ thật tuyệt nếu các thông tin được cung cấp đến bạn bằng đúng tiếng mẹ đẻ của bạn.
Trên đây chỉ là hai tình huống tiêu biểu mà người dùng trong tương lai chờ đợi. Để làm được điều đó, hệ thống mạng 4G phải đặt người dùng vào vị trí trung tâm (user-centric) và các dịch vụ trong tương lai sẽ phải tính đến sở thích, yêu cầu, địa điểm, tình huống, thuộc tính của từng người sử dụng (nghề nghiệp, tuổi tác, quốc tịch…).
Tóm lược
Mặc dù thuật ngữ 4G vẫn chưa được bất kỳ một tổ chức chuẩn hóa nào định nghĩa một cách rõ ràng, tuy nhiên mạng 4G được kỳ vọng đáp ứng các đặc điểm sau:
  • Đặc tính được kỳ vọng nhất của mạng 4G là cung cấp khả năng kết nối ABC, mọi lúc, mọi nơi. Để thỏa mãn được điều đó, mạng 4G sẽ là mạng hỗn tạp (bao gồm nhiều công nghệ mạng khác nhau), hội tụ với nhau trên nền toàn IP. Thiết bị di động của 4G sẽ mang đặc tính đa công nghệ (multi-technology), đa phương thức (multi-mode) để có thể kết nối với nhiều loại mạng truy nhập khác nhau. Muốn vậy, thiết bị di động sẽ phải sử dụng giải pháp SDR (Software Defined Radio) để có thể tự cấu hình nhiều loại rađio khác nhau thông qua một phần cứng rađio duy nhất.
  • Mạng 4G cung cấp giải pháp chuyển giao liên tục, không vết ngắt (seamless) giữa nhiều công nghệ mạng khác nhau và giữa nhiều thiết bị di động khác nhau.
  •  Mạng 4G cung cấp kết nối băng rộng với tốc độ vào khoảng 100Mbit/giây cho người dùng di động và khoảng 1Gbit/giây cho người dùng cố định hay có tốc độ di chuyển thấp. Dịch vụ trên mạng 4G sẽ được cung cấp trên nền IMS để đảm bảo chất lượng dịch vụ (QoS) cho các dịch vụ đa phương tiện thời gian thực.
  • Để vượt lên khỏi tình trạng bão hòa của thị trường viễn thông, các nhà cung cấp mạng sẽ phải tìm kiếm khách hàng bằng các dịch vụ tùy biến theo yêu cầu của khách hàng.
  • Mạng 4G sẽ lấy người dùng làm tâm điểm.
Tóm lại, mạng 4G là sự hội tụ của nhiều mạng, cung cấp các kết nối tốc độ cao, thích ứng với yêu cầu của người dung tại mọi nơi, mọi lúc.
 http://vienthongkysu.com/mobile/mang_4g/


Chiến tranh giữa các vì sao: WiMAX vs LTE

Cuộc chiến giữa hai công nghệ WiMAX và  LTE (Long Term Evolution)  dường như chưa đến hồi kết thúc. Mỗi một công nghệ có những thế mạnh và những điểm yếu riêng. Chúng đều là hai ứng cử viên sáng giá cho mạng di động thế hệ thứ 4. Trong bài viết này, trước hết quá trình phát triển của hai công nghệ sẽ được tóm lược, kế đó tính cạnh tranh của hai công nghệ này sẽ được lần lượt xem xét ở khía cạnh thuần túy kỹ thuật cũng như khía cạnh chiến lược kinh tế.
Đôi nét về WiMAX
WiMAX là tên thông dụng thường dùng để chỉ công nghệ truy nhập không dây băng rộng sử dụng giao diện của chuẩn IEEE 802.16. Gần đầy WiMAX đã được ITU-R chính thức công nhận là một chuẩn 3G trong họ IMT-2000. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai của WiMAX vì nó sẽ thúc đẩy sự triển khai rộng khắp của WiMAX, đặc biệt trên băng tần 2.5-2.69GHz, để cung cấp dịch vụ Internet băng rộng, bao hàm cả VoIP và nhiều dịch vụ thông qua kết nối Internet.
Trong họ IEEE 802.16 nổi bật nhất là chuẩn 802.16e-2005 với khả năng đáp ứng cả các ứng dụng cố định cũng như các dịch vụ di động, nên còn được gọi là WiMAX di động. Chuẩn này đã và đang được thử nghiệm ở nhiều nước. Hiện tại, WiMAX di động “Wave 2″ dùng 2 ăng-ten phát và 2 ăng-ten thu đã cho tốc độ tối đa tầm 75Mbps. Bên cạnh đó, nhóm làm việc IEEE 802.16 đang phát triển phiên bản 802.16j trong đó nghiên cứu triển khai các trạm relay (tiếp sức) bên cạnh các trạm phát sóng BS để sử dụng kênh truyền một cách hiệu quả, tăng tốc độ truyền dẫn và mở rộng vùng phủ sóng.
