Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

4 thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng


Theo ông Nguyễn Tiến Lực, Phó cục trưởng Cục cảnh sát kinh tế Bộ Công an, một số doanh nghiệp khi làm ăn thua lỗ đã quay sang làm giấy tờ giả để vay vốn ngân hàng, hay lập công ty "ma", khai khống tài sản thế chấp... Hầu hết các phi vụ lừa đảo đều có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng.
Có 4 dạng lừa đảo ngân hàng phổ biến hiện nay. Thứ nhất, là những người kinh doanh không gặp may, thua lỗ dẫn đến mất vốn nên tìm cách giả mạo giấy tờ lừa đảo. Ngân hàng VP Bank từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo kiểu này. Nhiều thương nhân người Việt ở Nga về nước thế chấp tài sản vay tiền ngân hàng để làm ăn buôn bán. Khi thất bát, họ tạo ra các loại giấy tờ giả khác vay VP Bank tới hàng trăm tỷ đồng, nay không có khả năng thanh toán.

Tiếp đó là những kẻ chủ tâm lừa đảo ngân hàng ngay từ khi tính toán vay vốn. Họ có quá trình chuẩn bị, tẩy xóa tài liệu... Điển hình là Nguyễn Trọng Quý (Đoàn luật sư Bắc Ninh) nhờ người đứng tên thành lập 6 công ty ở TP HCM. Quý móc nối với một số cán bộ Ngân hàng Công thương để chiếm đoạt khoản vay hơn 35 tỷ đồng, rồi bỏ trốn.
Thứ ba, là những người thành lập nhiều công ty giả: không có địa chỉ, con dấu... Họ lập các hợp đồng mua bán hàng hóa giả, sau đó thông đồng cùng cán bộ ngân hàng vay vốn, chiếm đoạt tiền.
Cuối cùng là việc một số đối tác nước ngoài lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các doanh nghiệp Việt Nam trong khi thực hiện hợp đồng mua bán. Do vậy, doanh nghiệp bị mất vốn, không có khả năng thanh toán khoản nợ trước đây với ngân hàng.
Các nhóm lừa đảo thường sử dụng thủ đoạn gây thanh thế thân quen với người có chức quyền; hay chơi sang, xài đồ xịn để cán bộ ngân hàng nể, tưởng doanh nghiệp đang "phất" nên cho vay nhiều vốn. Lúc đầu, họ vay ít, trả đúng hạn. Sau đó, dùng một tài sản để thế chấp vay nhiều ngân hàng, hoặc lập luận chứng kinh tế giả, hồ sơ giả khai khống tài sản...
Nhiều kẻ lừa đảo còn sửa chữa giấy tờ ấn chỉ có giá trị như sổ tiết kiệm, séc rút tiền... để chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Điển hình là Trần Thị Hoa Anh (Hải Dương) dùng sổ tiết kiệm có trị giá 0,5-5 triệu đồng sửa thành 500-980 triệu đồng thế chấp vay ngân hàng hơn 4 tỷ đồng.

Các hành vi trên được thực hiện trót lọt, có sự "giúp sức" đáng kể của một số cán bộ ngân hàng. Khi thẩm định các tài sản cho vay, bảo lãnh, thế chấp... họ chỉ làm đại khái, bỏ qua nhiều thủ tục quy định.
(Theo Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét