Ông Frank Lee – Phát ngôn viên của Hiệp hội Học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Washington, DC, đang phát biểu tại một cuộc họp báo ở Điện Capitol của tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 15 tháng 9 (Lisa Fan / Epoch Times)
WASHINGTON – Cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, được phát động bởi lãnh đạo cộng sản Giang Trạch Dân từ tháng 7 năm 1999, đã kéo dài suốt 16 năm qua. Giờ đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền tảng chính trị của nó đang ngày càng bị lung lay. Một phong trào nhằm đưa Giang ra trước công lý vì đã đóng vai trò chính trong việc lãnh đạo chiến dịch này đang nhận được thêm xung lượng, và cộng đồng Pháp Luân Công hy vọng rằng cuối cùng rồi cũng đến ngày Giang Trạch Dân phải bị đền tội.
Vào ngày 15 tháng 9, nhiều bạn bè và những người ủng hộ các học viên Pháp Luân Công bị bức hại cũng như nhiều Nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ đã tham gia một diễn đàn tại Điện Capitol của tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, để thông báo cho các thành viên của Quốc hội, cho báo chí và công chúng biết rõ về tình trạng của phong trào và các mục tiêu của nó.
“Hơn 178.000 học viên Pháp Luân Công và các thành viên trong gia đình của họ đã nộp đơn khởi kiện hình sự đối với Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), từ cuối tháng 5 đến ngày 14 tháng 9 năm 2015. Họ đôn đốc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ở Trung Quốc đưa Giang ra trước công lý vì đã chỉ đạo cuộc đàn áp Pháp Luân Công”, Frank Lee – người phát ngôn của Hiệp hội Học viên Pháp Luân Đại Pháp ở thủ đô Washington phát biểu.
Những người khởi kiện xuất thân từ Trung Quốc đại lục và từ 27 quốc gia khác. Trong số đó, 3.495 người đã bị tra tấn đến tàn tật hoặc có nhiều thành viên trong gia đình bị tra tấn đến chết; 22.287 người đã bị cưỡng bức đưa vào các trại cải tạo lao động hoặc nhà giam; và 54.449 đã bị nhốt tại các trung tâm giam giữ hoặc các trung tâm tẩy não.
Tất cả quy trình kiện tụng đã trở nên khả quan hơn khi Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc đã ban hành một số quy định có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 5 năm 2015. Hiện nay, nhiều Toà án có thể tiếp nhận đơn khiếu nại, không còn từ chối như trước, và tất cả nguyên đơn sẽ được bảo vệ quyền pháp lý để khởi kiện, ít nhất là về mặt giấy tờ. Những khiếu nại này không thể tự động bị bác bỏ như trước đây nữa. Do đó, các vụ kiện chống lại Giang Trạch Dân ngày càng sôi động hẳn lên.
“Thông qua những vụ kiện của chúng tôi đối với Giang Trạch Dân, chúng tôi hy vọng sẽ thuyết phục những người khác có liên quan nên ngừng ngay cuộc đàn áp này và đứng về phía chính diện của lịch sử”
— Frank Lee – người phát ngôn của Hiệp hội Học viên Pháp Luân Đại Pháp ở thủ đô Washington phát biểu.