Nhóm IEEE 802.16 cũng đang nghiên cứu phiên bản 802.16m với mục đích đẩy tốc độ dữ liệu của WiMAX lên hơn nữa trong khi vẫn tương thích với WiMAX cố định và di động đã và đang được triển khai. Phiên bản này theo dự kiến sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2009, như là một bước tiến để vượt trội hơn 3G LTE. Phiên bản 802.16m sẽ vẫn dựa trên kỹ thuật ăng-ten MIMO trên nền công nghệ đa truy nhập OFDMA  với số lượng ăngten phát và thu nhiều hơn WiMAX di động « Wave 2 ». 802.16m trang bị 4 ăng-ten phát và 4 ăng-ten thu sẽ có thể đẩy tốc độ truyền lên lớn hơn 350Mbps. Theo dự kiến, WiMAX Release 2 với sự hoàn thiện của 802.16m sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009 và có thể bắt đầu triển khai dịch vụ từ 2010 (xem hình 1).
 Chiến tranh giữa các vì sao: WiMAX vs LTE
Hình 1 : Sơ đồ phát triển của công nghệ WiMAX
Nói tới WiMax , người ta có thể nghĩ tới rất nhiều giải pháp thay thế mà công nghệ này có thể mang lại. Đó chính là khả năng thay thế đường xDSL giúp tiếp cận nhanh hơn các đối tượng người dùng băng rộng mà không cần phải đầu tư lớn. Đặc biệt WiMAX rất hữu ích để cung cấp dịch vụ băng thông rộng ở những vùng xa xôi mà giải pháp ADSL hoặc cáp quang là rất tốn kém. Bên cạnh các dịch vụ cố định, WiMAX còn cung ứng các dịch vụ di động giống như những dịch vụ của mạng 3G : thoại VoIP, internet di động, TV di động…. Trong năm tới 2008, các thiết bị di động mà hiện nay được tích hợp WiFi sẽ được tích hợp WiMAX. Đối với các thiết bị cũ sẽ cần phải trang bị thêm thẻ PCMCIA WiMAX, hoặc usb WiMAX để có thể kết nối băng rộng của WiMAX.
Đôi nét về 3G LTE
3G LTE  là một công nghệ di động mới đang được phát triển và chuẩn hóa bởi 3GPP (The Third Generation Partnership Project). Dự án được bắt đầu từ cuối năm 2004, nhằm đảm bảo tính cạnh tranh của mạng 3G trong vòng 10 năm tới. Mặc dù 3GPP đã phát triển HSPA để tăng tốc độ dữ liệu (tốc độ tối đa  có thể là 14.4 Mbps), nhưng 3G HSPA vẫn không thể cung cấp tốt những dịch vụ như video, TV di động…. Đứng trước sự ra đời và cạnh tranh của WiMAX cũng như nhu cầu cung cấp dịch vụ băng thông rộng ngày càng cao, 3GPP buộc phải phát triển 3G LTE để có thể đứng vững.
3G LTE hứa hẹn sẽ cho tốc độ dữ liệu truyền trên kênh xuống (downlink) lớn hơn 100 Mbps và trên kênh lên (uplink) lớn hơn 50 Mbps. Giống như WiMAX, 3G LTE dựa trên nền gói IP do đó sẽ không còn chuyển mạch kênh như trong các thế hệ 2G, 3G hiện tại. Kiến trúc mạng của 3G LTE sẽ đơn giản hơn so với mạng 3G hiện thời. Tuy nhiên mạng 3G LTE vẫn có thể tích hợp một cách dễ dàng với mạng 3G và 2G. Điều này hết sức quan trọng cho nhà cung cấp mạng triển khai 3G LTE mà không cần thay đổi toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng đã có. 3G LTE sử dụng công nghệ đa truy cập OFDMA cho kênh xuống và SC-FDMA cho kênh lên và nó vẫn dựa trên công nghệ ăng-ten MIMO để đạt tốc độ truyền dự liệu cao như mong muốn.
Những thử nghiệm gần đây đã cho thấy rằng đối thủ của công nghệ di động WiMAX – 3G LTE đạt được những kết quả khả quan như dự kiến. Cho dù được ra đời muộn hơn rất nhiều so với WiMAX, nhưng với những kết quả bước đầu mang tính hứa hẹn công nghệ LTE mới này vẫn có tính cạnh tranh cao trong tương lai. Gần đây trong dịp triễn lãm di động châu Á  (Mobile Asia Congress), hiệp hội GSM (GSM Association – GSMA), hiệp hội của nhiều nhà cung cấp mạng trên thế giới, cho biết sẽ chọn công nghệ LTE như là một chuẩn di động tương lai, công nghệ tiếp nối của HSPA. Thông báo này đã đẩy LTE tiến một bước trên cuộc cạnh tranh giữa LTE với WiMAX và cả công nghệ UMB (Ultra Mobile Broadband) của Qualcom.  GSMA ủng hộ các công ty và các tổ chức đang phát triển công nghệ LTE. Tuy nhiên việc chuẩn hóa công nghệ LTE  theo dự kiến thì chưa thể kết thúc trước 2010.
So sánh công nghệ kỹ thuật dùng trong WiMAX và 3G LTE
 Chiến tranh giữa các vì sao: WiMAX vs LTE
Bảng 1 : So sánh các đặc điểm nổi bật của WiMAX và 3G LTE
Hiện tại WiMAX di động Rel 1 (802.16e) đã có đủ sức cạnh tranh về mặt công nghệ so với 3G LTE. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ trên bảng so sánh thì ta thấy công nghệ 3G LTE vẫn vượt hơn 802.16e về cả tính năng di động và tốc độ truyền dự liệu. Song, đổi với những nhà phát triển WiMAX thì họ không chấp nhận so sánh 3G LTE với 802.16e mà phải là 802.16m (cột thứ 3 trên bảng 1).  Nhìn vào đây ta thấy WiMAX di động Rel 2 hứa hẹn những tính năng vượt trội so với 3G LTE.
Ngày nay tất cả đều đóng ý với nhau rằng để đạt được tốc độ dữ liệu cao chỉ có thể nhờ vào công nghệ ăngten MIMO và kỹ thuật đa truy cập OFDMA. 3G LTE ra đời muộn hơn WiMAX và nó cũng không thể nào không dùng MIMO và OFDMA. Do vậy, nếu xét trình bình diện kỹ thuật truyền thông không dây (wireless communication) thì 3G LTE không có bất cứ một kỹ nghệ cơ bản nào vượt trội so với WiMAX di động. Nếu nhìn lại bảng so sánh ở trên sẽ thấy điểm khác nhau nổi bật là 3G LTE sử dụng kỹ thuật đa truy nhập SC-FDMA cho đường lên thay vì OFDMA như trong WiMAX.
Song, theo nhiều chuyên gia thì sự khác biệt này lại là một điểm yếu của 3G LTE. Thực tế SC-FDMA cho phép cải tiến PAR (Peak-to-Average power Ratio) tầm 2dB ở máy phát. Tuy nhiên nó lại gây mất tầm 2-3dB về hiệu suất (performance) truyền thông trên kênh truyền nhiễu fading ở đầu máy thu. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy SC-FDMA thực tế cho một hiệu suất trên kênh lên thấp hơn so với OFDMA.
Nhìn chung về mặt kỹ thuật, hai công nghệ WiMAX và 3G LTE dường như ngang tài ngang sức với nhau. Song, công nghệ mạnh nhất, vượt trội nhất đôi khi không phải là công nghệ giành chiến thắng mà một công nghệ thành công là một công nghệ phù hợp nhất, hòa hợp nhất. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét các khía cạnh khác liên quan đến sự cạnh tranh của WiMAX và 3G LTE trên đường tiến tới mạng di động thế hệ thứ 4.
Cạnh tranh giữa WiMAX và 3G LTE
WiMAX là một khao khát gia nhập vào thị trường thông tin di động của cộng đồng « công nghệ thông tin ». WiMAX là thuật ngữ được bắt đầu nhắc đến từ những năm 2000, với mục đích ban đầu chỉ hướng đến thị trường Internet băng rộng ở các vùng hẻo lánh. Tiếp theo, WiMAX hướng đến cung cấp giải pháp Internet băng rộng di động. Kể từ đó, nó được xem như là một đối thủ cạnh tranh của mạng thông tin di động 3G và bây giờ là 3G LTE.  Nếu đặt WiMAX vào vị trí cạnh tranh với mạng thông tin di động, biết rằng mạng thông tin di động ngày nay có khoảng hơn 2,6 tỉ thuê bao trên thế giới, rõ ràng WiMAX gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm thị phần của mình.
