Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Mọi thứ vì quyền lực: Câu chuyện có thật về Giang Trạch Dân ở Trung Quốc – Giới thiệu

Mọi thứ vì quyền lực: Câu chuyện có thật về Giang Trạch Dân ở Trung Quốc – Giới thiệu

Hãy trả lại cho lịch sử những gì thực sự là của Giang Trạch Dân. Đây là trách nhiệm không thể thoái thác của tất cả chúng ta.

Nếu như số phận quyết định vận mệnh của một người, thì sự an bài của lịch sử cũng có khả năng dàn xếp cho một sinh mệnh có xuất thân đáng xấu hổ.

Khi Giang Trạch Dân tham dự buổi thảo luận với một đoàn đại biểu tỉnh Hồ Bắc trong một cuộc họp Quốc hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào ngày 12 tháng 3 năm 2003, ông ta nói: “Tôi từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nồi hơi Vũ Hán từ năm 1966 đến năm 1970. Đó là vào thời kỳ Cách mạng Văn hóa… phe tạo phản [trích dẫn nguyên văn] đã cẩn thận xem xét hồ sơ [1] cá nhân của tôi. Được thôi, vì điều đó đã chứng tỏ rằng tôi có một quá khứ trong sạch.”

Có lẽ những thính giả của Giang lúc ấy không hiểu được mục đích của ông ta là gì. Tại sao Giang – Tổng bí thư của ĐCSTQ – cần tự thanh minh về “quá khứ trong sạch” của mình?

Lý do nằm ở tiểu sử của Giang có vấn đề. Cha đẻ của ông ta, Giang Thế Tuấn (còn được biết đến với cái tên Giang Quan Thiên), là một tên Hán gian làm việc cho người Nhật khi họ chiếm đóng Trung Quốc. Trường đại học mà Giang từng theo học, Đại học Trung ương Nam Kinh, thực ra là được điều hành bởi quân chiếm đóng Nhật Bản. Ông ta đã bịa đặt ra rằng chú của ông ta đã nhận nuôi ông ta, mặc dù người chú của ông ta kỳ thực đã qua đời vào thời gian ấy. Khi được đào tạo ở Nga, có thời gian Giang đã chìm đắm trong một vụ bê bối tình ái với một phụ nữ người Nga và trở thành một điệp viên cho KGB. Và đây chỉ là một phần nhỏ của bức tranh lớn hơn nhiều, vì tiểu sử của Giang đầy rẫy những tình tiết xấu xa. Dựa trên cơ sở nào mà ông ta có thể tự nhận rằng mình có “quá khứ trong sạch”? Khi “phe tạo phản” kiểm tra hồ sơ của Giang, họ đã không thể biết về những rắc rối lớn trong quá khứ của Giang đã bị ông ta giấu diếm.

Vào năm 2005, Giang Trạch Dân đã phát hành ầm ĩ cuốn sách “Người đã thay đổi Trung Quốc”, một cuốn tiểu sử được xuất bản bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, mà ông ta đã ủy thác cho một thương nhân người Mỹ tên là Robert Kuhn viết. Cuốn sách đã đại biểu cho nỗ lực công khai của Giang nhằm đánh bóng tiểu sử cá nhân vốn đã được ông ta che giấu từ lâu.

Quá khứ có câu “lạy ông tôi ở bụi này”. Trong cuốn sách tâng bốc và thêu dệt tiểu sử của Giang, người ta để ý rằng một từ đã được lặp đi lặp lại rất nhiều lần: yêu nước. Phần mô tả thời gian ông ta học ở Trường Đại học Trung ương Nam Kinh của quân Nhật, với đủ tính ly kỳ, có tựa đề là “Tôi là người yêu nước”. Nhưng lòng ái quốc là một vấn đề bổn phận của công dân và hầu như là thứ gì đó có sẵn, là sự trung thành với mảnh đất đã nuôi dưỡng bạn. Một người có tiểu sử trong sạch hiếm khi cần phô trương sự yêu nước của mình trước công chúng.

Một thực tế đơn giản là người cha đẻ của Giang đã chạy trốn và phục vụ cho quân chiếm đóng Nhật Bản. Trong nửa sau cuộc đời của Giang – thậm chí khi được kể trong cuốn tiểu sử mà Giang đã yêu cầu người khác viết – Giang nhanh chóng tránh nói về cha của mình. Điều duy nhất được đề cập đến trong cuốn tiểu sử của ông ta là, “Cha của Giang mất năm 1973.”

Giang tuyên bố bịa đặt rằng ông ta được nhận nuôi từ năm 13 tuổi bởi gia đình người chú, đảng viên cộng sản Giang Thượng Thanh; nhưng nó cho thấy việc nhận nuôi đã diễn ra ngay sau khi người chú qua đời. Giang Trạch Dân đã tốt nghiệp đại học vào tuổi 21. Và có lý do để thắc mắc: Ai đã nuôi Giang giữa lúc ông ta 13 tuổi và 21 tuổi? Con gái của Giang Thượng Thanh, Giang Trạch Huệ, đã nói với Kuhn rằng gia đình họ sống trong cảnh “vô cùng bần cùng và đói khổ” [2]. Nếu là như vậy, thì ai là người đã trả học phí để Giang Trạch Dân học tập tại một trường trung học dành cho quý tộc và Trường Đại học Trung ương Nam Kinh? Ai là người đã chi trả để Giang học nghệ thuật và âm nhạc trong những năm loạn lạc, chiến tranh và lạm phát phi mã ấy? Ai đã cho ông ta lái một chiếc xe jeep ngay sau khi tốt nghiệp đại học (theo như Kohn ám chỉ)? Nói cách khác, ai khác ngoài người bố đẻ đã hậu thuẫn cho ông ta? Liệu Giang Thượng Thanh, người đã qua đời bảy tám năm trước, thực sự có thể làm được vậy không?

Sự thực là cuộc đời của Giang Trạch Dân chẳng có quan hệ gì với người được coi là bố nuôi của ông ta. Chẳng phải là sau khi ĐCSTQ nắm quyền tại Trung Quốc thì Giang mới đột nhiên “nhớ lại” rằng ông ta có một liệt sĩ đảng cộng sản (người chú) trong gia đình? Ông ta đã phát minh ra một quá khứ, trong đó ông ta từ bỏ người bố đẻ và trở thành đứa con nuôi của một người đàn ông đã mất. Tuy nhiên, phần này của câu chuyện sẽ được chúng tôi trở lại sau.

Trên đây không phải là để ám chỉ rằng tính cách hay giá trị của một người chỉ là sản phẩm đơn thuần của thân thế người đó. Thay vào đó, nó gợi ý rằng chúng ta có thể bắt đầu vạch trần bản chất dối trá của Giang bằng cách xem xét xuất thân mà đa phần được che giấu và ngụy tạo, cũng như quá khứ của ông ta. Trong những năm gần đây, Giang còn đi xa hơn nữa khi nói bóng gió rằng cha ông ta – một tên Hán gian – thực ra là một anh hùng khi chiến đấu với quân Nhật. Theo như lời của người em họ ông ta, Trạch Huệ “Cả gia đình tôi đều theo cách mạng” [3] “Đàn ông nhà họ Giang đều đi đánh giặc” [4] và “Tất cả đều tham gia cách mạng, chiến đấu với quân xâm lược Nhật Bản và Quốc Dân đảng” [5]. Đối với những độc giả tại Trung Quốc mà không biết những tình tiết về thân thế gia đình họ Giang, những lời phát ngôn như vậy rất dễ lừa gạt họ.

Cái loa chính thức của chính quyền ĐCSTQ, Nhân dân Nhật báo, đã đưa tin vào ngày 11 tháng 12 năm 1999 rằng Giang Trạch Dân và lãnh đạo Nga lúc đó là Boris Yeltsin đã ký tại Bắc Kinh ba hiệp ước về biên giới Nga-Trung. Nhưng thật khó tin là cuộc họp như vậy lại không được đề cập tới trong cuốn tiểu sử do Kuhn viết, trong khi những thứ vặt vãnh như là Giang đã hát một bài hát nào đó lúc nào và ở đâu, và những chi tiết không quan trọng về cuộc họp của ông ta với các lãnh đạo nổi tiếng lại được ghi trong đó. Tại sao Kuhn bỏ qua một cuộc họp cấp nhà nước, và về một vấn đề quan trọng như ký hiệp ước biên giới với Yeltsin? Nguyên là trong cuộc họp đó, Giang đã công nhận về mặt ngoại giao tất cả các hiệp ước không công bằng [với Nga] từ cuối thời Mãn Thanh – những hiệp ước mà không chính phủ Trung Quốc nào trước đó đã thừa nhận. Thứ mà Giang đã ký hoàn toàn là một điều ước của kẻ bán nước, trong đó làm mất những vùng đất hợp pháp mà các thế hệ sau có thể phải đi đòi lại. Hiệp ước này nhượng cho Nga hơn 1 triệu km vuông đất màu mỡ – vùng đất rộng gấp hơn 30 lần đảo Đài Loan. Thấy rằng lực lượng người Hoa lớn mạnh trên toàn thế giới có thể bắt ông ta phải giải thích về hiệp ước bán nước, Giang Trạch Dân đã cố gắng tô vẽ lại quá khứ của mình. Ông ta không nhận ra rằng thủ đoạn đó chỉ là tự chuốc lấy thất bại mà thôi.

Trong cuốn sách của ông ta, Giang tự cho mình là một lãnh đạo có trách nhiệm, người quan tâm sâu sắc đến cuộc sống và sự đau khổ của người dân Trung Quốc. Nhưng hãy xem Giang đang làm gì trong trận lụt lớn ập vào Trung Hoa năm 1998. Vào đầu tháng 9, khi vô số người đang phải chiến đấu với nạn lụt và ở bên bờ vực của cái chết, thì Giang mời một số nam nữ diễn viên điện ảnh tới một bữa tiệc tại tổ hợp lãnh đạo Trung Nam Hải ở Bắc Kinh. Kuhn miêu tả nó là “ý tưởng của Giang Trạch Dân cho một thời điểm tốt đẹp”. Lúc gặp mặt, Giang đã hát song ca với một nữ ca sĩ những bản tình ca thời xưa của Nga, chẳng hạn như “Chiều Matxcơva” (Moscow Nights) [6]. Chúng tôi nghe kể rằng trong một lúc cao hứng, ông ta đã gia nhập đám đông và hát bài “Đại dương là quê hương tôi”. Kuhn tô vẽ nó thành “Giang đặc biệt”, người đã chớp lấy thời cơ, dường như “không còn sự cản trở của nghệ thuật” [7]. Thật là nực cười. Trong khi người dân Trung Quốc đang vật lộn trong vô vọng với sóng lũ, lụt lội như ở đại dương, thì Giang đang hát bài “Đại dương là quê hương tôi” với những người bạn gái ở Trung Nam Hải. Đáng buồn thay, nhưng cũng không có gì ngạc nhiên lắm khi Giang, một người sẵn sàng giấu diếm xuất thân Hán gian của ông ta để leo lên vị trí cao, ít quan tâm đến sinh mạng các công dân của mình.

Trong tác phẩm của Kuhn, Giang xuất hiện như một hình mẫu của lối sống đạm bạc và việc chiến đấu chống lại tham nhũng. Nhưng trong khi sự gia tăng của nạn tham nhũng bao trùm khắp Trung Quốc trong những năm vừa qua như mọi người đã biết, ít người nhận ra rằng gốc rễ của vấn đề không nằm ở ai khác ngoài Giang Trạch Dân cùng gia tộc ông ta. Nhờ đó những người con trai thiếu năng lực và bằng cấp của ông ta, đã xoay sở để xây dựng gia đình Giang trở thành một đế chế giàu có. Chúng là, người ta có thể nói, “Trung Quốc đệ nhất tham”.

Người ta đã đồn đãi từ lâu rằng Giang từng lặn lội giữa đêm tuyết rơi để đến đưa bánh sinh nhật cho bồ nhí của chủ tịch Thượng Hải lúc ấy là Lý Tiên Niệm. Lý đang có khách vào lúc ấy, nên Giang đã đứng đợi nhiều giờ đồng hồ ở bên ngoài để chứng tỏ lòng trung thành. Câu chuyện này là hoàn toàn kỳ lạ và không thể xác thực được. Vì một số lý do lạ lùng – có lẽ là một lương tâm tội lỗi? – trong tiểu sử của mình, Giang đã cố gắng bảo vệ việc đưa bánh, sự kiện thực sự đóng vai trò xác thực câu chuyện kỳ lạ này. Giang nói với độc giả rằng ông ta quan tâm tới lãnh đạo của mình và rằng chiếc bánh là “chiếc bánh cuối cùng trong khách sạn” [8]. Ông ta cũng tuyên bố rằng mục đích của ông ta là đạt đến sự đồng thuận và “xây dựng mối quan hệ với những người đúng đắn” [9]. Giả sử rằng chúng ta chấp nhận luận điểm này, thế thì nó cũng đúng như việc nói rằng Trung Quốc là không có tham nhũng và hối lộ – không phải mỗi hành động như thế chỉ là một vấn đề “quan tâm đến lãnh đạo” hay “đạt được sự đồng thuận và xây dựng mối quan hệ”? Điều này cũng tương đương với hợp pháp hóa tham nhũng.

