shutterstock_20688208-676x450
Vạn lý Trường thành, Bắc Kinh, Trung Quốc
Thô lỗ – Dữ dằn – Vô lương tâm. Đây là những từ ngữ người ta dùng để mô tả về vị quan triều đình Chu Xứ thời trẻ.
Chu sống vào triều đại nhà Tấn tại vùng Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Do không có sự chỉ bảo tận tình, đúng đắn của cha mẹ từ nhỏ, Chu đã phát triển một tính cách ngỗ nghịch, đó là thô lỗ, không biết kiềm chế, và bị mọi người coi là “côn đồ làng”.
Với tính cách thô lỗ, cộc cằn như vậy, Chu sớm nhận ra là mọi người tránh ông như tránh tà. Với quyết tâm giành lại cảm tình của mọi người, Chu quyết định rằng cách tốt nhất để lấy lại tình cảm của mọi người trong làng là giúp họ giải quyết những khó khăn. Ông để ý thấy dân làng hầu như ai cũng có vẻ chán nản và nỗi lo hiện rõ trên khuôn mặt.
“Đất nước đang thái bình, thời tiết thuận lợi, mùa màng bội thu và mọi thứ diễn ra như mong ước, vậy tại sao mọi người ai cũng thật rầu rĩ?” Chu đặt câu hỏi. Vị trưởng lão già nhất làng trả lời: “Ai có thể vui vẻ được khi mà ba điều đáng sợ vẫn chưa được giải quyết?” Chu hỏi, “ba nỗi sợ ấy là gì vậy?” Vị trưởng lão trả lời: “Có một con hổ trắng ở vùng núi phía Nam thi thoảng vẫn tấn công con người. Thuỷ long (rồng nước) sống ở con sông dưới cầu Trường thường xuyên tấn công con người và vật nuôi là nỗi sợ khác. Còn nỗi sợ thứ ba….”
Im lặng. Rồi sau một chút do dự, vị trưởng lão liền trả lời “Điều chúng tôi sợ đó là anh”.
Như sét đánh ngang tai, Chu lặng lẽ nghiền ngẫm thật lâu và thật kỹ lời của những người lớn tuổi. Cuối cùng, Chu tuyên bố “Tôi sẽ loại bỏ cả ba nỗi sợ hãi đó!”
Với vũ khí đã được mài sắc trong tay, Chu một mình đi tới vùng núi để bắt hổ trắng hung dữ. Anh đã chiến đấu hết sức vất vả và đã đánh bại được con thú. Sau đó anh đến con sông có thuỷ long hung dữ và sau trận chiến dữ dội ba ngày ba đêm với thuỷ long, Chu đã lấy được đầu con thú dữ.
Trong khi đó, dân làng nhận thấy Chu đã biến mất trong ba ngày liền và cho rằng có lẽ anh đã bị chết vì đánh nhau với thú dữ. Vui mừng với việc ba nỗi sợ hãi đã biến mất, dân làng sung sướng nhảy múa reo hò và chúc tụng lẫn nhau. Đúng lúc đó, Chu trở về. Chứng kiến sự hân hoan cùng lễ hội đang diễn ra, cuối cùng Chu đã hiểu rằng anh bị dân làng căm ghét và cảm thấy xấu hổ lẫn đau buồn vì điều này.

Con đường chuộc lại lỗi lầm

Với quyết tâm sửa chữa sai lầm trong quá khứ, Chu tự hứa sẽ trở thành một người lịch thiệp và có học thức. Ông bắt đầu tìm các vị thầy nổi tiếng. Ông sớm phát hiện ra người cháu trai của vị tướng Lục Tốn nhà Đông Ngô là Lục Cơ và Lục Vân là những người được học hành tử tế từ các học giả nên đã chuẩn bị một chuyến viếng thăm đặc biệt để đề nghị hai người chỉ dạy cho mình.
Tuy nhiên, Chu chỉ tìm gặp được Lục Vân và lập tức nêu lên câu hỏi mà ông vẫn canh cánh trong lòng. “Tôi thực sự muốn sửa sai và bắt đầu lại, nhưng vì tuổi cao, tôi không biết mình có đủ thời gian hay không”, Chu nói. “Người xưa đánh giá cao những người muốn thay đổi”, Lục Vân khích lệ. “Tương lai của ông khá sáng sủa. Hơn nữa, người ta nên để tâm vào việc quyết tâm sửa chữa lỗi lầm hơn là danh tiếng”.
Sau đó Chu ngộ ra một chân lý sâu xa, đó là “Có chí thì nên”. Chu chăm chỉ và cần mẫn làm việc để sửa đổi bản thân, đồng thời rất quan tâm đến sự tự tu luyện và hoàn thiện đạo đức. Chỉ trong vòng một năm, tiếng tăm của Chu thay đổi theo chiều hướng tích cực đến nỗi các quan chức địa phương đều tiến cử ông làm quan.
Qua hơn 30 năm sau đó, Chu đã giữ nhiều chức vụ khác nhau, ông luôn là một vị quan trách nhiệm và được yêu mến. Trong suốt thời gian làm quan, ông đã thực thi nhiệm vụ một cách đúng mực và đầy trách nhiệm.
Là một vị quan, Chu đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý. Ông là người giỏi lễ nghi, giao thiệp, Chu đã thiết lập được mối giao hảo với các dân tộc thiểu số. Khi ở Quảng Hán, ông đã cho thấy mình là vị quan liêm khiết và tài năng, đã phá được nhiều vụ án bế tắc từ nhiều thập kỷ trước đó. Khi làm quan trong triều, ông hành xử công bằng theo luật pháp mà không thiên vị các vị quan lớn và sự ngay thẳng này khiến ông trở thành kẻ thù của nhiều nhóm quan lại.
Một thời gian sau, khi dân tộc thiểu số người Di do Chi Won Nien dẫn đầu nổi loạn, một số vị quan trong triều muốn làm hại Chu đã tiến cử ông đi dẹp loạn. Những người biết ý định nham hiểm của các cận thần đã khuyên Chu từ chối nhiệm vụ.
Ông đã không thay đổi. “Còn cách nào tốt hơn để thể hiện lòng yêu nước và trung thành? Tôi sẵn sàng xa những người thân yêu để phục vụ triều đình, vì vậy hôm nay là ngày tôi hy sinh cho nước nhà!” Cuối cùng, Chu đã hiến dâng cuộc sống của mình cho đất nước, rơi vào cái bẫy của những tên quan xấu bụng và hy sinh trên chiến trường.
Chu đã chứng minh được lòng dũng cảm cùng sự thay đổi bản tính vốn có, từ một kẻ côn đồ cộc cằn trở thành một vị quan trung thành và được ngợi ca. Câu chuyện về Chu Xứ nhắc nhở chúng ta rằng con người ta có thể mắc phải sai lầm nhưng một khi họ sẵn sàng và quyết tâm thay đổi, số phận của họ sẽ thay đổi cùng một tương lai tốt đẹp.