Lợi điểm của WiMAX so với 3G LTE là WiMAX đã sẵn sàng để được triển khai dịch vụ rộng khắp : thiết bị mạng WiMAX  đã hoàn thiện, thiết bị đầu cuối WiMAX sẽ có mặt trong năm tới trong khi đó 3G LTE phải đợi thêm vài năm nữa. WiMAX vừa cung cấp giải pháp cố định vừa cung cấp giải pháp di động băng rộng với chi phí triển khai thấp hơn so với triển khai một mạng 3G/3G LTE hoàn toàn mới. Do vậy, WiMAX thực sự gây được chú ý của các nước đang phát triển mà ở đó mạng 3G chưa có, mạng Internet tốc độ cao bằng cáp xDSL chưa rộng khắp.
So với WiMAX, 3G LTE đã có một công nghệ đi trước là 2G, 3G với số lượng thuê bao đã có sẵn. Đây là một lợi thế lớn để triển khai 3G LTE. Đặc biệt các thiết bị di động 3G LTE sẽ tương thích với các mạng thông tin di động thế hệ trước, do vậy người dùng sẽ có thể chuyển giao dễ dàng giữa mạng 3G LTE với các mạng 2G GSM/GPRS/EDGE và 3G UMTS đã tồn tại. Điều này cho phép những nhà cung cấp mạng 3G LTE có thể triển khai mạng dần dần cũng giống hệt khi họ nâng cấp mạng 2G lên 3G.
Trong khi đó WiMAX phải triển khai mạng từ con số không. Do WiMAX không tương thích với các chuẩn di động không dây trước đó nên việc thiết bị đầu cuối WiMAX có được tích hợp với chip 2G/3G hay không vẫn còn là một câu hỏi mở.  Nó hoàn toàn không phải là một câu hỏi về kỹ thuật mà là một vấn đề mang tính chiến lược. Nó tùy thuộc vào tác nhân nào sẽ triển khai mạng WiMAX trong tương lai : nhà cung cấp mạng thông tin di động 2G/3G hiện tại hay một nhà cung cấp mạng WiMAX hoàn toàn mới. Nếu là một nhà cung cấp mạng 2G/3G thì chắc chắn họ sẽ triển khai 3G LTE nếu như WiMAX không mang lại lợi ích nào đặt biệt vượt trội so với 3G LTE. Nếu nhà cung cấp chỉ có mạng 2G/2.5G, họ cũng có thể chọn lựa WiMAX như một sự nhảy cốc lên « gần » 4G thay vì đi lên 3G/3.5G rồi 3G LTE.
Như đã phân tích ở trên, việc triển khai 3G LTE từ mạng 3G, 3.5G có sẵn là một con đường dễ dàng. Làm như vậy các nhà cung cấp mạng có thể triển khai 3G LTE dần dần không cần thiết phải đảm bảo một vùng phủ rộng kín. Bên cạnh nhà cung cấp mạng vẫn tận dụng được mạng lõi 3G đã có, tận dụng hệ thống quản lý thuê bao và tính cước có sẵn. Từ này đến khi 3G LTE hoàn thiện và được vào sử dụng, 3.5G có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu dịch vụ băng rộng trước khi WiMAX thực sự chiếm được một thị phần quan trọng. Và thực tế có thể nhận thấy là các nhà cung cấp mạng 3G/3.5G họ không hề vội vàng trong việc tiến đến 3G LTE. Về khía cạnh kinh tế họ sẽ không triển khai 3G LTE trước khi thu lại được vốn và lãi từ việc nâng cấp lên 3G.
Kết luận
Dẫu rằng mỗi người có những nhận định khác nhau, những cái nhìn khác nhau về tính cạnh tranh của hai công nghệ này. Có một điều thống nhất là hai công nghệ này đã thu hút được một sự quan tâm lớn, tạo được một bước nhảy trong công nghệ thông tin di động không dây. Điểm yếu của WiMAX là nó không có tính kế thừa từ các hệ thống mạng có sẵn như 3G LTE đôi khi lại trở thành một điểm mạnh vì nó cho phép nhiều tác nhân mới thâm nhập vào thị trường thông tin di động. Sự thâm nhập này sẽ làm tăng tính cạnh tranh, tăng chất lượng dịch vụ và giảm giá cước viễn thông cho người dùng.
Cạnh tranh không phải bao giờ cũng là một giải pháp tốt nhất. Tại sao không nghĩ đến một sự kết hợp giữa WiMAX và 3G LTE để cùng nhau mang đến những dịch vụ tốt nhất cho người dùng ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét