Bài viết này là phần 4 trong loạt bài gồm 8 phần, tựa "Quyền lực bằng mọi giá"
(Luis Novaes/Epoch Times)
(Luis Novaes/Epoch Times)
Ngày tàn của Giang Trạch Dân đang đến gần. Vấn đề chính là lúc nào, chứ không phải là nếu như, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bị bắt. Giang chính thức lãnh đạo Trung Quốc trong hơn một thập kỷ, và thêm một thập kỷ đứng đằng sau chỉ đạo các sự kiện. Trong hai thập kỷ này, Giang đã làm hại Trung Quốc không kể xiết. Bây giờ thời đại của Giang đã đến hồi kết thúc, Đại Kỷ Nguyên công bố lại loạt bài “Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân,” lần đầu công bố phiên bản tiếng Anh năm 2011. Qua đó độc giả có thể hiểu rõ hơn về sự nghiệp của nhân vật then chốt đối với Trung Quốc hiện đại này.
(Đây là phần 2 của chương 1, để đọc phần 1, vui lòng click vào đây)

Lợi dụng thân phận ngụy tạo

Giang Trạch Dân không ngừng tìm cách thay đổi thân phận của mình: ông ta cảm thấy cần được xác nhận bởi Vương Giả Lan, người thím góa và là “dưỡng mẫu,” cùng gia đình bà. Giang nhận thức rằng, cần phải đầu tư về mặt vật chất cho họ, nên ông ta bắt đầu thường xuyên thăm viếng người thím. Tuy nhiên, Giang không bao giờ đến tay không, ông ta luôn mua quà để lấy lòng cả người mẹ lẫn các cô con gái. Con người ta có cảm xúc, dần dần tình cảm lớn lên, người ta có thể nhắm mắt làm ngơ. Hơn nữa, sự dối trá về thân phận của Giang chỉ có thể có lợi đối với Vương Giả Lan và gia đình bà.
Đối với Giang Trạch Dân, có được chứng nhận “con em liệt sỹ” trong hồ sơ cá nhân không phải là mục đích tối hậu. Thân phận ấy chỉ có được đôi chút lợi ích. Ông ta cần sự hậu thuẫn của các quan chức cao cấp nhằm thăng tiến trong sự nghiệp chính trị. Đó là nguyên nhân khiến Giang bắt đầu sưu tầm nghe ngóng những vị cán bộ cấp cao cùng hội cùng thuyền với Giang Thượng Thanh.
Quảng cáo
Năm 1982, Giang Trạch Dân lúc ấy là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý Xuất Nhập Khẩu Trung Quốc, đã vô tình nghe được Phó Tổng thư ký Quốc Vụ viện khi ấy là Trương Ái Bình, từng làm việc cho Đặc Ủy Đông Bắc tỉnh An Huy. Giang vô cùng phấn khích và tiến hành tìm hiểu những sở thích, đam mê của Trương Ái Bình. Khi Giang phát hiện ra Trương Ái Bình ham mê thư pháp, ông ta đã nảy ra một sáng kiến để lấy lòng Trương.
Có lần, vào cuối một cuộc họp, Trương Ái Bình nghe tiếng ai đó gọi đằng sau “Phó tổng thư ký Trương!” Ông ngoái đầu nhìn, hóa ra đó là Giang Trạch Dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý Xuất Nhập Khẩu. Trương đã gặp Giang đôi lần trong quan hệ công việc. Giang Trạch Dân vội vã bước đến và cẩn thận hỏi “Ngài còn nhớ Giang Thượng Thanh không?” Trương đáp lời “Tất nhiên ta biết, bọn ta đã từng là bạn tốt. Đáng tiếc là anh ấy mất sớm.” Giang biểu lộ vẻ mặt trầm ngâm, đề cao thanh điệu rồi  nói “Ông ấy là cha nuôi của tôi!” Trương Ái Bình đã vô cùng chấn động, ông ta được miêu tả là đã không nói nên lời.
Nguyên Trương Ái Bình thân cận với Giang Thượng Thanh trong cuộc Kháng chiến Chống Nhật; Giang được ĐCSTQ điều động đến làm việc cùng Trương tại Đặc Ủy Đông Bắc tỉnh An Huy. Năm 1939 Giang Thượng Thanh mất khi mới 28 tuổi, lúc ấy Trương Ái Bình 29 tuổi. Giang Trạch Dân biết được Trương Ái Bình giỏi thư pháp, viện lý do xây mộ mới cho Giang Thượng Thanh, đã xin bút tích của Trương để treo lên mộ phần. Mưu đồ này vừa khiến mẹ con Vương Giả Lan cảm động, nhưng sâu xa hơn đã thuyết phục Trương Ái Bình rằng Giang chính là “con nuôi” của người bạn quá cố.
Ai cũng biết Giang Trạch Dân có được cái ghế Thị trưởng Thượng Hải là nhờ Uông Đạo Hàm, điều này đương nhiên trực tiếp liên quan đến việc Giang tự xưng là con nuôi của Giang Thượng Thanh. Vào thời kỳ đầu cuộc Kháng chiến Chống Nhật, hay còn gọi là thời “Quốc Cộng hợp tác,” Giang Thượng Thanh là thượng cấp của Uông Đạo Hàm. Lúc đó, Giang Thượng Thanh, Đảng viên, phụ trách việc “thống chiến” [1] cùng chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương của Quốc Dân Đảng tại An Huy, có được sự tín nhiệm từ Thịnh Tử Cẩn, Tư lệnh Bảo an kiêm Chuyên viên Hành Chính Khu vực 6 tỉnh An Huy. Một trong những nhiệm vụ của Giang Thượng Thanh là liên lạc với một nhóm đặc vụ Trung Cộng từ Thượng Hải và Giang Tô đến đảm nhiệm các chức vụ cấp huyện cho Thịnh Tử Cẩn. Uông Đạo Hàm là một trong số đó.
Khi Giang Trạch Dân còn làm việc tại Công ty Ôtô số 1 tại thành phố Trường Xuân, Uông Đạo Hàm khi ấy là Bộ trưởng Thứ Nhất Công nghiệp Cơ giới. Sau khi Giang biết được mối quan hệ giữa Uông Đạo Hàm và Giang Thượng Thanh, ông ta tìm cách kết thân với Uông và gọi Uông là “ân sư.” Được Uông dìu dắt hỗ trợ, sự nghiệp chính trị của Giang rất thuận buồm xuôi gió. Ấy vậy mà khi đạt được địa vị tối cao, Giang đã về Thượng Hải thăm viếng tất cả những người đỡ đầu cho mình, ngoại trừ Uông Đạo Hàm. Thế cho nên người Thượng Hải nói Giang là “lương tâm chó gặm.”
Tuy nhiên Giang Trạch Dân không hề hài lòng với những mối quan hệ giả tạo cùng Uông Đạo Hàm và Trương Ái Bình. Ông ta không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để thăng tiến chốn quan trường.
Khi Triệu Tử Dương làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản, Giang Trạch Dân thấy mình hiếm có cơ hội để lấy lòng Triệu, nên Giang bắt đầu lối đi vòng để tiếp cận Triệu. Một phương cách là lân la với những thân tín của Triệu; trong đó có một chuyện đã được đàm tiếu cả Trung Nam Hải. Một cựu lãnh đạo Quân Ủy Trung Ương, thượng tướng Hồng Học Trí, là người Kim Trại tỉnh An Huy. Trước mặt Hồng, Giang đã chủ động nói rằng tổ tịch của mình cũng là người An Huy, như vậy là người “đồng hương.” Gặp gỡ những ai, nói những lời nào, sao cho có lợi đối với bản thân chính là đặc điểm lớn nhất của Giang Trạch Dân nơi quan trường.
Khi Giang Trạch Dân càng thăng tiến ở chốn quan trường, ông ta càng sợ hãi rằng thân phận thật sự sẽ bị tiết lộ. Ông ta không bao giờ nhắc đến người cha ruột, thậm chí hoàn toàn cố ý tránh gặp mặt chị em ruột nhằm che giấu quan hệ. Chị của Giang bị quy là “cánh hữu” trong thời kỳ chống cánh hữu của ĐCSTQ trong những năm 1950, bị trả về quê, cách chức, và sống với mức lương 8 NDT/tháng [2]. Lo sợ lý lịch gia đình bất hảo bị lật tẩy, Giang không mảy may quan tâm đến chị ruột của mình. Vậy mà theo như Kuhn, thời điểm ấy Giang trợ cấp cho 2 người em họ (con của Giang Thượng Thanh) mỗi người 10 NDT/tháng.
Sau khi Giang chuyển đến Trung Nam Hải, hai người em họ cứ như là “kê khuyển thăng thiên”. Trường Song Ngữ Thế Minh, nhận học sinh từ mẫu giáo đến trung học, là một trong những ngôi trường lớn nhất và có trang thiết bị tốt nhất tại Dương Châu. Trên danh nghĩa, trường này được bảo trợ bởi Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc, nhưng người chủ thật sự đứng đằng sau là Giang Trạch Linh, con gái đầu của Giang Thượng Thanh. Website chính thức của trường đăng lời đề tặng của Giang Trạch Dân. Có lần một ngân hàng, theo chỉ đạo của Giang Trạch Dân, đã cho Thai Triển – con trai của Giang Trạch Linh – vay vốn làm ăn mà không yêu cầu bất kỳ thế chấp nào hết.
Vô liêm sỉ hơn nữa là quá trình Giang Trạch Dân đưa Giang Trạch Huệ, con gái thứ hai của Giang Thượng Thanh, lên những chức vụ cao cấp. Theo báo cáo chính thức, Giang Trạch Huệ nhảy từ vị trí giảng viên trường Đại học Nông nghiệp An Huy sang làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhân dân tỉnh An Huy, Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy Đại học Nông nghiệp An Huy. Không lâu sau bà lại thăng vọt lên làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Lâm nghiệp Trung Quốc và là thành viên của Đảng ủy Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc. Những chức vụ khác bao gồm: Ủy viên Chính Hiệp Toàn Quốc; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân số, Tài nguyên và Môi trường; Thường Ủy viên Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc; Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Phổ cập Khoa học; Ủy viên Học vị Quốc vụ viện; Đồng Chủ nhiệm Hội Liên hiệp Quốc tế Trúc Đằng; Hội trưởng Hiệp hội Hoa Trung Quốc; Hội trưởng Hội Trúc Sản nghiệp Trung Quốc; và Chủ nhiệm Liên đoàn Lâm học Trung Quốc.
Khi Giang Thượng Thanh qua đời, 2 người con gái Giang Trạch Linh 3 tuổi và Giang Trạch Huệ 1 tuổi 4 tháng chỉ có hiểu biết mơ hồ về cha mình. Cả hai chị em đều hiểu rằng, không phải tất cả con em “liệt sỹ cách mạng” của Trung Cộng đều có thể leo lên được những địa vị cao trọng. Cha của họ, Giang Thượng Thanh, chu cấp cho họ rất ít, và sau khi ông mất cả hai phải sống trong cảnh đói khổ. Ngược lại, Giang Trạch Dân lợi dụng lai lịch của cha họ để tư lợi cá nhân, dùng nó để quan hệ với những quan chức cấp cao như Uông Đạo Hàm và Trương Ái Bình, rồi leo lên những nấc thang sự nghiệp và quay lại nâng đỡ họ. Nếu Giang Trạch Dân không sửa đổi xuất thân, hai chị em dù muốn cũng không thể mơ tới địa vị mà họ có được hôm nay. Cũng chỉ có người anh họ Giang Trạch Dân mới có thể tận dụng hết cái danh xưng “liệt sỹ cách mạng” của cha họ. Do đó hai người đều tự giác tự nguyện “tự cấm”, ở bất kỳ tình huống nào đều nói và làm theo những gì Giang Trạch Dân mong muốn.
Bất quá, con người ta thường lỡ miệng khi cao hứng. Có lần vài người bạn trò chuyện cùng Giang Trạch Huệ, có người nói “Cô thật là may mắn khi có ông anh như Giang Trạch Dân mới có được ngày hôm nay.” Giang Trạch Huệ bĩu môi đáp lời “Cô nhầm rồi. Là ông ta tốt số. Ông ta thăng tiến nhanh đến thế là nhờ có nhà tôi hậu thuẫn. Nếu không có gia đình tôi, ông ta đã bị liệt vào loại ‘hắc ngũ’ [3].” Có người cẩn thận hỏi “Chẳng phải mẹ cô nhận nuôi ông ta sao?” Giang Trạch Huệ mới nói “Lúc ấy nhà tôi quá khó khăn. Mẹ tôi đã từng hy vọng có người thân thích nhận nuôi 2 chị em tôi. Làm sao bà ấy dám nhận con nuôi cơ chứ? Hơn nữa, nhà ông ấy giàu, nhà tôi nghèo. Khi đó họ còn không thèm nhìn mặt nhà tôi. Chỉ là sau này có thay đổi, họ thấy có thể lợi dụng được chúng tôi… Vậy ai có lợi từ ai đây? Chúng tôi đều biết rõ.”
Chỉ cần xem lý lịch trích ngang của Giang Trạch Dân cũng sẽ thấy nhan nhản những điều mâu thuẫn. Để che đậy xuất thân gia đình Hán gian, Giang khai rằng ông ta tích cực tham gia “hoạt động cách mạng”, “nhiệt trung ái quốc” khi học tiểu học và trung học. Nhưng trên thực tế, với sự bồi dưỡng của phụ thân, Giang bận bịu với những thứ cầm kỳ thư họa. Đến khi học đại học, Giang cũng chẳng hề “ái quốc”, không theo học trường Đại học Trung Ương đã được di dời về phía tây Trung Quốc mà lại học ở trường Đại học Trung Ương của Ngụy quyền tại Nam Kinh. Giang biện hộ rằng ông ta làm thế là để “cứu Trung Quốc” thông qua con đường khoa học, muốn cứu quốc bằng con đường khoa học mà không để ý đến chính trị. Nhưng tuyên bố này lại hoàn toàn đối nghịch với cuốn hồi ký mới đây của Kuhn, trong đó viết rằng Giang nhiệt tình tham gia vào những hoạt động ngầm của Đảng Cộng sản tại trường học, sau đó kết nạp Đảng và trở thành phần tử hoạt động tích cực của Đảng tại Thượng Hải. Nhưng không thể nào kiểm chứng được liệu Giang Trạch Dân có tham gia vào hàng loạt những “sự kiện cách mạng” như lời khẳng định trong sách của Kuhn. Ví dụ như, cái gì là “cuộc biểu tình 23 tháng 6” được tổ chức bởi ĐCSTQ nhằm phản đối Tưởng Giới Thạch? Đó là vào ngày 23 tháng 6 năm 1946, Chu Ân Lai, Ngô Học Khiêm, Kiều Thạch và Tiền Kỳ Sâm lãnh đạo một cuộc diễu hành tại Thượng Hải, với hơn 5000 người từ khoảng 300 đơn vị và tổ chức. Nhưng cho đến tận bây giờ cũng không có sử liệu hay nhân chứng nào có thể chứng minh được Giang Trạch Dân, khi ấy với thân phận “Đảng viên ngầm”, đã tham gia diễu hành hay đảm nhận nhiệm vụ gì từ ĐCSTQ trong sự kiện này.
“Kinh nghiệm cách mạng” của Giang Trạch Dân đã được sáng tạo sao cho có lợi đối với ông ta nhất.
Quả là an bài của lịch sử, để cho tên hề có xuất thân chẳng mấy vẻ vang. Chính lịch sử đã để cho hắn vươn đến đỉnh cao quyền lực bằng sự lừa dối và ngụy tạo. Và như thế, đến lúc lịch sử đào thải hắn, cũng sẽ an bài để phơi bày tất cả các chi tiết xung quanh hắn và sự nghiệp của hắn, nhằm răn đe hậu nhân. Đó chính là Thiên Ý.
______________
Ghi chú:
[1] Một kiểu đồng minh chính trị tạm thời, có lợi cho mục tiêu của Trung Cộng. Trong lịch sử của mình, Trung Cộng nhiều lần sử dụng chiến thuật “thống chiến” tương tự.
[2] Khoảng 1 USD
[3] Chỉ 5 nhóm giai cấp bị Trung Cộng coi là hạ đẳng, đó là địa chủ, phú nông, phản động, phần tử xấu, và phái hữu. Đây là những nhóm mục tiêu tấn công của Trung Cộng trong những cuộc vận động chính trị.