Việc Giang Trạch Dân thăng quan tiến chức nhanh chóng trong nấc thang quyền lực phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là việc ngụy tạo câu chuyện về xuất thân trong gia đình liệt sĩ của ông ta, điều giúp Giang giành được đồng minh chính trị với Uông Đạo Hàm và Trương Ái Bình; cả hai người này sau đó đã liên tục thăng chức cho Giang. Điều đáng nói là hai người này là bạn của người chú của Giang. Thứ hai là khả năng của ông ta khi nịnh nọt thượng cấp và giành được cảm tình từ lãnh đạo Đảng. Cuối cùng thì hai điểm này đã cho phép Giang cướp được ngai vàng.

Sau khi giành được quyền lực, Giang Trạch Dân như mắc bệnh điên và bắt đầu làm những trò hề như nhảy múa và hát hò trong các cuộc giao lưu ngoại giao quốc tế. Những cử chỉ nực cười đi ngược lại các nghi lễ ngoại giao và sự tôn nghiêm dân tộc của Trung Quốc đó dường như nằm ngoài tâm trí của Giang. Thông qua chuyện phá hoại danh dự của Trung Quốc này, mà Giang giành được danh hiệu “thằng hề”. Trong một buổi gặp gỡ với Nhà vua Tây Ban Nha, ông ta đột nhiên rút ra một chiếc lược và tự chải đầu, để những người ở đó nhìn thấy rõ. Một dịp khác, khi ông ta được tặng Huân chương, ông ta không thể chờ được và chộp lấy chiếc Huân chương rồi tự đeo cho mình. Một lần, đang trong bữa tiệc quốc gia, ông ta thình lình mời một đệ nhất phu nhân người ngoại quốc khiêu vũ cùng. Ông ta nhảy lên từ chiếc ghế để hát bài “O Sole Mio,” vừa gõ bàn phím piano vừa dán cặp mắt đắm đuối vào các quý cô. Những trò hề của ông ta đã trở thành kho chuyện cười cho giới báo chí phương Tây. Chúng ta hãy xem cuộc gặp của ông ta với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Giang đã viếng thăm Hoa Kỳ vào năm 1993 và 1997, và Clinton đã viếng thăm Trung Quốc vào năm 1998. Mỗi lần họ gặp nhau, Giang lại chơi một số nhạc cụ hoặc hát. Sau khi biểu diễn, ông ta lần nào cũng yêu cầu Clinton chơi kèn saxophone, điều mà Clinton từ chối một cách kiên quyết dù cho ông là một chuyên gia âm nhạc. Vào năm 1997, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Giang, một nhà báo đã nêu ra vấn đề Tây Tạng trong một cuộc họp báo. Giang đã bất ngờ hát to bài “Nhà ở nơi xa,” trước sự bối rối của khán giả. Điển hình là Giang thường nhắc lại bài diễn văn Gettysburg của cựu lãnh đạo Abraham Lincoln. Khi nói chuyện với các sinh viên, trả lời các cuộc phỏng vấn báo chí, hay thậm chí viếng thăm nước ngoài, Giang thường kiếm cớ để nhắc lại bài diễn văn này. Khi được yêu cầu, ông ta ngoan ngoãn nhắc lại nó; khi không được yêu cầu, ông ta cũng nhắc lại y hệt. Rất hiếm khi một nguyên thủ quốc gia làm điều như vậy ở đây.

Một điều còn phi lý hơn nữa là sự ám ảnh của Giang trong việc nói ngoại ngữ. Trong lần viếng thăm Châu Mỹ La-tinh, Giang – bất chấp tuổi tác và lờ đi các vấn đề quan trọng của quốc gia – đã dành vài tháng tham dự một lớp học tiếng Tây Ban Nha tăng cường. Giang hành xử như một thằng hề, và vì đã được ngai vàng một cách ngẫu nhiên, ông ta khó có thể thay đổi bản tính phô trương của mình. Trong bản tiếng Trung của cuốn tiểu sử, ông ta lý sự: “Nếu bạn không thể giao tiếp với người khác vì sự khác biệt ngôn ngữ, làm sao bạn có thể trao đổi ý tưởng hay đạt được thoả thuận?” Nhưng các lý lẽ thông thường chứng tỏ rằng kỹ năng ngôn ngữ vụng về khó có thể đủ để Giang có được sự giao tiếp thông minh và biểu cảm. Nhiều nguyên thủ quốc gia nói ngôn ngữ mẹ đẻ của họ và cần một thông dịch viên. Chẳng lẽ họ không thể đạt được những thoả hiệp trong các giao lưu ngoại giao?

Có lẽ là vì lãnh đạo của các quốc gia cộng sản điển hình là bảo thủ, cho nên nhiều lãnh đạo Tây phương coi nhân vật “dễ bị kích động” Giang Trạch Dân như một kẻ lập dị của Đảng, và thấy những màn biểu diễn của ông ta thật là khôi hài.

Các lãnh đạo có tài năng thực sự và tầm nhìn rộng không mất thời gian và công sức vào những trò nực cười như vậy. Lý do Giang Trạch Dân vui tính và “dễ bị kích động” là liên quan đến khả năng pha trò vặt vãnh của ông ta giống như chú hề trong một số vở kịch vui. Các chính trị gia phương Tây đã trải thảm đỏ hoan nghênh Giang, không phải vì tài năng của ông ta, mà là vì các hợp đồng trong túi ông ta và triển vọng khai thác thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc. Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những năm gần đây là nhờ tác động bởi hơn 500 tỷ đô-la vốn đầu tư nước ngoài, cùng với một lực lượng lao động rẻ mạt và vô cùng cần mẫn. Với sự đầu tư lớn như vậy, lao động rẻ, và nhiều nhân tài Trung Quốc tham gia, tất nhiên sản lượng phải cao. Nhưng đây không phải là công lao của Giang. Ngược lại, sự bất tài của Giang, tính kiêu ngạo, đố kỵ, và bảo thủ chính trị của ông ta đã cản trở sự cải cách chính trị, đi kèm với sự xuống cấp về giá trị đạo đức và nạn tham nhũng tràn lan. Hậu quả là dẫu nền kinh tế có phát triển thế nào, cái giá phải trả là sự cạn kiệt tài nguyên khổng lồ và sự suy thoái về sinh thái, môi trường và xã hội. Thực ra, sự thịnh vượng kinh tế bề mặt của Trung Quốc là sự đánh đổi với sự bền vững của môi trường. Giang đã làm hại tương lai của đất nước, để cải cách chính trị dậm chân tại chỗ nếu không muốn nói là thụt lùi, đưa tới sự lạm dụng nhân quyền và thiếu tự do tín ngưỡng. Khi đặt trong bối cảnh lịch sử, sự thống trị của Giang cuối cùng vẫn là ô nhục; ông ta đã nợ người dân Trung Quốc quá nhiều.

Khi Giang để cho Kuhn miêu tả mình, ông ta là cái gì đó của một bộ máy giải quyết vấn đề thông minh. Nhưng trên thực tế là khi một cuộc khủng hoảng ập tới – dù đó là lụt lội, đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, bầu cử dân chủ ở Đài Loan, hay dịch bệnh SARS – Giang luôn luôn đẩy người khác lên tuyến đầu và hèn nhát đứng đằng sau. Khi dịch bệnh SARS lan rộng tại Bắc Kinh, Giang đã tham sống sợ chết và chạy trốn sang Thượng Hải để tỵ nạn. Nhưng trong bản tiếng Trung cuốn tiểu sử của mình, ông ta tuyên bố rằng ông ta đã “ở lại Thượng Hải cùng với dịch bệnh”, để che đậy sự trốn chạy của mình. Sự thật là, chỉ vài ngày trước chuyến bay, Giang đã ở Bắc Kinh để phát biểu tại Đại Lễ đường Nhân dân và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân. Dựa trên cơ sở nào mà ông ta sử dụng câu “ở lại Thượng Hải cùng với dịch bệnh” để chạy tội cho chính mình?