Vai trò của Giang

Giang Trạch Dân là trung tâm của các vụ kiện pháp lý bởi vì ông ta là người khởi xướng cuộc đàn áp, ra lệnh phải tiêu diệt Pháp Luân Công từ năm 1999, mặc dù các thành viên khác trong ban lãnh đạo hoặc là phản đối hoặc không ủng hộ.
“Lý do để xúc tiến những vụ kiện này là nhằm nâng cao nhận thức của công luận về cuộc đàn áp, và chúng ta cần phải chung tay kết thúc nó. Thông qua những vụ kiện của chúng tôi đối với Giang Trạch Dân, chúng tôi hy vọng sẽ thuyết phục những người khác có liên quan nên ngừng ngay cuộc đàn áp này và đứng về phía chính diện của lịch sử”, ông Lee nói.
Ông Lee nói rằng, đối với những người nộp đơn khiếu nại tại Trung Quốc đại lục dám dùng tên và địa chỉ thật, họ đã và đang mạo hiểm sự an toàn của cá nhân nhằm nâng cao nhận thức về cuộc đàn áp và đưa Giang ra trước công lý. “Những hành động của họ rất là vị tha và dũng cảm”, ông nói.
Hơn 3 năm qua, kể từ khi ông Tập Cận Bình thâu tóm được quyền lực của mình, rất nhiều phụ tá chính của Giang đã bị thanh trừng. Nhiều quan chức trong số đó, bao gồm Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh và nhiều người khác nữa, đã đóng vai trò chủ chốt trong chiến dịch chống Pháp Luân Công. Nhiều báo cáo tin tức rất tiêu cực về Phòng 610 cũng đã xuất hiện trong năm nay.Phòng 610 là một đội đặc nhiệm của ĐCSTQ được thành lập một cách bí mật để chỉ đạo cuộc đàn áp này, và trong vài tháng vừa qua, cơ quan này dường như đã không còn ai đứng ra lãnh đạo nữa.

Pháp quyền

Các vụ kiện này còn có sự tham gia của một thành phần nữa: đó là những luật sư nhân quyền. Chuẩn bị cho các hành động pháp lý thì cần phải có những luật sư đang hành nghề. Những người này đã đứng ra bảo vệ Pháp Luân Công nhưng chính bản thân họ lại thường xuyên bị bức hại và tra tấn.
Hugo Peng, trước đây là một luật sư bảo vệ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đã phát biểu thông qua một thông dịch viên: “Vì các luật sư nhân quyền luôn vận dụng lý tưởng cao quý của ‘pháp trị’ nên họ sẵn lòng tiếp tục bền chí mà không bỏ cuộc và chiến đấu cho đến cùng; thậm chí họ có thể hy sinh tính mạng của mình để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, và để bảo vệ các quyền tự do cơ bản của một công dân bình thường”.

“Phong trào Pháp Luân Công thực sự là một phong trào giúp loài người tự thân giải thoát, tốc độ lan truyền kỳ lạ của nó chỉ đến từ việc người truyền người, tâm truyền tâm. Và là một phong trào mang đến sự thay đổi to lớn cho toàn nhân loại”
— Hugo Peng, Văn phòng Bảo vệ Quyền Luật sư ở Trung Quốc.
“Thật không may, ĐCSTQ đã chứng minh rằng dù người dân có cố gắng bao nhiêu đi chăng nữa… thực sự thì tất cả những nỗ lực của họ cũng không thể nào bù đắp được những gì mà ĐCSTQ đã tàn phá”, Peng nói.
Frank Lee cho biết: “Đối với nhiều người dân Trung Quốc đã và đang bị lừa dối bởi tuyên truyền của ĐCSTQ, chúng tôi cũng muốn sử dụng những vụ kiện này để cấp thêm một cơ hội nữa cho họ hiểu rõ Pháp Luân Công thực sự là gì. Đối với những người đã trực tiếp nhúng tay vào cuộc bức hại của ĐCSTQ chỉ vì lợi ích cá nhân hoặc dưới vỏ bọc là “chỉ làm theo mệnh lệnh”, thì chúng tôi muốn cung cấp cho họ một cơ hội để dừng ngay lập tức và phải bù đắp cho những thiệt hại mà họ đã gây ra. Chúng tôi muốn cho họ biết rằng họ đang bức hại những người vô tội, và muốn nhắc nhở họ rằng một ngày nào đó họ sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm cho những gì mà họ đã làm”.

‘Thắt cổ học viên Pháp Luân Công’

Ông Trương Huệ Đông, một cựu Giám đốc Điều hành ở Trung Quốc, đã thuật lại hành trình trốn thoát của mình từ Đại Liên, Trung Quốc sang Hoa Kỳ. Vào một buổi sáng tháng 8 năm 2001, cảnh sát đã đến nhà của ông chỉ vì ông đã tập luyện Pháp Luân Công, họ buộc một sợi dây thừng quanh cổ của ông, và thắt nó chặt đến nỗi ông bị ngất đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang bị còng tay và bị nhốt trong đồn cảnh sát Đại Liên, tại nơi đây, ông đã bị thẩm vấn và bị tra tấn.
Từ sau khi bị họ hành hạ, ông Trường đã bị tàn tật suốt đời, và thời gian đầu ông phải sử dụng xe lăn hoặc nạng để đi lại. Tuy nhiên, sau đó ông lại tiếp tục tập luyện Pháp Luân Công, và đã hồi phục khả năng đi lại của mình, mặc dù vẫn còn khó khăn.
Hai học viên sống tại khu vực Washington D.C, những người từng đã bị ngược đãi và tra tấn, đã viết ra những lời khai để làm bằng chứng gửi đến diễn đàn.
“Tôi đã bị bắt bất hợp pháp 4 lần sau khi xảy ra cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999”, bà Mã Xuân Mai, một học viên hiện đang sống ở Mỹ đã viết. “Tôi đã bị giam hơn 4 năm trong trại lao động Hắc Chủy Tử tại tỉnh Cát Lâm. Trong thời gian đó, tôi đã phải chịu đựng rất nhiều phương thức tra tấn như: tẩy não, lao động khổ sai, thiếu ngủ, và bị bức thực. Tôi gần như mất đi cả cuộc đời của tôi. Chồng tôi đã buộc phải ly dị với tôi. Tôi trở thành người vô gia cư ở Trung Quốc và đã tìm cách trốn thoát sang Thái Lan vào năm 2006. Hơn 10 người bạn của tôi đã bị giết chết trong cuộc đàn áp này.”
“Đối với nhiều người dân Trung Quốc đã và đang bị lừa dối bởi tuyên truyền của ĐCSTQ, chúng tôi cũng muốn sử dụng những vụ kiện này để cấp thêm một cơ hội nữa để họ hiểu rõ Pháp Luân Công thực sự là gì”
— Frank Lee, người phát ngôn của Hiệp hội Học viên Pháp Luân Đại Pháp ở thủ đô Washington.
Cô Vương Xuân Dung, từng là một kế toán viên và là Giám Đốc của một công ty kế toán, đã viết rằng cô đã bị bức hại về thể chất, tinh thần lẫn tài chính.
“Vì lên tiếng cho Pháp Luân Công nên tôi đã bị bắt 3 lần, và nhà tôi cũng bị họ lục soát đến 3 lần. Từ đồn cảnh sát, trại tạm giam, trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia cho đến trại giam phụ nữ tại tỉnh Liêu Ninh, tại bất cứ nơi đâu, họ cũng luôn bắt tôi đi, họ giam giữ và đối xử với tôi như là một tù nhân”, cô Vương đã viết.
“Việc gửi đơn kiện Giang Trạch Dân là một cơ hội giúp cho người dân Trung Quốc thoái xuất ĐCSTQ và có một tương lai tốt đẹp hơn. Để việc này đi đến hồi kết, tôi hy vọng rằng những người có lương tâm sẽ gửi nhiều đơn hơn để kiện Giang Trạch Dân và phơi bày cái cách mà Giang đã dùng ĐCSTQ để làm băng hoại đạo đức. Tôi hy vọng thông qua cách làm này, người dân Trung Quốc có thể khôi phục lại lòng tốt và bản tính lương thiện của họ, cũng như chào đón một ngày mai tươi sáng hơn.”
Ngụy Kinh Sinh, nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc rất nổi tiếng, “cha đẻ của nền dân chủ Trung Quốc”, và là người từng nhận rất nhiều giải thưởng nhân quyền, cũng đã có bài phát biểu thông qua phiên dịch. Tiến sĩ Charles Lee, phát ngôn viên của Trung Tâm Dịch Vụ Thoái Xuất ĐCSTQ Toàn cầu, cũng đã tham gia phát biểu trong sự kiện.
Chia sẻ bài viết này