Khi không lập bè kết phái hay đi công du nước ngoài để hát hò và thể hiện, điều Giang Trạch Dân để tâm nhất là việc cấp tốc đàn áp Pháp Luân Công. Khi mà thế giới bên ngoài biết rõ là Giang đã đi quá xa khi phân phát những cuốn sách nhỏ phỉ báng Pháp Luân Công trong các cuộc họp ngoại giao, không mấy người biết được sự phản ứng nhanh chóng của Giang sau vụ can thiệp vào tín hiệu truyền hình của các học viên Pháp Luân Công. Vào ngày 5 tháng 3 năm 2002, các học viên Pháp Luân Công đã can thiệp vào tám kênh truyền hình cáp tại thành phố Trường Xuân và chiếu đoạn phim dài 45 phút về cuộc đàn áp đối với họ. Để nhắc lại buổi tối ngày hôm đó, cuốn sách của Kuhn trích lời một người bạn thân của Giang tại Trường Xuân. Người đó nói rằng 10 phút sau khi sự can thiệp kết thúc (9 giờ 10 phút tối), Giang Trạch Dân đã nổi khùng và gọi điện: “Các phần tử Pháp Luân Công đang phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp của Trường Xuân!” “Ai là bí thư Thành ủy hay thị trưởng thành phố?” [10] Sự phản ứng nhanh chóng của Giang với sự kiện này – xảy ra ở một nơi cách xa Bắc Kinh – và nỗ lực đe dọa của ông ta với người Bí thư Thành ủy, đã cho thấy rằng Giang thực ra là tổng chỉ huy của cuộc đàn áp Pháp Luân Công; ông ta là người chỉ thị trực tiếp về vấn đề này; và chính ông ta đã ra các mệnh lệnh. Ngược lại, khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade bị đánh bom, Giang Trạch Dân đã ở đâu đó trong nhiều ngày mà không ai tìm thấy.

Trong cuốn tiểu sử của mình, Giang luôn cố gắng tự biện hộ cho bản thân, với thủ pháp là trích dẫn câu nói của chính mình, để tạo ra bất cứ hình ảnh nào mà ông ta thích và tô vẽ mọi thứ. Nhưng có quan chức Trung Quốc nào mà bị kết án tham nhũng lại chưa từng tuyên bố trong một cuộc họp rằng ông ta “chống tham nhũng”? Hành động có thể nói nhiều hơn cả lời nói. Điều này lại càng đúng với một nhân vật lẻo mép và thích hát hò như Giang Trạch Dân.

Việc Giang bất hiếu với người cha đẻ của mình, bất trung với các tổ chức, và thiếu trung thực với nhân dân đã khiến ông ta trở thành kẻ “bất nhân, bất nghĩa, bất lễ, bất trí, bất tín” [11] – một tên hề mang lại tai họa cho đất nước Trung Hoa. Việc cho phép Giang Trạch Dân hoang ngôn và viết lại tiểu sử chính là làm hại các thế hệ sau.

Tiểu sử của Giang, bạn có thể nói, tương ứng với cuộc đời của ông ta: đầy rẫy sự dối trá và mâu thuẫn.

Nếu thế hệ chúng ta có thể đảm trách sứ mệnh là nhân chứng của lịch sử, vậy thì hãy trả lại cho lịch sử những gì thực sự là của Giang Trạch Dân. Đây là trách nhiệm không thể thoái thác của tất cả chúng ta.



Ghi chú:

[1] Dưới sự thống trị của cộng sản tại Trung Quốc, những ghi chép về mỗi cá nhân, gọi là “lý lịch”, được lưu giữ bởi nhà cầm quyền, trong đó có chi tiết về những hành vi của mỗi cá nhân, nhận thức chính trị, xuất thân gia đình, việc xuất ngoại và nhiều thứ khác như là một phương tiện để giám sát và kiểm soát dân chúng.

[2] Robert Lawrence Kuhn, “Người đã thay đổi Trung Quốc: Cuộc đời và di sản của Giang Trạch Dân” (New York: Crown, 2004), tr 31.

[3] Kuhn, Người đã thay đổi Trung Quốc, tr 33.

[4] Sách đã dẫn, tr 32.
[5] Sách đã dẫn, tr 34.
[6] Sách đã dẫn, tr 366.
[7] Sách đã dẫn, tr 369.
[8] Sách đã dẫn, tr 125.
[9] Sách đã dẫn, tr 124.
[10] Sách đã dẫn, tr 490.

[11] Điều này trái ngược với những đức hạnh chính yếu của con người được miêu tả bởi Khổng Tử là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét